Tiếng Việt: Sự chuyển nghĩa của lớp từ chỉ các bộ phận cơ thể
Nguyễn Hưng QuốcThứ Ba, 02 tháng 2 2010
Chúng ta biết số lượng các từ chỉ các bộ phận trên cơ thể con người rất phong phú, bao gồm hai lớp từ thuần Việt và Hán Việt.
Đã phong phú, người Việt Nam lại ghép các từ ấy lại để thành các từ mới: đã có bụng, ruột, lòng, dạ và gan, chúng ta lại có các từ ghép: bụng dạ, lòng dạ, ruột gan; đã có mặt, mũi và mày, chúng ta lại có các từ ghép: mặt mày và mặt mũi; đã có tay và chân, chúng ta lại có chân tay và tay chân, v.v...
Lượng từ vựng chỉ các bộ phận trên cơ thể, do đó, tăng vọt. Và cấu trúc ý nghĩa của chúng cũng khá đa dạng. Có khi từ ghép được hình thành chỉ cốt cho thuận miệng. Nói tóc tai, nhưng thật ra, chỉ có “tóc” là quan trọng; còn “tai” chỉ là từ đệm. Có khi chúng hình thành như một sự tổng hợp: râu ria là râu và ria nói chung.
Nhưng trong phần lớn các trường hợp, ý nghĩa của các từ ghép đều vượt ra ngoài và vượt lên trên ý nghĩa của hai từ tố gốc. Chân tay là chân và tay nói chung, nhưng chân tay và tay chân thì không phải chỉ có tay và chân mà còn có... người: những kẻ thuộc hạ để sai khiến. Cũng vậy, tai mắt là thuộc hạ, nhưng chỉ giới hạn trong công tác rình rập, theo dõi, góp nhặt tin tức. Vai vế thành ra địa vị; máu mặt thành ra thế lực: có thể có những người tuy không có vai vế gì trong chính quyền nhưng lại là người có máu mặt trong địa phương.
Ngoài mối quan hệ gần xa với nghĩa gốc (bụng/ruột/gan), cả ba chữ bụng dạ, lòng dạ và ruột gan đều có những hướng phát triển riêng: trong khi chữ lòng dạ thiên về tính tình, thường mang chút màu sắc tiêu cực (“lòng dạ con người” hay “lòng dạ đàn bà”); chữ bụng dạ thiên về nhận thức (“Bận làm việc túi bụi, còn bụng dạ nào mà nói chuyện thơ văn!”); còn ruột gan thì lại thiên hẳn về khía cạnh tình cảm. Tâm tình tương đắc với nhau, người ta không phơi bày lòng dạ hay bụng dạ mà là phơi bày ruột gan cho nhau xem. Nói đến ruột gan là nói đến những gì sâu kín nhất, tha thiết nhất, chân thành nhất.
Mặt mày và mặt mũi đều có nghĩa là diện mạo; nhưng khác với mặt mày, chữ mặt mũi còn có nghĩa là thể diện, đặc biệt thường được dùng khi thể diện đã bị sứt mẻ khá nhiều và người ta không muốn nó bị tiêu huỷ hoàn toàn: “Sau khi bị án tù vì tội ăn trộm gà, ông ấy không còn mặt mũi nào mà về làng nữa.”
Cũng có yếu tố “máu” nhưng máu thịt lại khác với máu mủ hay ruột thịt. Máu thịt có ý nghĩa vừa hẹp hơn lại vừa rộng hơn các chữ kia. Hẹp hơn bởi vì nếu chỉ quan hệ thân tộc thì máu mủ và ruột thịt có thể chỉ cả quan hệ hàng ngang, giữa anh em, và rộng hơn, giữa họ hàng với nhau. Còn máu thịt thì chỉ giới hạn trong phạm vi hàng dọc, chỉ quan hệ giữa cha mẹ và con cái, với ý nghĩa xem con cái như là chính máu thịt của cha mẹ. Chữ máu thịt không mở rộng tới quan hệ họ hàng. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, chữ máu thịt lại có ý nghĩa rất rộng, không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa người với người. Quan hệ máu thịt là thứ quan hệ gắn bó đến mức cực kỳ sâu sắc, không dễ gì phai nhạt được. Chúng ta có thể nói đến quan hệ máu thịt giữa mình với quê hương, với tiếng mẹ đẻ, hay với các tác phẩm do mình nắn nót viết ra.
Cả ba chữ miệng lưỡi, mồm miệng và mồm mép đều chỉ khả năng ăn nói, nhưng có lẽ chỉ có chữ miệng lưỡi là có ý nghĩa hoàn toàn tích cực: người miệng lưỡi là người vừa có tài diễn đạt vừa có khiếu biện luận. Ðó là kẻ không dễ gì bị lấn áp. Trong khi đó, hai chữ mồm miệng hay mồm mép hầu như chỉ tập trung vào khả năng ăn nói chứ không liên hệ gì đến khả năng biện luận. Người mồm miệng hay mồm mép có thể chỉ là người đa ngôn, người lém lỉnh chứ chưa chắc đã là người lý sự, thông minh hay uyên bác. Bởi vậy, chúng thường gắn liền với ý chê bai.
Gốc rễ của phần lớn những khác biệt giữa các chữ ngỡ như đồng nghĩa vừa nêu chủ yếu nằm ngay trong sắc thái ngữ nghĩa của các từ tố gốc. Ðã đành mồm cũng là miệng, nhưng người Việt Nam nào lại chả biết sắc thái biểu cảm của chữ mồm thường nghiêng về khía cạnh tiêu cực. Khen người yêu, người ta chỉ có thể nói: “Miệng em đẹp” chứ không ai lại nói: “Mồm em đẹp”. Không chừng vì mồm gần với mõm nên âm hao có phần kém thanh tao. Chửi nhau, để cho nặng lời, người ta không dùng chữ miệng mà dùng chữ mồm: cách nói “Vả vào mồm” bao giờ cũng dữ dằn hơn cách nói “Vả vào miệng”. Muốn cho dữ dằn hơn nữa, người ta thế chữ mồm bằng chữ mõm hay chữ mỏ: “Ðánh cho dập mõm”, “đánh cho phù mỏ” hay “đánh cho bể mồm...” là những cách nói rất thường nghe trong các cuộc đấu khẩu ở Việt Nam.
Như vậy, trước và trong quá trình chuyển nghĩa của các từ ghép, từng từ tố chỉ các bộ phận trên cơ thể cũng được chuyển nghĩa. Nhờ sự chuyển nghĩa này, các từ chỉ các bộ phận trên cơ thể trở thành những từ có sức “sinh sản” rất cao: từ thân thể con người, chúng được dùng để chỉ nhiều sự vật, hiện tượng hay đặc điểm khác nhau trong xã hội. Trong sự chuyển nghĩa ấy, thân thể con người tự nhiên trở thành trung tâm, thành trục quy chiếu để từ đó người ta định danh những sự vật khác hay những mối quan hệ giữa người và người, giữa người và vật.
Mũi con người có hình thù khá nhọn và là phần nhô ra phía trước ư? Vậy thì, những gì có đầu nhọn và nhô ra sẽ được gọi là “mũi”, từ đó, chúng ta không những có mũi dao, mũi kéo... mà còn có mũi thuyền, thậm chí, mũi Cà Mau và mũi tiến quân, v.v...
Ðầu con người có hình khối cầu, ở trên cùng, có chức năng suy nghĩ và điều khiển toàn thân thể ư? Vậy thì, chúng ta có, từ sự tương đồng về hình dạng: đầu gối, đầu đạn, đầu đập..; từ sự tương đồng về vị trí: đầu núi, đầu hồi, đầu xứ, đầu danh sách...; từ sự tương đồng về chức năng: đầu mục, đầu nậu, đầu sỏ, đầu têu, đầu trò, rồi đứng đầu, cầm đầu, dẫn đầu, đương đầu, đối đầu, v.v...
Cổ cũng thế. Nó thon, nhỏ, nối liền đầu và thân ư? Vậy thì, chúng ta có: cổ chai, cổ lọ, cổ chày.... Nó có chức năng giữ cái đầu mà cái đầu được xem là biểu tượng của trí tuệ ư? Vậy thì nó sẽ trở thành biểu tượng của ý chí và quyền lực, từ đó, chúng ta có: cứng cổ, cưỡi cổ, lôi cổ, siết cổ hay một cổ hai tròng, v.v..
Tay người có chức năng nắm giữ ư? Vậy thì tay trở thành từ chỉ sở hữu: tay trắng và tay không. Tay có chức năng hành động ư? Vậy thì nó trở thành từ chỉ sự thực hiện: ra tay, xuống tay, khéo tay, hoa tay, mát tay, non tay, nặng tay, nhẹ tay, nhúng tay, tay nghề, tay ngang... Tay là bộ phận phụ thuộc ư? Vậy thì chúng ta có: tay chân, tay sai, tay trong hay tay ngoài, v.v...
Đại khái thế.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.