Nhưng liệu chúng cũng có thể dạy cho chúng ta bài học quan trọng về làm thế nào để sống đời sống đạo đức?
Niềm tin dân gian
Halloween là lúc mà ma quỷ và những hình ảnh trang trí ghê rợn được trưng bày cho mọi người thấy, nhắc nhở chúng ta về lãnh địa của người chết.
Nguồn gốc của lễ Halloween ngày nay quay ngược về lễ 'samhain'. Đó là dịp lễ của dân Celtic, nhằm đón chào sự khởi đầu của phần đen tối, hắc án của một năm. Người ta tin rằng đó là khoảng thời gian mà thế giới của người sống và của người chết giao thoa, lúc con người với ma quỷ rất thường xảy ra các cuộc gặp gỡ.
Vào năm 601 sau Công nguyên, trong nỗ lực cải đạo người dân Bắc Âu sang Thiên chúa giáo, Giáo hoàng Gregory Đệ nhất ra lệnh cho các nhà truyền giáo chớ ngưng những buổi lễ mà họ cho là tà giáo ngoại đạo. Thay vào đó, Giáo hoàng muốn chúng thành ngày lễ Thiên chúa giáo.
Theo đó, dần dần theo thời gian, ngày lễ 'samhain' trở thành Ngày Các Linh hồn và Ngày Các Thánh, là lúc việc nói chuyện với người chết được xem là đúng với giáo lý.
Ngày Các Thánh trong tiếng Anh cũng còn được gọi là All Hallows' Day và đêm trước ngày lễ đó do vậy được gọi là All Hallows' Evening (Đêm Các Thánh) hay Hallowe'en.
Niềm tin ngoại đạo này về linh hồn của người chết không những đã tiếp tục được duy trì mà còn trở thành một phần của nhiều nghi thức lúc đầu ở nhà thờ.
Bản thân Giáo hoàng Gregory Đệ nhất cũng cho rằng những ai thấy hồn ma thì nên cầu nguyện cho chúng. Theo quan niệm này thì người chết có thể cần sự trợ giúp của người sống để được lên Thiên đường.
Trong thời Trung Cổ, các niềm tin về linh hồn được gắn vào sự chuộc tội, dẫn việc ngày càng tăng tình trạng bán xá tội cho nhà thờ - tức là các tín đồ nộp tiền cho nhà thờ để giảm hình phạt cho các tội lỗi của họ.
Niềm tin phổ biến về hồn ma khiến việc thu tiền xá tội trở thành một hoạt động béo bở của các nhà thờ.
Đạo Tin Lành không tin vào ma quỷ
Chính những niềm tin như thế đã dẫn đến phong trào Cải cách, tức là sự phân chia Thiên chúa giáo ra thành Công giáo và Tin Lành do nhà giáo lý người Đức Martin Luther chủ xướng.
Thật vậy, 95 Luận đề của Luther, vốn được đóng đinh lên cánh cửa Nhà thờ All Saints ở Wittenburg vào ngày 31/10/1517, chủ yếu là sự phản kháng đối với việc thu tiền xá tội.
Sau đó, hồn ma bị coi là 'sự mê tín của người Công giáo' ở các nước theo đạo Tin Lành.
Tuy nhiên, các cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn quanh sự tồn tại của hồn ma, và con người ngày càng tìm đến khoa học để tìm lời giải đáp cho vấn đề này.
Cho đến thế kỷ 19, Chủ thuyết Tâm linh, một phong trào mới vốn cho rằng người chết có thể nói chuyện với người sống, đã nhanh chóng trở thành học thuyết chính thống, và được thể hiện qua những hình thức phổ biến như gọi hồn, cầu cơ, chụp ảnh hồn ma và những điều đại loại thế.
Những niềm tin về hồn ma không chỉ có trong thế giới Thiên chúa giáo. Mặc dù không phải tất cả, nhưng hầu hết các xã hội đều có khái niệm về 'hồn ma'. Ở Đài Loan chẳng hạn, khoảng 90% người dân ở đây nói rằng họ đã từng thấy ma.
Truyện ma xuất hiện trong các câu chuyện kể dân gian ở các nước, trong đó có Nhật Bản, và thường mang theo thông điệp đạo đức mạnh mẽ.
Cùng với nhiều nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam, Đài Loan cũng có Tháng Cô hồn, trong đó có một ngày Cô hồn, là lúc mà người ta tin rằng các hồn ma được thả khỏi địa ngục và lai vãng trên dương thế.
Những niềm tin này thường được gắn với một sự tích trong Phật giáo được ghi lại trong Kinh Vu Lan Bồn kể về việc Đức Phật giảng giải cho Tôn giả Mục Kiền Liên cách cứu độ cho thân mẫu khi ông nhìn thấy mẹ mình phải khốn khổ tiều tụy trong thân hình 'quỷ đói'.
Cũng giống như quan niệm ở nhiều nước khác, hồn ma ở Đài Loan được phân ra thành loại 'lành' và 'dữ'. Ma lành thường là hồn mà của tổ tiên, của người trong gia đình, và được rước đón vào nhà trong dịp Lễ Cô hồn. Ma dữ là những hồn ma giận dữ hoặc 'đói khát', đeo bám người sống.
Một số nước châu Á có Tháng Cô hồn
Là một học giả chuyên nghiên cứu về các truyền thuyết tại Đại học Nam California vốn từng nghiên cứu và giảng dạy về các truyện ma trong nhiều năm, tôi thấy rằng hồn ma nhìn chung đi 'săn lùng' là vì những lý do chính đáng. Có thể là bởi các vụ giết người chưa được làm sáng tỏ, bởi việc chưa được tổ chức tang lễ tươm tất, là một vụ buộc phải quyên sinh, là từ các thảm kịch lẽ ra đã có thể tránh được, và vì những đổ vỡ về mặt đạo đức.
Hồn ma trong những trường hợp này thường muốn chui ra khỏi mộ huyệt để đi đòi công lý. Chúng có thể ra yêu sách với các cá nhân, hoặc với toàn xã hội. Ví dụ như tại Mỹ, đã có những trình báo về việc nhìn thấy nô lệ người Mỹ gốc Phi và thổ dân Mỹ bản địa.
Học giả Elizabeth Tucker từ Đại học bang Binghamton ở New York, đã ghi chi tiết về nhiều vụ trình báo những gì được nhìn thấy trong khuôn viên trường, mà thường là gắn với các khía cạnh nhớp nhúa đáng buồn từng xảy ra trong quá khứ tại khu học xá này.
Theo cách này thì các hồn ma cho thấy mặt tối của đạo đức.
Những lần xuất hiện của chúng thường là lời nhắc nhở rằng đạo đức và luân lý là những vấn đề vượt qua kiếp hiện sinh của chúng ta và rằng những lỗ hổng về đạo đức có thể đem đến gánh nặng rất nặng nề về tâm linh.
Tuy nhiên, những câu chuyện ma cũng đem đến hy vọng.
Do chúng cho thấy có sự sống sau khi chết, chúng tạo ra cơ hội cho chúng ta tiếp xúc với những người đã mất và do đó là cơ hội để cứu vớt - một cách để chuộc lại những sai lầm trong quá khứ.
Mùa Halloween đến, bên cạnh những tiếng la hét và trò diễn, có lẽ bạn nên dành một vài phút để trân trọng vai trò của hồn ma trong quá khứ bị ám ảnh của chúng ta và bằng cách nào mà chúng dẫn dắt chúng ta có một đời sống đạo đức và luân lý.
Tok Thompson
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.