Ông Lý và chị gái Lý Vỹ Linh, người đã qua đời vào ngày 9/10, đã nhiều năm bị người anh trai có tầm ảnh hưởng Lý Hiển Long, người đã giữ chức thủ tướng Singapore trong hai thập kỷ cho đến tháng 5 năm nay, xa lánh do tranh chấp về việc nên làm thế nào với ngôi nhà của thân phụ sau khi ông qua đời vào năm 2015.
Mối quan hệ căng thẳng đã phơi bày trước công chúng, khi ông Lý Hiển Dương, 67 tuổi, đứng về phía đảng đối lập trong cuộc bầu cử năm 2020 và năm ngoái đã nói rằng ông đang cân nhắc tranh cử tổng thống Singapore, một chức vụ chủ yếu mang tính lễ nghi.
Trong bài đăng trên Facebook hôm 22/10, ông Lý cho biết chính phủ Anh đã xác định ông đối mặt với "nguy cơ có cơ sở là sẽ bị bức hại và không thể an toàn trở về Singapore ".
"Tôi đã tìm kiếm quy chế bảo vệ cho người tị nạn như là phương sách cuối cùng. Tôi vẫn là công dân Singapore và hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ được về nước an toàn ", ông nói.
Chính phủ Singapore cho biết cáo buộc đàn áp là vô căn cứ và không có cơ sở, kênh ChannelNewsAsia của Singapore đưa tin.
Chính phủ Anh đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận và Cao ủy của họ tại Singapore nói Reuters chuyển yêu cầu tới Bộ ngoại giao tại London.
‘Công kích nhắm vào tôi’
Trong bài đăng của mình, ông Lý cho biết ông đã tìm kiếm quy chế tị nạn vào năm 2022, dẫn ra "các cuộc tấn công" và truy bức của chính phủ Singapore đối với ông và gia đình, và rằng vì lẽ đó mà ông không thể trở về dự đám tang của chị gái.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian số ra ngày 22/10, ông Lý cho biết chính phủ Anh đã cấp quyền tị nạn cho ông vào tháng 8.
Tuần trước, ông nói rằng ông sẽ nộp đơn xin phá dỡ căn nhà của phụ thân Lý Quang Diệu theo nguyện vọng của ông.
Chính phủ Singapore đã phản hồi rằng họ sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến ngôi nhà này vào thời điểm thích hợp. Ông Lý Hiển Long cho rằng quyết định phải làm gì với căn nhà này là thuộc về chính phủ, bao gồm khả năng có thể giữ lại nó để làm di tích lịch sử.
Ông Lý Hiển Long vẫn giữ chức bộ trưởng cấp cao trong nội các, một chức vụ mà thân phụ ông cũng từng đảm nhiệm. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã lãnh đạo giai đoạn vươn mình nhanh chóng của thành phố nhỏ bé này từ một hải cảng thuộc địa heo hút của Anh trở thành trung tâm thương mại và tài chính toàn cầu từ năm 1959 đến năm 1990.
Ông Lý Hiển Dương và chị gái đã nói vào năm 2017 rằng họ đã mất niềm tin vào anh trai mình, cáo buộc ông Lý Hiển Long lạm dụng quyền lực và họ lo ngại "các cơ quan nhà nước" của Singapore có thể được sử dụng để tấn công họ.
Ông Lý Hiển Long đã bác bỏ các cáo buộc này, vốn là lời chỉ trích hiếm hoi đối với một nhà lãnh đạo Singapore.
Em trai của ông cũng nói với hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái rằng ông đã tự lưu vong ở châu Âu và không có khả năng trở về Singapore vì sợ bị truy tố chính trị.
Vào tháng 5, ông Lý Hiển Dương đã bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho hai bộ trưởng nội các Singapore trong một vụ kiện phỉ báng, vì các bài đăng trên mạng của ông mà chính phủ cho là có chứa thông tin sai sự thật liên quan đến tranh cãi về việc các bộ trưởng thuê nhà cửa của nhà nước.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.