Phở đã xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp thế giới. Từ châu Âu như Pháp, Anh, Đức cho đến châu Mỹ như Hoa Kỳ , Canada , đi đâu cũng thấy tiệm phở của người Việt. Riêng tại Mỹ có khoảng hơn 600 tiệm phở Việt Nam, đó là chưa kể đến món phở ‘lai’ của người Trung Quốc, Hàn Quốc…
Cùng với sự phát triển của người Việt định cư tại nước ngoài, món phở mà người Mỹ gọi là Vietnamese Beef Noodle Soup đã chinh phục thế giới với cái tên viết từ nguyên gốc Phở (có chữ ‘ơ’ kèm dấu hỏi) hoặc chỉ đơn giản là Pho không dấu. Kho từ vựng tiếng Anh cũng được phong phú thêm với các từ mới như Phonatic (người thích ăn phở), ‘tín đồ’ của phở là Phofan và danh từ Satis-pho-ction là sự hài lòng (satisfaction) khi thưởng thức một tô phở.
Nhà báo Chuck Mindenhall, trên tờ Los Angeles Weekly, lại còn chế ra các từ Anh ngữ phoundation và phoster dựa theo 2 từ foundation và foster. Ông giải thích: phoundation là nền tảng phở, và phoster culture, nơi hội họp và dung nạp văn hoá phở! Vào Google hay Yahoo, gõ Phở hay Pho, có đến hàng chục nghìn trang web, thậm chí còn có cả website mang tên Phởfever, cơn sốt thèm phở.
Một cách marketing Phở
Trên các trang web về phở, có người chọn Phở 14 và Phở Sông Hương nằm trên đường Choisy (Paris), là những tiệm phở hàng đầu ở Pháp. Ở Melbourne (Úc) có những tiệm phở nổi tiếng như Phở Hiền Vương, Phở Hùng Vương, Phở Tân Định và Phở Chú Thể tại khu chợ Footscray của cộng đồng người Việt. Vancouver , Montreal hay Toronto cũng có hàng loạt những tiệm phở của người Việt lẫn người Hoa kinh doanh món phở truyền thống trên đất nước Canada .
Bên cạnh đó, tại các nước Đông Âu như Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc các tiệm phở cũng xuất hiện như thể cũng muốn tranh đua cùng những đồng hương người Việt đang sinh sống tại các nước phương Tây. Rồi dần dần phở có mặt ở nhiều nơi trên thế giới: Phở Cyclo bên nước Anh, Phở chợ Sapa ở Cộng hòa Séc…
Theo thống kê không chính thức tại Mỹ, trong số hơn 600 tiệm phở với doanh thu hàng năm lên đến 500 triệu đô la, tiểu bang California chiến gần nửa, kế đến là Texas với hơn 100 tiệm và Washington xấp xỉ cũng gần 100 tiệm phở. Tại các tiểu bang có ít người Việt định cư nhưng vẫn thấy xuất hiện phở: tiểu bang Nebraska có 1 tiệm, Alaska lạnh giá cũng có 2, Maine (3), Wisconsin (4) và South Corolina (5).
Chỉ riêng tại tiểu bang California, San Jose có đến 23 tiệm phở, Los Angeles 21 tiệm, San Diego 19, San Francisco 18 và Oakland 12… Những con số thống kê này luôn thay đổi theo thời gian nhưng cũng cho thấy sự phổ biến của món phở trên đất Hoa Kỳ.
Tiệm phở tại Mỹ được đặt tên theo nhiều cách, phổ biến nhất là dùng tên những tiệm phở đã một thời nổi tiếng ở Sài Gòn như Phở Tàu Bay, Phở Pasteur, Phở Hòa ở Sài Gòn hay Phở Bằng ở Đà Lạt.
Tiệm phở cũng có thể dùng các con số làm thương hiệu: Phở 54 hàm ý loại phở Bắc đã du nhập vào Nam năm 1954, Phở 14 có xuất xứ từ địa chỉ 1436 Park Road NW ở Washington D.C. cũng giống như Phở 79 là tiệm phở ngày xưa ở số 79 Võ Tánh (bây giờ là Nguyễn Trãi, quận 1, Sài Gòn).
Phở 14, số 1436 Park Road NW, Columbia Heights, DC
Ngay trung tâm New York đắt đỏ là thế mà tiệm Phở 89 (số 89 Đông Broadway) cũng đưa ra giá khá mềm, chỉ 5 đô là một tô "xe lửa". Đặc biệt ở đây còn có phở tôm, phở “đồ biển" (sea food) và cả phở chay.
Ở Oklahoma City, nơi khá đông người Việt sinh sống, nhà hàng phở đầy rẫy trong quận châu Á gần khu vực Đại lộ Classen: Phở Hòa, Phở Bình, Phở Thái Nguyên (hay Thái Nguyễn không chừng). Thậm chí nhà hàng tên rất Nhật là Mirama cũng bán phở.
Người Mỹ mê phở, đó là điều được khẳng định. Tiệm Phở 2000 trên đường Lê Lai, bên hông chợ Bến Thành, đã đón tiếp gia đình Tổng thống Bill Clinton đến thưởng thức nhân chuyến viếng thăm Việt Nam vào năm 2000. Từ đó trở đi, chủ nhân mạng lưới Phở 2000, Việt kiều Huỳnh Trung Tấn, đã có thêm logo quảng cáo “Phở for the President”!
Phở ở Mỹ nên cũng có tiệm mang tên Mỹ. Chẳng hạn như Phở USA ở San Jose, chỉ cách tổng hành dinh của hãng vi tính Sun Microsystems vài bước chân. Tiệm phở này hình như khai trương từ năm 2001 và cũng được báo chí viết bài nên khá đông khách.
Tôi chưa có thì giờ nghiên cứu kỹ tại sao lại có tiệm lấy tên là Phở Shizzle. Hình như chủ tiệm muốn chơi chữ theo kiểu “Fo' Shizzle my Nizzle”, một lối nói hàm ý "Fo' sure, my nigga" như kiểu… chắc như đinh đóng cột của Việt Nam ta (?).
Phở Shizzle
Tại Mỹ còn có những tiệm phở mang tên… không giống ai. Ở Bellevue , tiểu bang Washington , có tiệm phở mang tên What the Phở trong khi tại Chicago lại có Tank Noodle (Phở Xe Tăng). Chắc ông chủ tiệm Phở Xe Tăng nhớ đến các nhãn hiệu Phở Xe Lửa, Phở Tàu Bay ngày xưa ở Sài Gòn nên chọn tên Phở Xe Tăng cho… đủ bộ?
What The Phở, Bellevue , WA
Nhưng có lẽ cái tên… đầy thách thức phải kể đến Phở Challenge ở San Franciso. Chủ tiệm thách thức khách nếu ăn hết ‘thau’ phở trong vòng 1 giờ sẽ được miễn phí. Nguyên văn lời quảng cáo: Free if you can finish it in one hour. Giá một ‘thau’ phở ở đây lên đến 22 đô la nhưng nhờ quảng cáo ‘giựt gân’ nên cũng có nhiều thực khách tò mò tìm đến. Đa số khách sau khi thử đành ‘đầu hàng’ và vui vẻ trả tiền… Để không bị mang tiếng nói ngoa, người viết xin đăng kèm bức ảnh 3 thực khách cầm cờ trắng có câu “I surrunder” và “I failed” trước ‘thau’ phở bỏ dở:
‘I surrender’ và ‘I Failed’ tại Phở Challenge, San Francisco
Cái tên gây nhiều tranh cãi về vấn đề ngôn ngữ là Phở Dũng ở Houston , Texas . Chắc hẳn tên của ông chủ tiệm là Dũng nhưng với người Mỹ, dung lại là… phân súc vật. Ở các khu Richmond , Footscray và ngay tại trung tâm thành phố Melbourne bên Úc cũng có tới 3 tiệm phở mang cùng tên: Phở Dzũng Tân Định. Có điều chắc chủ nhân sợ người bản xứ hiểu lầm nên tên Dũng được viết thành Dzũng, có thêm chữ z, trong khi bảng chữ cái tiếng Việt mình không có!
Phở Dzũng Tân Định, Richmond , Melbourne , Australia
Tiệm phở tại Mỹ thường được đánh số thứ tự mỗi bàn, trên đó bày đủ các đồ ‘phụ tùng’ như tương đen, tương đó (ớt), nước mắm, tiêu, khăn giấy và bình thủy đựng nước trà. Tuy nhiên, món rau thơm và giá sống hay giá trụng (chụng) chỉ được đem ra cùng tô phở. Các loại rau thơm như húng quế, ngò gai, chanh, ớt (xanh hoặc đò) được coi là rất quý mặc dù người Việt trồng ngay trên đất Mỹ.
Phở Long, Corona Hills, California
Một tô phở loại ‘tô nhỏ’ tại Mỹ cũng bằng hoặc to hơn ‘tô lớn’ ở Việt Nam . Tô lớn ‘king size’, có nơi gọi là ‘tô xe lửa’ (từ hay dùng tại tiệm phở Tàu Bay ở Sài Gòn), có quá nhiều thịt và bánh phở khiến người ăn chạnh lòng nhớ đến thời kỳ ‘phở không người lái’ tại miền Bắc với phong cách phục vụ theo kiểu “bún quát, phở đuổi, cháo chửi” mà chỉ ở Hà Nội mới có!
Nhiều tiệm dùng loại tô đựng phở cầu kỳ, in riêng logo của tiệm như Phở Hòa hay Phở Ao Sen ( Oakland , California )… Một tô phở ở Mỹ giá chót cũng phải từ 5 đô la trở lên, khoảng 80.000 đồng tiền Việt. Có nơi lên đến 8 hay 9 đô, đó là chưa kể thêm chén tái nước, chén gân hoặc nước tiết hột gà từ 2 đến 3 đô nếu thấy chưa đủ ‘đô’. Đã thành một thói quen tại Mỹ, khi ăn xong khách thường tự ra quầy thâu ngân để tính tiền chứ ít khi thanh toán tiền tại bàn như ở Việt Nam .
Phở Ao Sen, Oakland, CA, với thương hiệu in trên tô
Khách có thể gọi phở theo ý thích: tái, tái bằm, tái nạm, gầu, gân, sách, bò viên hay phở gà gồm lườn, đùi, da, lòng gà hoặc trứng non. Có nơi còn phục vụ cả ngầu pín (bộ phận sinh dục của bò), tả pín lù (thập cẩm, đủ thứ). Lại còn phở đuôi bò, phở chay (vegetarian phở), phở chua, phở áp chảo, phở xào hoặc phở dĩa (thịt để riêng ra dĩa).
Tại Seoul, Hàn Quốc, tôi đã có dịp ăn thử phở có thịt bày riêng ra dĩa ở một tiệm mang tên Phở Việt Nam nhưng chủ nhân lại là người Hàn. Đặc biệt ở đây, từ chủ tiệm đến người phục vụ, không nói được một câu tiếng Việt nào (!). Loại ‘phở dĩa’ này cũng đã xuất hiện tại nhiều quốc gia nhưng… ngoại trừ Việt Nam .
Phở Hoàng, Austin , Texas
Bánh phở ở Mỹ có phần trong hơn bánh phở ở Việt Nam . Hình như ngoài bột gạo họ còn pha thêm bột năng nên khi ăn có cảm giác sợi phở dai hơn. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của phở là nước lèo mà người miền Bắc gọi là nước dùng. Mỗi tiệm phở đều có ‘bí quyết cha truyền con nối’, phải chăng vì vậy mà có ông chủ lấy luôn tên tiệm là Phở Gia Truyền?
Nước phở, ngoài xương bò, xương heo phải kể đến các vị như quế, hồi, thảo quả, gừng, thậm chí trong công thức pha chế còn có cả mắm tôm, mắm ruốc… Công thức và liều lượng cho việc hầm một mồi nước phở là cả một bí mật.
Sinh viên Đại học CSU tại Sacramento, thủ phủ tiểu bang Cali, cũng có một tiệm phở để ghé vào ăn trưa, uống cà phê sữa đá tại Saigon Bay, ngay trong khuôn viên trường. Bên ngoài khuôn viên Đại học San Jose cũng thấy rải rác vài tiệm phở phục vụ sinh viên và nhân viên nhà trường. Điều này chứng tỏ phở đã trở thành một món ăn bình dân ở Mỹ.
Phở Sacramento, Đại học CSU, California
Nói chung, cũng như tại Việt Nam , người ta có thể ăn phở vào bất cứ lúc nào trong ngày, sáng-trưa-chiều-tối, around the clock. Cũng vì thế, phở Việt đã đi vào cuộc sống hàng ngày của xã hội Mỹ vốn là một melting pot, nơi có thể dung hòa các nền văn hóa ẩm thực một cách dễ dàng.
Thay lời kết, xin trích dẫn nhận xét của Didier Courlou, đầu bếp chính người Pháp tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội, trong cuốn sách xuất bản bằng 3 thứ tiếng Pháp-Anh-Việt mang tựa đề Phở. Courlou đã vinh danh món ăn ‘quốc hồn, quốc túy’ của người Việt như sau:
“… Việt Nam là một đất nước có đủ sức lôi cuốn và cởi mở, giản dị như là món phở, mà đối với tôi, đó là một trong những món ăn ngon nhất thế giới”.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.