Thursday, October 24, 2024

Từ chấn thương hậu chiến tới mối đồng cảm của người trẻ

 BM

Tôi quyết định lái xe từ Bắc California xuống Nam California, theo lời rủ rê của một người bạn, để xem Viet Film Fest 2024 (Liên hoan phim Việt 2024). Đây là lần đầu tiên tôi xem phim ở Viet Film Fest, dù rằng đã nghe nói về nó khá lâu. Nghe nói khá lâu, nhưng không mấy quan tâm, có lẽ vì nỗi thất vọng xưa cũ về phim Việt Nam trước kia, và nỗi thất vọng về những phim thương mại gần đây, kể cả những phim chen vô được thị trường quốc tế rộng lớn là Netflix.


Viet Film Fest 2024 được tổ chức tại rạp Frida Cinema, thành phố Santa Ana, từ ngày 11 đến hết ngày 13/10/2024.


BM

Ba ngày xem phim mở ra cho tôi một cánh cửa mới, nhìn vào văn hóa, lịch sử của chính mình, của cộng đồng mấy triệu người Việt tha hương khắp thế giới.


Tôi nhận thấy một nguồn năng lượng mới, trẻ trung, sáng tạo, tuôn vào một lĩnh vực chưa bao giờ là thế mạnh của văn hóa Việt Nam.


Chấn thương, hội nhập và đối kháng thế hệ


BM

Đại đa số các nhà làm phim, diễn viên là người Việt hải ngoại, từ Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Úc,… Nội dung các phim khá đa dạng, nhiều phim xoay quanh lịch sử bi kịch của người Việt hải ngoại, trong đó nổi bật là phim Ru, dựa trên tự truyện của nhà văn người Canada gốc Việt, Kim Thúy. Ru có nghĩa là dòng chảy trong tiếng Pháp, tiếng nói ở quê hương thứ hai Quebec của tác giả, lại có nghĩa là lời ru con trong tiếng Việt.


Chuyện kể về cô bé Tịnh (chính là tác giả) xuất thân từ một gia đình quyền quý tại Sài Gòn trước 1975, mất tất cả, trải bao khổ ải thuyền nhân và trại tị nạn, xây dựng cuộc sống mới tại Quebec, Canada. Diễn viên người Canada gốc Việt, Chantal Thủy, trong vai mẹ của cô bé Tịnh, đoạt giải diễn viên nữ xuất sắc nhất.


Nhiều phim tại Viet Film Fest 2024 là về các thách thức mà cộng đồng người Việt tại hải ngoại đang đối mặt: sự tìm kiếm, khẳng định căn cước Việt Nam trên miền đất lạ, xung đột với người bản xứ (mang tính sắc tộc hay không), cũng như sự hòa nhập và trưởng thành của thế hệ trẻ, duy trì văn hóa và mối dây ràng buộc với quê hương Việt Nam. Đó là các phim Hao Are You (làm ở Đức), Phở Succession (Pháp), One Summer Night (Mỹ), The Empathizer (Mỹ), The Little Shopping Trolley (Canada)…


BM

Khoảng cách thế hệ, giữa những người Việt tị nạn và con cháu họ lớn lên trong không gian văn hóa và tinh thần khác biệt, cũng được phản ánh đậm nét. Đó là ba phim từ Mỹ, Mom, Dad,… I Want to be a Porn Star (Ba mẹ ơi, con muốn đóng phim khiêu dâm), No More Sad Songs (Không hát nhạc buồn nữa), New Wave (Làn sóng mới), trong đó New Wave đoạt giải phim dài xuất sắc nhất.


Một điểm có thể là đặc biệt đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, là các phim hư cấu (fiction) ít hơn nhiều so với những phim dựa trên chuyện đời thật, thường là của chính tác giả. Đó là các phim Ru (Canada), Hao Are You (Đức), The Empathizer (Mỹ), New Wave (Mỹ),...


Ông Eric Nong, giám đốc nghệ thuật của Viet Film Fest, nói với tôi trong một email rằng sau khi Sài Gòn sụp đổ gây ra một chấn thương tinh thần lớn, các chủ đề về căn cước Việt Nam, hòa nhập hay không hòa nhập (belonging or not belonging), đang và sẽ là một chủ đề của phim Việt (hải ngoại) trong một thời gian lâu dài.


Việt Nam thời quá khứ và hiện tại


BM

Qua con mắt của những người nghệ sĩ, chấn thương tinh thần của biến cố Sài Gòn sụp đổ, của lịch sử chiến tranh, được mô tả rất điềm tĩnh và không thù hận. Trong phim Ru, cảnh bộ đội cộng sản ôm súng nghe nhạc cổ điển trong một căn nhà vừa mới chiếm đoạt của kẻ bại trận, là một cái nhìn rất nhân bản. Cái nhân bản ấy chỉ bị tan tành bởi báng súng của viên sĩ quan chỉ huy, có thể là đại diện cho ý thức hệ.


Một sự thật chiến tranh nữa là tầng lớp tinh hoa của xã hội Sài Gòn trước 1975 không hề biết đến sự khốn khổ của bom đạn và chết chóc, họ sống trong một tháp ngà giữa cơn tao loạn. Người mẹ trong phim Ru đã thú nhận với những người bạn mới ở Quebec như thế.


BM

Một phim tham dự dù không được giải nhưng để lại cho tôi một ấn tượng về cái cách mà thế hệ trẻ người Việt hải ngoại nhìn về quê hương Việt Nam hiện nay, phim The Empathizer (Người đồng cảm) Tác giả phim này, anh Fred Le, mô tả một cộng đồng người Việt hải ngoại trẻ tuổi trở về làm việc tại Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới. Anh thu thập các ý kiến khác nhau, như là một phóng sự, dù anh nói với tôi rằng anh không có ý định làm chức năng của một nhà báo.


Phim The Empathizer đề cập đến những vấn đề, những tên gọi hãy còn rất “nhạy cảm” đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, như cộng sản, Hồ Chí Minh City. Trong phim có một vận động viên bóng rổ người Việt hải ngoại về chơi bóng trong màu áo có cờ đỏ sao vàng, nói rằng: Mình không thể căm thù cái điều mình không hề trải qua.


BM

The Empathizer kết thúc với cuộc đối thoại giữa Fred Le và mẹ anh, người chưa bao giờ trở lại Việt Nam. Bà vẫn giữ quan điểm của mình rằng Việt Nam hiện tại có nhiều sai trái, dù bà khuyến khích các con đến Việt Nam, đối ngược với ý kiến của Fred Le và một số khá đông bạn bè cùng trang lứa, là mọi thứ cũng “OK, không có gì gãy đổ cả” (tác giả chơi chữ khi ăn đĩa cơm tấm [broken rice] tại Sài Gòn, mà broken cũng là gãy đổ). Một khán giả xem phim, đồng thế hệ với mẹ của Fred Le, và là khách mời của buổi thảo luận sau khi chiếu phim, giữ quan điểm của thế hệ bà, là mọi thứ đều broken.


Fred Le nói với tôi rằng anh không đặt vấn đề ai đúng ai sai trong phim, mà cả bộ phim là một cuộc đối thoại.


BM

Hai năm sau khi thành lập, tại lần tổ chức thứ hai vào năm 2005, Viet Film Fest đã có phim từ Việt Nam tham dự. Tức là những nhà tổ chức Viet Film Fest có đầu óc rất cởi mở, trong một không khí chính trị hãy còn rất căng thẳng trong cộng đồng người Việt hải ngoại.


Tại Viet Film Fest 2024 có một số phim đến từ Việt Nam. Trong số này có phim Before Sex (Trước giờ yêu), mô tả quan niệm yêu đương và tình dục của giới trẻ trong nước hiện nay, ảnh hưởng rất nhiều từ phương Tây, từ hành động cho đến ngôn ngữ. Điều thú vị là các nhà làm phim từ Việt Nam có vẻ rào trước đón sau, khi tuyên bố rằng phim không thể hiện cách sống của thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay, không rõ có phải để đề phòng cây kéo kiểm duyệt hay không. Một nguồn tin từ Viet Film Fest cho biết là phim Before Sex không được đón nhận tốt tại Việt Nam.


Ông Eric Nong nói với tôi rằng nhiều phim trong nước tiếp cận thị trường người Mỹ gốc Việt, nhưng bỏ qua Viet Film Fest.


Viet Film Fest được thành lập vào năm 2003 bởi ba nhà hoạt động xã hội tại miền Nam California là Trâm Lê, Ysa Lê (bà cũng là một họa sĩ) và Hương Ninh (tổ chức Văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, Vietnamese Language and Culture, của đại học California Los Angeles). Ban đầu tổ chức này có tên gọi là The Vietnamese International Film Festival (Liên hoan Phim Quốc tế người Việt).


BM

Bà Ysa Lê nói với tôi rằng: “Khi thành lập Viet Film Fest vào năm 2003, ý tưởng quan trọng nhất là tạo một diễn đàn cho các đạo diễn người Việt hoặc gốc Việt chia sẻ câu chuyện của mình qua màn ảnh rộng. Điện ảnh ở Hollywood khi đề cập về đề tài Việt Nam thì chỉ nói về chiến tranh theo quan điểm của Hoa Kỳ và con người Việt Nam chỉ đóng những vai trò mờ nhạt làm nền phía sau. Viet Film Fest được tạo ra nhằm tôn vinh văn hóa, những câu chuyện và kinh nghiệm sống của người Việt qua nghệ thuật điện ảnh.”


BM

Một cố gắng nữa của những nhà tổ chức Viet Film Fest là đưa người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi đến với phim ảnh do người Việt thực hiện. Bà Ysa Lê cho biết là năm nay có đến 600 em học sinh trung học người Mỹ gốc Việt đến xem phim.




Joaquin Nguyễn Hòa


image

http://baomai.blogspot.com/
Cuộc chiến internet vệ tinh giữa các tỷ phú
Những cử tri gốc Việt bầu cho ai?
Bầu chủ tịch nước CHXHCNVN
Con Đường Tôi Về
Tại sao tôi không ủng hộ Kamala
Ba cái thiếu kinh niên của Người Già
Đối chiếu kế hoạch kinh tế giữa Donald Trump và Kamala Harris
Phụ nữ Việt bị bắt ở Nhật vì mở 5 ‘quán bar thanh nữ’
Trump & Harris vận động 2 tuần trước ngày bầu cử 2024
Con trai út của Lý Quang Diệu nói ông phải ‘tị nạn’
Cuộc đời ông Donald Trump: từ bất động sản đến chính trị
Cách WhatsApp kiếm tiền: Miễn phí – nhưng có vài mẹo
Tuổi thọ dài ngắn của con người nằm ở 4 chữ
Lừa đảo làm phép tràn lan khắp phố: ‘Con bà sắp chết rồi’
Nhà tròn giúp chống siêu bão ra sao?
Những oan hồn trên Đại Lộ Kinh Hoàng
Tỷ phú Musk chi 1 triệu USD mỗi ngày gây 'quan ngại sâu sắc'
Taylor Swift tác động ra sao tới bầu cử 2024
Cuba mất điện toàn quốc
Rượu và Thơ

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.