Monday, April 30, 2012

Tình nghĩa Cha Con

image

PT. Nguyễn Mạnh San ngỏ lời chào mừng từ giã các vị Quan Tòa, các Quan Khách Đặc Biệt, các Luật Sư cộng tác và các Nhân Viên trong Ban Tham Mưu vào ngày 27-02-2012, để về hưu sau hơn 32 năm liên tục phục vụ trong Ngành Tư Pháp, tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, Oklahoma City với chức vụ Phụ Tá Trưởng Phòng Tố Tụng, đặc trách Luật Sư Đoàn Liên Bang và Nhập Tịch.

image

Chúng ta đang sống trong một quốc gia, quyền tự do, dân chủ, và quyền sống bình đẳng của con người, được chính quyền của 50 tiểu bang thuộc Hiệp Chủnh Quốc Hoa Kỳ tôn trọng, thi hành và bảo vệ triệt để bởi Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đôi khi vấn đề quyền tự do và quyền sống bình đẳng này, đã tạo ra sự xung khắc giữa vợ chồng với nhau hay giữa con cái với Cha Mẹ, chỉ vì nền văn hóa giáo dục và tập tục của xứ này hoàn toàn khác biệt với nền văn hóa giáo dục và tập quán của chúng ta ở quê nhà.  Ở đây chúng tôi chỉ xin được nêu lên vấn đề giáo dục con cái theo truyền thống "Tiên Học Lễ Hậu Học Văn" của người Việt Nam chúng ta xưa kia, như con cái phải tuyệt đối vâng lời Cha Mẹ dạy bảo, Cha Mẹ đặt con ngồi đâu thì con phải ngồi đấy, có còn thích hợp để áp dụng đối với con cái của chúng ta đang sinh trưởng ở trên đất Hoa Kỳ này nữa không?

image

Trước năm 1975 dưới thời Quốc Gia Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa hay trong suốt thời gian trước khi chế độ xã hội chủ nghĩa cộng sản Việt Nam vô thần ra đời, tất cả chúng ta từ lúc còn nhỏ tuổi sống trong gia đình cho đến tuổi cắp sách đến trường học, đều được giảng dạy môn Công Dân Giáo Dục, nên hầu hết tất cả chúng ta dù ở lứa tuổi nào cũng đều thuộc lòng câu:"Công Cha Như Núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ Như Nước Trong Nguồn Chảy Ra, Một Lòng Thờ Mẹ Kính Cha, Cho Tròn Chữ Hiếu Mới Là Đạo Con".

Câu châm ngôn đầy ý nghĩa sâu sắc cao đẹp trên đây, bây giờ đã bị lãng quên vào quá khứ, vì trên thực tế không còn thích hợp đối với nền giáo dục con cái ở Hoa Kỳ nữa và những bậc phụ huynh học sinh người Việt Nam chúng ta cần áp dụng câu "Nhập Gia Tùy Tục" vào đời sống hàng ngày, nên thay đổi cách đối xử và dạy dỗ con cái dưới tuổi vị thành niên, còn đang sống chung trong cùng một mái nhà với Cha Mẹ, để thích hợp với truyền thống giáo dục trẻ em, đang được thầy giáo, cô giáo dậy bảo hàng ngày ở trường học; hơn nữa là để giúp cho phụ huynh tránh khỏi bị phiền lụy đến một Đạo Luật Hoa Kỳ Bảo Vệ Trẻ Em, mà vô tình phụ huynh học sinh chúng ta có thể vi phạm luật này, bị truy tố ra Tòa và có thể bị lãnh án tù ở qua những câu chuyện xẩy ra, tại những thành phố có đông người Việt cư ngụ như sau:

image
Hình minh họa

Ông bà Phan có 2 người con gái, cô chị 15 tuổi và cô em 13 tuổi. Khi biết được cô chị có bạn trai và hay lén lút bỏ chốn nhà vào hai ngày cuối tuần, để đi chơi với bạn trai về nhà khuya. Mỗi lần ông biết trước được như vậy, là ông quyết tâm thức khuya, ngồi chờ đợi con về tới nhà, thay vì ông nên bình tĩnh, dùng những lời ngọt ngào khuyên bảo con gái không nên đi chơi khuya với bạn trai như thế, thì ông lại tức giận, chửi mắng con thậm tệ và dùng những lời đe dọa con, là ông sẽ từ bỏ không công nhận nó là con ông nữa và nếu nó còn tái phạm, ông sẽ đuổi nó ra khỏi nhà. Sở dĩ ông đe dọa nó như thế, chỉ vì lúc nào ông cũng lo sợ con gái ông lỡ dại dột mang bầu với người bạn trai của nó. Rồi một hôm ông còn đang làm việc ở sở, bà Phan gọi điện thoại báo cho ông biết, có 2 người đàn bà của Bộ Xã Hội đến nhà, trình thẻ hành sự cho bà xem và nói cho bà biết là họ thừa lênh cấp trên, đến dẫn đưa 2 cô con gái của bà đến tạm trú một thời gian tại nhà người em gái của chồng bà và chỉ có bà mới có quyền đến thăm con lúc nào cũng được, nhưng chồng bà không được quyền đến thăm chúng, mà chỉ được phép gọi điện thoại hỏi thăm chúng. Vừa nghe xong tin này, tức tốc ông bỏ sở trở về nhà, thì 2 đứa con gái ông đã rời khỏi nhà mất rồi và ông liền gọi điện thoại cho cô em gái ông, thì được xác nhận là chúng nó hiện đang có mặt tại đây. Rồi chỉ 2 tiếng đồng hồ sau, có 2 người cảnh sát đến gõ cửa vào nhà ông, trình cho ông xem trát Tòa, đến bắt ông vế tội mò mẫm tình dục trẻ em (Child Molestation), liền sau đó ông bị còng hai tay và ông được dẫn lên xe cảnh sát để đưa về trại tạm giam.

image
Hình minh họa

Vào tới trong trại tạm giam (Jail), một giới chức ở đây cho ông biết đứa con gái lớn 16 tuổi của ông đã tố cáo ông có hành động mò mẫm tình dục nó, vừa nghe tới đây làm tim ông như muốn ngừng đập. Ông bị giam giữ gần 4 tiềng đồng hồ trong trại tạm giam, chờ đợi vợ ông hoàn tất các thủ tục đóng tiền thế chân thì ông mới được trả tự do trở về nhà, chờ ngày trình diện Tòa xét xử.

Trường hợp của ông Phan trên đây, nếu nội vụ này xẩy ra ở tiểu bang Oklahoma, chiếu theo Bộ Luật Canh Cải mang số 12 của tiểu bang Oklahoma, điều 2414, quy định về tội phạm mò mẫm tình dục con nít (Child Molestation Offense) và nếu bị cáo (Defendant) với những bằng chứng phạm tội, có thể bị giam giữ trong tù từ 3 năm cho đến không quá 20 năm; ngoại trừ trường hợp nạn nhân dưới 12 tuổi nếu có bằng chứng hiển nhiên, thì bị cáo sẽ lãnh án tù từ 25 năm trở lên. Nhưng có một điều nên nhớ rằng, tất cả những hình phạt này chỉ áp dụng đối với bị cáo nào, ít nhất phải lớn hơn nạn nhân 3 tuổi. Trái lại nếu bị cáo nào dùng vũ lực uy hiếp hay có lời nói hăm dọa nạn nhân, thì bất kể bị cáo già hay trẻ, sẽ không  được miễn trừ những hình phạt nêu trên. Nếu bị cáo phạm tội lần thứ hai sẽ không được hưởng quy chế cắt giảm thời gian ở tù vì có hạnh kiểm tốt, không được hưởng án treo, hay không được hưởng thời gian tạm đình hoãn thi hành bản án. Nếu bị cáo phạm tội lần thứ ba sẽ bị lãnh án chung thân với điều kiện sẽ được hưởng thời gian tại ngoại, nếu có hạnh kiểm tốt trong thời gian ở tù (Life Term with Parole) hoặc lãnh án chung thân suốt đời ở trong tù cho đến khi chết (Life Term Without Parole).

image
 Hình minh họa

Sau hơn 32 năm liên tục phục vụ trong Ngành Tư Pháp Liên Bang Hoa Kỳ và song song trong cùng thời gian này, suốt 18 năm liên tục trong nhiệm vụ là một Tuyên Úy Trại Tù, từ cấp tiểu bang lên đến cấp liên bang, tôi đã được chứng kiến tận mắt và cố vấn tinh thần cho nhiều tù nhân, không phân biệt chủng tộc, phạm tội mò mẫm tình dục trẻ em, mà trong loại tội phạm này, có một số tội nhân là người Việt xẩy ra như sau:

Vụ thứ nhất: Bị cáo phạm tội mò mẫm tình dục con nít, nhưng nạn nhân không phải là con mình, mà là bạn của con gái mình, cùng học chung trường tiểu học và cùng học chung lớp với con gái mình. Vụ án này bị cáo lãnh 10 năm tù treo, phải đi tham dự khóa học tâm lý đặc biệt, kéo dài trong nhiều tháng và không được cư ngụ ở gần những nơi có trường mẫu giáo, trường tiểu học, những trung tâm trông giữ trẻ em ban ngày hay những tư gia hoặc chung cư có con nít cư ngụ, mà phải cư ngụ tại những khu vực do Giám Sát Viên ( Probation Officer) chỉ định.

image
Hình minh họa

Vụ thứ hai: Pham tội hiếp dâm con gái ruột của mình đã trên tuổi vị thành niên. Vụ án này có vài điều bí ẩn mà cá nhân tôi không thể hiểu nổi, vì tôi không có điều kiện pháp ly' để trực tiếp phỏng vấn nạn nhân, trong khi mỗi lần tôi đến thăm viếng phạm nhân trong tù, thì đương sự chỉ khóc lóc, rồi im lặng nghe tôi an ủi, chứ không trả lời chi tiết rõ ràng những điều mà tôi muốn biết sư thật của nội vụ.

image
Hình minh họa

Vụ thứ ba: Phạm nhân này có vợ 5 con còn nhỏ tuổi và người vợ ở nhà nhận trông (baby sit) thêm đứa bé gái 3 tuổi rưỡi cho người bạn thân của mình yêu cầu. Một hôm chị phải đi ra ngoài có chút việc cần khẩn cấp, nhờ chồng ở nhà trông dùm vài tiếng thay cho chị. Trong lúc chị chưa quay trở về nhà, thì em bé gái này đòi đi vệ sinh, anh chờ em bé này đi vệ sinh xong, anh liền rửa ráy cho em. Cách ít ngày sau có chuyện xích mích cãi lộn lớn giữa chồng chị với Cha của em bé nên chị từ chối, không chịu nhận trông em bé nữa. Người Cha của em bé liền nhờ luật sư truy tố chồng chị về tội mò mẫm em bé gái con anh ta, với giấy bác sĩ chứng nhận em bé bị rách màng trinh. Vu tranh tụng kéo dài gần 4 năm mới kết thúc và chồng chị bị kết án 10 năm tù, nhưng chỉ phải ở trong tù có 7 năm, 3 năm còn lại được tại ngoại vì hạnh kiểm tốt. Người vợ cho chúng tôi biết chồng chị là cựu tu sĩ từ hồi anh còn ở Việt Nam, anh là người chồng đạo đức, chung thủy và là một người Cha gương mẫu, đi làm về nhà chỉ biết dành hết thì giờ lo săn sóc cho 5 đứa con. Các người cùng làm việc chung với anh ở sở làm, cũng cho chúng tôi biết anh là người làm việc rất siêng năng, rất tốt với bạn bè.

image
Hình minh họa

Vụ thứ tư: Như chúng tôi vừa kể rõ hết chi tiết trong phần đầu trên đây của bài viết này. Nói tóm  lại, tội phạm mò mẫm tình dục con nít rất ít khi thấy xẩy ra trong cộng đồng người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ nói riêng. Trong câu chuyện này, theo như lời bà vợ của ông Phan cho chúng tôi biết, ông là một người chồng rất tốt, tính tình nghiêm nghị, đứng đắn và là một người Cha gương mẫu, nhưng đôi khi ông có thái độ hay lời nói hơi quá nghiêm khắc đối với con cái, trong những lúc như vậy, bà cũng không dám can thiệp vào cách thức dậy dỗ con cái của chồng bà vì biết ông rất nóng tính. Do đó, theo bà suy đoán, đứa con gái lớn nó tức giận vì Cha nó ngăn cấm, không cho nó được đi chơi khuya với bạn trai cuối tuần, nên nó trở thành thù ghét Cha nó, để bịa đặt chuyện bậy bạ, đem tố cáo với ông thầy dạy học nó ở trường, để ông thày nó báo cho cảnh sát biết đến nhà bắt giam Cha nó.

Trong khi chờ đợi ngày hầu Tòa, Luật sư của chồng bà cũng cho bà biết trước, là ông không cảm thấy lạc quan cho lắm trong nhiệm vụ bào chữa tội trạng cho chồng bà, để xin Tòa hãy đặc biệt cứu xét đến phong tục, tập quán, và lề lối giáo dục con cái khắt khe của người Việt Nam ở quê nhà nói riêng, và xin Tòa thương xét, ban đặc ân cho ông Phan được lãnh án tù treo. Nhưng có thể Tòa sẽ không cứu xét lý do nêu lên này, vì Tòa cho rằng chồng bà và cả gia đình bà đã sinh sống ở đây đã trên 7 năm qua, thì bị cáo đã có khá đủ thời gian, để thích nghi với đời sống mới và hiểu rõ luật pháp cũng như nền văn hóa giáo dục trẻ em tại Hoa Kỳ như thế nào rồi. Luật sư còn cho bà biết thêm, mặc dù bà sẵn sàng là một nhân chứng duy nhất, sống chung một nhà với bị cáo cùng với 2 con, để xác nhận trước Tòa về những hành vi đạo đức của bị cáo, nhưng vì sự liên hệ mật thiết của bà là vợ của bị cáo, do đó những lời minh chứng của bà sẽ không có giá trị về mặt pháp lý để bào chữa cho bị cáo, vì bị coi là nhằm mục đích bênh vực cho chồng mình, nên khó có thể giúp cho bị cáo được nhẹ tội.

image

Cách đây khoảng 1 năm, cũng có một vụ xẩy ra giữa tình Cha con với nhau, tương tự như câu chuyện trên đây. Nguyên do là cô con gái ông đang học lớp 12, chỉ còn vài tháng nữa là sẽ ra trường. Khổ một nỗi là con gái ông có bạn trai (boy friend) cùng học chung lớp, lại là người Mỹ da mầu, nên ông cấm chỉ không được đi chơi với nó, không được mang nó về nhà giới thiệu với bất cứ ai và cứ mỗi lần ông nghi ngờ con gái ông đi chơi với bạn trai, là ông cáu giận, chửi bới con ông ầm cửa ầm nhà, có khi vang qua cữa sổ sang tới nhà bên cạnh cũng nghe thấy tiếng ông chửi mắng con, nhưng những người ở nhà kế bên đều là người Mỹ, nên họ chẳng hiểu ông nói gì.

Trong khi đó, cứ vào 2 ngày cuối tuần, Thứ Bẩy và Chủ Nhật, ông thường mời mấy người bạn thân của ông, đến nhà ông đánh chắn suốt ngày, cho tới đêm khuya, một hai giờ sáng mới tan hàng và cứ mỗi ván bài ai thắng, đều bỏ riêng vài đồng, để chung góp lại cho bà xã của ông có tiền, đi chợ mua đồ ăn về nhà nấu cơm cho mọi người cùng ăn. Rồi một hôm, gần đêm khuya, bất thình lình có tiềng gõ cửa, bà xã của ông nhanh chân ra mở cửa, chưa kịp hỏi câu nào, thì 4 người mặc y phục cảnh sát bước nhanh chân tới chỗ bàn các ông đang đánh chắn, trên bàn có nhiều tiền mặt hiên hữu, chủ nhà chưa kịp cất giấu đi, một người cảnh sát vội vàng tịch thu tất cả số tiền trên bàn để làm tang chứng, còn 3 người cảnh sát kia lần lượt còng hai tay từng người một, rồi dẫn tất cả những người đánh bạc lên 3 xe cảnh sát đang đậu ở ngoài đường trước cửa nhà ông và bà xã của ông cũng bị còng hai tay đưa lên xe, tất cả đươc đưa về trại tạm giam. Tại đây một giới chức chính quyền cho biết, ông chủ nhà bị cáo buộc 3 tội danh (3 counts): 1. Tội tổ chức cờ bạc bất hợp pháp tại tư gia. 2. Tội cung cấp phương tiện cơ sở cho người đến chơi cờ bạc bất hơp pháp. 3. Tội đánh bạc bất hợp pháp. Riêng bà xã của ông chủ nhà chỉ bị cáo buộc 2 tội đồng lõa với chồng về tội danh số 1 và tội danh số 2, còn lại những người khác thì chỉ bị cáo buộc tội danh số 3 mà thôi. Qua một đêm tạm nghỉ mát (nơi đây có máy lạnh) trong trại tạm giam, sáng hôm sau tất cả mọi người được thả về nhà, chờ ngày trình diện Tòa, sau khi mọi người đã đóng đủ số tiền thế chân (Bail Bond).

image

Ít lâu sau, con gái ông thấy Mẹ buồn bã, làm nó cảm thấy hối hận trong lương tâm và thú tội với Mẹ là chính nó gọi điện thoại, tố giác với cảnh sát là Cha nó tổ chức đánh bạc ở nhà cuối tuần trong nhiều năm qua, vì nó tức giận Cha nó thường xuyên chửi mắng nó thậm tệ, đe dọa đuổi nó ra khỏi nhà, ngăn cấm nó không được đi chơi với bạn trai của nó. Lẽ dĩ nhiên, nghe con gái thú tội với bà xong, bà giữ kín chuyện này, không dám nói cho chồng biết sự thật, tốt hơn hết cứ để cho ông nghĩ sao thì nghĩ, vì ông là người rất nóng tính, lại thuộc lớp người bảo thủ, chỉ muốn duy trì hoàn toàn theo lối giáo dục con cái xưa kia ở Việt Nam trước năm 1975, khi còn thời chính phủ VNCH và trong thâm tâm bà cũng rất đồng ý với ông về lối giáo dục con cái xưa kia, rất hữu ích cho đời sống tốt đẹp tự lập của con cái trong tương lai, khi chúng đến tuổi trưởng thành, phải tự mưu sinh ngoài xã hội, nếu còn ở Việt Nam. Nhưng ngày nay đang sống trên đất khách quê người, bà thấy rằng lối giáo dục con cái xưa kia ở quê nhà, hoàn toàn không còn thích hợp đối với những điều mà con cái đang được thầy giáo cô giáo dạy bảo hàng ngày ở trường học. Chính vì thế mà chồng bà đã làm cho con gái mình tức giận Cha nó, để kêu cảnh sát đến nhà bắt giam Cha nó và Cha nó được tạm thời tại ngoại để chờ ngày ra hầu Tòa.

image

Những câu chuyện được kể lại trên đây, không ngoài mục đích duy nhất, là xin ghi chép lại những sự việc, thường xẩy ra trong cộng đồng người Việt chúng ta nói riêng, có liên hệ trực tiếp đến một số điều luật pháp thực dụng Hoa Kỳ, để chúng ta cùng nhau tìm hiểu và học hỏi thêm về mặt pháp lý, nhất là lưu ý đến luật pháp bảo vệ trẻ em ở xứ này, để chúng ta có thể phòng ngừa và có thể tránh được những sự phiền lụy đến pháp luật, tương tự như những câu chuyện vừa được kể trên, có thể xẩy đến cho chúng ta trong tương lai, không biết trước được, chứ chúng tôi không hề có ý định phê phán những hành động nào đúng hay sai của những nhân vật trong câu chuyện hoặc không hề có ý định bênh vực bất cứ một nhân vật nào trong những câu chuyện trên đây.



PT. Nguyễn Mạnh San

Vì sao Mỹ, Trung muốn ảnh hưởng VN?

image
Ba tàu Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng từ 23-27/4/2012

Hạ tuần tháng Tư năm 2012, trong vòng một tuần lễ, Việt Nam tiếp đón hai chuyến thăm của hải quân Trung Quốc với tàu huấn luyện Trịnh Hòa ghé thăm Sài Gòn ba ngày và hải quân Hoa Kỳ với chiến hạm USS Blue Ridge thuộc hạm đội Bảy ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng năm ngày.

image
 

Tàu Trịnh Hòa được coi là biểu tượng của sự trỗi dậy hòa bình ở Trung Quốc.

BBC Tiếng Việt đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và được chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học George Mason Hoa Kỳ cho biết nguyên nhân thực chất về bang giao đằng sau các cuộc trao đổi thăm viếng quân sự hải quân của hai cường quốc này ở Việt Nam.

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, chúng là những hoạt động có tính cách biểu tượng mà đằng sau là những chính sách quan trọng.

Cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đều muốn chứng tỏ Việt Nam có quan hệ tốt với họ và muốn tạo ảnh hưởng với Việt Nam. Theo tôi, Việt Nam miễn cưỡng trong quan hệ với Trung Quốc.

BBC: Tờ Hoàn Cầu thời Báo số ngày 25/4/2012 có bài viết “Không cần sợ Mỹ trên Biển Đông”, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc không chấp nhận bất cứ đề xuất chính trị nào có liên quan đến Biển Đông mà có sự tham dự của Washington, cũng như bất cứ vai trò trung gian nào mà Washington tìm kiếm giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, Giáo sư bình luận thế nào?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Tờ Hoàn cầu Thời báo là kênh nói lên tiếng nói của khuynh hướng diều hâu bên Trung Quốc.

Theo tôi, lập trường không muốn Mỹ đóng vai trò trung gian trong tranh chấp biển Đông là lập trường chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Nhưng quan niệm “không cần sợ Mỹ trên Biển Đông” không phản ánh sự suy nghĩ thực sự của lãnh đạo Trung Quốc.

image
Trung Quốc thường xuyên đưa các tàu hải giám ra Biển Đông mà họ gọi là Nam Sa

BBC: Cũng tờ này hôm 25/4 nói “Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc gây sức ép với Manila và Hà Nội do những lo ngại về Hoa Kỳ”, “Trung Quốc nên lựa chọn kẻ khiêu khích hung hăng nhất, tiến hành các cuộc tấn công toàn diện và gây sức ép về cả kinh tế, chính trị và quân sự." Kẻ thủ đó là ai? Và tại sao lập trường này lại được Trung Quốc tung ra lúc này, thời điểm trước đại hội Đảng 18 của họ? Phải chăng cánh quân sự trong Đảng muốn "lấy điểm"?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Gây sức ép với Manila và Hà Nội là việc Trung Quốc đã làm từ mấy năm nay. Nhất là trong mấy tháng gần đây.

Theo tôi, mục đích là để dò xem phản ứng của Philippines và Mỹ như thế nào để có thể lấn được chút nào hay chút ấy. Dù nhỏ nhưng cũng tạo ra một tiền lệ.

Nếu nói “khiêu khích và hung hăng nhất” lúc này đối với Trung Quốc phải là Philippines.

Nhưng đối tượng chính của Trung Quốc vẫn là Việt Nam vì Việt Nam không có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ như một số quốc gia Đông Nam Á khác.

Và nếu Việt Nam phải nhân nhượng thì các nước khác cũng phải nhân nhượng theo.

'Thực chất quan hệ'

BBC: Hôm 24/4/2012, Việt Nam phản đối Trung Quốc bắt giữ 21 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, tiếp đó lại phản đối “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc' của Trung Quốc bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, khi thăm TQ tháng này vẫn nói “phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp và bền vững với TQ luôn là chủ trương nhất quán và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của VN.” Liệu Việt Nam có thể có quan hệ tốt với TQ hay không, nhất là giữa lời nói và hành động của TQ thường có sự khác biệt?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Lãnh đạo Việt Nam nào sang Trung Quốc cũng đều phải nói rằng quan hệ hai bên tốt đẹp và Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Theo tôi, đó là những tuyên bố có tính cách công thức mà cả hai bên đều không tin.

Hành động cụ thể của hai bên mới phản ánh quan hệ song phương và quyền lợi riêng của mỗi nước.

image

BBC: Tranh chấp trên Biển Đông nói riêng, tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Việt - Trung nói chung thực chất ra sao? Liệu chúng có bị bất cứ bên nào, phe phái nào trong nội bộ của từng nước lợi dụng, hay thổi phồng, để tạo ra lợi thế chính trị giữa các phe nhóm nội bộ? Liệu có sự định hướng dẫn dắt chú ‎y’ dư luận ở trong nước nào hay không. Nếu là nguy cơ thực sự thì, mức độ, khả năng và phạm vi của mối nguy đó tới đâu?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Thực chất là xung đột quyền lực và quyền lợi giữa hai quốc gia.

Theo tôi, Trung Quốc muốn ép và lấn Việt Nam, muốn Việt Nam đi hẳn theo mình.

Trong khi đó, thì Việt Nam cố gắng cưỡng lại sức ép đó, được phần nào hay phần ấy, trong khung cảnh tương quan quyền lực giữa một nước láng giềng khổng lồ và một tiểu quốc.

image
Hoàn cầu thời báo nói Trung Quốc có đủ sức mạnh để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Bên Trung Quốc trong khi có những khó khăn nội bộ, những bất đồng giữa hàng ngũ lãnh đạo cao nhất, điển hình là sự kiện Bạc Hy Lai, trong giai đoạn chuyển giao quyền hành, và mặt niềm tin về ‎ ý thức hệ cộng sản, việc làm dễ nhất là khuyến khích tình cảm quốc gia quá khích.

Tình cảm này đang được phe diều hâu Trung Quốc khai thác.

Theo tôi, nếu chính sách khiêu khích và cứng rắn được áp dụng và nếu các nhà lãnh đạo chính trị không kiểm soát được, nó có thể gây ra những đụng độ nhỏ.

Và “cái xảy nảy ra cái ung”, nó có thể tạo ra những phản ứng dây chuyền đe dọa an ninh và ổn định ở Á Châu mà khó ai có thể lường được.

Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và ngày 30-4-75

image


Giữa cuộc sống xô bồ, với nền kinh tế thị trường tăng tốc, thật không ngờ chúng ta lại có thể bắt gặp những đôi tâm hồn lắng xuống dòng đời, vượt trên những thói lề, những xiềng xích của xã hội, đôi bạn trẻ hôn nhau nồng ấm trên đường phố Hà nội (ảnh của National Graphic 2-2011). Đôi bạn trẻ mạnh dạn tin tưởng vào tình yêu, lẽ sống, vào tương lai đất nước và cả thế giới chung quanh mình. Một cõi riêng tư giữa lòng Hà nội.

Thế-Hệ-Trẻ-Việt-Nam-Hôm-Nay lớn lên họ không phải chỉ biết tiếp thu một cách thụ động lười biếng những tư tưởng, quan điểm, kiến thức từ các tầng lớp cha ông. Họ có tư duy độc lập, năng động, được thiết lập từ những quan hệ xã hội với chính mình, từ những quan sát, nhận thức chính xác từ cuộc sống thực tế- Những công dân có tư duy độc lập khó có thể trở thành kẻ nô lệ của ý thức hệ của một chế độ hay đảng phái chính trị nào. Thế-Hệ-Trẻ Việt-Nam-Hôm-Nay có cách nhìn đổi mới về lịch sử

 Ngày 30-4-75, đối với họ, không hơn không kém một vết nhơ lịch sử cho cả dân tộc vì những tác hại không ngờ của nó: Sau ngày 30-4-75 người CSVN miền Bắc nhìn người miền Nam, nhân dân và quân đội, công, cán, chính, của Việt Nam Cộng Hòa như  là những kẻ thù cần phải  diệt tận rễ, nhổ tận gốc. Người công sản Việt Nam đã phản bội lại những người miền Nam đã từng công tác, giúp đỡ họ.  Họ phản bội lại chính những gì họ hứa trước ngày Thống Nhất đất nước. Họ áp dụng khắt khe mù quáng Chuyên Chính Vô Sản cai trị cả  3 miền đất nước: Bắc, Trung, Nam. Người CSVN sau ngày 30-4-75 đã có những bước đi phản bội lịch sử, dân tộc, giống nòi. Ngày 30-4-1975 là hệ quả của sự lệ thuộc vào ngoại bang của cả 2 miền đất nước, sự nô lệ của ý thức hệ chuyên chính vô sản sai lầm.

  Thế-Hệ-Trẻ-Việt-Nam-Hôm-Nay không muốn nhìn thấy vết nhơ ấy nữa. Họ quyết tâm đẩy nó vào bóng tối của lịch sử vĩnh viễn.  Thế-Hệ-Trẻ-Việt-Nam-Hôm-Nay tiếp thu, hấp thụ hàng ngày, hằng giờ, họ có những nhận định chân chính về những biến động không ngừng diễn ra chung quanh họ hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

image
Hôn nhau giữa phố Hà nội.

Với họ, Thế giới đã đổi thay.  Nhân loại không còn bị phân chia ra hai chiến tuyến, đối đầu như trong thế giới lưỡng cực trước năm 1975: Tư bản và Cộng sản. Từ một cơ chế lưỡng phân, đối đầu, chia đôi, quyết liệt đấu tranh một mất một còn. Thế giới hôm nay là một Thế giới không có bạn bè trường cửu cũng như không có kẻ thù trường cửu, chỉ có quyền lợi quốc gia là trường cửu.

  Đó là Thế Giới Toàn Cầu Hóa của thời hiện tại, thời mà chúng ta đang sống. Thế giới Toàn Cầu Hóa là  một Thế giới mở, hòa nhập, công sinh, một Thế giới không có kẻ thù, không có hận thù phi lí, phi dân tộc, phi nhân loại. Hơn 140 quốc gia trong Thế Giới Toàn Cầu Hóa hiện tại, là những những đối tác làm ăn, tin tưởng lẫn nhau, tự do cạnh tranh trong tinh thần bình đẳng, phát triển kinh tế cùng nhau hưởng thụ sư phồn vinh của quốc gia do chính mình làm ra.

Thế-Hệ-Trẻ-ViệtNam-Hôm-Nay có cái nhìn đổi mới về cá nhân. Họ hoàn toàn chối bỏ quan điểm cá nhân hay con người chủ yếu chỉ là những phương tiện để xây dựng môt quốc gia hùng mạnh và phồn vinh. Bên cạnh những ràng buộc với xã hội, với tổ quốc, Thế -Hệ-Trẻ-ViệtNam-Hôm-Nay còn có cõi riêng tư của họ. Cõi riêng tư này mới thật là cõi của con người, cõi của tri giác và những tình cảm đích thực, có hạnh phúc, có khổ đau đan xen với hy vọng, đợi chờ  nuối tiếc- Cõi của trái tim và bộ óc. Hoàn toàn có tính cách cá nhân, không có chế độ nào có thể xâm phạm vào cõi riêng tư này của mỗi cá nhân, của mỗi con

Thế-Hệ-Trẻ-Việt-Nam-Hôm-Nay là kẻ đến sau, Họ phải nhìn xa hơn các bậc đến trước. Ngoài việc bảo tồn di sản của cha ông, của tiền nhân, họ còn có bổn phận đổi mới. Di sản của tiền nhân là những kinh nghiệm quí báu vô cùng, song không phải không có những lỗi lầm: những dị đoan, mê tín, những tín điều, những giáo điều, những ý thức hệ sai lầm, cuồn tín phi dân tộc… Họ thay đổi tầm nhìn về ngày 30-4-75. Họ coi đó như di sản từ những lỗi lầm, từ những ngộ nhận, hệ quả của một thời lệ thuộc ngoại bang. Họ mạnh dạn rũ bỏ vết nhơ ấy của lịch sử để cùng nhân loại tiến về phía trước

image


Thế-Hệ-Trẻ-Việt-Nam-Hôm-Nay nhận chân giá trị đích thực của lịch sử. Lịch sử của con người không phải chỉ có sanh ra, lớn lên già khổ đau rồi chết. Lịch sử của con người là từ sự sống đến sư sống, triền miên nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua mọi thời đại của dân tộc và nhân loại. Lich sử của dân tộc, của nhân loại là lịch sử của sự sống, của cuộc sống, lịch sử của những đổi thay không ngừng, khi trầm khi bổng, nhưng luôn luôn trong một hướng đi về phía trước.

Trong ý nghĩa lớn của lịch sử, tất cả nhân loại phải được nhận chân như một con người- Dân tộc Việt Nam là một…con người- Sống mãi và tiến mãi…/.


Đào Như

Ơn đời chứa chan

image


Tuổi già, buổi sáng thức dậy, nghe gân cốt đau rêm mà mừng, vì biết mình còn sống.  Đại ý viết như vậy, trong một cuốn sách Mỹ mà ông Tư đọc được, làm ông thấm thía cái hạnh phúc lâng lâng của từng sớm mai khi vừa tỉnh giấc. Bạn bè cùng trang lứa với ông, nhiều người đã về với Diêm Vương khi còn trẻ măng, vì cuộc tương tàn khốc liệt dài ngày trên quê hương. Nhiều người khác gục ngã trong trại tù vì đói khát, bệnh tật, mồ hoang vùi cạn. Một số khác nữa, vì khao khát tự do mà chôn thân dưới đáy biển, hoặc chết khô giữa rừng sâu. Không ít người còn lại, tử thần cũng đã đón mời vì bạo bệnh, khi tuổi năm sáu mươi. Phần ông vẫn còn dai dẳng sống sót cũng là ân huệ trời ban, không vui hưởng tháng ngày, cũng uổng lắm sao!

image

Ý nghĩ đó làm ông mỉm cười sung sướng. Ông vẫn trùm thân trong chăn ấm. Tội chi mà dậy sớm cho mệt. Mỗi khi nghe tiếng khởi động máy xe từ hàng xóm vọng qua trong buổi tinh sương, ông càng vui sướng hơn, vì không còn phải vùng dậy giữa đêm đen, lặn lội đi kiếm cơm hàng ngày như mấy gã trẻ tuổi ở cạnh nhà. Về hưu rồi, mỗi tuần hưởng bảy ngày chủ nhật, bảy ngày thảnh thơi. Hết áp lực của công việc hàng ngày, không phải lo lắng bị thất nghiệp khi kinh tế khủng hoảng xuống dốc. Khoẻ re.

Cứ nằm trùm chăn ấm nghe nhạc mềm văng vẳng ru đưa, phát ra từ cái radio nhỏ, có khi ông chợp thêm được một giấc ngủ ngắn ngon lành. Ngủ chán thì dậy. Bước xuống giường, dù khớp xương sưng đau, đi khập khễnh ông cũng thầm cám ơn cái chân chưa liệt, còn lê lết được. Chưa phải nằm dán lưng vào giường như một số người bất hạnh khác. Những kẻ này mà nhích được vài bước cà thọt như ông, thì chắc họ cũng sướng rân người.  Ông thầm bảo, có thêm được một ngày để sống, để vui, để yêu đời.  Bệnh hoạn chút chút, thì phải mừng, chứ đừng có nhăn nhó than vãn ỉ ôi.

image

Mỗi khi đánh răng rửa mặt, ông lầm thầm: “Mình sướng như vua rồi, có nước máy tinh khiết để dùng. Giờ nầy, cả thế giới, có hơn một tỉ người thiếu nước để nấu ăn, để tắm giặt và nhiều tỉ người khác không có nước sạch, phải uống nước dơ bẩn.” Dù cái bàn chải đánh răng đang ngọ ngoạy trong hàm, ông cũng ư ử hát ca. Khi áp cái khăn tẩm đầy nước lên mặt, ông cảm được cái mát lạnh và niềm sung sướng chứa chan đang lan tỏa chạy khắp người. Ông biết đang được ân sủng của trời đất ban cho trong tuổi già. Ông cứ nhớ mãi thời đi tù Cộng Sản, mỗi ngày chỉ có được một lon nước chừng một lít, để rửa ráy tắm giặt. Chừng đó thôi, mà cũng xong việc. Khi ấy, thấm cái khăn ướt lau khắp người, nghe mát rượi, đã đời, và khi còn lại một phần nước cặn đen ngòm dưới đáy lon, cầm đổ lên đỉnh đầu, sướng đến rên lên được.

Ngồi lên cái bồn cầu êm ái, nhà cầu sạch sẽ, trắng toát, thơm tho, không vướng một chút mùi vị hôi hám, đèn đóm lại sáng trưng, có nhạc văng vẳng từ radio, ông cầm cuốn sách thưởng thức chữ nghĩa của “thánh hiền”, tư tưởng của Đông Tây.  Không bao giờ ông quên cùng giờ phút nầy, có hơn ba tỉ nhân loại không có cầu tiêu để làm cái chuyện khoái lạc thứ tư. Có người phải ra đồng lồng lộng gió, mà làm chuyện “nhất quận công, nhì ị đồng”. Phải gấp gấp cho xong chuyện, không nhẩn nha được, vì hai tay phải múa lia lịa hất ra đàng sau, để xua đuồi lũ ruồi đồng đang vo ve “oanh tạc”. Xong việc, may mắn lắm thì có lá chuối khô mà lau chùi, còn không thì dùng đất cày, đá cục, nắm cỏ, que nhánh cây tươi, khô. Ông cứ nhớ thời làm việc ở quận lị, chỉ có nhà tiêu lộ thiên, hai tấm ván bắt ngang qua một hầm cầu lộ thiên, nắng xông hơi phân người lên nóng hừng hực rát cả mặt, bên dưới giòi bọ lúc nhúc lổm nhổm làm thành một tấm màn trắng-ngà chuyển động. Có con gà ở đáy hầm, nó đang thưởng thức ngon lành món giòi bọ, thấy ông xuất hiện bất thần, sợ hãi  hoảng hốt đập cánh bay lên kêu quang quác  và vung vãi ‘ám khí’ khắp trong không gian, làm ông cũng khiếp viá, ôm đầu phóng chạy dài. Nghĩ đến chừng đó thôi là ông đủ cảm được cái sung sướng đang có ngay bây giờ. Ngồi thật lâu, đọc cho xong mấy trang sách, mới nhởn nhơ rời phòng.

image
Hình minh họa

Ông Tư tự đãi một bình trà nóng, một ly cà phê thơm, rồi nấu nồi cháo gạo tẻ đặc rền ăn với cá kho mặn.  Dọn ra bàn, đèn vàng soi một khoảng ấm cúng. Ông thong thả vừa hớp nhâm nhi, vừa ăn từng muỗng cháo, chất gạo béo tạo vị giác đi qua trong cổ họng. Ông lầm thầm:“Ngon, cao lương mỹ vị cũng không bằng”. Ông thường ngâm nga hai câu thơ :

“Vợ cũ, chó già, tô cháo nóng.
Ba nguồn thân thiết dạt dào thương”.

Mắt ông dán vào trang thơ đang cầm trên tay, gật gù thưởng thức ý lời hoa gấm. Ông trầm mình vào những giòng thơ, tim xao xuyến xúc động mênh mang. Thỉnh thoảng ông dừng lại, và nói nhỏ cho chính ông nghe: “Tiên trên trời cũng chỉ sướng và thong dong như thế này là cùng”. Ông nhớ đến cái thời “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”, buổi sáng bụng đói meo, vác cuốc đi làm lao động tay chân nặng nhọc, ráng uống một bát nước lã để cầm hơi và đánh lừa cái bụng đang sôi sồn sột. Bây giờ được như thế nầy, phải biết cám ơn ân sủng của trời ban cho. Biết bao nhiêu tỉ người trên thế giới này mơ ước được có một buổi sáng thảnh thơi và no ấm như ông mà không được nhỉ?

Nhìn xuyên qua cửa phòng ngủ, ông thấy bà vợ nằm ngủ giấc yên bình, lòng ông dạt dào niềm thương. Bà đã cùng ông mấy mươi năm dắt dìu nhau trong phong ba bão táp của giòng đời nghiệt ngã. Đã chia sẻ ngọt ngào cũng như đắng cay của một thời khói lửa điên đảo. Giờ này, may mắn vẫn còn có nhau trong cuộc đời, thương yêu thắm thiết, nhường nhịn nâng đỡ chăm sóc ngày đêm. Không như những cặp vợ chồng già khác, cứ lục đục gây gỗ nhau, tranh thắng thua từng li từng tí, làm mất hạnh phúc gia đình. Ông thương bà biết an phận thủ thường, không đứng núi ầy trông qua núi nọ. Ông thấy bà hiền lành và có trái tim đẹp như thánh nữ. Ông muốn vào phòng, hôn bà lên trán, nhưng ngại làm vợ mất giấc ngủ ngon buổi sáng. Ông lại cám ơn trời đã đem bà buộc vào đời ông. Ông cười và nhớ câu nói của một nhà văn nào đó: “Đời sống không thể thiếu đàn bà, nhưng sống được với một người đàn bà không phải dễ.”

image
Hình minh họa

Ông Tư ra vườn. một mảnh đất nhỏ trồng vài cây hoa, hương thơm thoang thoảng, có tiếng chim kêu đâu đó líu lo vọng lại. Mấy đoá hoa sặc sỡ còn đọng sương đêm lóng lánh. Nắng mai ấm áp phả lên da thịt ông, tạo thành một cảm giác dịu dàng, êm ái. Ông vươn vai, xoay người trong thế thể dục chậm, xương sống được thư giãn kêu răng rắc, đã đời. Hít thở và phất tay chừng mười lăm phút cho máu huyết lưu thông. Loại thể dục nầy đã giúp ông bớt được những cảm mạo thông thường, ông tin vậy.

image
Hình minh họa

Ông Tư thay áo quần để đi ra đường. Cầm cái áo lành lặn bằng vải tốt trên tay, ông thường nhớ đến thời đi tù, khâu bao cát làm áo, rách tả tơi, không đủ che gió lạnh thấu xương của núi rừng. Thế mà cũng có nhiều tù nhân khéo tay và nghịch ngợm, khâu bao cát thành bộ đồ lớn, đủ ba mảnh, và làm luôn cả cái “cà vạt”, mang vào trông cũng sang trọng như đi ăn đám cưới. Nhớ lại thời đó mà rùng mình. Còn sống sót, và đến được đất nước tự do này, cũng là một điều mầu nhiệm lạ lùng.  Ông Tư đi ra đường, xe cộ vùn vụt qua lại liên miên. Lề đường rộng, phẳng phiu, sạch sẽ. Bên kia là giao điểm của hai xa lộ, các nhánh cầu cao đan uốn éo chồng chất lên nhau, vòng vèo trên không, như những nùi rối. Ông Tư thầm cám ơn tiền nhân đã đổ sức lực, mồ hôi, tài nguyên khai phá và xây dựng nên những tiện nghi nầy cho ông nhảy xổm vào hưởng dụng, mà không ai có một lời ganh ghét, tị hiềm. 

Ông, từ một trong những nước lạc hậu nhất của hành tinh nầy, bị chính quyền cuả xứ ông bạc đãi, kỳ thị, kềm cặp và lấy hết các tự do cơ bản. Đến đất nước này, ông được bình đẳng, có công ăn việc làm hợp với khả năng, con cái ông được đến trường, học hành thành tài, có nghề nghiệp vững chắc và sống với mức trung lưu. Ông cảm thấy còn nợ quê hương mới nầy quá nhiều thứ, từ tinh thần đến vật chất, mà biết không bao giờ trả lại được một phần nhỏ nào. Ông Tư vừa đi bộ vừa ca hát nho nhỏ.

image
Hình minh họa

Một người cảnh sát cao lớn dềnh dàng đi ngược đường chào ông, ông chào lại bằng lời cám ơn đã giữ gìn an ninh cho dân chúng sinh sống. Người cảnh sát cười và nói đó là bổn phận, vì lương bổng của ông ấy được trả bằng thuế của dân chúng, trong đó có ông. Ông Tư thấy trong lòng bình an, ông không làm điều gì phạm pháp, thì không sợ ai cả. Ông đọc trong báo, thấy có những xứ, dù không làm gì sai quấy cả, cũng bị cảnh sát giao thông chận lại đòi tiền, nếu không cho tiền, thì bị quy kết đủ thứ tội mà mình không có.
Nắng chiếu hoe vàng cả dãy phố của một ngày thu, ông Tư bước đi mà lòng rộn rã. Gặp ai cũng chào, cười vui vẻ. Nghe ông chào hỏi nồng nhiệt, mọi người đều vui theo. Thấy một ông cụ mặt mày đăm đăm rầu rĩ đi ngược đường, ông Tư lớn tiếng:

“Chào cụ? Có mạnh khỏe không? Hôm nay trời nắng đẹp quá!” Ông cụ trả lời qua loa: “Tàm tạm, chưa chết! Chán cái mớ đời.” Ông Tư nói to: “Việc chi mà chán đời cho mệt cụ ơi. Chưa chết là vui lắm rồi. Cụ có biết là chúng ta đang sung sướng phước hạnh, tội chi phí phạm thời gian để buồn nản?” Ông cụ thở dài: “Ai cũng có nhiều việc âu lo! Đời đâu có giản dị! À, nầy, mà hình như ông đau chân, bước đi không được bình thường? Thế thì vui nỗi gì? ” Ông Tư cười lớn: “Vâng, tôi đau chân, nhờ đau chân mà tôi thấy được niềm vui hôm nay lớn hơn, vì còn đi được, bước được, chứ chưa phải nằm nhà. Cụ ơi, nếu lo âu mà giải quyết được những khó khăn, thì nên lo. Nhưng nếu lo âu, mà không giải quyết chi được, thì hãy vui lên, cho đỡ phí phạm ngày tháng trời cho” Ông cụ già lắc đầu bỏ đi.

image
Hình minh họa

Ông Tư xà vào ngồi trên ghế đá mát lạnh của công viên dưới tàng cây có bóng nắng lung linh. Nhìn bọn trẻ con chơi đùa la hét lăn lộn trên bãi cát, ông vui lây với cái hồn nhiên của chúng. Bên kia đồi cỏ, có đôi nam nữ nằm dưới gốc cây, kê đầu lên tay nhau, tóc đổ dài óng ánh, thỉnh thoảng vang tiếng cười rúc rích. Đất nước nầy ấm no và thanh bình quá, sao có nhiều người còn kêu ca đời sống khó khăn? Phải chăng những kẻ này chưa biết an phận, muốn được nhiều hơn điều đang có, đang đủ. Không thấy được phước hạnh là lỗi tại họ. Ông dong tay bắt vài tấm lá rơi đang quay cuồng trong gió và lấy bút ghi lên mặt lá mấy giòng thơ vừa thoáng qua trong trí để ca ngợi cuộc đời. Thấy bãi cỏ êm mát, ông nằm dài, những vòng tròn sáng màu vàng rải rắc trên mgười ông. Gió hiu hiu mát từ hồ nước vờn qua làm mơn trớn thịt da. Ông Tư rút từ túi quần một cuốn sách nhỏ có nhan đề “14 ngàn điều làm nên hạnh phúc”. Tác giả tập sách nhỏ nầy, thấy đâu đâu cũng là hạnh phúc tràn đầy. Vấn đề là cảm nhận được cái sung sướng, cái hạnh phúc đang có. Từ việc đặt chân lên một tấm thảm mềm êm ái, đến việc cắn một trái ngọt chín mọng trong miệng, đến mơ mộng được hát trên bục một hộp đêm, nghe một lời nói dịu dàng yêu thương…

Hạnh phúc và sung sướng cảm nhận được từ những điều rất nhỏ nhặt, đơn sơ, tầm thường nhất trong sinh hoạt hàng  ngày. Không cần phải là ôm chặt người yêu trong vòng tay, cũng chẳng phải vật nhau lăn lộn trên giường, cũng không cần đến việc cầm trong tay cái vé số trúng độc đắc, hoặc làm chủ được một tòa lâu đài sang trọng… Ông nghĩ, chắc sẽ có người cho tác giả tập sách nầy là kẻ “lạc quan tếu”. Nhưng thà lạc quan tếu hơn là bi quan. 

Đời nầy, có nhiều người đắm mình trong hạnh phúc, mà cứ tưởng đang ngụp lặn trong bể khổ. Hoặc đang được phước hạnh mà không biết và xem thường, chỉ khi mất đi, hay đã trôi qua, mới biết, thì đã quá muộn màng.
Nắng đã xông hơi nồng nóng, ông Tư đón chuyến xe buýt ra về. Cái vé xe cho người già rẻ rề, chỉ bằng một phần ba vé bình thường. Ông nói lời cám ơn tài xế, và thấy mang ơn những người cùng đi xe công cộng nầy, vì xem như họ đã gián tiếp gánh một phần tiền vé cho ông.

image
Hình minh họa

Về nhà, bà Tư đã dọn sẵn cơm trưa, mời ông rửa ráy cho sạch sẽ mà ra ăn. Thấy ly nước chanh muối, ông cầm uống, chất nước ngọt ngào mằn mặn chua chua, ngon lành đi qua cổ họng. Ông nhìn vợ với ánh mắt thương yêu và nói lời cám ơn cho bà vui. Chưa ăn, mà thấy bát canh bông bí nấu tôm đã biết ngon. Những món ăn thanh đạm này, với ông, còn ngon hơn sơn hào hải vị.
Ăn xong, còn chút cơm thừa, bà Tư bỏ vào chén, cất vô tủ lạnh, không dám đổ đi, vì sợ phí phạm của trời. Bà nhắc câu nói của ông: “Ngay giờ khắc nầy, trên thế giới có hơn năm trăm triệu người đang đói rã, không có một miếng gì đề ăn, và có hơn vài tỉ người ăn chưa no bụng, và nhiều tỉ người khác quần quật ngày đêm, cũng chỉ mong có đủ no mà thôi.” Đã từng đói, nên ông bà không dám phí phạm thức ăn.

Ông Tư mừng vì ăn còn thấy ngon miệng, không như một số người khác, ăn gì cũng như nhai đất sét, không muốn nuốt, vì nhạt miệng, mất vị giác. Một số người khác còn tệ hại hơn nữa, họ không còn ăn bằng miệng được, mà ăn bằng bụng, nhờ ống dẫn thức ăn nối với dạ dày, như đổ xăng cho xe hơi.

Ông Tư ngồi vào bàn mở máy vi tính lướt mau tin tức thế giới biến động. Đôi khi thấy gía thị trường chứng khoán tụt dốc xuống thấp, làm nhiều nhà bình luận lo ngại. Nhưng ông Tư cười, ông chẳng thèm để ý, không cần quan ngại chi cả. Chứng khoán lên hay xuống, cũng thế thôi. Ông có lo ngại hay quan tâm cũng chẳng thay đổi được gì. Với số tiền hưu khiêm tốn, và cách ăn tiêu trong khả năng tài chánh, ông bà Tư chưa bao giờ thấy thiếu thốn cái gì. Có một ông bạn khoe rằng nay đã thành triệu phú. Bà Tư đùa và hỏi, triệu phú thì khác người không là triệu phú cái gì? Ông bạn lúng túng ấp úng không biết phải trả lời ra sao. Nhưng ông bà Tư chắc chắn rằng, họ ít tiền, nhưng được sung sướng, đầy đủ  hơn nhiều người giàu triệu phú khác.

image

Ông Tư rà mắt qua các tin tức và các biến cố mới nhất. Thật là tuyệt diệu và thần kỳ. Chuyện vừa xảy trong giờ trước, đã được tường thuật ngay. Dạo một vòng tin tức xong, ông quay qua mở vi-thư của bạn bè. Có những người bạn xa cách hàng ngàn dặm, mấy chục năm nay chưa gặp lại nhau, mà thư từ qua lại liên miên, tưởng như gần gũi trong gang tấc. Tha hồ hàn huyên tâm sự. Tình cảm qua lại thân thiết chứa chan. Nhờ máy vi-tính, khi viết, tha hồ bôi xoá tẩy sửa lung tung, mà không cần phải xé tờ nầy, viết lại tờ kia, vô cùng tiện lợi. Thư viết xong, chỉ cần một cái nhấp con chuột, bạn ông nhận được ngay tức thì. Không cần phải nhờ bưu điện chuyển đi có khi cả tuần mới đến. Hàng chục lá thư của bạn bè khắp nơi trên thế giới chuyển đến ông đủ điều hay, lạ, nhiều bài thuốc hiệu nghiệm, trăm bản nhạc du dương, ngàn hình ảnh tuyệt vời của các thắng cảnh thiên nhiên, các đoạn phim ngắn đủ thể loại của nhiều vấn đề khác nhau. Ông cám ơn khoa học kỹ thuật tiến bộ, đem thế giới mênh mông lại gần gũi trong không gian và cả thời gian.

Mỗi khi nghe tin một người già bệnh hoạn qua đời, ông Tư mừng cho họ thoát được thời gian đau yếu sống không chất lượng. Nhiều người nằm liệt vài ba năm, không sống, không chết. Còn có những kẻ phải cưa tay cưa chân. Ông vẫn thường mong sau này, nếu được chết, thì chết mau chóng, yên lành, khỏi qua thời gian bệnh hoạn lâu ngày.
Có một bạn già mỉa mai, cho ông Tư là “kẻ tự sướng” ông chỉ cười và nói : “Thà tự sướng hơn là tự khổ”

image
Hình minh họa

Ông Tư thường nghĩ rằng, ông đã và đang được quá nhiều phước hạnh của trời ban, nhiều ân nghĩa của nhân loại, xã hội, nhiều tình thương của gia đình, bạn bè, người quen và cả chưa quen. Ông thấy sung sướng hạnh phúc. Ông tội nghiệp cho những người suốt đời than van, nắng không ưa, mưa không chịu, và tự bôi đen ngày tháng đẹp đẽ của họ, và dìm đời vào bất mãn, khổ đau./.


Tràm Cà Mau

Huỳnh Thục Vy: Viết cho Tháng Tư

image


Huỳnh Thục Vy - Tôi sinh trưởng sau năm 1975 và gia đình tôi không có liên quan gì nhiều đến cả hai phía trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì thế mối tương quan tình cảm của tôi với những sự kiện lịch sử và hoàn cảnh chính trị xã hội trong cuộc chiến hầu như rất ít nếu không muốn nói là không có. Những gì ít ỏi mà tôi được hiểu biết về nó chỉ đơn thuần là kiến thức. Đứng trong vị thế đó, tôi tạm thời có thể yên tâm rằng lập trường của tôi, và những gì tôi nói ra sau đây sẽ được hiểu một cách thiện chí và không bị gán ghép hay chụp mũ. Tôi không sợ bị chụp mũ, nhưng thiết nghĩ điều đó cùng với những nguỵ biện không có lợi cho sự tiến bộ.


image

Gần đây, tôi tình cờ đọc được một nhận xét của tướng William Childs Westmoreland- Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam- về tướng Võ Nguyên Giáp của quân đội Bắc Việt như sau: "Of course, he was a formidable adversary.... By his own admission, by early 1969, I think, he had lost, what, a half million soldiers? He reported this. Now such a disregard for human life may make a formidable adversary, but it does not make a military genius...". Xin được tạm dịch là: "Dĩ nhiên, ông ta là một đối thủ (kẻ thù) ghê gớm....Với sự thừa nhận của chính ông ta, đến đầu năm 1969, tôi nghĩ, ông ta đã mất nửa triệu lính? Ông ta đã báo cáo điều này. Hiện tại, một sự coi thường mạng người như thế có lẽ sẽ tạo nên một đối thủ (kẻ thù) ghê gớm, nhưng nó không tạo nên một thiên tài quân sự...."

Dù chúng ta là ai, đứng bên nào của cuộc chiến, chúng ta cũng phải đồng ý với Westmoreland rằng, một chiến thắng quân sự dựa trên chiến thuật đẫm máu, coi thường sinh mạng binh sĩ chỉ có thể tạo nên một kẻ thù nguy hiểm chứ không tạo nên một thiên tài quân sự như nhiều người vẫn rêu rao. Câu nói này của viên tướng Hoa Kỳ làm tôi suy nghĩ rất nhiều về sự "nguy hiểm" của những người Cộng sản Việt Nam. Họ nguy hiểm bởi họ là những người luôn hành động theo phương châm"mục đích biện minh cho phương tiện", nghĩa là bất chấp mọi thứ, miễn đạt được mục đích. Đối với tôi, nó không chỉ là lời nhận xét về tướng Giáp mà là một câu nói nêu bật lên bản chất của những người Cộng sản Bắc Việt, và cả chế độ mà họ dựng nên. Và những việc họ đã làm suốt từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam đến nay, từ việc "trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ" đến gần đây nhất là vụ cướp đất của nông dân đã chứng minh tất cả.

image
    
Một kẻ đối địch ghê gớm có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất, đó là một kẻ thù đáng gờm, là đối thủ khó đánh bại vì có mãnh lực vũ trang, có chiến lược, chiến thuật hành động khôn ngoan... Nhưng khi nhìn xoáy vào chữ "formidable" mà Westmoreland đã dùng, tôi chú ý nhiều đến nghĩa "arousing fear" (gợi nên sự sợ hãi) . Với nghĩa này, nó gần giống với "terrorise" (làm cho sợ hãi). Mà làm cho người khác sợ hãi có nghĩa là "khủng bố". Chúng ta có thể hiểu theo hai cách về một "đối thủ ghê gớm" như tôi đã tạm phân tích ở trên. Nhưng biết đâu, cách hiểu thứ hai mới là điều mà ông tướng Mỹ kia ngụ ý? Xin hãy cho tôi tiếp tục trình bày mà tạm quên đi những mối thành kiến nào đó có thể đang dâng lên trong lòng quý vị.

Khi căn cứ vào những dữ kiện lịch sử- những điều không thể chối bỏ, những điều đã được trải nghiệm bằng chính xương máu của những người đã kinh qua cuộc chiến ấy- chúng ta sẽ có cái nhìn tường minh hơn. Riêng phần mình, với kiến thức ít ỏi về chiến tranh Việt Nam, tôi đã có thể tìm thấy những hình ảnh có khả năng "làm cho sợ hãi" của quân đội Bắc Việt qua nhiều biến cố như Tết Mậu Thân, và các "trận đánh" của đội Biệt động Sài Gòn như: "trận đánh" tàu nhà hàng Mỹ Cảnh, "trận đánh" cư xá Brinks...; và chưa kể đến những câu chuyện ghê gớm mà tôi từng được nghe những người già kể lại về vô số những "trận đánh" như thế vào trường học, khu dân cư, cầu cống....Đến nỗi, khi nghe nói quân đội Cộng sản Bắc Việt sắp vào đến ngã ba Cai Lang, thành phố Đà Nẵng, những người dân sống ở Đà Nẵng khi đó đã run cầm cập vì nghe tin đồn rằng người Cộng sản mà vào họ sẽ rút hết móng tay móng chân người dân. Đó có thể là điều sợ hãi thái quá, nhưng nó cho chúng ta thấy khả năng gieo rắc sợ hãi đến trình độ đỉnh cao của những người tự xưng là "quân giải phóng".

image

Những ai đọc lịch sử, những ai có đủ lương tâm và tầm tri thức trung bình, đều thấy rằng, những cái mà quân đội Bắc Việt và những người "nằm vùng" gọi là "trận đánh" gây nhiều tiếng vang đều không nhằm vào những mục tiêu trên tiền tuyến, để giành chiến thắng quân sự trực tiếp mà đánh vào những nơi ăn chốn ở cốt để gây sợ hãi. Gây sợ hãi cho người dân nhằm làm xáo trộn xã hội, gây sợ hãi đánh vào tâm lý Quốc hội và dư luận Mỹ.... Ngày nay, ai đi qua đường Hai Bà Trưng, đều nhìn thấy "Bia chiến công trận đánh cư xá Brinks". Cái mà người ta gọi là trận đánh thực ra là một cuộc đánh bom một nơi ở của cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam do hai thành viên Biệt Động Sài Gòn thực hiện. Điều mà họ gọi là "trận đánh" sao tôi thấy nó hao hao giống cách làm của những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, chỉ khác một chỗ là họ không tự sát. Đối với thế giới ngày nay, những kẻ đánh bom như thế thật sự là những kẻ "nguy hiểm", "ghê gớm".

Ngoài cái cách thể hiện "formidable" như trên, quân đội Bắc Việt còn khiến người ta sợ hãi hơn gấp bội vì sự coi thường tính mạng binh sĩ của họ. Thông thường, con người sợ hãi những kẻ thù tấn công mình một cách tàn ác, nhưng người ta sẽ kinh hoàng đến rợn người khi biết về những hành động coi tính mạng của người phe mình như cỏ rác, cốt chỉ nhằm đạt được mục đích của kẻ chỉ huy. Người Cộng sản đã lấy chính nghĩa chống giặc ngoại xâm để lừa dối, tuyên truyền, kích động hàng triệu Thanh niên miền Bắc lao vào cuộc chiến như con thiêu thân. Chúng ta được nghe nói rất nhiều về những tấm gương đầy nhiệt huyết và sự hy sinh anh dũng của những người trẻ tuổi mới chập chững vào đời. Đối với những cái chết đó, tôi không có bất cứ tình cảm tích cực nào ngoài sự thương tiếc. Cả một thế hệ người đã bị lừa gạt vì không nhận chân được bản chất của chế độ, của cái chủ thuyết mà nó rêu rao. Âu tất cả cũng chỉ là những sản phẩm lịch sử của một thời đại!

image

Để rồi sau cái ngày "thống nhất" ấy là những chuyến vượt biên vượt biển của hàng trăm ngàn người, và đã có cả hàng ngàn người phải bỏ xác ngoài biển khơi; là những năm tháng bao cấp, đói khổ đến cùng cực; đến nay đỡ đói khổ một chút, nhưng dân Việt ta vẫn chưa thoát khỏi thân phận làm thuê, ở đợ cho thiên hạ; đặc biệt vẫn còn cam chịu làm thần dân phục tùng các ông vua Cộng sản. Thế nhưng bất chấp cái thực tế đau buồn ấy, nhiều ngụy biện về thống nhất, về "công lao chống Mỹ cứu nước của Đảng" vẫn tồn tại ngay cả trong lớp người "có học" ở Việt Nam.

Thiết nghĩ một sự hy sinh chỉ nên có và đáng được ngợi ca khi đánh đổi với nó là một giá trị to lớn hơn. Bằng lập trường đề cao cá nhân, tôi cho rằng, mọi ý niệm: thống nhất, giải phóng dân tộc, kẻ thù...phải được đặt trong mối tương quan của chúng với những giá trị an sinh hạnh phúc thực sự của người dân. Suy cho cùng, mọi thứ bao gồm: thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chính trị...chỉ là những phương tiện để đạt đến những giá trị nhân bản, để bảo vệ và phục vụ con người. Mọi định chế, mọi nỗ lực chính trị và xã hội đều nhằm vào cái đích đến quan trọng nhất của nó là CON NGƯỜI. Nếu mục đích cuối cùng ấy không đạt được thì mọi phương tiện kia chỉ là mưu đồ của kẻ lãnh đạo. Thật điên rồ thay cho những kẻ luôn hô hào "mục đích biện minh cho phương tiện". Chúng ta biết rằng, việc đánh giá tính chính đáng của phương tiện tuỳ thuộc vào mối tương quan về bản chất của nó đối với mục tiêu. Nói rõ hơn, chúng ta không thể dùng một phương tiện phi nhân để giành lấy một mục tiêu nhân bản.

image

Kết quả là, "sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước" đã không khiến Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn, dân tộc ta trở nên kiêu hãnh hơn; mà đơn giản chỉ là biến một miền Nam trước "giải phóng" hơn hẳn Hàn Quốc, sau gần bốn mươi năm thống nhất, cùng với cả nước lẹt đẹt chạy theo sau cả Thái Lan. Nếu ta lấy cứu cánh là sự phồn thịnh của quốc gia, là an sinh hạnh phúc, là tự do nhân phẩm của mỗi một người dân làm chuẩn thì liệu sự thống nhất ấy có nghĩa lý gì?

Đó là khi vấn đề được đặt dưới lăng kính lý luận. Còn thực tế thì mọi sự đã quá rõ ràng. Cái mà người ta gọi là "kháng chiến chống Mỹ cứu nước" ấy thực chất chỉ là để giúp Trung Quốc "đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng". Hay như Lê Duẩn từng nói :XHC "ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước , cho cả nhân loại". Nói cho rõ ra, đó là cuộc chiến giúp cho chủ nghĩa Cộng sản bành trướng xuống Đông Nam Á theo tinh thần Quốc tế Cộng sản bất chấp tinh thần dân tộc, là giúp cho Trung Cộng dễ dàng Hán hoá một Việt Nam suy yếu sau cuộc chiến tương tàn khốc liệt.

Đã ba mươi bảy năm trôi qua kể từ ngày "giải phóng", giải phóng miền Nam khỏi mối quan hệ đồng minh với Mỹ để trở thành chư hầu hèn mọn của Trung Cộng. Sự thống nhất, sự giải phóng đó mới đau đớn làm sao! Gần bốn thập niên đã qua đi, dấu vết chiến tranh trên mảnh đất quê hương Việt Nam đã dần phai nhạt, nhưng những tổn thương của lòng người vẫn còn hằn sâu, thậm chí ngày càng sâu hơn. Thống nhất hai vùng địa lý nhưng vẫn vắng bóng một sự Hoà hợp trong tình tự dân tộc. Vết thương cũ do cuộc tiến chiếm miền Nam chưa kịp lành thì chúng ta lại có thêm những chia cắt mới : chia cắt giữa một bên là một nhóm người cam phận làm tay sai cho ngoại bang, với một bên là những con người yêu nước không khoan nhượng; chia cắt giữa một phía là nhóm người lãnh đạo Quốc gia cùng những kẻ ăn theo cố gắng bám giữ ngôi vị độc tài để tiếp tục nô lệ hoá người dân, với một phía là những người đấu tranh và chấp nhận hy sinh cho tự do và phẩm giá con người. Tôi vẫn nghĩ rằng, một con người trở nên dũng mãnh nhờ có ý chí. Một dân tộc trở nên hùng mạnh, cũng như vậy, phần nhiều dựa vào tinh thần và khí chất. Nhưng tinh thần và khí chất ấy chẳng thể có được nếu dân tộc ấy chia rẽ. Chính sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự Hoà hợp dân tộc có thể góp phần giúp chúng ta tạo lập một mãnh lực mới cho dân tộc.

image

Chỉ e Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bỏ lỡ những chuyến tàu thời đại nếu trong lòng dân tộc còn có những chia cắt chí mạng như thế. Nhưng thiết tưởng, sự Hoà hợp có khả năng xoá bỏ mọi ngăn cách, hàn gắn mọi vết thương, mang mọi người Việt về trong cùng một chí nguyện chỉ có thể đạt được trên tinh thần Hoà giải thiện chí, trên quyền lợi dân tộc và trên những nguyên tắc hướng thiện chứ không phải là sự thoả hiệp với cái xấu ác. Chỉ e những người Cộng sản Việt Nam quá u mê và tham lam để khởi động một chương trình Hoà hợp, Hoà giải và thay đổi chính trị đầy tham vọng như thế. Chỉ e những người Cộng sản chẳng thể làm nổi những gì mà nhà cầm quyền độc tài Miến Điện đã làm. Chỉ e.... Bởi đến hôm nay, họ vẫn một lòng một dạ coi mối quan hệ với Trung cộng là "chủ trương nhất quán", là "ưu tiên hàng đầu" như lời Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam đã tuyên bố mới đây tại Bắc Kinh.

image

Mỗi năm tháng Tư về, bao nhiêu lễ lạt, đình đám vẫn diễn ra bất chấp mối hoài niệm về quá khứ vẫn nặng trĩu trong lòng nhiều người Việt, bất chấp mối ưu tư về tương lai đất nước vẫn canh cánh trong lòng những người có tâm huyết với đất nước. Những con người có lương tâm và tự trọng không bao giờ vui sướng được trong nỗi thống khổ to lớn ấy của dân tộc. Thử hỏi xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống trong cuộc chiến chỉ để tạo nên một Việt Nam thống nhất trong chia rẽ, thống nhất trong sự Hán hoá, thống nhất trong sự mất tự do và quyền làm người hay sao? Ba mươi tháng Tư- xin cầu nguyện cho tự do và nhân phẩm, cho sự Hoà hợp dân tộc và nền công lý.



Huỳnh Thục Vy
Sài Gòn, ngày 20 tháng 4 năm 2012


image

image

image