Đây cũng là nơi mà hai người sinh ra và lớn lên. Ông Thiết sinh năm 1939 còn bà Thuận sinh sau ông một năm.
Hai ông bà hiện sống trong một ngôi nhà khang trang, một trệt và một lầu, vừa đủ tiện nghi chứ không phải bề thế gì.
Ở làng An Bằng, hai ông bà chỉ là những người bình thường, không phải đại gia hay thuộc gia đình hoàng tộc nào cả.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến 2019, đôi vợ chồng già đã chi đến khoảng 4 tỷ đồng để xây mộ cho chính mình dù tới thời điểm này, hai người trông vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Với con số 4 tỷ đồng này, hai ông bà có thể mua được một căn hộ khang trang ở Sài Gòn.
Ngôi mộ của hai người bề thế, rực rỡ, được trang trí hằng hà chi tiết tinh xảo, một số trong đó lấy cảm hứng từ kiến trúc cung điện, lăng tẩm hoàng gia như long, phượng, trụ biểu,...
Ông bà cũng xin các nhà sư địa phương một số câu đối, chữ để trang trí cho lăng.
Trước khi xây, hai ông bà thuê người thiết kế bản vẽ, sau đó hỏi người trong gia đình xem đồng thuận hay không. Nếu mọi người đều nhất trí thì sẽ cho tiến hành xây mộ như bản vẽ.
Đôi vợ chồng già cũng cho biết họ phải xem phong thủy nhằm chọn ngày, giờ "đẹp" để khởi công.
Phần lớn kinh phí cho nơi an nghỉ cuối cùng này đến từ tiền tích lũy của hai ông bà trong hàng chục năm qua. Mỗi người con trai góp thêm vào 5.000 USD nữa.
Bia đá trên mộ cũng đã khắc sẵn tên của hai ông bà cùng con cháu phụng lập. Đôi vợ chồng có với nhau tám người con trai và một người con gái, trong đó người con đầu năm nay đã 66 tuổi.
Hiện ngoài sinh phần của mình, hai ông bà cũng đã dành sẵn đất trong khuôn viên lăng mộ cho những người con muốn về yên nghỉ bên cha mẹ ở quê hương.
"Hồi đó vật giá rẻ hơn. Nếu muốn xây một ngôi mộ như vậy bây giờ thì phải tốn khoảng 5 tỷ," cụ bà Văn Thị Thuận nói với BBC News Tiếng Việt vào tháng 9/2024.
Vì sao lại chi tiền tỷ xây mộ?
Xây lăng mộ trước cho người còn sống, gọi là sinh phần, là một tập tục có từ xưa. Các bậc vua chúa, người giàu ở Trung Hoa và Việt Nam thường xây cho mình những khu lăng mộ hoành tráng. Nếu vì điều kiện chưa xây được lăng mộ, họ có thể chuẩn bị sẵn miếng đất để làm mộ một khi qua đời. Những gia đình nghèo hơn cũng thường đóng sẵn quan tài cho người già. Truyền thống này vẫn còn lưu giữ tại nhiều nơi ở Việt Nam.
Theo lời ông Thiết, từ năm 1959 đến trước năm 1975, ông là tài xế lái xe quân cụ cho quân lực Việt Nam Cộng hòa ở thành phố Đà Nẵng. Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông bà trở lại làng An Bằng và làm nghề chài lưới.
Từ năm 1980-1985, ba người con của ông bà vượt biên sang Mỹ. Giai đoạn sau đó cho đến năm 2000, khi đã ổn định cuộc sống, họ bảo lãnh anh chị em qua Mỹ định cư.
Hiện họ sống ở các bang khác nhau, nhiều nhất ở California. Năm 2005, ông bà đã qua Mỹ với các con nhưng tới năm 2008 thì về quê lại vì thấy buồn.
"Thi thoảng chúng tôi cũng có sang Mỹ chơi, nhưng tụi nó về quê nhiều hơn, năm nào cũng thay phiên nhau về thăm ba mẹ," bà Thuận kể.
Từ khi ổn định cuộc sống, con cái bắt đầu gửi tiền về Việt Nam để chu cấp cho ông Thiết và bà Thuận.
Ông bà dùng số tiền đó chi vừa đủ cho cuộc sống hằng ngày, còn lại dành gửi ngân hàng và đến năm 2017 thì rút ra xây mộ. Hai người chia sẻ dù chi tiền tỷ xây mộ nhưng họ vẫn còn đủ tiền để an dưỡng tuổi già mà không phải lo nghĩ quá nhiều.
Khi được hỏi tại sao lại bỏ ra số tiền lớn như thế để xây lăng mộ cho mình chứ không dùng để tận hưởng hay để lại cho con cháu, ông Thiết trả lời:
"Nếu chúng tôi mà không xây thì con cháu bên đó cũng đau đáu rằng mình không làm tròn bổn phận, làm tròn chữ hiếu. Mà giờ có mồ mả đẹp rồi thì bản thân chúng tôi cũng không phải lo lắng về nơi an nghỉ nữa. Từ khi xây xong, chúng tôi thấy thoải mái lắm."
Ông Thiết nói rằng như nhiều người ở đây, ông bà quan niệm "sống cái nhà, thác cái mồ" - mồ mả cũng quan trọng như nhà cửa vậy, nhà khang trang thì mộ cũng phải khang trang.
Ông bà cũng tin rằng "sinh ký tử quy - sống gửi thác về", sống chỉ là tạm bợ còn cái chết mới là cõi vĩnh hằng. Do đó, đôi vợ chồng già xem nhà cửa khi sống chỉ cần vừa đủ, còn mồ mả - nơi mình an nghỉ vĩnh viễn - mới cần phải hoành tráng.
Nghĩa trang An Bằng
Nghĩa trang An Bằng nổi tiếng với biệt danh "thành phố lăng mộ" hay "thành phố của người chết" với hàng ngàn ngôi mộ đồ sộ, cầu kỳ, san sát nhau, tạo nên một quang cảnh độc đáo, thu hút sự tò mò của nhiều du khách.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, nhiều ngôi mộ ở đây có kinh phí xây dựng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Năm 2013, báo VnExpress cho biết có những ngôi mộ tại khu nghĩa trang này được xây với kinh phí lên tới 10 tỷ đồng.
Vào tháng 7/2024, một người dân An Bằng nói:
"Người dân An Bằng trước kia sống bằng nghề chài lưới. Sau khi chiến tranh kết thúc, đời sống trở thiếu thốn, nghèo đói, có lúc phải luộc xương rồng chấm muối để ăn. Lúc đó mùa đánh cá cũng liên tục thất bát và họ thì không có ruộng đồng để canh tác.
"Đến khoảng năm 1977, nhiều người chỉ còn hai lựa chọn: phải đi hoặc ở lại và chịu chết. Họ đã chọn cách vượt biên. Và như những thuyền nhân khác, nhiều người trong số họ đã bỏ mạng dưới đại dương.
"Đa số những người may mắn thì đến được Mỹ và Úc. Họ tiếp tục nghề đánh cá với các tàu nước ngoài và kiếm được nhiều tiền. Họ nghĩ mình sống sót và trúng mánh là phúc phận lớn, là nhờ có ông bà, tổ tiên phù hộ. Thế nên họ gửi tiền về quê nhà để xây lăng tẩm.
"Dần dần cũng hình thành hiện tượng 'con gà tức nhau tiếng gáy' ở trong làng. Khi một gia đình xây một ngôi mộ hoành tráng, các nhà khác có xu hướng tân trang mộ ông bà mình để trông bề thế hơn, thậm chí có trường hợp đập đi xây mới hoàn toàn dù đã bỏ hàng trăm triệu đồng xây ngôi mộ trước đó."
Vì sao những ngôi mộ này tốn nhiều tiền?
Kiến trúc sư Nguyễn Phước Bảo Hoàn - người có kinh nghiệm làm việc với kiến trúc cung đình ở Huế - nói với BBC hôm 7/10:
"Phần lớn kinh phí được chi trả cho những người 'thợ kép', tức những người chuyên đắp, ghép sành sứ hình rồng phượng cho đền đài, lăng tẩm. Số thợ kép lành nghề hiện nay khá ít và làm những việc như vậy cũng đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và kỹ năng.
"Thêm nữa, vì không nằm trong khu dân cư, vận chuyển vật liệu tới khu mồ mả cũng tương đối khó khăn."
Trong quá trình xây mộ, ông Thiết và bà Thuận đã thay thợ kép đến hai lần vì có những người bỏ dở khi không đáp ứng được yêu cầu cao, phức tạp của ông bà và gia đình.
Ông Bảo Hoàn cho biết khi phục dựng các kiến trúc cung đình Huế, bên thi công phải mua sành sứ được vớt từ dưới đáy sông Hương nhằm đảm bảo sự cổ kính mà giá của loại vật liệu đó thì vô cùng đắt.
Tuy có nhiều chi tiết lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống, cung đình như trụ biểu, bình phong, thành nội, thành ngoại,... nhưng phần lớn ngôi mộ ở nghĩa trang An Bằng, theo Kiến trúc sư Bảo Hoàn, được thiết kế không theo quy chuẩn cụ thể nào mà theo ý thích cá nhân nhằm thể hiện sự hào nhoáng, xa hoa.
***
Thành phố ma ở Huế nơi người chết reo cười
... trở về đất Huế-một vùng đất tương phản thiên thu: Huế, đất của những con người “tâm sự nhiều mà ít hé trên môi” và “thường hay sầu giữa lúc thế gian vui” như thơ của Bích Lan! Và Huế còn trứ danh ác liệt qua nhận xét đầy triết lý của Foulon, nơi mà “tang tóc ngậm cười và niềm vui não nuột” (…le deuil sourit, la joie soupire)!
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.