Friday, July 19, 2013

Dịch vụ miền Bắc cần một câu 'xin chào'!

image
Trước hết, tôi xin tự giới thiệu bản thân là một người gốc Bắc, từ khi sinh ra và lớn lên đều chỉ ở bán kính 30km quanh Hà Nội. Một năm trở lại đây, tôi chuyển vào Tp Hồ Chí Minh làm việc. Tôi cũng thích đi lại nên dọc đất nước từ Bắc vào Nam cũng không phải là không từng ghé chỗ nọ chỗ kia.

Loanh quanh một hồi như thế để khẳng định rằng ý kiến của tôi nêu ra sau đây tuy là chủ quan của cá nhân nhưng không phải là vô căn cứ, thiếu trải nghiệm thực tế. Vậy nếu mà bạn có ý kiến phản đối thì cứ việc nhưng đừng nói rằng tôi "ăn ốc nói mò", "ếch ngồi đáy giếng". Cứ phải rào trước đón sau như thế vì tôi biết, tôi hở ra câu này thì sẵn sàng tinh thần mang gạch về xây nhà mới. Chuẩn bị xong rồi thì tôi xin được trình bày ý kiến

image
Chẳng là mấy hôm nay, mà thật ra cũng từ lâu lắm rồi, vấn đề so sánh Bắc, Nam hoặc so đo tỉnh nọ, thành kia vốn thuộc đề tài hót, hay được mọi người mang ra bàn tán. Ý kiến của tôi thì cũng giống nhiều người thôi: Tôi thích ở Nam hơn ở Bắc. Tôi cũng khẳng định dịch vụ ở miền Bắc còn lâu mới so sánh được với dịch vụ từ miền Trung trở vào. Và cũng xin khẳng định luôn, con người miền Bắc so với con người miền Nam quả thật là…có nhiều điểm "đáng ghét"hơn rất nhiều.

Con người là cơ sở để phát triển mọi thứ, là nguồn căn của những giá trị tinh thần đặc trưng cho từng vùng đất, từng địa phương. Nói dịch vụ miền Bắc tại sao lại kém đến thế, chẳng qua vì con người miền Bắc không đủ khả năng và tư chất để nâng tầm dịch vụ lên.


image
Nhiều người nhận định dịch vụ miền Nam tốt hơn nhiều so với miền Bắc
Trước hết, người miền Bắc đa phần có tư tưởng còn nhiều hạn hẹp và kìm kẹp. Họ có quá nhiều định kiến: nào thì dân Hoa Thanh Quế “ăn rau má phá đường tàu”; nào thì dân Nhọ cá gỗ;..vv… Mang tư tưởng kì thị địa phương như vậy thì làm gì có chuyện làm tốt việc “làm dâu trăm họ” được. Một thời gian dài sống trong chiến tranh và bao cấp, tự khắc người dân miền Bắc cũng trở nên thụ động, thiếu tính cạnh tranh, cha chung không ai khóc. Trong khi làm dịch vụ thì phải thay đổi từng ngày, tạo động lực để phát triển liên tục thì mới thu hút được người tiêu dùng. Chưa kể, tính làm ăn kiểu “chụp giật”, chỉ thấy ngọn cỏ mà không thấy cả rừng cây, cứ chém được thì chém, bất kể người ta có quay lại với mình hay không.

image
Người dân miền Nam nói chung và người trong ngành dịch vụ nói riêng, không phải không có lỗi nọ lỗi kia nhưng so với người miền Bắc, bản chất của họ cũng thân thiện, dễ gần, chân thật hơn. Người miền Nam sẵn sàng mời mình vào nhà ăn uống; mang cốc sang bàn mình nâng li chúc tụng; cũng chẳng ngại khuyến mại cho mình cái nọ cái kia nếu hứng lên. Còn người trong ngành dịch vụ, họ có ý thức chuyên nghiệp và đầu tư hơn vào công việc của mình dù có là anh dắt xe hay người chạy bàn ở quán ăn ven đường. Vậy nên sử dụng các dịch vụ ở miền Nam, bao giờ cũng thấy dễ chịu và cảm giác đồng tiền mình bỏ ra xứng đáng hơn hẳn.

image
Bún mắng cháo chửi ở Hà Nội
Làm dịch vụ nghĩa là đặt khách hàng lên hàng đầu nhưng với các nhân viên phục vụ miền Bắc thì nhiều khi “Ta thích thì ta làm. Không chịu được thì đi ra chỗ khác”. Cái kiểu tính sĩ rất vớ vẩn của người Bắc lại được “phát huy” một lần nữa nhưng hoàn toàn không đúng lúc. Ngoài ra, ở miền Bắc, cái gì cũng đầy đủ, phong cảnh đẹp, đồ ăn ngon nhưng nụ cười kèm câu nói “Xin chào” – “Cảm ơn” của nhân viên phục vụ lẫn người dân nói chung là hiếm hoi vô cùng. Góp phần khiến dịch vụ miền Bắc ngày càng tụt dốc cũng có công không nhỏ của các vị khách hàng (cũng là dân miền Bắc) khó tính ở nhà nhưng ra đường thì quá xuê xoa. Ngồi ăn bát bún mắng, cháo chửi mà vẫn húp xì xụp, càng chửi to thì càng cúi mặt mà ăn.

image
Ôi trời ơi! Khách hàng “dễ tính” như thế thì cần đầu tư dịch vụ làm gì???

Vậy cho nên, riêng về vụ sử dụng dịch vụ ở đâu thích hơn thì tôi dồn tất cả phiếu cho miền Nam. Miền Bắc còn phải học hỏi miền Nam dài dài về vụ này nếu muốn không mang tiếng nữa.

image
image



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.