Thursday, April 14, 2011

MẸ ĐANG NGHE CON NÓI ĐÂY

MẸ ĐANG NGHE CON NÓI ĐÂY

Đôi khi nỗi buồn dâng trào và sự xoa dịu của thời gian quá chậm chạp, một tâm hồn đau khổ có thể tìm kiếm niềm an ủi trong một điều gì đó hữu hình hơn.
                                                                                                            Khuyết danh
Tất cả chúng ta đều biết nỗi hồi hộp âu lo như thế nào của người nhận điện thoại vào lúc nửa đêm.  Đêm hôm ấy, người tôi gần như giật bắn, bừng tỉnh giấc vì tiếng chuông điện thoại réo vang trong đêm.  Bao suy diễn về những điều bất trắc ập đến trong cái đầu vẫn chưa tỉnh ngủ của tôi, khi tôi nhấc ống nghe lên: “Hello!”
Tim tôi đập thình thịch, nắm tay cầm ống nghe như căng ra, tôi đưa mắt nhìn chồng mình, cũng vừa mở mắt.
-          Mẹ phải không?
Tôi gần như không nghe được tiếng thì thào bên kia đầu dây.  Nhưng đầu óc tôi lập tức nghĩ ngay đến con gái mình.  Khi âm thanh tuyệt vọng nức nở của người con gái trẻ bên kia ống nghe trở nên rõ hơn, tôi chụp lấy tay chồng mình và bóp chặt.
-          Mẹ, con biết là khuya lắm rồi, nhưng đừng… con xin mẹ đừng nói gì hết.  Mẹ cứ để con nói xong đã.  Con biết mẹ sẽ hỏi, vâng, con đang say rượu.  Con đã lái xe ra khỏi phần đường chính đến mấy dặm và…
Tôi hít một hơi thật sâu, buông tay chồng mình ra và bóp mạnh vào trán.  Tôi vẫn chưa ra khỏi cơn say ngủ.  Tôi cố tập trung tinh thần, tìm cách trống lại trạng thái hoảng sợ.  Có điều gì nhầm lẫn ở đây.
-          Và con thấy sợ lắm.  Trong đầu con lúc nào cũng nghĩ là mẹ sẽ rất đau lòng nếu nhận được tin rằng con đã chết.  Mẹ ơi, con muốn… con muốn về nhà.  Con biết đã sai khi bỏ nhà đi.  Con biết mẹ đã lo cho con biết nhường nào.  Lẽ ra con phải gọi cho mẹ mấy ngày trước, nhưng con sợ.  Con sợ lắm mẹ ơi!
Tiếng khóc nức nở của một cơn xúc động mạnh không ngừng tuôn qua ống nghe và rót vào tim tôi.  Ngay lập tức tôi hình dung trong đầu khuôn mặt con gái tôi và tâm trí tôi dường như đã tỉnh táo hẳn.
-          Tôi nghĩ là…
-          Đừng.  Mẹ đừng giận con.  Con xin mẹ!  Mẹ cứ để con nói hết đã!  Con xin mẹ! - Giọng người con gái vang lên khẩn thiết, tuyệt vọng.
Tôi ngừng nói và cố nghĩ xem phải nói điều gì.  Trước khi tôi kịp tiếp tục, giọng bên kia đã vang lên:
-          Con đã có thai, mẹ ơi!  Lẽ ra con không nên uống rượu say đến thế… nhất là lúc này, nhưng con sợ, mẹ ạ!  Con sợ lắm!
Giọng nói ngưng bặt và tôi cắn chặt môi.  Tôi biết là mắt mình đã đẫm lệ.  Chồng tôi thì thào: “Ai vậy em?”.  Tôi lắc đầu.  Anh rời khỏi phòng và chỉ mấy giây sau anh quay lại, tai đang áp vào cái điện thoại “mẹ bồng con” ở phòng ngoài.
Cô gái hẳn nghe tiếng lách cách trên đường dây, cô nói tiếp:
-          Mẹ vẫn nghe con nói phải không mẹ?  Con xin mẹ đừng cúp máy!  Con cần mẹ.  Con đang cô đơn lắm.
Tôi nắm chặt ống nghe và nhìn chồng cầu cứu.
-          Không, mẹ vẫn nghe con.  Mẹ không cúp máy đâu. - Tôi trả lời.
-          Con biết đúng ra con phải kể với mẹ.  Nhưng khi mẹ con mình nói chuyện với nhau, mẹ luôn bảo con phải thế này, phải thế kia.  Con đã đọc những điều mẹ khuyên bảo trong các quyển sách mẹ mua cho con.  Vậy mà mẹ vẫn cứ nói.
Điều con cần là mẹ hãy lắng nghe con.  Chẳng bao giờ mẹ để cho con nói những điều con suy nghĩ và cảm nhận.  Như thể mẹ cho rằng cảm xúc của con chẳng quan trọng chút nào.  Vì mẹ cho rằng mẹ là mẹ của con nên mẹ đã biết hết mọi câu trả lời.  Nhưng có những lúc con không cần câu trả lời.  Con chỉ muốn ai đó lắng nghe con nói thôi.
Tôi chợt thấy cổ họng đắng chát khi liếc mắt nhìn vào quyển cẩm nang “Cách Nói Chuyện Với Con Trẻ” nằm lăn lóc trên bàn.
-  Mẹ đang nghe con đây, con nói đi! - Tôi thì thào.
-  Mẹ biết không! – Giọng nói bên kia đầu giây tiếp tục.
-  Con đã đưa xe trở lại phần đường chính sau khi đã tự chủ lại.  Con bắt đầu nghĩ đến đứa bé trong bụng con và nghĩ là mình có trách nhiệm phải chăm sóc nó.  Rồi con nhìn thấy điện thoại công cộng và nhớ lại những gì mẹ thường giảng cho con về việc say rượu và lái xe.  Vì thế con gọi taxi.  Con muốn về nhà.
-  Tốt lắm, con yêu. – Tôi nói và thấy trống ngực đã bớt đập.  Chồng tôi đến gần hơn, ngồi xuống bên cạnh và đưa tay nắm lấy bàn tay tôi.  Tôi biết như thế là tôi đã làm đúng.
-  Nhưng mẹ ơi, con nghĩ là con vẫn có thể lái xe về nhà.
-  Đừng con! – Tôi chợt gắt lên.  Người tôi lại căng ra và tôi bóp chặt bàn tay của chồng. - Mẹ xin con đấy!  Hãy ráng chờ thêm một chút nữa.  Con đừng cúp máy khi chưa thấy taxi đến, nghe con!
Tôi lắng nghe giây phút im lặng và nỗi sợ trong tôi dâng lên.  Khi không nghe thấy tiếng động gì bên kia đầu giây, tôi cắn chặt môi và nhắm mắt lại.  Bằng mọi cách tôi phải ngăn không cho con bé lái xe về nhà.  Chỉ khi nghe vọng lại từ bên kia tiếng hỏi của người tài xế taxi tôi mới cảm thấy yên tâm.
-          Taxi đến rồi.  Con về nhà đây, mẹ ạ!
Có tiếng treo máy và điện thoại im bặt.
Rời khỏi giường trong lúc nước mắt còn đọng trên mi, tôi nhẹ bước đến phòng cô con gái 16 tuổi và đứng ở đấy.  Đêm giăng đầy sự tĩnh mịch.  Chồng tôi nhẹ bước đến phía sau.  Anh nhìn tôi một lúc rồi hỏi:
-          Em có nghĩ là cô bé lúc nãy biết mình quay lộn số điện thoại không?
Tôi nhìn con gái đang ngủ, khẽ đáp:
-          Không, có lẽ không đâu anh ạ.

Tôi lặng người đi vì xúc động.  Biết bao lần tôi đã không  lắng nghe.  Vẫn chưa muộn.  Tôi chợt nhận ra rằng không có sách vở nào hướng dẫn chúng tôi cách lắng nghe mọi người xung quanh, và làm thế nào để đồng cảm được với những trăn trở , nỗi đau của con người.  Đôi khi biết lắng nghe, không chỉ giúp xoa dịu những vết thương, mà còn có thể cứu được một đời người.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.