Thursday, June 20, 2013

Không dễ chặn Facebook ở VN như TQ

image
Người ta thường hay so sánh Việt Nam với Trung Quốc. Về phương diện nào đó, sự giống nhau cũng khá rõ rệt.

Các triều đại Trung Quốc đã đô hộ Việt Nam 1.000 năm. Người Việt ăn mừng Tết Âm lịch và tên của họ cũng có cội nguồn từ tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên ở thế giới mạng và công nghệ, mọi thứ hoàn toàn khác.
Ở Châu Á, có bốn nước cộng sản: Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Bắc Hàn. Lào và Bắc Hàn nhỏ đến nỗi họ không có tên trên bản đồ công nghệ (mặc dù Bắc Hàn đã bắt đầu sử dụng internet trên thiết bị di động). Như vậy là chỉ còn Trung Quốc và Việt Nam.
Ở Trung Quốc, các dịch vụ như Baidu, Tencent và Sina Weibo là những gã khổng lồ trên thị trường công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Ở Việt Nam, Google và Facebook lại đứng đầu, trong khi Twitter không bị chặn.

Chuyện gì đã xảy ra?

Công cụ tìm kiếm

image
CocCoc có tham vọng chiếm nhiều thị phần Việt Nam
Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào dịch vụ tìm kiếm Google từ năm 2010. Dịch vụ này thường xuyên không thể sử dụng được, mặc dù không bị chặn hoàn toàn. Nguyên nhân cho điều này là do chủ trương của chính phủ Trung Quốc muốn kiểm soát nội dung mà người dân có thể tiếp cận.
Chính phủ nước này cũng được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cho sự thành công của Baidu và Sina Weibo, hai dịch vụ thế chân Google và Facebook/Twitter.
Ngày nay, Baidu có trung bình khoảng 5 tỷ lượt tìm kiếm một ngày, trong khi Google có khoảng 100 tỷ một tháng.
Tuy nhiên Google lại không xâm nhập sâu vào được Trung Quốc (dù vẫn là công cụ tìm kiếm xếp thứ 5 tại đây), điều này giúp Baidu gần như chiếm được thế độc quyền tại thị trường lớn nhất trên thế giới.

image
Ở Việt Nam, Google.com.vn là trang tìm kiếm lớn nhất, đứng thứ ba là Google.com. Việt Nam cũng có một số công cụ tìm kiếm được phát triển trong nước như Wada.vn và CocCoc, tuy nhiên những dịch vụ này khó lòng cạnh tranh nổi với Google.
Google bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam từ giữa năm 2000. Youtube hiện nay cũng là một trong những trang web được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam.
Điều thú vị về Việt Nam là Google chưa bao giờ thực sự mở một văn phòng ở đây. Google đã chậm rãi tiến vào thị trường Việt Nam, giá trị của dịch vụ này được đánh giá bởi người sử dụng và từ đó nó từ từ leo lên thống trị thị trường.

Nếu như bây giờ Google bị chặn ở Việt Nam, điều này sẽ tạo một hố đen khổng lồ trên thế giới mạng.
Đây là xu hướng ở Việt Nam: Để cho các dịch vụ thâm nhập, xem thử chúng gây nguy hại về chính trị thế nào, rồi sau đó nhận ra đã quá trễ để ngăn chặn chúng. Mạng xã hội phức tạp hơn một chút, nhưng có thể áp dụng cùng quy tắc.

'Không chặn kịp'

image
Việt Nam đã để cho Facebook thâm nhập và phát triển cho đến khi quá trễ để có thể ngăn chặn"
Trung Quốc bắt đầu chặn Facebook vào năm 2008 và Twitter vào năm 2009. Ở Trung Quốc, rất khó để có thể vượt qua Vạn Lý ... Tường Lửa, vì thế người sử dụng mạng tại đây phải chuyển sang sử dụng các dịch vụ mạng xã hội trong nước như Sina Weibo.
Nếu không bị chặn, liệu Facebook có thể thành công ở Trung Quốc? Đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Dịch vụ Renren ở Trung Quốc vẫn thịnh hành hơn Facebook ngay cả trước khi Facebook bị chặn tại đây.

Tuy nhiên, nếu Facebook không bị chặn ở Trung Quốc, Zuckerberg có lẽ đã mở văn phòng ở đó và hưởng mức doanh thu mà Weibo đang kiếm được. Ngày nay, Sina Weibo có khoảng 500 triệu người sử dụng, cao hơn con số 200 triệu của Twitter và thấp hơn con số 1 tỷ của Facebook.
Việt Nam bắt đầu chặn Facebook từ năm 2009. Tuy nhiên các biện pháp chặn vẫn khá bình thường. Hầu hết người dùng mạng đều có thể lên Facebook bằng cách chỉnh sửa DNS hoặc sử dụng HotSpotShield mà không gặp vấn đề gì.

image
Đây chính là lý do mà chúng ta thấy tăng trưởng vượt bậc của Facebook ở Việt Nam, với lượng người sử dụng tăng gấp đôi chỉ trong một năm. Việt Nam hiện là một trong những nước có người sử dụng Facebook tăng nhanh nhất thế giới. Facebook cũng đã vượt mặt Zing để trở thành trang mạng xã hội thịnh hành nhất trong nước.
Việt Nam đã để cho Facebook thâm nhập và phát triển cho đến khi quá trễ để có thể ngăn chặn. Gần đây, một nguồn tin nói với tôi số người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã có thể lên khoảng 15-20 triệu người.

image
Nếu chính phủ quyết định chặn Facebook vào thời điểm này, đây là thảm họa với người dùng mạng trong nước. Hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam có trang web trên Facebook và đang sử dụng dịch vụ quảng cáo của công ty này.
Mặc dù việc chặn Facebook đang gia tăng theo làn sóng chính trị, điều này chỉ có một tác dụng duy nhất: Khiến người dân biết rõ về chủ trương kiểm duyệt thông tin của chính quyền, hơn là ngăn chặn họ dùng Facebook.
Cho đến ngày nay, cách thức ngăn chặn vẫn rất sơ sài và vì thế, Việt Nam đã tránh được việc phải xây dựng một Weibo của riêng mình.

Khó cạnh tranh

image
Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu nội địa mạnh như Sina Weibo của Trung Quốc.
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng cộng sản, cả hai có khái niệm chính trị khá khác nhau về internet.

Trung Quốc xem internet là chiến trường, là mỏ vàng, và là mối đe dọa sự ổn định xã hội. Trung Quốc vẫn là biểu tượng của một đế chế khổng lồ, cai trị số dân đông nhất trên thế giới và đang trên đường tiến tới vị thế cường quốc hàng đầu.

Thông tin là yếu tố cần thiết để đạt được điều này, vì thế chính quyền cho rằng chúng phải bị kiểm soát chặt chẽ, và phải được viết bằng tiếng Trung Quốc.
Việt Nam chỉ có khoảng 92 triệu dân, ít hơn tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc - Quảng Đông, với 104 triệu dân.

Việt Nam vẫn còn đang phải rượt đuổi theo và thích nghi. Vấn đề mạng xã hội của nước này không phải là điều mang tầm quốc tế.
Điều này đã giúp cho người sử dụng mạng ở Việt Nam hưởng lợi ích từ hai gã khổng lồ công nghệ từ Thung lũng Silicon và Trung Quốc, tuy nhiên cái giá mà họ phải trả đó là không xây dựng được những gã khổng lồ của riêng mình.

image
Những trang mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của Việt Nam gặp khó khăn khi không thể cạnh tranh với Facebook và Google mà không có sự bảo vệ, hỗ trợ tài chính và khuyến khích của chính phủ.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Ở Trung Quốc, sự thiếu vắng yếu tố cạnh tranh từ bên ngoài dẫn đến việc có nhiều khoảng trống cho những công ty mới cũng như những gã khổng lồ công nghệ như Baidu để kiếm doanh thu từ người sử dụng mạng trong nước. Tuy nhiên, họ mất đi sự kết nối với thế giới.

Ở Việt Nam, những công ty mới vào cuộc phải cạnh tranh với những đối thủ ở nước ngoài, trong lúc có lợi thế được kết nối với bên ngoài về một mặt nào đó - dù nhiều người vẫn cho rằng người dân tại đây vẫn bị cô lập khá nhiều.

image
Điều này làm cho thành công của các công ty công nghệ Trung Quốc bị thổi phồng, vì họ không có những đối thủ cạnh tranh nằm ngoài lãnh thổ.
Trong khi đó những công ty mới vào cuộc của Việt Nam không thể canh tranh lại những gã khổng lồ hoặc những công ty mới trong khu vực muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.


Đỗ Anh Minh

Thủ thuật tấn công mạng ở Việt Nam

image
Blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào mới bị bắt để điều tra theo điều luật 258 BLHS.
Một số tổ chức cổ súy cho nhân quyền và tự do ngôn luận cảnh báo Liên Hiệp Quốc (LHQ) về thực trạng Hà Nội đàn áp quyền biểu đạt và tấn công mạng nhắm vào người sử dụng.
Bốn tổ chức có tên Access, Article 19, PEN International và English PEN đã đồng đệ trình một văn bản tới chương trình theo dõi nhân quyền định kỳ của LHQ.
Nội dung đơn đệ trình tập trung vào thực trạng Việt Nam thiếu cải thiện nhân quyền, đặc biệt là tự do biểu đạt ở Việt Nam và nêu bật việc chính phủ Việt Nam gia tăng tấn công mạng mà mục tiêu là xã hội dân sự.

Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) là chương trình được Đại hội đồng LHQ thành lập vào năm 2006 để đảm bảo "Từng Nhà nước thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhân quyền của mỗi quốc gia".
UPR là một cơ chế để rà soát thực trạng nhân quyền của tất cả các nước thành viên LHQ và đưa ra khuyến nghị để cải thiện khoảng 4-5 năm một lần, lần tới thực hiện cho Việt Nam sẽ vào năm 2014.
Đơn của các tổ chức này có đoạn nói về những hạn chế đáng kể về tự do ngôn luận ở Việt Nam bất chấp thực tế rằng chính phủ Việt Nam đã chấp nhận một khuyến nghị từ chính phủ Thụy Điển từ lần xem xét cuối cùng vào năm 2009 theo đó đề nghị Việt Nam "đảm bảo tôn trọng triệt để quyền tự do biểu đạt, trong đó có tự do ngôn luận trên Internet."

Những quan ngại đặc biệt được nói tới bao gồm thực trạng nhà nước kiểm soát truyền thông, thiếu tự do báo chí, các văn bản pháp luật hạn chế về tự do ngôn luận, theo dõi mạng và tấn công vào xã hội dân sự, và việc bắt và xử tù các nhà văn, nhà báo, blogger, và những người cổ vũ cho nhân quyền.
Trong phần nói về nhà nước kiểm soát truyền thông, đơn đệ trình của các tổ chức này nói về việc các tổng biên tập được triệu tập tới Ban Tuyên giáo Trung ương để nghe các quan chức ban này đưa ra kế hoạch làm tin hàng tuần.
“Tại các cuộc họp giao ban này, nhà chức trách xem xét tin tức mà các báo đăng tuần trước đó và khiển trách các tổng biên tập đã để cho đăng bài với nội dung không được duyệt.”
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, danh sách các chủ để cấm đưa tin được mở rộng thêm ra các mảng chỉ trích chính phủ điều hành kinh tế, tranh chấp đất đai giữa chính phủ và dân chúng địa phương, và chuyện làm ăn của con gái Thủ tướng.”

Cài mã độc

image
Ngay sau khi ông Trương Duy Nhất bị bắt, người truy cập vào trang web của ông sẽ bị “dính” phần mềm độc được tải xuống máy tính của họ mà họ không hề biết"
Nhà chức trách Việt Nam đã bị cáo buộc đang gia tăng tấn công mạng vào xã hội dân sự bao gồm tấn công bằng từ chối dịch vụ (DoS), tạo tên miền giả, cướp tài khoản và phá mặt tiền các trang web họ không ưa.
“Các cuộc tấn công ở diện rộng đã xâm phạm quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin nêu trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên”, phúc trình cho biết.
Giới an ninh mạng đã dùng thủ thuật tạo các trang web nhái lại trang của một số blogger nổi tiếng và cài mã độc vào để truy cập vào tài khoản cá nhân hoặc vào máy tính của những người lên các trang đó đọc tin.
“Các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động tại Việt Nam đã bị cướp tài khoản. Điều này thường được thực hiện thông qua việc sử dụng phần mềm độc để truy cập thông tin tài khoản cá nhân của họ.
“Vào ngày 26 tháng 5 năm 2013, chính phủ Việt bị bắt blogger Trương Duy Nhất và trang web của ông ngay lập tức bị chiếm đoạt.
“Ngay sau khi ông bị bắt, người truy cập vào trang web của ông bị “dính” phần mềm độc được tải xuống máy tính của họ mà họ không hề biết.”
Bằng việc đệ trình tới LHQ, các tổ chức cổ súy nhân quyền đã đưa ra điều họ gọi là “một số kiến nghị cho chính phủ Việt Nam nhằm cách cải thiện việc đối xử với quyền kỹ thuật số và quyền tự do biểu đạt.
Các khuyến nghị này bao gồm cho phép giấu tên thật khi dùng mạng, cho phép người sử dụng Internet để truy cập các blog và các trang web bên ngoài Việt Nam, ngưng tùy tiện theo dõi người sử dụng internet, và chấm dứt hoạt động tấn công mạng.

image



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.