Friday, April 15, 2011

Chợ “chồm hổm” trên đất Mỹ

Chợ “chồm hổm” trên đất Mỹ.

                                                                                
Với tôi, ở Mỹ sướng nhất là quanh năm chẳng ai dòm tới mình và mình cũng chẳng dòm tới ai. Tại Houston (Texas) tôi ở một mình căn hộ 4 buồng cư xá Golf Green, ra vào bấm code mở cổng như ba-ri-e xe lửa. Trộm đứng ngoài nhìn vào mà khóc. Có lần đi chơi xa vài ngày quên không đóng cửa, tưởng đồ đạc bị khuân hết, ngờ đâu chẳng suy suyển gì . Khu cư xá nằm trong sân gôn ngay giữa thành phố mà suốt ngày vắng ngắt.  Mỗi tuần hai lần kéo thùng rác ra cửa, hoạ hoằn gặp hàng xóm giơ tay “say hello  rồi  lại tụt vào nhà bấm nút hạ cổng sắt xuống là chẳng ai thấy ai. Vào dịp lễ như Tạ Ơn, Giáng Sinh, tết Dương lịch…nhà nào nhà nấy chăng đèn kết hoa ở …ngoài cổng. Tối đến đèn bật sáng trưng nhưng tụ tập hết trong nhà, chẳng ai thò mặt ra nên đường xá vắng tanh. Hoạ hoằn mới gặp đôi vợ chồng già người Đài Loan bên hàng xóm dắt nhau liêu xiêu tản bộ trên con đường vắng.
Vào dịp giáp Tết, thời tiết Houston na ná như Sapa ở ta , rét có lúc không độ nhưng vẫn nắng vàng hoe và trời xanh ngăn ngắt. Trừ lúc phóng xe ra Fiesta ( chợ Mễ) mua thức ăn, suốt ngày tôi ngồi thu lu trong nhà hoặc ra vườn…sưởi nắng. “Khách”  duy nhất trong ngày chỉ có…đàn vịt. Chúng sống ở hồ nước trong sân gôn. Con nào con nấy mập thù lù. Tôi thường đổ cơm thừa ra hàng rào cho chúng tới ăn thành quen, cứ gần trưa là kéo nhau đến “cạc, cạc” ỏm tỏi. Có hôm anh Hùng, bạn tôi ở khu Memorial, khu nhà giàu, tới thăm. Thấy tôi chơi với vịt, anh kêu lớn :

image

“ Này chớ có xớ rớ tiết canh con nào mà chết đó…”
Tôi cười cười :
“ Vịt  hoang mà…của ai đâu mà lo !”
Hùng trợn mắt :
“ Hoang cũng không được thịt. Dân ở đây biết nó gọi điện cho “county”  là cảnh sát tới phạt liền…”
Thảo nào đàn vịt đông thế, con nào con nấy béo hú mà cả tháng chẳng thấy suy suyển. Dân nhậu quê tôi mà vớ được thì phải biết, cho lên đĩa hết…

image

Hùng nhìn ra khoảnh vườn trơ trọi  rủ rê :
“ Vườn rộng thế sao không mua ít cây giống về trồng .”
“ Ở Mỹ cũng có bán cây giống ?”
“ Người giống cũng có huống hồ cây giống…”
Thấy mặt tôi thộn ra, Hùng hớn hở giải thích :
“ Giả dụ ông là chồng già, vợ còn trẻ, muốn có con nhưng ông lại hết con”cung quăng”. No problem…nó sẵn sàng bán giống cho ông cấy vào bụng vợ. Giả dụ vợ ông bốn chục cái lá vàng rơi mà vẫn hám có con. No problem…nó cho ông thuê bụng để cấy giống của ông bà vào. Đẻ thuê ở bên này đã trở thành dịch vụ có giá đó.”
Tôi nghe bùi tai, hôm sau theo Hùng leo lên xe phóng tới trại cây giống. Trại cách trung tâm chừng hơn nửa giờ chạy xe, rộng bát ngát, vừa bước chân vào đã hoa cả mắt vì các loại kỳ hoa dị thảo. Nào phong lan, nào cúc vạn thọ, nào mãng đình hồng, nào vạn niên thanh…Rồi cây táo, cây bưởi, cây cam….không thiếu cây gì. Khách mua cây chẳng khác gì mua đồ trong siêu thị. Cũng lấy một cái xe tự đẩy sâu vào  vườn chọn cây . Ưng cây nào tự bưng lên xe. Chọn xong đẩy xe ra quầy thanh toán tiền. Nói thì gọn vậy nhưng vườn rộng mênh mông chia thành nhiều lô tuỳ theo các loại cây, đẩy xe toát mồ hôi mới rảo xong một góc. Hùng lôi tôi đi rạc cẳng mới chọn được hơn chục chậu, đẩy ra chỗ tính tiền, chủ Mỹ chặt hơn trăm đô làm tôi méo cả miệng :
“ Í trời ôi… chỗ cây này ở Việt Nam giỏi lắm là 200 ngàn tức 15 đô chứ mấy.”
Hùng càm ràm :
“ Ông tiêu tiền ở Mỹ cứ quy ra tiền Việt thì đố ông dám mua gì. “
Tôi phì cười. Còn nhớ hồi mới sang đi chợ mua mớ hành 1 đô quy ra tiền ta là 16 ngàn, mớ thìa là 2 đô quy ra là 32 ngàn, nửa ký thịt bò 10 đô tính ra trăm sáu…mới sơ sơ vài món tính sang tiền Việt đã hết triệu bạc . Rồi ăn phở nữa. Chơi tô lớn, thêm cái hột gà cộng thêm tiền “bo” là mất đứt 12 đô gần 200 ngàn mà thua phở Nam Ngư Hà Nội là cái chắc. Sau tôi phải quên đi, không quy tiền Mỹ sang tiền Việt nữa mới dám đi chợ. Chợ Mỹ bao giờ cũng đắt hơn chợ Việt. Chợ Việt lại đắt hơn chợ Mễ. Thế là cứ nhằm chợ Mễ mà mua dù rau cỏ không phong phú bằng chợ Việt.

image

Đánh xe ra khỏi trại cây, Hùng cười bí mật :
“ Tớ có món này hay lắm…dám chơi không ?”  
Mắt tôi sáng rực :
“ Thịt chó hả ?”
Oh My God…vợ tớ có chân trong hội animal right..nó thì giết…thì giết…”
“ Tiết canh dê à ?”
Hùng cười hô hố :
“ Gần đúng. Tiết canh vịt.  Lòng lợn mắm tôm. Và còn cái này nữa mới độc …”
Tim tôi đập thình thịch :
“ Rươi hả ? ối trời ôi chả rươi vỏ quýt …”
Hùng lắc quày quạy :
“Mùa này kiếm đâu ra rươi ? Lá húng…húng Láng hẳn hoi…”
Tôi giật mình :
“ Ấy chết…hải quan Mỹ khám được phạt mấy chục ngàn tội mang cây cỏ vào Mỹ đó…”
“ Bà mẹ vợ tớ điếc không sợ súng. Biết ông con rể ham ăn nên giấu một mớ dưới đáy va li gửi baggage. Nào, lên đường …”
Hùng hăm hở đánh xe chạy xa khỏi thành phố. Xe rẽ vào một cánh rừng thưa , băng qua cổng một khu đất có vẻ trang trại rồi dừng trước ngôi nhà gỗ. Chủ nhân trạc ngoài 50, vạm vỡ lực điền reo lên mừng rỡ :
“ May quá vừa xong xuôi hết. Xin mời vào…”
Phòng khách sơ sài với bộ bàn ăn, cái bếp ga chẳng khác gì vùng quê Việt Nam. Ông chủ mở tủ lạnh bưng ra một đĩa tiết canh đỏ lự và một đĩa thịt vịt chặt khẩu mía. Ông vỗ hai tay vào nhau vui vẻ :
“ Tế sớm khỏi ruồi…xin mời…xin mời… ”
Hùng rót rượu ra ly, giơ cao :
“ Nào…hai ông…một ông lính Bắc Kỳ…một ông lính Nam Kỳ…cụng ly với nhau  trên đất Mỹ để hoà hợp dân tộc …”
image

Hoá ra Quân, chủ nhà, theo lời kể của Hùng, ngày xưa là đại uý Lữ đoàn 258 Thuỷ Quân Lục Chiến  đã từng hành quân ở Ba Gia, Quảng Ngãi , Bời Lời Tây Ninh… Quân cụng ly tôi cái cốp, cất giọng :
“ Ngày trước, hồi tôi còn ở đơn vị…”
Bất chợt Quân nhìn mặt tôi, hơi ngẩn ra rồi cười phá :
“ Ông yên trí…tôi không kể chuyện “hồi ấy” tôi đóng chức gì, chỉ huy ở đâu , chiến đấu ra sao đâu ? Ông sang đây chắc nghe nhiều chuyện “hồi ấy” nên mới thoáng hai tiếng đó đã xanh mặt lại kìa. Tôi chỉ muốn kể chuyện “hồi ấy” tôi cũng đánh…tiết canh vịt nhưng lần nào cũng hỏng. Sau có thằng lính mách tôi muốn tiết đông đẹp, mầu sắc tươi rói, đại uý cứ nhỏ vào tiết vài giọt …nước tiểu. Bí quyết nhà nghề đó.  Quả nhiên thành công mỹ mãn…”
Hùng kêu toáng :
“ Vậy rồi đĩa tiết này ông có áp dụng “công nghệ” đó không ?”
Quân cười  lắc đầu :
“ Đã sang Mỹ rồi ai còn làm trò man rợ vậy ? Tiết canh này tôi hãm bằng nước mắm với nước xôi đúng theo công nghệ các cụ ta.”
Sau món tiết canh, vịt luộc chấm nước mắm tỏi, Quân bưng ra món lòng lợn mắm tôm và sau cùng là giả cầy ăn với bún. Chẳng khách sáo gì, cả ba chúng tôi chén chú chén anh, hăm hở lao vào “tiêu diệt” sạch . Tôi khoái nhất món giả cầy, thật không ngờ trên đất Mỹ cũng có giềng, có mẻ . Quân lắc quày quạy :

image

“ Không không…giềng thì có, mẻ thì không, tôi thay bằng…yaourt đó…”
Tôi ngạc nhiên :
“ Yaourt…tức sữa chua ?”
Quân gật đầu :
“ Chứ sao ? Anh ăn có thấy thua gì mẻ không ?”
“ Bái phục, bái phục…còn hơn cả mẻ nữa kìa…”
Lúc chia tay, Quân có vẻ bịn rịn :
“ Chủ nhật tới lại mời hai ông xuống đây xơi đặc sản …”
Hùng vui vẻ :
“ Xin nhận lời cả hai tay. Nhưng còn món gì nữa đây ?”
Quân long trọng :
“ Lợn, bò, gà vịt ăn cả rồi. Tuần tới phải rờ tới món…quốc hồn quốc tuý…”
Hùng kêu to :
“ Cày tơ ?”
“ Đúng thế …tuần tới xin đãi hai ông thịt chó…”

image

Hùng giơ cả hai tay lên trời :
“ Oh My God…thiệt không ? Ông nói thiệt không ?
“ Thiệt chớ sao không ? Tuần tới không có cái món “cờ tây” đó xin cứ đem đầu tôi ra chặt !”
Tôi thắc mắc :
“ Thịt chó berger à ?”
Quân lắc quày quạy :
“ í trời, ai thèm, gây  bỏ mẹ. Tôi đãi hai ông cày ta đàng hoàng …”
Ra khỏi nhà Quân, Hùng lắc đầu :
“ Bên Mỹ này đa số sợ cholesterol , tiểu đường . Anh nào cũng kè kè cái máy đo. Riêng cha Quân này đớp xả láng. Tôm, cua, óc lợn…toàn những thứ dầy đặc cholesterol mà cha cứ chén tì tì…”
Tuần sau Hùng lại tới nhưng không rủ  tôi tới nhà Quân ăn thịt cày mà lại đi tận … New Orleans xa tới 6 giờ chạy xe. Quân bảo tới đó dự ngày Mardi Gras của dân Mỹ gốc Pháp rồi đi chợ “chồm hổm”, đặc sản không đâu có của bà con Việt kiều trên đất Mỹ.
Tôi bùi tai OK liền. Thế là hai anh em trên một chiếc xe VAN phăm phăm chạy trên hệ thống xa lộ chằng chịt miền Tây Nam nước Mỹ. Hùng không thạo đường, bù lại anh có hộp định vị vệ tinh GPS toàn cầu ( Global Positional Satellite ) đi tới đâu có tiếng nói trong hộp chỉ đường tới đó, thật chẳng khác gì con ma xó. Hoá ra cái hộp quái quỷ này cũng không đắt lắm, bỏ ra $200 mua nó mình có thể chu du khắp nước Mỹ mà không sợ lạc. Đường xá ở Mỹ có hệ thống biển báo thật hết chỗ chê. Mấy ngày đầu cứ hoa cả mắt vì đèn xanh đèn đỏ nhưng dần dà rồi cũng quen hoá ra hệ thống tín hiệu giao thông chi li chặt chẽ đến thế này thì cảnh sát giao thông đến thất nghiệp. Quả thực chạy xe cả mấy tiếng đồng hồ, qua bao nhiêu là thị trấn, đường giao…mà chẳng thấy chú cảnh sát nào, thật chẳng bù cho Việt Nam ta cứ ra ngõ là gặp mấy chú.
Hùng cho xe ghé trạm đổ xăng, bơm xe… tuốt tuột đều dùng máy tự phục vụ . Xem ra tiết kiệm nhân lực là một cố gắng lớn của người Mỹ. Chỉ những phần việc máy không làm hết  phải có con người nhúng tay vào như làm cỏ vườn, dọn dẹp nhà cửa… mới phải dùng tới … “người Mễ” sáng sáng tập trung đầy ở các “chợ lao động” gần công viên, cây xăng, đa số nhập cư lậu , Sở di trú biết thừa mà lờ đi vì nếu làm dữ lấy ai làm “cỏ vê” cho dân Mỹ ?
Tôi vào tiệm mua hai ổ bánh mì kẹp thịt rồi lại tiếp tục rong ruổi trên đường thiên lý. Gần tới thành phố New Orleans, Hùng chỉ tôi coi một mái vòm khổng lồ bên tay trái xa lộ :
“ Superdome đó….sân vận động lớn nhất thế giới . Hồi bão Katrina dân Mỹ chạy vào đây tránh bão …”
Hùng kể vào tháng 9 năm 2005, cơn bão Katrina với sức gió 170 km/ giờ, gây thiệt hại 300 tỉ USD - tức vượt quá chi phí  Mỹ bỏ ra cho 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq trong vòng 4 năm, ngay ngày đầu đã làm vỡ đê khiến New Orleans ngập sâu tới vài mét. Dù có lệnh cưỡng bức di tản, nhưng hàng trăm ngàn người vẫn mắc kẹt do không kịp hay không có phương tiện. Hai mươi lăm ngàn người phải trú tạm nhiều ngày trong điều kiện thiếu thốn và mất vệ sinh tại sân vận động có mái che Superdome này. Tôi ngoái nhìn cái mái vòm khổng lồ cố tưởng  tượng ra cơn cuồng phong gào rú quanh đây.
New Orleans, dân ta gọi là Ngọc Lân, trung tâm công nghiệp và cảng biển,  lớn nhất tiểu bang Louisiana, giữa bờ sông Mississippi và hồ Pontchartrain.Thành phố  được đặt tên theo Philippe II, Công tước Orleans, công tước nhiếp chính Pháp,và là một trong những thành phố cổ nhất nước Mỹ. New Orleans có riêng một  khu phố Pháp ( French Quartier) trong đó phố Bourbon với những ban công, đường phố mang dáng dấp “phố tây” cổ ở Hà Nội, san sát cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn mang tên Pháp. New Orleans là cái nôi ra đời và phát triển của nhạc Jazz. Louis Armstrong, nhạc sĩ Jazz vĩ đại nhất của mọi thời đại chọn nơi này khởi đầu sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của mình từ những năm 20. Và lịch sử sơ khai  thể loại nhạc này cũng được nghiên cứu và ghi chép đầy đủ nhất nơi đây chứ không phải bất kỳ nơi nào khác. New Orleans còn là nơi mại dâm được hoạt động hợp pháp với một số “Nhà Thể Thao” (tiếng lóng chỉ Nhà Thổ) thuộc loại tinh tế và lịch sự nhất nước Mỹ.

image

Hùng đưa tôi trọ một khách sạn nhỏ phố Bourbon. Mardi Gras  là lễ hội đặc trưng của New Oleans với ẩm thực, hoá trang  và nhạc jazz. Ngày mai mới lễ chính nhưng cả đêm hôm đó từng tốp du khách đã chơi nhạc jazz và nhảy nhót  suốt đêm . Thành phố đã hồi sinh sau cơn bão Katrina, vào dịp này, ít nhất 23.000 phòng trong tổng số 28.000 phòng toàn thành phố  đã có khách trọ.
Sáng sớm hôm sau, Hùng đánh thức tôi dậy xuống nhà ăn sáng “miễn phí” rồi đi chợ Pháp ( French Market) mua mấy thứ lưu niệm . Chúng tôi thả bộ dọc theo phố Crescent City dọc bờ sông Missisippy qua những đám hát múa, vẽ chân dung, thổi kèn…san sát hai bên đường. Cảnh sát đi ngựa xuất hiện nhưng không phải để dẹp trật tự mà chính là phô diễn một nét văn hoá đẹp cổ xưa . Ở vườn hoa tôi bắt gặp một đám các bà già hoá trang thành những cô gái “thi hoa hậu” trong trang phục áo tắm . Bia chảy như suối và các bếp nướng ngoài trời đủ món bốc khói nghi ngút. Quá nhiều đồ uống nhiều thức ăn khiến dân Mỹ phải chiến đấu với cái “dạ dầy” rất quyết liệt mà người vẫn béo phì. Quả thực cố tìm trong đám đông mà hiếm thấy cô gái nào ở tuổi thiếu nữ lại có vòng 2 dưới …1 mét. Nghe tôi phàn nàn, Hùng bật cười :
“ Thiếu nữ mình ve dáng liễu phải ở New York hoặc Washington DC trong Mỹ quý tộc mới có nhiều kìa…”
Đi bộ mỏi chân mới ghé quán Cafe du Monde – trung tâm văn hoá Pháp ở French Quartier này. Phải chờ mãi mới có chỗ ngồi để vừa nhâm nhi ly cà phê vừa thưởng thức một dàn nhạc jazz chơi hết mình. Lúc đứng dậy, ngoài tiền cà phê, tôi tự nguyện móc túi trả thêm $20 nữa để được nhận bộ ly kỷ niệm của quán cà phê nổi tiếng thế giới dẫu rằng cũng chẳng ngon hơn cà phê Ban Mê Thuột là mấy .

image

Sáng hôm sau trước khi rời New Orleans chúng tôi ghé khu Versaille, nơi tập trung đông bà con Việt kiều. Hùng chạy xe chầm chậm theo con phố ven biển. Khu trung tâm sầm uất đã lui lại phía sau. Vết tích của cơn bão năm trước dần dần lộ rõ. Hai bên đường những dãy nhà, những công xưởng , những trạm xăng …đổ nát vẫn bỏ hoang. Có rất nhiều người đã bỏ đi sau cơn bão và không quay trở về . Chúng tôi đi qua một thị trấn hoang vắng và đổ nát, ghé một xóm nhỏ ven biển.  Hoá ra cả một vùng dân Mỹ bỏ đi hết nhưng dân Việt mình vẫn trụ lại. Những đường phố vắng lạnh, tôi nhìn thấy biển phố mang tên Sàigòn trơ trọi bên dãy nhà hoang. Và rồi đột ngột trước mắt tôi là một xóm nhỏ. Đây là bà con dân chài trôi dạt mãi từ Vũng Tàu – Long Hải sang đây lập nghiệp. Cơn bão quái ác Katrina đã cướp đi tất cả – thuyền tàu, lưới đánh cá, cơ sở chế biến và cả nhà ở lẫn người đàn ông trong gia đình. Vậy nhưng bà con vẫn trụ lại. Trên một mảnh đất trống có rất nhiều người ngồi “chồm hổm”  bày ra những mẹt hàng đủ loại nào gạo, nào rau tươi, nào tôm cá, cả những mặt hàng “thuần Việt” như bánh trưng, bánh tét, bánh cuốn thật không thể tưởng tượng lại xuất hiện nơi cùng trời cuối đất trên xứ Mỹ này.

                                        image 
             
















Người đứng cười toe bên góc chợ chồm hổm
chính là tác giả tiểu thuyết "Đi về nơi hoang dã"!


Một bà mẹ áo nâu xồng, chít khăn mỏ quạ, run run giọng trong mưa lạnh :
“ Bão làm tan tành hết trơn rồi. Giờ bán ba con tôm  qua ngày . Con mua giùm má đi…”
Tôi nghẹn lời :
“ Sao má không di cư sang Houston như những người khác ?”
“ Má sang đây vài chục năm nay rồi. Mồ mả người thân cũng chôn đây rồi. Đời người đã một lần đi tìm quê hương mới. Đành  trụ lại đây chứ còn biết đi đâu …”
Hoá ra chợ “chồm hổm” nổi tiếng trên đất bão ở nước Mỹ là đây. Tôi bước đi trong xóm nhỏ đã thấy ánh đèn le lói trong những căn nhà dựng lại. Xóm đạo người Việt mình rồi sẽ lại hồi sinh, chiều chiều sẽ lại vang lên tiếng chuông nhà thờ, tiếng cầu kinh, tiếng trẻ thơ oe oe  như thời trước bão. Ở nơi cùng trời cuối đất này tôi chợt thấy một cách hết sức cụ thể sức sống muôn đời bất diệt của dân tộc mình. Bất chấp bão tố, biển cả và muôn ngàn bất hạnh  …vượt lên trên tất cả vẫn là sức sống mãnh liệt của con người, con người Việt Nam.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.