Trong trí nhớ của tôi, tàu hỏa là một phương tiện chậm chạp, chật ních người mỗi dịp lễ, là những giấc ngủ gập ghềnh, là tiếng ồn ào của hành khách và những lời rao bán hàng rong, là mùi khó chịu từ nhà vệ sinh đầy ám ảnh…
Đến khi ra trường, có thu nhập rồi ra nước ngoài làm việc, tôi chủ yếu sử dụng máy bay để tiết kiệm thời gian và muốn được thoải mái. Thi thoảng, tôi cũng trải nghiệm những chuyến tàu rất khác, ở những nước phát triển hơn như tàu viên đạn Shinkansen ở Nhật Bản hay tàu ngắm cảnh sang trọng chạy ngang những hồ nước đẹp như mơ ở Thụy Sĩ…
Nhưng mới đây tôi lại có dịp trải nghiệm một chuyến tàu hỏa xuyên đêm ở khu vực Đông Nam Á, từ Bangkok, Thái Lan đến thủ đô Viêng Chăn của Lào.
Ý tưởng này nảy ra trong đầu tôi vào một ngày cuối tuần, khi tôi tình cờ xem được một video trải nghiệm du lịch.
Ngủ một đêm trên tàu, sáng mai đón bình minh ở một quốc gia khác mà mình chưa từng đến, như vậy chẳng phải thú vị sao?
Chuyến tàu đầu tiên kết nối Bangkok - Viêng Chăn
Từ tháng 7/2024, Lào và Thái Lan đã chính thức khai trương tuyến đường sắt liên vận đầu tiên nối liền thủ đô hai nước.
Chuyến tàu số hiệu 133 rời thủ đô Bangkok vào 21 giờ 25 hằng đêm và đến thủ đô Viêng Chăn vào lúc 9 giờ 5 phút sáng hôm sau.
Khi tuyến tàu đi vào vận hành, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan Surapong Piyachote cho biết đây là một bước quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ và hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Thái Lan và Lào, cũng như thúc đẩy liên kết du lịch trong khu vực ASEAN.
Bộ Giao thông vận tải Thái Lan ước tính tuyến tàu này sẽ có khoảng 200.000 lượt hành khách mỗi năm, tạo ra doanh thu ít nhất 67 triệu baht (hơn 50 tỷ đồng).
Về phía Lào, nước này đã tổ chức một buổi lễ chào đón những hành khách đầu tiên trên chuyến tàu từ Bangkok đến Viêng Chăn vào sáng 20/7.
Ông Daochinda Siharath, Giám đốc điều hành của Cơ quan Đường sắt Quốc gia Lào, lúc bấy giờ đã phát biểu: “Dịch vụ này cung cấp một sự lựa chọn di chuyển thuận tiện và một cơ hội ngắm cảnh cho hành khách đến Lào và thậm chí là Trung cộng. Tuyến đường sắt liên vận trực tiếp cũng sẽ thúc đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường sắt Trung cộng-Lào-Thái Lan để đáp ứng nhu cầu tăng cao về dịch vụ tàu hỏa xuyên khu vực sau khi ra mắt tuyến tàu trực tiếp Lào-Thái Lan."
Lào là một quốc gia không có biển, được bao quanh bởi năm nước láng giềng bao gồm: Trung cộng, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Để đến đất nước Triệu Voi, du khách chỉ có thể tiếp cận qua bốn sân bay quốc tế là Wattay, Luang Prabang, Pakse và Savannakhet với giá vé thường không rẻ, hoặc đi tàu hỏa hoặc đường bộ.
Trước khi tuyến đường sắt liên vận Lào – Thái Lan khai trương vào tháng 7/2024, nhiều người chọn đi tàu từ Bangkok xuống ở Nong Khai, sau đó đi xe tới thủ đô Viêng Chăn.
Giấc ngủ gập ghềnh
Tôi háo hức vác ba lô ra nhà ga trung tâm Bangkok là Krung Thep Aphiwat (tên tiếng Anh là Bang Sue Grand Station), dự định mua vé giường nằm đi ngay trong đêm.
Nhưng điều làm tôi khá bất ngờ là chuyến tàu này gần kín chỗ và chỉ còn vé ngồi không có điều hòa. Tôi không còn sự lựa chọn nào và mua vé một chiều hạng rẻ nhất với giá 281 baht (khoảng 210.000 đồng), xác định chuyến đi sẽ là một trải nghiệm mới.
Giá vé một chiều cho hạng ghế ngồi có máy lạnh là 764 baht (hơn 560.000 đồng), giường nằm từ 784 đến 874 baht (khoảng 580.000 đồng đến 650.000 đồng) tùy theo nằm tầng trên hay tầng dưới.
Tò mò, tôi thử lên mạng kiểm tra giá vé tàu hỏa từ ga Sài Gòn đến ga Diêu Trì (tỉnh Bình Định) với quãng đường là 630km, chạy từ 11-12 tiếng để so sánh với quãng đường từ Bangkok đến Viêng Chăn là khoảng 634km với cùng thời gian. Hạng ghế mềm điều hòa có giá 391.000 đồng và cao nhất là nằm khoang 4 chỗ, giá 751.000 đồng.
Quá trình mua vé và lên tàu rất đơn giản, tôi đến ga Krung Thep Aphiwat trước khi tàu khởi hành tầm 30 phút, trình hộ chiếu và trả tiền ở quầy bán vé, sau đó quét mã trên vé để qua cổng ở Bangkok.
Krung Thep Aphiwat là ga đường sắt lớn nhất Đông Nam Á, mới khánh thành đầu năm 2023 nên rất rộng và hiện đại, với phòng chờ có nhiều chỗ ngồi cho khách. Trong ga có đầy đủ bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh và các nhân viên người Thái Lan nhiệt tình thân thiện.
Tàu đến và đi chính xác từng phút như bảng thông báo và trên vé.
Nhìn qua những hành khách đi cùng, tôi thấy phần lớn là dân lao động cùng một số ít khách du lịch đến từ phương Tây và Nhật Bản, rất ít khách Trung cộng, thị trường cung cấp khách hàng đầu của du lịch Thái Lan.
Mọi người trật tự xếp hàng lên tàu, tự mang vác hành lý lên toa.
Với giá vé 281 baht, tôi không kỳ vọng nhiều khi lên tàu, nhưng cũng không thất vọng với hàng ghế ngồi bọc nệm màu xanh da trời, vẫn êm ái hơn so với hàng ghế gỗ ở Việt Nam mà tôi từng ngồi thời sinh viên của nhiều năm về trước. Khoang hành lý đặt phía trên, không có nắp đậy, tàu cũng không có wifi.
Một điểm trừ là toa phổ thông không có bàn ăn hay ổ cắm sạc, nhưng điểm cộng là nhà vệ sinh có giấy và bồn rửa tay bên ngoài có xà phòng ở mức “tạm chấp nhận”.
Nhìn qua các toa khác, tôi thấy toa giường nằm điều hòa hạng hai được ghép lại từ ghế và được trải thêm một tấm nệm mỏng màu đỏ, đủ dài để duỗi chân thoải mái nếu bạn cao dưới 1,8m. Toa giường nằm cũng được để sẵn chăn gối và có rèm che riêng tư. Hành khách nằm gường này sẽ được nhân viên gọi dậy vào lúc 7 giờ 30 sáng hôm sau để gấp giường lại thành ghế.
Ở toa phổ thông, tôi ngồi đối diện với một người đàn ông trung niên người Lào trông giản dị và có phần khắc khổ, đi cùng với gia đình ngồi rải rác ở các hàng ghế khác. Ghế của tôi và ông đều trống một chỗ kế bên.
Tôi bắt chuyện bằng cách mời ông một gói đồ ăn vặt, người đàn ông nhận lấy và mỉm cười gật đầu nhẹ, có lẽ ông không nói tiếng Anh. Trong suốt chuyến đi, ông hoàn toàn im lặng, chỉ thỉnh thoảng lại với sang phía tôi để nâng hoặc hạ cửa sổ cho không khí trong toa thông thoáng.
Đối diện chúng tôi ở cửa sổ phía bên kia là hai phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi với những bọc đồ ăn Thái Lan lớn, không rõ là đi buôn hay mua về cho gia đình. Họ trông có vẻ đã quen với những chuyến tàu này khi vừa lên tàu là xếp đồ để dựng một chiếc giường tạm, mang theo cả gối cổ và chăn mỏng để đắp.
Ra ngoài khu vực thành phố, trời đêm tối đen như mực, thỉnh thoảng mới thấy những ánh đèn leo lét xa xa. Thái Lan đang trong cao điểm mùa mưa nên không khí khá mát mẻ.
Cũng như ở Việt Nam, cứ mỗi lần tàu ghé một ga đón trả khách sẽ có vài người bán hàng rong lên bán đồ ăn, nhưng tiếng rao của họ chỉ vừa đủ nghe và không quá lớn. Thời gian còn lại, trên toa khá im ắng, chỉ còn nghe tiếng xình xịch từ đường ray.
Quá nửa đêm, cơn buồn ngủ ập đến, tôi cố gắng chợp mắt và hạn chế ăn uống vì không muốn sử dụng nhà vệ sinh. Giấc ngủ chập chờn vì không thoải mái do không thể ngả lưng.
Nhập cảnh sang Lào
Đến khoảng 8 giờ 15 sáng hôm sau, tàu dừng ở biên giới tại Nong Khai, tỉnh cực Bắc của Thái Lan, mọi người lục tục xuống làm thủ tục nhập cảnh.
Không ai nói tiếng Anh và cũng không có loa phát báo hiệu trạm dừng như ở Việt Nam, tôi vẫn ngồi yên tại chỗ cho đến khi thấy hành khách xuống hết thì mới hoang mang tới hỏi một nhân viên. Thông qua ngôn ngữ hình thể và từ duy nhất là “visa” (thị thực) mà tôi nghe được, tôi hiểu rằng ông muốn nói tôi hãy đi theo đám đông để đóng dấu xuất cảnh của Thái Lan vào hộ chiếu.
Mất khá lâu để xếp hàng vì chỉ có bốn bốt đóng dấu, tôi và các hành khách khác được hướng dẫn trở lại tàu và ngồi thêm khoảng nửa tiếng nữa để đến đích cuối cùng là ga xe lửa Khamsavath ở thủ đô Viêng Chăn.
Trong lúc chờ làm thủ tục, tôi hỏi nhanh hai vị khách người Anh xếp hàng phía trước, họ đi giường nằm và cho biết với giá vé này cùng với việc góp phần giảm lượng khí thải carbon so với việc sử dụng máy bay hoặc xe hơi thì đây là một trải nghiệm xứng đáng.
Thủ tục nhập cảnh Lào ngày hôm đó mất khoảng 30 phút, mỗi du khách được phát một tờ phiếu điền thông tin cá nhân và nơi lưu trú tại Lào, nhưng không phải chứng minh hành trình tiếp theo.
Nhà ga Khamsavath nhỏ hơn rất nhiều so với ga Krung Thep Aphiwat và không có wifi, nên những hành khách không chuẩn bị trước thông tin về chỗ ở để điền vào phiếu có phần chật vật.
Sau khi nhận được con dấu nhập cảnh trong hộ chiếu, tôi nghĩ có lẽ mình sẽ không bao giờ mua vé ngồi cho chuyến tàu 12 tiếng như vậy nữa, dù vẫn có kế hoạch đi Trung cộng bằng tàu hỏa từ Thái Lan trong tương lai.
Một phương án khác của tôi là bay sang Viêng Chăn và từ đó đi bằng tàu đường sắt tốc độ cao Lào - Trung cộng do Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung cộng xây dựng.
Công trình được khởi công năm 2016, hoạt động từ tháng 10/2021 với kinh phí ban đầu trị giá 1,2 tỷ USD, sau đó tăng lên 6 tỷ USD.
Khi mới khánh thành, truyền thông hai nước từng khẳng định dự án đường sắt cao tốc này đã biến Lào từ một nước không có biển thành một trong các mắt xích kết nối vận tải quan trọng, giảm khoảng 30-40% chi phí vận chuyển hàng hóa so với đường bộ.
Tờ South China Morning Post cho biết theo thỏa thuận giữa hai bên năm 2016, Trung cộng nắm giữ 70% liên doanh, Lào giữ 30% còn lại.
"Do đây là dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BOT), Chính phủ Lào sẽ tiếp nhận khai thác và nhận 100% lợi nhuận sau 50 năm", tờ Asia Times đưa tin.
Hiện nay, nhà ga điểm cuối của tuyến Bangkok – Viêng Chăn là Khamsavath, còn một khoảng cách chừng 20km chưa có đường sắt kết nối giữa ga này với ga Viêng Chăn, nơi có thể đi tàu cao tốc lên Trung cộng.
Dự kiến, việc kết nối này sẽ sớm được thực hiện trong tương lai gần, khi đó, du khách có thể đi tàu từ Singapore, dọc lên bán đảo Mã Lai, qua Thái Lan, rồi lên Lào và Trung cộng. Từ Trung cộng, có các tuyến tàu chạy tới tận thành phố Saint Petersburg ở Nga hoặc thậm chí qua tận Tây Âu.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đang làm tuyến đường sắt tốc độ cao Bangkok–Nong Khai kết nối với Viêng Chăn, trong đó giai đoạn 1 từ Bangkok tới Nakhon Ratchasima dự kiến khai trương vào năm 2026, toàn tuyến dự kiến khai trương vào khoảng năm 2030.
Loanh quanh Viêng Chăn
Sau hành trình gần 12 tiếng trên tàu, tôi đã đặt chân đến thủ đô Viêng Chăn. Ngay cả vào buổi sáng cuối tuần hôm đó, tôi không gặp nhiều khách du lịch và cũng không chứng kiến những cảnh tượng nhộn nhịp hay quá tấp nập.
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Lào không phải là cái tên quen thuộc với khách du lịch như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Indonesia…
Cơ sở hạ tầng nơi đây vẫn còn chưa phát triển và cũng không phải địa điểm lý tưởng cho mua sắm nên không thu hút khách du lịch bằng những tour giá rẻ kết hợp mua sắm.
Nhìn trên đường phố Viêng Chăn, không khó để bắt gặp những thương hiệu của Việt Nam như các ngân hàng Techcombank, Vietcombank, Việt Lào… hay hãng xe Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Các cửa hàng tiện lợi và tạp hóa bày bán rất nhiều nhu yếu phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam, Trung cộng và Thái Lan.
Nhịp sống ở Viêng Chăn bình yên, chậm rãi, đường phố không có kẹt xe, cũng không có tiếng còi xe inh ỏi. Người dân nơi đây khá thân thiện, với câu nói cửa miệng là “Sabaidee”, có nghĩa là “xin chào” khi gặp du khách nước ngoài.
Nhiều món ăn Lào có sự pha trộn giữa ẩm thực từ các nước láng giềng như Việt Nam và Thái Lan, cộng với ảnh hưởng từ thời thuộc địa Pháp nên khá phong phú. Phần lớn các món ăn có vị mặn, chua, cay – ít dùng đường hơn Thái Lan, với những món đặc sản như xôi, lạp xưởng, gà nướng, bò khô… Beerlao khá dễ uống cho cả nam và nữ với nồng độ cồn 5% và được làm từ gạo lài chứ không phải lúa mạch.
Vì không có nhiều thời gian ở đây, tôi chọn tham quan vài địa điểm nổi tiếng.
Đầu tiên là Khải Hoàn Môn Patuxay được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc Khải Hoàn Môn ở Paris, nhằm vinh danh những chiến sĩ Lào đã hi sinh trong cuộc chiến chống Pháp.
Đến tối, một địa điểm không nên bỏ qua là chợ đêm Viêng Chăn nằm dọc bờ sông Mekong, nơi các tiểu thương bày bán rất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ, quần áo và đồ điện tử giá cả phải chăng… Dạo quanh khu chợ, tôi nghe được rất nhiều người bán hàng nói tiếng Việt giọng miền Bắc và miền Trung và đương nhiên, bạn có thể mặc cả để mua hàng.
Vì cả người ê ẩm sau một đêm mất ngủ trên tàu, tôi chọn đi vào một tiệm mát xa nhận được nhiều đánh giá tốt trên mạng gần đó. Mát xa Lào cũng tương tự mát xa Thái, bạn được phát một bộ quần áo rộng thênh thang và nhân viên sẽ mát xa bấm huyệt, sử dụng lực từ các khuỷu tay, gối và chân để ấn và kéo các điểm trên cơ thể. Đối với tôi đây là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cả chuyến đi.
Qua ngày hôm sau, tôi tranh thủ ghé thăm Vườn Tượng Phật (Buddha Park), một công viên Phật giáo nổi tiếng ở Xieng Khuan, cách Viêng Chăn khoảng 25km. Nơi đây có rất nhiều tượng phật cao hàng chục mét tượng trưng cho địa ngục, trần gian và thiên đường. Trong suốt đường đi, anh tài xế taxi người Lào liên tục mở những bài hát thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam khi biết tôi là người Việt, anh cũng nhiệt tình gọi điện cho vợ là người Việt để nói với tôi rằng chiều về rất khó bắt taxi.
Toàn bộ chi phí ăn uống, khách sạn của tôi trong chuyến đi rẻ hơn rất nhiều so với ở Bangkok hay TP HCM.
Kể lại trải nghiệm khó quên này, tôi mường tượng ra chuyến đi trong tương lai bằng tàu hỏa từ Lào sang Trung cộng. Đương nhiên, phải là vé giường nằm.
Thương Lê
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.