Thỏa thuận bao gồm đảo san hô vòng Diego Garcia, được chính phủ Mỹ sử dụng làm căn cứ quân sự cho các tàu hải quân và máy bay ném bom tầm xa.
Thông báo này được đưa ra trong một tuyên bố chung giữa thủ tướng Anh và thủ tướng Mauritius, chấm dứt nhiều thập kỷ đàm phán gay cấn giữa hai nước.
Căn cứ quân sự Mỹ-Anh vẫn sẽ được duy trì trên đảo Diego Garcia - một yếu tố quan trọng giúp đạt được thỏa thuận này trong bối cảnh đối đầu địa chính trị ngày càng gia tăng giữa các quốc gia phương Tây, Ấn Độ và Trung cộng.
Thỏa thuận trên vẫn cần được đàm phán thêm để tiến tới một hiệp ước cuối cùng, nhưng hai nước đã cam kết sẽ hoàn thành nhanh nhất có thể.
"Đây là một thời khắc bước ngoặt quan hệ của chúng ta và thể hiện cam kết lâu dài đối với việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tuân theo luật pháp," tuyên bố của Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth nêu rõ.
Hai nhà lãnh đạo cũng tuyên bố cam kết "đảm bảo hoạt động lâu dài, an toàn và hiệu quả của căn cứ quân sự hiện có trên đảo Diego Garcia, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền an ninh toàn cầu và khu vực".
Hiệp ước này sẽ "giải quyết những sai lầm trong quá khứ và thể hiện cam kết của đôi bên trong việc hỗ trợ phúc lợi cho người dân quần đảo Chagos".
Ngoại trưởng Anh David Lammy nói thỏa thuận này còn có lợi ích là cắt đứt "một tuyến nhập cư lậu bất hợp pháp tiềm tàng".
Hàng chục người Tamil của Sri Lanka đã bị giam giữ trong các trại kín cổng cao tường trên hòn đảo này trong suốt ba năm qua giữa lúc các cuộc chiến pháp lý phức tạp liên quan đến số phận của họ vẫn diễn ra.
Hiện chưa rõ thông báo trên sẽ mang ý nghĩa gì đối với những người này.
Anh sẽ cung cấp một gói hỗ trợ tài chính cho đảo quốc Mauritius, bao gồm chi trả thường niên và đầu tư vào hạ tầng.
Mauritius sẽ có thể bắt đầu một chương trình tái định cư trên quần đảo Chagos, nhưng không phải trên đảo Diego Garcia.
Tại hòn đảo này, Anh sẽ đảm bảo hoạt động của căn cứ quân sự hiện có trong "thời kỳ ban đầu" kéo dài 99 năm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh "thỏa thuận lịch sử" và nói rằng điều này "thể hiện rõ ràng rằng thông qua ngoại giao và hợp tác, các quốc gia có thể vượt qua những thách thức lịch sử kéo dài để đạt được các kết quả hòa bình và có lợi cho đôi bên".
Ông Biden nói việc đảm bảo tương lai của một căn cứ quân sự chủ chốt "đóng vai trò quan trọng trong nền an ninh quốc gia, khu vực và toàn cầu".
Người dân quần đảo Chagos, một số đang sống ở đảo quốc Mauritius và Seychelles, nhưng một số khác sống ở thị trấn Crawley, hạt Sussex (Anh), đã không cùng tiếng nói liên quan đến số phận của quê hương mình.
Một số người đã quyết tâm trở về sống trên các quần đảo bị cô lập, một số quan tâm hơn về quyền lợi và tình trạng của họ ở Anh, trong khi những người khác lập luận rằng tình trạng của quần đảo này không nên do người ngoài quyết định.
Bà Isabelle Charlot nói thỏa thuận này làm hồi sinh hy vọng gia đình bà có thể trở về nơi "cội rễ" của cha bà.
Các kế hoạch của chính phủ Mauritius về bố trí tái định cư sẽ giúp tái tạo "một nơi mà chúng tôi có thể gọi là nhà - nơi chúng tôi sẽ được tự do," bà cho biết.
Nhưng Frankie Bontemps, một người Chagos thế hệ thứ hai đang sống ở Anh, ông cảm thấy bị "phản bội" và "giận dữ" trước tin tức này bởi vì "người Chagos chưa bao giờ được tham gia" các cuộc đàm phán.
"Chúng tôi vẫn không có quyền lực gì và không có tiếng nói trong việc quyết định tương lai của chính chúng tôi," ông nói và đề nghị người Chagos phải được tham gia đầy đủ vào việc soạn thảo hiệp ước.
Trong những năm gần đây, Vương quốc Anh đã đối mặt với tình trạng bị cô lập ngoại giao ngày càng tăng liên quan đến yêu sách đối với cái mà họ gọi là Lãnh thổ Ấn Độ Dương của Anh, trong khi các cơ quan khác nhau của Liên Hợp Quốc, bao gồm tòa án cấp cao và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, đã cùng quan điểm với Mauritius, yêu cầu Anh từ bỏ điều mà một số bên gọi là "thuộc địa cuối cùng ở châu Phi" của Vương quốc Anh.
Chính phủ Mauritius từ lâu lập luận rằng họ đã bị ép buộc một cách bất hợp pháp nhượng quần đảo Chagos để đổi lấy nền độc lập từ Anh vào năm 1968.
Vào thời điểm đó, chính phủ Anh đã thương thảo một thỏa thuận bí mật với Mỹ, đồng ý cho thuê hòn đảo san hô lớn nhất trong quần đảo này là Diego Garcia để làm căn cứ quân sự.
Anh sau đó đã đưa ra lời xin lỗi về việc đã cưỡng bức hơn 1.000 cư dân rời khỏi quần đảo này và hứa sẽ trao trả quần đảo cho Mauritius khi những hòn đảo này không còn được dùng cho các mục đích chiến lược.
Nhưng cho đến rất gần đây, Anh vẫn khẳng định chính Mauritius không có yêu sách hợp pháp nào liên quan đến quần đảo này.
Một số ít người Chagos, những người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, liên tục kiện chính phủ Anh ra tòa.
Nhưng mãi đến gần đây, quan điểm quốc tế mới bắt đầu thay đổi.
Các quốc gia châu Phi đã bắt đầu thể hiện quan điểm chung liên quan đến vấn đề này, từ đó gây áp lực mạnh lên Anh trong vấn đề phi thuộc địa hóa.
Thế rồi Brexit xảy đến đã khiến nhiều quốc gia châu Âu chần chừ trong việc tiếp tục ủng hộ lập trường của Anh trên các diễn đàn quốc tế.
Chính phủ Mauritius tiếp tục công kích, cáo buộc chính phủ Anh đã có những lời lẽ đe dọa.
Và Mauritius đã bắt đầu một chiến dịch ngày càng phức tạp hơn - tại Liên Hợp Quốc, tại tòa án và trên truyền thông - thậm chí đã đổ bộ và cắm cờ trên quần đảo này dù không có sự cho phép của Anh.
Các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận hôm thứ Năm 3/10 đã được khởi động dưới thời chính phủ Anh tiền nhiệm.
Thế nhưng, thời gian đạt được thỏa thuận đột phá này cho thấy tính cấp bách ngày càng gia tăng liên quan đến các vấn đề quốc tế, không chỉ là vấn đề Ukraine, trong đó Anh muốn loại bỏ rào cản liên quan đến quần đảo Chagos để giành được sự ủng hộ trên toàn cầu, đặc biệt là từ các quốc gia châu Phi, với viễn cảnh ông Trump có thể làm tổng thống Mỹ lần thứ hai.
Có thể sẽ có tiếng nói phản kháng từ Anh, mặc dù các thủ tướng thuộc Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động tiếp nối nhau đã hành động để hướng tới cùng một mục tiêu lớn này.
Ứng viên lãnh đạo Đảng Bảo thủ Tom Tugendhat lập luận rằng thỏa thuận này đã được "thương lượng đi ngược lại lợi ích của nước Anh" và "thật xấu hổ" khi các cuộc đàm phán như vậy đã được khởi động dưới thời chính phủ do Đảng Bảo thủ nắm quyền trước đây.
Ông Tom Tugendhat đã gọi đây là "một sự rút lui đáng xấu hổ", khiến "các đồng minh không được bảo vệ", trong khi cựu Ngoại trưởng Anh James Cleverly gọi đây là một thỏa thuận "bất lợi".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói thỏa thuận này sẽ giúp "giải quyết các sai lầm đã gây ra đối với người Chagos trong quá khứ nhưng có vẻ sẽ khiến các tội ác này được duy trì dài lâu trong tương lai".
Cần phải thực sự tham khảo ý kiến người dân Chagos, nếu không thì Anh, Mỹ và hiện nay là Mauritius sẽ phải chịu trách nhiệm về "một tội ác thuộc địa vẫn còn tiếp diễn", cố vấn pháp lý cấp cao của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ông Clive Baldwin, nêu trong một thông cáo.
Thế nhưng, đây rõ ràng là một thời khắc trọng đại.
Khoảng hơn nửa thế kỷ sau khi Vương quốc Anh từ bỏ quyền kiểm soát thuộc địa tại hầu hết đế chế toàn cầu của mình, rốt cuộc họ đã đồng ý trao trả một trong thuộc địa cuối cùng. Có lẽ Anh đã làm điều đó một cách rất miễn cưỡng, nhưng cũng theo cách hòa bình và hợp pháp".
Các lãnh thổ nước ngoài thuộc Anh hiện còn là Anguilla, Bermuda, Lãnh thổ Nam Cực thuộc Anh, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cayman, Quần đảo Falkland, Gibraltar, Montserrat, Pitcairn, Saint Helena, Ascension và Tristan da Cunha, Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich, Quần đảo Turks và Caicos. Ngoài ra còn có hai khu vực căn cứ của Anh tại Síp thuộc quyền tài phán của Anh.
Theo sau tuyên bố Chagos, thống đốc quần đảo Falklands, bà Alison Blake, nói các hòn đảo này an toàn khi nằm dưới sự kiểm soát của Anh.
"Cam kết không thay đổi của Anh đối với việc bảo vệ chủ quyền nước Anh [tại quần đảo Falklands] vẫn không có gì thay đổi," bà Alison Blake nêu trong một tuyên bố trên mạng xã hội.
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.