Cứ mỗi tháng Giêng, Angela Ceberano lên chỉ tiêu cho 12 tháng tới. Vào mỗi buổi tối Chủ Nhật, bà lên kế hoạch cho tuần tiếp theo.
Tuy nhiên, thay vì sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, người sáng lập công ty quan hệ công chúng Flourish PR, đóng tại Melbourne, Úc, lại sử dụng sổ tay, một cuốn nhật ký cổ điển, bút màu và một chồng tạp chí. Những thứ này giúp bà động não, lên danh sách và ý tưởng.
Caberano không phải là người xa lạ với công nghệ và bà cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội.
Bà thường xuyên dành thời gian cho những công cụ mạng cũ và mới cũng như thường xuyên di chuyển giữa Úc và San Francisco, nơi đặt trụ sở của một số khách hàng của bà là công ty khởi nghiệp. Đối với một số nhiệm vụ nhất định, bà thích sự đơn giản, linh hoạt và hữu hình của trang giấy.
"Đôi lúc, tôi chỉ muốn gạt hết công nghệ sang một bên và tìm một nơi yên tĩnh để ngồi xuống cùng giấy bút," bà nói.
"Ngày nay có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại, nhưng tôi cảm giác không có ứng dụng nào mang lại cho tôi điều mình muốn. Tôi đã thử rất nhiều những ứng dụng giúp tôi động não hoặc lên kế hoạch… Nhưng giấy bút hoặc nhật ký mang lại cảm giác linh hoạt. Tôi có thể lấy chúng ra mọi lúc mọi nơi. Tôi có thể tập trung."
Bà không phải là người cô đơn trong việc này. Chỉ cần lướt qua mạng xã hội, bạn sẽ thấy sự trở lại âm thầm của giấy bút.
Nhiều ngưởi sử dụng bút và màu để giúp tổ chức cuộc sống hoặc đánh dấu các mục tiêu đề ra như tập thể dục, tài chính hoặc sự nghiệp. Bất chấp những ứng dụng đang có mặt đầy rẫy hiện nay, ngày càng có nhiều cư dân mạng ủng hộ việc quay về với các công cụ truyền thống.
Khía cạnh khoa học
Mặc dù công nghệ có thể giúp thực hiện một số công việc một cách dễ dàng, nhưng sự quá tải về công nghệ lại là một vấn đề có thật và đang gây quan ngại.
Một nghiên cứu vào năm 2010 của Đại học California tại San Diego chỉ ra rằng chúng ta đang tiêu thụ thông tin nhiều hơn gần ba lần so với thời thập niên 1960.
Một nghiên cứu khác của Ofcom tại Anh quốc cho biết 60% người dùng công nghệ thừa nhận họ bị nghiện các thiết bị của mình, và một phần ba trong chúng ta thừa nhận mình lên mạng nhiều hơn dự định.
Vậy có phải chúng ta đang làm quá nhiều? Có phải các màn hình của chúng ta đang quá mất tập trung? Có thể là như vậy. Nhiều nghiên cứu cho rằng việc đa nhiệm làm não phân tán sự tập trung và điều này không có lợi cho chúng ta.
Các nghiên cứu khác cho rằng bút và giấy có lợi thế hơn so với bàn phím.
Nghiên cứu do Đại học Princeton và Đại học California tại Los Angeles công bố vào năm 2014 cho thấy bút và giấy có nhiều lợi thế hơn bàn phím. Ba nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng các sinh viên ghi chú trên máy tính xách tay thường trả lời các câu hỏi về nhận thức kém hơn các sinh viên ghi chú bằng giấy và bút.
Những người sử dụng giấy bút hiểu rõ nội dung và nhớ lâu hơn vì họ phải xử lý thông tin được ghi xuống thay vì chỉ gõ lại một cách máy móc. Trong một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí Journal of Applied Cognitive Psychology, những người ghi chú bằng giấy bút được cho là có thể nhớ các thông tin dễ gây nhàm chán tốt hơn.
Việc đề ra các mục tiêu mà không cần đến sự giúp đỡ của công nghệ không phải mới. Đó là cách mà tất cả mọi người vẫn làm trước khi Internet ra đời.
Sự khác biệt ở đây là ngay cả dân mê công nghệ cũng đang quay lại với những công cụ truyền thống.
Rất nhiều người trong số này là các Blogger, người làm việc trong lĩnh vực công nghệ hoặc truyền thông. Xu hướng mới này đã giúp tăng doanh số cho các loại văn phòng phẩm như sổ tay của Moleskine và Leuchtturm1917, các công ty này cho biết.
Về phần mình, Moleskine đã đạt mức tăng trưởng ở hai con số mỗi năm trong vòng 4 năm qua, theo Mark Cieslinski, chủ tịch Moleskine tại Mỹ. Quản lý tiếp thị của Leuchtturm1917 Richard Bernie nói cơn sốt đối với dòng sản phẩm này bắt đầu vào tháng Sáu năm 2016 nhờ sự phổ biến của hình thức sử dụng điểm nhấn (bullet point) để quản lý công việc.
Vậy vì sao các công cụ đơn giản hơn lại có nhiều thế mạnh trước đầy rẫy các ứng dụng ngày nay? Một cuốn sổ tay sẽ không bao giờ bị hết pin hoặc bị đứng hình trong lúc sử dụng. Bạn không thể tình cờ xoá đi một cái gì đó. Nó sẽ không đổ chuông hoặc quấy rầy bạn liên tục bằng những thông báo từ mạng xã hội hoặc email. Bạn có thể vẽ, có thể phác thảo một biểu đồ - đôi khi một bức hình đáng giá hàng nghìn từ - điều không dễ làm trên điện thoại thông minh.
Đối với Amy Jones, nhà sáng tạo ra Map Your Progress - vốn giúp theo dõi mục tiêu đề ra thông qua mỹ thuật, việc tạo ra hình ảnh minh hoạ đã giúp bà trả khoản nợ 26 nghìn đôla.
Lấy cảm hứng từ các hình minh hoạ mà mẹ bà, một người làm nghề bán hàng, hay sử dụng, Jones đã vẽ những hình xoáy tròn trên các tấm bảng lớn, mỗi tấm đại diện cho 100 đôla, và treo nó lên tường. Mỗi lần trả xong một khoản nợ tương ứng 100 đôla, bà lại chỉnh các vòng xoáy này sang màu tươi hơn. Kết quả? Bà đã trả xong khoản nợ chỉ trong một nửa thời gian đề ra, và tạo ra một tác phẩm mỹ thuật rất ấn tượng.
Sau khi đăng tải câu chuyện của mình trên Facebook, ý tưởng của bà đã lan rộng. Bà bắt đầu bán các thiết kế của mình, được gọi là Progress Maps (biểu đồ tiến độ), được đưa vào sử dụng trong năm 2015, công cụ này thu hút cả những khách hàng ở tận Úc. Họ sử dụng nó để tập trung vào các mục tiêu như trả nợ, giảm cân hoặc tập luyện cho một cuộc chạy đua đường trường.
"Người ta cảm thấy rất phấn khích. Họ trông chờ được tô màu vòng xoáy đó. Nó không chỉ đơn thuần là quẹt tay trên một ứng dụng hoặc điền vào một ô trống. Nó là một trải nghiệm".
Tương tự, nhà thiết kế sản phẩm điện tử đóng tại New York, Ryder Carroll, cũng đã tạo ra công cụ Bullet Journal, dựa trên phương pháp dùng điểm nhấn để quản lý công việc.
"Đây là cách mà tôi giải quyết điểm yếu của bản thân trong vấn đề tổ chức, bắt nguồn từ bệnh ADD (hội chứng gây mất tập trung) từ khi rất nhỏ," ông nói.
"Nhiều người nghĩ rằng bị bệnh này thì không thể tập trung. Thế nhưng theo trải nghiệm của tôi thì chúng tôi vẫn có thể tập trung, nhưng lại là tập trung vào quá nhiều thứ cùng một lúc. Vì vậy tôi phải nghĩ ra cách để ghi lại thông tin và đồng thời tìm cách lắng nghe."
Bullet Journal được "thiết kế cho không chỉ bản thân tôi mà những người có tư duy giống như tôi, vì vậy nó cần phải rất linh hoạt," ông nói. "Đôi lúc tôi dùng nó để vẽ, đôi lúc tôi muốn viết, đôi lúc tôi dùng nó để lên kế hoạch, và tôi muốn có một hệ thống có thể làm tất cả những điều này."
Sáng tạo
Việc viết ra giấy cũng giúp khởi nguồn cho sáng tạo. Việc sáng tạo yêu cầu bạn phải 'làm dơ tay', một cảm giác không thể có khi bạn dùng công nghệ hoặc một thiết bị nào đó, Arvind Malhotra, một giáo sư tại Trường Kinh doanh của Đại học North Carolina Kenan-Flagler, nói.
"Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cảm giác chạm vào mặt giấy thường kích hoạt vùng của não vốn liên quan đến sự sáng tạo. Vì vậy những cảm nhận, tương tác mà bạn có được khi bạn xây dựng một thứ hữu hình nào đó thường có liên quan rất nhiều đến sự sáng tạo," ông nói.
"Nghiên cứu của riêng tôi đối với việc phác hoạ nháp cho thấy ngay cả trong kỷ nguyên công nghệ, sự sáng tạo chỉ nảy sinh khi bạn kết hợp điện toán với những thứ hữu hình," Malhotra nói. Đó là lý do vì sao nhiều công ty công nghệ thích bảng trắng, ông nói.
"Gần 80% văn phòng của những công ty hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đều có bảng trắng," ông nói. "Điều khá thú vị là trong tất cả các công ty công nghệ cao vốn sản xuất phần cứng điện tử cũng như phần mềm, bảng trắng vẫn là công cụ được ưa chuộngnhaast cho việc sáng tạo và thảo luận tập thể."
Quay trở lại với những điều căn bản
Đối với Ceberano, điều quan trọng là bà có thể tắt điện thoại, rời khỏi máy tính, ngồi xuống và tập trung, đồng thời có được sự linh hoạt để tạo ra những hệ thống riêng của mình.
"Bạn có thể bị lạc giữa rừng công nghệ và luôn luôn phải chạy theo các hệ thống của ai đó," bà nói. "Tôi không dùng các ứng dụng này vì cho rằng nó là một hệ thống của người khác. Đó không phải là cách mà tư duy của tôi hoạt động," Ceberano nói.
"Khi tôi dùng giấy và bút, tôi ghi ra mọi thứ theo cách mà đầu tôi của thể hiểu được, nhưng có thể là người khác sẽ không hiểu. Tôi nghĩ là người ta đang tìm cách lấy lại quyền kiểm soát thời gian của chính mình và kiểm soát những thông tin mà họ kết nạp."
Alison Birrane
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.