Monday, July 1, 2013

Thà chồng ngoại tình còn hơn 'chơi' gái

image
Nhà văn Trang Hạ.
“Nếu có một thói xấu nào của đàn ông trong hôn nhân khiến tôi tha thứ được, thì đó chính là ngoại tình. Với tôi, thà chồng ngoại tình còn hơn việc anh ta "chơi" gái, bóc bánh trả tiền” - nhà văn Trang Hạ chia sẻ.

Tình yêu không phải bùa hộ mệnh

- Trong hôn nhân, có phải Trang Hạ cũng bị va đập, vỡ mộng từ “Yêu” tới “Chung sống”?

- Tôi nghĩ ngược lại, hôn nhân giúp ta phát hiện ra nhiều điều bền chặt và vững vàng hơn. Mà nếu chỉ yêu thôi, ta cứ nghĩ tình yêu có thể đạp đổ được tất cả những điều ấy. Ví dụ như môn đăng hộ đối, sự hài hòa về quan điểm sống.

Và hôn nhân làm một số điều khác thực sự có giá trị hơn. Ví dụ như, yêu vì người kia thỏa mãn cái tôi của mình, nhưng lấy được họ rồi, mới thấy cái tôi chính là thứ cản trở hòa hợp. Yêu vì được yêu, cưới vì muốn bên nhau mãi, nhưng sống với nhau rồi, lại phát hiện ra rằng duy trì được “khoảng trời riêng” mới là tiền đề của hạnh phúc.

image

- “Khoảng trời riêng”  mà chị nói có bao gồm cả những giây phút “ngoài vợ, ngoài chồng” không?

- Nếu có một thói xấu nào của đàn ông ở trong hôn nhân khiến tôi tha thứ được, thì có thể là ngoại tình. Với tôi, thà chồng ngoại tình còn hơn việc anh ta “chơi” gái, “bóc bánh trả tiền”.

image
- Đơn thuần là “trả tiền, bóc bánh” thì phải dễ bỏ qua hơn chứ?

- Nhiều người vợ đô thị cũng nghĩ giống bạn. Nhưng bạn nên nhớ rằng, nếu như người đàn ông của bạn coi thường những người phụ nữ ngoài đường, như việc anh ta sẵn sàng trả tiền để được lên giường với một ai đó, thì bạn đừng nghĩ mình là ngoại lệ được tôn trọng. Thà anh ấy lừa dối mình nhưng biết yêu thương, tử tế với một người phụ nữ khác thì còn dễ chấp nhận hơn là sự đánh đổi bởi một sự coi thường khác.

- Nhưng điều đó bao hàm nguy cơ sẽ mất luôn người đàn ông của mình. Việc anh ta có “tử tế” hay không đâu còn quan trọng nữa?

- Tôi thì nghĩ, một người đàn ông ngoại tình có thể tôi còn quyến rũ anh ta trở lại với tôi được. Còn một người đàn ông trả tiền để “chơi” gái thì tôi không bao giờ yêu lại được. Vì tin rằng, anh ta cũng trả tiền để bao vợ, chỉ là theo cách khác mà thôi. Tôi xứng đáng với một người đàn ông tử tế hơn.

Điều nhỏ nhặt làm nên hạnh phúc

image

- Thế theo chị, tấm bùa hạnh phúc nằm ở đâu? 

- Điều duy nhất mang lại hạnh phúc là sự hài hòa, cân bằng. Người ta lấy làm chồng có thể không phải là người ta yêu nhất, cũng không phải là người yêu ta nhất, mà là người tới đúng thời điểm nhất. Thời điểm cả hai sẵn sàng bước vào cuộc hôn nhân. Sẵn sàng chấp nhận điều chỉnh mình cho cuộc sống chung. 

- Nhưng gốc rễ để có sự điều chỉnh đó là gì, nếu như không phải là tình yêu, là ước muốn đem đến cho nhau hạnh phúc? 

image
- Không phải hôn nhân là một quá trình thỏa hiệp lâu dài sao? Mà trong đó, chúng ta thay đổi để sống lâu dài hơn nữa với những ràng buộc và trách nhiệm? Điều quan trọng nhất là, trong tất cả những quá trình đó, chúng ta đều hạnh phúc và tự do. Chúng ta đều tự nguyện, lựa chọn, đều trưởng thành, đạt được những thành tựu mới mà nếu như không cưới nhau và chung sống, sẽ chẳng hề có. Tình yêu có một phần trong đó nhưng không phải là tất cả.

image
- Không phải thay đổi được một người đàn ông là việc khó khăn nhất hay sao? Ở chừng mực nào đó tôi thấy là sự chấp nhận chứ không phải thỏa hiệp. Như việc ngoại tình. Như việc chúng ta đầu tắt mặt tối trong khi chồng bù khú với bạn bè hay giải trí đâu đó 

- Tôi cho rằng, đó là do cách của mỗi bà vợ khác nhau mà thôi. Một ngày chúng ta đều có 24 giờ, chúng ta cũng có những nhu cầu nhỏ nhặt mong được chiều chuộng y như anh ấy. Vậy mà bạn tự nhận lấy những thứ lặt vặt như là bổn phận vô điều kiện ở một người vợ.

image
Bạn đã khiến người đàn ông sống bên cạnh bạn đánh mất thói quen rằng, bạn rất cần đến đôi bàn tay và sự chia sẻ của anh ấy.

- Nhưng nếu chính người đàn ông không muốn thay đổi thì sao?

- Vậy sao bạn lại cưới một người đàn ông như thế?

Thiêng liêng hai chữ “bạn đời”

image

- Vậy  theo chị, làm sao để có được sự thỏa hiệp tốt nhất?

- Hãy coi nhau là bạn - bạn đời. Hai chữ đó thật thiêng liêng, rưng rưng hơn tên gọi vợ - chồng, thắm thiết và sâu nặng hơn tiếng ông xã, bà xã. Sống với nhau đến mức có thể làm bạn của nhau, làm đầy và làm hạnh phúc cuộc sống của nhau, khiến người kia thấy tự do trong hôn nhân, như thể trong tình bạn, thật hiếm.
Nó cho thấy sự bình đẳng, không phân chia ngôi thứ chồng - vợ, giới tính. Chúng ta sống cùng nhau và tìm kiếm hạnh phúc khi ở cùng nhau.

- Và hẳn Trang Hạ có được điều đó trong hôn nhân của mình?

image
- Có một dạo tôi bị chỉ trích rất nặng nề vì việc “vứt” con cho chồng nuôi để tìm kiếm những gì tôi muốn có. Rồi giờ đến lượt chồng tôi lại phải chịu những chỉ trích nặng nề về việc để một mình tôi phải cáng đáng gia đình. Nhưng đó là điều chúng tôi lựa chọn. Và cảm thấy tự do, hạnh phúc với những điều đó.

- Có bao giờ chị nghĩ, do chị là nhà văn, thông minh, sắc sảo, nên dễ đạt được “thỏa hiệp” hơn chăng?

image
- (Cười) Ông xã tôi không bao giờ đọc sách Trang Hạ viết. Nhưng lại lên mạng đọc blog Trang Hạ hàng ngày. Anh ấy thấy tôi sống thật và viết cũng thật, nên không phản đối. “Độc giả chồng” thế là ổn rồi, tôi còn mong gì hơn?


image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.