Dù các lá phiếu cuối cùng vẫn còn đang được kiểm, đa số người Mỹ tại các bang dao động chính đã chọn bỏ phiếu cho ông, nhiều người trong số đó nêu lên mối lo ngại chính là về kinh tế và nhập cư.
Ông từ chối chấp nhận kết quả cuộc bầu cử 2020 - nơi ông thua Biden, và vai trò của ông trong việc lật ngược kết quả bầu cử vẫn còn đang bị điều tra cho tới nay.
Ông đối mặt với các bản án liên quan đến cáo buộc ông kích động các cuộc tấn công bạo lực vào quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021. Ông cũng đi vào lịch sử khi sẽ là tổng thống tại vị đầu tiên từng bị kết tội hình sự nghiêm trọng, sau khi bị kết tội làm giả hồ sơ kinh doanh.
Không khó để thấy rằng ông là một nhân vật gây chia rẽ sâu sắc.
Trong suốt chiến dịch, Trump đã sử dụng lời lẽ kích động - đưa ra những câu chuyện cười thô tục và đe dọa trả thù những kẻ thù chính trị của mình.
Thông điệp về kinh tế của ông đã tạo được sự đồng cảm
Rất ít người có quan điểm trung lập khi nói về Trump.
Hầu hết các cử tri mà tôi hỏi chuyện trong suốt quá trình tranh cử nói rằng họ mong ông Trump "dừng việc ăn nói tục tĩu" - nhưng họ có thể bỏ qua điều đó.
Thay vì thế, họ tập trung vào những câu hỏi mà ông đã hỏi tại mỗi cuộc mít tinh. "Bạn có ổn hơn bây giờ so với hai năm trước?"
Rất nhiều người, từng bỏ phiếu cho Donald Trump, nhiều lần nói với tôi rằng họ cảm thấy nền kinh tế đã được cải thiện rất nhiều dưới thời ông tại vị, và rằng họ đang mệt mỏi khi phải vật lộn để chỉ kiếm đủ ăn. Dù nguyên nhân chủ yếu của lạm phát là do các yếu tố bên ngoài như dịch Covid-19, họ đổ lỗi cho chính quyền ông Biden.
Các cử tri cũng lo ngại sâu sắc về tình hình nhập cư bất hợp pháp đã đạt mức kỷ lục dưới thời Biden. Họ thường không thể hiện các quan điểm phân biệt chủng tộc hay niềm tin rằng người nhập cư ăn thịt thú cưng của người dân Mỹ, như Trump và những người ủng hộ ông từng cáo buộc.
Họ chỉ muốn việc tăng cường thực thi bảo vệ biên giới trở nên mạnh mẽ hơn.
'Nước Mỹ trên hết' cho nhiệm kỳ hai của Trump
“Nước Mỹ trên hết” là một trong những khẩu hiệu nữa của Trump có vẻ thực sự tạo được sự đồng cảm với cử tri.
Trên toàn nước Mỹ, tôi nghe thấy người dân - cánh hữu và tả - phàn nàn về hàng triệu đô la gửi đi hỗ trợ Ukraine trong khi họ cho rằng tốt hơn là được tiêu ở quê nhà.
Họ không thể bỏ phiếu cho Harris, phó của Biden trong bốn năm qua. Họ tin rằng Harris mà đắc cử thì cũng thế thôi và họ muốn sự thay đổi.
Có lẽ đó là một trong những điều trớ trêu nhất của cuộc bầu cử này, khi ứng cử viên đại diện nhất cho sự thay đổi mới nắm quyền chỉ bốn năm trước. Nhưng có vài sự khác biệt giữa hồi đó và bây giờ.
Khi ông Trump mới nắm quyền vào năm 2016, ông là một người ngoại đạo với chính trị, và ít nhất là trong một khoảng thời gian, ông được vây quanh bởi những nhân viên và cố vấn chính trị kỳ cựu - những người đã hướng dẫn ông các quy tắc và kiềm chế các hành động của ông. Bây giờ ông không có vẻ quan tâm tới việc tuân theo luật chơi tới mức như vậy nữa.
Rất nhiều người trong số các cố vấn và nhân viên này đã lên tiếng - gọi ông là một "kẻ dối trá", một "kẻ phát xít" và "không đủ tư cách". Họ cảnh báo rằng nếu ông bao quanh mình bởi những người trung thành, điều mà ông được cho là sẽ làm, thì sẽ không có một ai kiềm chế ông khỏi những ý tưởng thậm chí còn cực đoan hơn của ông.
Khi ông rời nhiệm sở, ông đã đối mặt với hàng loạt các tội danh hình sự liên quan đến vai trò của ông trong cuộc bạo động ở Điện Capitol, cách ông xử lý các tài liệu mật về an ninh quốc gia và tiền bịt miệng trả cho một ngôi sao khiêu dâm.
Nhưng từ khi Tòa án Tối cao phán quyết rằng tổng thống hoàn toàn được miễn trừ khỏi việc bị truy tố đối với các hoạt động chính thức khi tại nhiệm, đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn cho bất cứ công tố viên nào để buộc tội ông trong nhiệm kỳ tới.
Và với vai trò tổng thống, ông có thể chỉ thị Bộ Tư pháp bãi bỏ các bản án tuyên cho ông liên quan đến cuộc bạo động ngày 6/1 để ông không phải lo lắng gì về một án tù. Ông cũng có thể ân xá hàng trăm người đã bị bỏ tù do tham gia vào vụ bạo động ở tòa nhà Quốc hội.
Cuối cùng, các cử tri được giới thiệu hai phiên bản nước Mỹ.
Donald Trump nói với họ rằng nước họ là một quốc gia lụn bại mà chỉ ông mới có thể khiến đất nước Vĩ Đại Trở Lại.
Trong khi đó, Harris đã cảnh báo rằng nếu Trump tái đắc cử, nền dân chủ Mỹ sẽ đối mặt với đe dọa mang tính sinh tồn. Điều đó cần phải chờ xem. Nhưng cái mà chính ông Trump nói trong chiến dịch của mình đã không thực sự xoa dịu được nỗi bất an của người dân.
Ông đã dành lời khen ngợi các lãnh đạo độc tài như Vladimir Putin của Nga và Kim Jong-un của Triều Tiên, người mà ông nói "lãnh đạo cuộc chơi của họ, dù bạn thích họ hay không".
Ông đã nói về nỗ lực bịt miệng giới chỉ trích và báo chí. Chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử, ông cũng đưa ra bình luận ám chỉ rằng ông sẽ không bận tâm nếu nhà báo bị giết hại.
Và ông đã tiếp tục phóng đại các thuyết âm mưu và các khẳng định vô căn cứ về gian lận bầu cử - thậm chí ngay cả khi cuộc bầu cử cuối cùng đã dẫn tới chiến thắng của ông.
Bây giờ, cử tri sẽ thấy bao nhiêu phần trăm những điều ông nói trong chiến dịch bầu cử chỉ là đầu môi chót lưỡi - "Trump vẫn là Trump".
Và cần nhớ rằng: không chỉ người Mỹ phải đối mặt với thực tế một nhiệm kỳ hai của Trump.
Cả thế giới bây giờ sẽ phải khám phá xem "Nước Mỹ Trên Hết" thực sự là cái gì. Từ góc độ hậu quả kinh tế toàn cầu của 20% thuế mà ông đã áp lên hàng nhập khẩu vào Mỹ cho tới cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông mà ông thề sẽ chấm dứt - bất chấp phe nào chiến thắng.
Donald Trump đã không thể thực hiện được mọi kế hoạch của mình trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Nay, với nhiệm kỳ thứ hai và ít bị cản trở hơn một cách đáng kể, nước Mỹ, và thế giới, sẽ thấy ông thực sự có thể làm những gì.
Sarah Smith
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.