Phim 'Nỗi Buồn Sông Gianh' được bắt đầu quay từ tháng 9/2016, theo nhóm sản xuất.
Sự kiện cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam trong thảm họa môi trường do nhà máy thép thuộc công ty Hưng Nghiệp Formosa của Đài Loan ở Việt Nam gây ra hồi tháng Tư năm ngoái đã trở thành đề tài của một nhóm làm phim phóng sự trên truyền thông xã hội.
Bộ phim có tựa đề 'Nỗi Buồn Sông Gianh' do êkíp làm phim Nguyễn Lân Thắng, Hoàng Công Cường và các cộng sự khởi quay từ tháng 9/2016 và công bố trên truyền thông xã hội thời gian gần đây đã lựa chọn con sông vốn phân chia, ngăn cách hai miền của Việt Nam qua nhiều biến động của lịch sử với nhiều thời đoạn binh đao, khói lửa.
Đạo diễn phóng sự Nguyễn Lân Thắng và trợ lý sản xuất Hoàng Công Cường chia sẻ về lý do lựa chọn đề tài và khó khăn trong quá trình thực hiện những 'thước phim' với nhiều cảnh quay khá đẹp và ấn tượng.
"Trước đây tôi đã làm ít nhất ba, bốn phim, nhưng đây là phim công phu nhất," ông Nguyễn Lân Thắng cho biết.
"Phim 'Nỗi Buồn Sông Gianh' của chúng tôi được thực hiện trong hoàn cảnh thảm họa môi trường Formosa diễn ra rất khốc liệt. Và khi đó chúng tôi nghĩ rằng cần phải có những sản phẩm truyền thông để mang đến cho những người ở xa hiểu những vấn đề thảm họa môi trường ở đây.
"Đồng thời thúc giục mọi người chung tay để đấu tranh với vấn đề Formosa,".
Một cảnh quay từ trên cao của nhóm làm phim với dòng sông Gianh lịch sử.
Một cảnh quay sử dụng thiết bị ghi hình từ trên không khắc họa một phần khu công nghiệp Formosa.
Trợ lý Hoàng Công Cường chia sẻ thêm:
"Phim 'Nỗi Buồn Sông Gianh' là ý tưởng của kỹ sư Nguyễn Lân Thắng và anh em chúng tôi thường xuyên giúp đỡ nhau và cùng nhau chia sẻ những công việc mà xã hội cần.
"Khi anh Nguyễn Lân Thắng có ý tưởng để làm phim 'Nỗi Buồn Sông Gianh', muốn nói lên thực trạng của thảm họa Formosa, thì anh Lân Thắng đã có nhã ý mời tôi cộng tác. Khi nhận được lời mời của anh, tôi đã rất nhiệt tình và hào hứng, để tham gia cùng anh Thắng, có thể giúp đỡ anh Thắng về nhân lực, vật lực để hoàn thành bộ phim đó...
"Làm sao nói lên thực trạng thảm họa đó để cho rất nhiều người biết, không những ở trong nước Việt Nam, dân Việt Nam, mà cả xã hội rộng rãi biết được sự khốc liệt và nguy hai của thảm họa đó."
'Giấu giếm, lén lút'
Nhóm làm phim cố gắng tiếp cận cộng đồng ở những địa bàn chịu ảnh hưởng sau vụ cá chết bất thường và hàng loạt.
Biên kịch và đạo điễn phim Nguyễn Lân Thắng đang 'đứng trước biển', một cảnh trong phim.
Đạo diễn phim Nguyễn Lân Thắng nói về việc thực hiện phóng sự:
"Bộ phim 'Nỗi Buồn Sông Gianh' thực ra diễn ra trong một giai đoạn rất khốc liệt mà tôi đã thực hiện rất nhiều chuyến đi đến miền Trung, và không chỉ có anh Cường, mà còn có rất nhiều các anh em khác nữa đã giúp đỡ tôi trong việc thực hiện bộ phim này.
"Khi chúng tôi thực hiện phim, thì sự quan tâm và chú ý của An ninh đối với những nhà hoạt động xã hội rất là kinh khủng, và chúng tôi cũng phải giấu giếm, chúng tôi cũng phải lén lút, thậm chí chúng tôi phải chịu sự truy đuổi khá là gắt gao của lực lượng an ninh...
"Nhưng nhờ sự giúp đỡ của những người hoạt động, cũng như của những người dân ở địa phương, chúng tôi đã hoàn thành được bộ phim này," kỹ sư Lân Thắng nói.
Trợ lý sản xuất Hoàng Công Cường bổ sung thêm:
Đoàn làm phim tiếp cận khu công nghiệp nơi đặt nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh trong nỗ lực có những cảnh quay thực tế.
"Anh Thắng phải đi rất nhiều chuyến vào Hà Tĩnh, cụ thể là khu nhà máy Formosa đóng đô tại nơi đó. Đi rất nhiều người, đi rất nhiều chuyến và rất là bí mật. Tôi và anh Thắng gần như là đi chuyến cuối cùng... Chủ đề xuyên suốt, chỉ có anh Thắng biết thôi.
"Nhưng chuyến cuối cùng, tôi và anh Thắng đi cũng là một vấn đề rất khó, để lấy được những hình ảnh từ trong cùng một nhà máy. Hai anh em ba ngày trời đi trong sự im lặng.
"Ăn uống thì kham khổ, chuyện ấy đương nhiên rồi, nhưng ở cũng là một vấn đề hết sức nan giải. Đi vào khách sạn này, nhưng mà lại ở khách sạn khác...
"Để tất cả mong hầu làm sao những hình ảnh chân thực nhất về thiên nhiên Việt Nam, đối lập hoàn toàn với thảm họa ghê gớm đến như thế, lại có thể xảy ra được đối với nhà cầm quyền Việt Nam...," ông Hoàng Công Cường nói.
'Cảnh quay thú nhất'
Trong phóng sự đầu tay này, nhóm làm phim có một số cảnh quay trên cao khá hoành tráng, với chất lượng hình ảnh khá tốt về non nước, sông núi, đồng ruộng... khác hùng vĩ và khá đẹp.
Khi được đề nghị nói về những cảnh quay nào thú vị và thách thức nhất, đạo diễn phóng sự 'Nỗi Buồn Sông Gianh', Nguyễn Lân Thắng, chia sẻ:
Một cảnh ngư dân đi đánh cá trên biển trong 'Nỗi Buồn Sông Gianh'
Người dân địa phương xử lý thủy, hải sản sau khi đánh bắt, khai thác được từ ngư trường.
"Trong những cảnh quay mà tôi cảm thấy hồi hộp nhất, chính là cảnh quay đầu tiên, bởi vì lần đầu tiên tôi sử dụng flycam (thiết bị camera quay trên cao) chỉ trước đó vài ngày thôi... và chưa có kinh nghiệm nhiều.
"Hơn nữa là phải thực hiện trong những điều kiện rất bí mật, phải che dấu sự theo dõi của an ninh, cũng như sự phá phách có thể có.
"Bởi vì thiết bị này cũng rất đắt tiền, và nếu họ biết mà họ phá, thì sự thiệt hại của mình rất là lớn."
Trong phóng sự, có một số đoạn thoại hoặc phỏng vấn có nội dung được đề cập ít nhiều có dáng dấp được cho là 'cáo buộc', hay 'lên án' đối với những nhà quản lý, lãnh đạo chính quyền trung ương và địa phương, khi được hỏi liệu nhóm làm phim có quan ngại gì hay không khi đưa ra những chi tiết đó, ông Nguyễn Lân Thắng nói.
Nhiều nam thanh niên đi đánh cá, một cảnh khác trong phim
Cảnh ngư dân - giáo dân cầu nguyện trong đêm, trước biển.
"Thực ra đấy là những câu hỏi chúng tôi đặt ra và người dân người ta nghĩ như thế nào thì người ta nói thế, vậy thôi."
Thành viên nhóm làm phim Hoàng Công Cường bổ sung:
"Mọi cảnh quay, mọi phút ở trong phim đó đều là những sự thật, đều là những hình ảnh của sự thật, chúng tôi không hề biên tập, chúng tôi không hề làm truyền hình theo cách là 'làm truyền hình', và chúng tôi đi gặp những người dân và họ có ý tưởng , có ý kiến như thế nào, thì người ta (nói) thực sự là như thế," trợ lý sản xuất của phóng sự.
Giáo dân dự Thánh lễ trong một Nhà thờ ở khu vực bị hưởng của thảm họa môi trường.
Quốc Phương
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.