Saturday, November 9, 2024

Vì sao gần 80% độc giả Việt bình chọn Trump làm tổng thống Mỹ

 BM

Từ 70 đến 79% độc giả Việt bình chọn cho ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, trong ngày bầu cử tổng thống Mỹ 5/11, theo khảo sát trên các báo mạng lớn của Việt Nam, thể hiện mức chênh lệch hàng chục điểm phần trăm so với nữ ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ Mỹ.

Bức tranh kể trên khác xa mức chênh nhỏ hơn nhiều trong cuộc bỏ phiếu thực sự diễn ra ở Mỹ. Một số người ở Việt Nam nói  họ ủng hộ ông Trump vì ông thân thiện với Việt Nam, ngoài ra là quan điểm của ông về hòa bình thế giới, cứng rắn với Trung cộng và thúc đẩy kinh tế.


Trên trang VietnamNet, trả lời cho câu hỏi “Bạn nghĩ ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ 2024”, có tới 79% trong số gần 1800 độc giả đã bình chọn cho ông Trump.


Trên trang Tuổi Trẻ, câu hỏi tương tự mang lại 76% trong số các câu trả lời là sự ủng hộ dành cho ông Trump. Cùng thời gian, 70% số người tham gia khảo sát trên trang Thanh Niên bình chọn cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Tuổi Trẻ và Thanh Niên không cho biết có tổng cộng bao nhiêu lượt bình chọn.


Cựu nhà báo Nguyễn Phạm Mười ở Hà Nội, một người ủng hộ ông Trump, đưa ra quan sát cá nhân  về các lý do mà độc giả báo chí Việt Nam bỏ phiếu tượng trưng cho ông ấy với tỷ lệ áp đảo, trong đó, đứng đầu là thái độ “rất thân thiện với Việt Nam” và “các phát biểu ủng hộ quan hệ Mỹ-Việt” của ông Trump khi ông nắm chức tổng thống Mỹ và thăm Việt Nam hồi năm 2017.


Tiếp đến là những hành động của ông Trump đối với Trung cộng, nước láng giềng khổng lồ được xem là vừa là bạn vừa là thù của Việt Nam. Ông Mười nói:

“Người Việt Nam có nhận xét là ông có thái độ chống Trung cộng khá mạnh, điều đó rất phù hợp với tâm lý của nhiều người. Họ cảm thấy Việt Nam là nước nhỏ lại có nước lớn ủng hộ lập trường như vậy thì rất là tốt”.


Một ủng hộ viên nữa của ông Trump, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh ở thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang có mặt ở Mỹ, đồng ý với luận điểm nêu trên của ông Mười. Bà nói :

“Cái mà tôi nghĩ rất quan trọng là người Việt Nam rất thích khi ông Trump tuyên bố đánh thuế Trung cộng rất là mạnh. Tôi nghĩ hầu hết người Việt Nam đều không thích Trung cộng”.


Vẫn theo bà Hoài Anh, niềm tin của nhiều người Việt rằng khi ông Trump làm tổng thống Mỹ, thế giới không có chiến tranh là một lý do khác để họ ủng hộ ông ấy.


Bên cạnh đó, người Việt “thèm khát tự do ngôn luận”, khi họ thấy ông Trump có thêm đồng minh là tỷ phú Elon Musk, người đã mua lại mạng xã hội Twitter, đổi tên thành X và tuyên bố ủng hộ tự do ngôn luận, họ càng ủng hộ ông Trump, bà nói.


Ứng cử viên của đảng Cộng hòa, nay là tổng thống đắc cử, còn được nhiều người Việt tín nhiệm trong vấn đề kinh tế, nữ doanh nhân Hoài Anh nhận xét.


BM

Ở một khía cạnh khác, ông Mười nói cá nhân ông và nhiều người Việt cho rằng ông Trump “bị đối xử rất bất công ở bên Mỹ” trong thời gian dẫn đến chiến dịch tranh cử là một trong số các lý do làm họ thông cảm và ủng hộ ông ấy. Ông Mười hàm ý về một loạt các cuộc điều tra, truy tố ở cấp bang và liên bang về một loạt vụ việc của ông Trump bị xem là vi phạm pháp luật Mỹ.


Từ Vinh, Nghệ An, ông Lê Quý Hoàng, chia sẻ  rằng ông “không thích chủ nghĩa xã hội” trong khi ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống lần thứ nhất cách đây 4 năm đã nhiều lần chỉ trích chủ nghĩa này, vì vậy, ông thấy đồng quan điểm và ủng hộ ông Trump.


Ông Hoàng nói thêm ông cũng thích phong cách của ông Trump là nói thẳng thắn và lời nói nhìn chung đi đôi với việc làm.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên đại học ở Hà Nội, một nhà bình luận thời cuộc nhận được nhiều sự chú ý lâu nay, đưa ra phân tích  rằng sự ủng hộ đông đảo của người Việt dành cho ông Trump, một chính trị gia gây nhiều tranh cãi ở Mỹ, chứa đựng một nghịch lý.


BM

Trước hết, theo bà Ánh, Việt Nam cũng như một số nước châu Á nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi văn hóa Khổng tử, văn hóa Trung cộng:

“Chúng ta đều có khuynh hướng thích một nhà độc tài tốt. Nếu hỏi người Việt họ ngưỡng mộ lãnh đạo nào nhất, họ nói họ ngưỡng mộ Lý Quang Diệu, sau đó đến Putin chẳng hạn”.


Cả hai nhà lãnh đạo này đều có những chính sách hoặc cách hành xử mà bà Ánh gọi là “độc ác”, “khắc nghiệt”, “không coi ra gì” đối với người Việt Nam ở Singapore và Nga trong quá khứ, thậm chí cho đến gần đây, nhưng người Việt “không thấy có vấn đề gì” hoặc “không để ý”.


Sở dĩ họ có nếp tư duy như vậy vì yếu tố về văn hóa, hiểu biết. Bà Ánh đưa ra quan sát rằng nhiều người Việt “không thích” những việc sâu sắc, lớn lao như tìm hiểu, phân tích chính sách hay đóng góp vào cải cách, canh tân, xây dựng nhà nước…, và bà bình luận:

“Người ta mong mỏi cứ ngồi yên ở đấy và có một nhà độc tài nào đó sẽ bao thầu tất cả những chuyện đó cho họ và họ chỉ việc nghe lời xong rồi hưởng thụ, thì Trump đáp ứng được điều đó. Người ta vẫn chỉ ngưỡng mộ hình mẫu một nhà độc tài quyết định tất cả, lo liệu mọi chuyện”.


Ở một khía cạnh khác, bà Ánh chỉ ra rằng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ, lâu nay bị ông Trump và đồng minh mô tả là đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa, như vậy, lẽ ra bà ấy phải được nhiều người ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ủng hộ, song các cuộc khảo sát trên các báo mạng Việt Nam vào ngày bầu cử Mỹ 5/11 lại cho thấy điều ngược lại.


Đó là một nghịch lý được PGS.TS. Ánh lý giải như sau:


“Theo tôi hiểu, người Việt Nam phục tùng nhà nước nhưng thật lòng không ủng hộ tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà lại không dám nói điều đấy ra. Ở một chỗ nào đấy họ có thể xì ra cái tư tưởng là họ không thích cách làm ăn của chủ nghĩa xã hội và không bị phạt gì cả thì đấy là cái giải tỏa cho họ”.


BM

Từ góc nhìn của một nhà trí thức lâu nay phản đối, chỉ trích nhiều quan điểm và cách hành xử gây tranh cãi của ông Trump, và dẫn ra việc ông “đảo lộn, hủy bỏ” nhiều thỏa ước quốc tế và chính sách đối nội của Mỹ, cũng như thường xuyên đưa ra các lời đe dọa trong nhiệm kỳ lần trước, bà Ánh dự báo về nhiệm kỳ hai của ông:

“Sẽ là thời kỳ cực kỳ bất ổn, khó lường. Mọi người kể cả giới làm ăn và học thuật sẽ rơi vào tâm lý rất bất an vì không biết ngày mai sẽ thế nào. Về dư luận xã hội cũng là thời kỳ cực kỳ bất ổn vì các bên chửi mắng nhau, đời sống xã hội cũng trở nên rất bất an, xã hội phân hóa, nghi ngờ nhau, sự thù nghịch tăng lên, cảm thấy là cả thế giới bị đầu độc. Tôi không thể ủng hộ được. Câu chuyện này sẽ ảnh hưởng toàn thế giới theo một nghĩa tiêu cực”.


Nữ phó giáo sư-tiến sĩ cảnh báo rằng hình mẫu của ông Trump - nhà lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới mà bà cho là có phong cách không tôn trọng các khuôn khổ, các giá trị - sẽ được giới lãnh đạo ở các nước “học theo”, mang lại những hệ quả khó lường.


Trái với bức phác họa u ám của bà Nguyễn Hoàng Ánh, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh và cựu nhà báo Nguyễn Phạm Mười cho rằng tỷ lệ bình chọn cao của người Việt dành cho ông Trump không chỉ là sự ủng hộ mà cũng thể hiện kỳ vọng về ông.


Đó là dưới thời ông lãnh đạo, quan hệ Việt-Mỹ bao gồm cả lĩnh vực kinh tế sẽ được đẩy mạnh, tiến triển tốt đẹp, mang lại lợi ích cho hai bên; dân chủ và tự do ngôn luận sẽ tốt lên và ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam; và thế giới sẽ hòa bình, ổn định.


BM

Ngoài ra, bà Hoài Anh nói thêm:

“Chúng tôi cũng mong với những trừng phạt của ông Trump đối với Trung cộng, bằng chính sách thuế, sẽ có thể kìm hãm sự lớn mạnh của Trung cộng, vì khi Trung cộng lớn mạnh, Trung cộng sẽ có nhiều khả năng và dã tâm đối với đất nước chúng tôi, đối với Biển Đông. Chúng tôi rất kỳ vọng vào nhà lãnh đạo mà có thể làm cho Trung cộng phải bớt tham vọng của mình lại”.


Khi còn tranh cử, ông Trump đã đưa lập trường cứng rắn đối với Trung cộng lên thành trọng tâm trong chiến dịch vận động cử tri, tuyên bố rằng ông sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung cộng. Nhưng ông Trump cũng làm cho nhiều người phải thắc mắc khi mô tả Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình là “tài giỏi” vì cai trị bằng “nắm đấm sắt”.


BM

Những cáo buộc gian lận bầu cử ở Mỹ
Công cuộc chống biến đổi khí hậu của thế giới sẽ ra sao?
Sóng đỏ xô đổ tường xanh
Những gương mặt có thể tham gia chính quyền Trump
Tân Tổng Thống Donald Trump
Độc dược Fentanyl xâm nhập Hoa Kỳ từ Trung cộng
Chính sách đối ngoại thất thường của ông Trump đối mặt với ‘thế giới bốc hỏa’
Ông Trump có còn gặp rắc rối với pháp lý sau khi thắng cử?
Năm lý do khiến Kamala Harris thua Donald Trump
Nước Mỹ trao cho ông Trump cơ hội thứ hai
Trump giành quyền kiểm soát Thượng viện, giành thêm lợi thế ở Hạ viện
Donald Trump thắng cử & GOP giành lại Thượng viện
Chính sách thuế quan của ông Trump
Nhiệm kỳ tổng thống lần hai của Trump sẽ như thế nào?
Cuộc đua vào Quốc hội Mỹ sẽ quyết liệt với dự báo cả hai viện sẽ đảo chiều
Kịch bản nước Mỹ theo lời hai ứng viên: 'Cộng sản' và 'phát xít'
Bầu cử 2024: Thắc thỏm chờ tổng thống kế tiếp
Khi nào sẽ biết Harris hay Trump thắng?
Nước Mỹ nếu không có người nhập cư
Côn Sơn và những mảnh đời tù tội

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.