Pages

Thursday, July 4, 2013

Vì sao nảy sinh bạo lực trong xã hội?

image

Nạn bạo hành trong xã hội đang có chiều hướng phức tạp và khó lường trong xã hội ngày nay ở Việt Nam, theo ý kiến của nhà nghiên cứu từ nước này.

Bạo lực cũng đến từ nhiều hướng, và đáng lo ngại, tệ nạn này xuất hiện cả ở trong hành vi được cho là lạm dụng của lực lượng thi hành công vụ, như cảnh sát, an ninh, và còn thể hiện qua các phản kháng đám đông khó lường.

image
Trước hết, ý kiến chuyên gia khẳng định bạo hành diễn ra ở nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong bạo hành ở gia đình mà đang tiến diễn ra cộng đồng và xã hội như một hiện tượng khá rõ ràng.
"Bạo lực có cả ở những nơi như những người vi phạm pháp luật bị đánh hoặc đánh người khác, trong những quan hệ xã hội phức tạp của những thanh niên vi phạm pháp, hoặc ở những người vào trong những trại tập trung, họ cũng có thể xảy ra những xung đột hoặc bị đánh đập," theo ông Lê Ngọc Bảo, nhà nghiên cứu về bạo hành ở tổ chức phi chính phủ Child Fund ở Việt Nam.

image
"Mấy năm gần đây xã hội đã quan tâm nhiều hơn, nên cũng xuất hiện các hiện tượng này ở trên báo chí hơn.
"Trong quá khứ đã có các vụ tương tự rồi..., gần đây do mạng lưới truyền thông lan nhanh hơn và báo chí đi sát hơn, nên nó lan được các thông tin, tuyên truyền ra nhanh hơn, nên nhiều người biết đến hơn, chứ không phải trong quá khứ không có."

Nạn bạo lực có thể xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng theo các nhà nghiên cứu và can thiệp cộng đồng, bạo hành đang diễn ra tinh vi hơn ở trong môi trường gia đình, bên cạnh các nguyên nhân truyền thống hơn.

Bà Lê Thị Thủy, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Gia đình từ Hà Nội nói với BBC hôm 04/7:
"Về bạo hành trong gia đình, những hình thức về bạo lực thân thể đối với phụ nữ không hẳn nhiều như trước, nhưng những hình thức về bạo lực về tinh thần, về tâm lý không có biểu hiện để xã hội có thể nhìn nhận, thì trên thực tế vẫn còn."

image
Tuy nhiên theo bà Thủy, các vấn đề bạo lực nói chung, đặc biệt là bạo hành trong gia đình cũng có chiều hướng được kiểm soát thuận lợi hơn, nhờ việc Nhà nước mở ra những hành lang pháp lý để cộng đồng và xã hội giám sát, phòng chống tốt hơn:
"Kể từ khi luật phòng chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua, các thông tin liên quan tới bạo lực gia đình được nhìn nhận một cách cởi mở hơn.
"Những người là nạn nhân của bạo lực cũng mạnh dạn hơn để lên tiếng, và báo chí cũng có điều kiện để tiếp cận và đăng tải những thông tin về vấn đề bạo hành gia đình một cách rộng rãi. Còn nguyên nhân gốc rễ vẫn là vấn đề bất bình đẳng giới."

'Xu thế đáng ngại'

image
Các vụ bạo hành trong gia đình hoặc đối với người làm công nay được báo chí Việt Nam nói đến nhiều hơn trước"
Bạo hành tuy vậy có vẻ vẫn chưa được kiểm soát đồng đều ở các khu vực dân cư, cộng đống, như nhà nghiên cứu từ Child Fund đưa ra quan sát hôm 04/7.
"Bạo lực hiện tại xảy ra trong một số các gia đình ở các khu vực chưa được phát triển tốt về kinh tế.
"Đặc biệt là vẫn có những truyền thống cũ là các ông bố hay uống rượu, sau khi họ say, họ có thể không kiểm soát tốt được các hành vi. Vì vậy có những mâu thuẫn, dẫn đến đánh đập vợ con.
"Ngoài ra báo chí gần đây cũng đưa tin những người chủ đánh đập những người làm thuê, đó cũng là những vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm và phải giải quyết."
Ở góc độ học đường, và với lứa tuổi vị thành niên, ông Lê Ngọc Bảo lưu ý một hiện tượng bạo lực đang trở thành xu thế đáng ngại.
"Về bạo lực giữa giới học sinh, các em bây giờ đã học cái trào lưu mới qua việc quay phim để đăng lên mạng khoe thành tích đánh được bạn, cái này có xu hướng tăng so với một vài năm gần đây,
"Giới học sinh cấp ba thường xuyên có những hành vi là các em cho rằng mình phải xuất sắc hơn các bạn.
"Ở thời điểm nào đó các em có thể nghĩ như thế, ngay cả trong các vụ đánh bạn, hay lột quần áo bạn để quay phim rồi đăng lên website, thể hiện bản lĩnh của mình, thì đó cũng là một vấn đề trong xã hội cần phải giải quyết ở Việt Nam.

image
Nạn nhân bạo lực trong giới cổ động viên bóng đá ở Việt Nam

Trên truyền thông nhà nước cũng xuất hiện những tin bài về các vụ cảnh sát được cho là bạo hành với người dân, với nhiều trường hợp người dân bị câu lưu ở các đồn công an, trụ sở cảnh sát, bị thiệt mạng hoặc bị thương tích trầm trọng trong thời gian bị công an bắt giữ.

Mạng xã hội cũng loan tải những tin tức cần được kiểm chứng thêm trong đó cáo buộc cảnh sát, an ninh mặc thường phục tấn công người dân, nhất là những người xuống đường phản đối, các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền, hay các trường hợp dân oan.
Nhiều vụ bạo lực từ ngành công an, an ninh được cho là diễn ra có chủ đích và mang tính hệ thống, nhiều diễn biến được cho là mang tính dọa dẫm, trừng phạt, khủng bố và sách nhiễu, dẫn đến sự 'bức xúc' nhất định trong cộng đồng.

image
Trong một bài báo mới đây trên World Politics Review, học giả Adam Fford từ Đại học Victoria của Úc cho rằng Việt Nam ngày càng có chiều hướng "công an trị."
Trong bài viết hôm 2/7 trên tạp chí này, Giáo Fford có vẻ muốn đưa ra một giải thích mà theo ông có thể sự thiếu vắng uy quyền chính trị đã buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải dùng tới lực lượng an ninh.
Về vấn đề này, nhà văn Võ Thị Hảo, trong một bài đã viết trên BBC nêu quan điểm:
"Bắt cóc, xử lén, truy bức, đó là ngôn từ mà người ta đã dùng để mô tả cách hành xử của nhiều vị trong giới hành pháp và tư pháp trong những năm gần đây.
"Đó là việc bắt người như bắt cóc, xử người như xử lén, mở chiến dịch bôi nhọ, hãm hại họ và truy bức ngay cả gia đình nạn nhân bị oan ức. Điều đó hoàn toàn trái với Hiến pháp Việt Nam, gây những bản oan án chấn động thế giới."

image
Ở góc độ khác, các hành vi có tính bạo lực được thấy còn lan vào cả những mô thức giải quyết xung đột như trong tranh chấp đất đai, tài nguyên, hoặc trong các sinh hoạt đời sống thường nhật từ xung đột giao thông cho tới xung đột giữa chính quyền với người dân, nơi mà bạo lực có thể đến từ nhiều phía:

Trong một trao đổi từ trước với BBC, Tiến sỹ Lê Bạch Dương, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nhận xét:
"Gần đây những bức xúc xã hội càng ngày càng gia tăng và niềm tin cũng suy giảm ở trong người dân.
image
Trước đây chưa từng thấy những hiện tượng như người dân chống lại người thi hành công vụ đánh lại cảnh sát, lao xe vào cảnh sát.
Ông Dương cảnh báo: "Tất cả những cái đó không phải là những hành động mang tính tự nhiên mà có.

"Những cái đó bắt đầu trở nên những hiện tượng lặp đi lặp lại, chưa dám nói là phổ biến...
"Nhưng nó thể hiện sự bức xúc của người dân. Và niềm tin vào bộ máy nhà nước có thể bảo vệ người dân hay thực thi luật pháp cho đúng đã bị suy giảm, nên người ta mới có những hành động như vậy."

image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.