Cá chết trắng ven
biển miền Trung (ảnh chụp từ trang vietnamnet). Quảng Trị vừa phát hiện 30 tấn
sản phẩm đông lạnh có chứa chất cực độc hôm 10/6/2016, trong đó có số cá được
thu mua ngay sau thảm họa cá chết.
Toàn bộ 30 tấn sản
phẩm đông lạnh bị phát hiện chứa chất cực độc tại Quảng Trị hôm 10/6 là số cá nục
được thu mua ngay sau thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Truyền thông trong
nước dẫn tin từ Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Trị ngày 10/6 cho hay
xác định có chất cực độc Phenol trong 30 tấn cá nục đông lạnh của một cơ sở chế
biến tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh.
Kết quả xét nghiệm
cho thấy hàm lượng Phenol chiếm 0,037 mg trên mỗi ký mẫu cá. Theo giới chuyên
môn, chất cực độc này có thể gây ngộ độc với hàm lượng từ 2-5 gram và gây chết
người ở mức 10 gram.
Trưởng Chi cục An
toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Trị, ông Hồ Sỹ Biên, được VNExpress trích lời khẳng
định ‘Dù hàm lượng trong mẫu kiểm nghiệm ít, không gây ngộ độc bây giờ nhưng tiềm
tàng nguy hiểm về sau’.
Vẫn theo lời ông
Biên, chất Phenol được dùng trong công nghiệp để sát khuẩn, tuyệt đối không được
dùng trong thực phẩm kể cả thức ăn chăn nuôi hay bao bì thực phẩm.
Trưởng Chi cục nói
chỉ có thể xác định mẫu kiểm nghiệm có chất độc, chứ không thể xác định nguyên
nhân nhiễm độc từ đâu.
Giới hữu trách từ chối
liên hệ vụ việc với thảm trạng môi trường chưa từng thấy trước nay tại Việt Nam
hiện chưa rõ nguyên nhân với hàng trăm tấn cá chết trôi dạt trắng bờ trải dài
các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị tới Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, theo báo
Tuổi trẻ, trong ba mẫu cá nục được kiểm định có 1 mẫu được chủ cơ sở kinh doanh
thu mua trước thời điểm xảy ra vụ cá chết hàng loạt, 2 mẫu còn lại nằm trong số
cá được thu mua ngay sau khi xảy ra vụ việc và cả 2 mẫu này đều có chứa độc chất
Phenol.
Báo nhà nước dẫn lời
các giới chức cho hay đã đề nghị tiêu hủy số cá nhiễm độc vừa phát hiện, nhưng
không nêu rõ thời gian, địa điểm cụ thể tiến hành công tác tịch thu, tiêu hủy.
Hơn 2 tháng kể từ hiện
tượng cá chết bất thường, người dân Việt Nam vẫn đang chờ đợi lời giải đáp từ
nhà chức trách về nguyên nhân hủy hoại môi trường biển trong tâm trạng bất bình
và mất niềm tin.
Anh Thái Văn Dung, một
cư dân ở Nghệ An, chia sẻ:
“Ta có cả hàng ngàn
giáo sư tiến sĩ, chả lẽ chỉ việc này mà không tìm ra nguyên nhân? Hay có sự bao
che của nhà cầm quyền? Nếu chúng ta không xử lý kịp thời, điều tra rõ nguyên
nhân và nhờ quốc tế can thiệp giúp đỡ để giải độc môi trường, thì có thể hàng
thập kỷ sau chất độc mới có thể dịu bớt được. Chỗ em đây cách tâm điểm Vũng Áng
hàng trăm km mà người dân mùa này xuống biển không dám tắm biển, không dám ăn bất
kỳ đồ hải sản gì.
Đề nghị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải điều tra rõ
nguyên nhân và xử lý nghiêm để người dân đỡ hoang mang. Nhất là cho những người
sinh sống ven biển, nghề chính của họ là đánh cá, bây giờ thuyền bè neo đậu thì
ai chi trả cho họ, ai nuôi sống họ đây?”
66 ngày trong thảm họa
cá chết, ngư dân khốn đốn, người tiêu thụ cả nước hoang mang trước những cách
giải thích bất nhất, mập mờ của nhà nước trong khi giới hữu trách địa phương lại
khuyến khích dân ăn cá, tắm biển với những lời tuyên bố rằng biển và cá đều nằm
trong ‘chỉ số an toàn’.
Blogger Trương Duy
Nhất, cư dân miền Trung, một ngòi bút phản biện được nhiều người biết tiếng
theo dõi sát vụ cá chết, phát biểu:
“Đang lúc cá chết,
chưa biết cá chết vì đâu mà lại đi ứng xử kiểu ngồi chồm hổm ăn để khuyến khích
dân ăn, lại đi cởi áo tuột quần lao ra biển tắm. Đó là những việc làm ngu quá mức
cần thiết”.
Giới hữu trách cho
biết đã xác định được nguyên nhân gây cá chết nhưng phải chờ phản biện khoa học
trước khi có thể công bố công khai.
Cách đáp ứng này đã
khơi mào các cuộc tuần hành môi trường trên cả nước đòi hỏi quyền được sống
trong môi trường sạch với một nhà nước minh bạch.
Các cuộc biểu tình
đông đảo hiếm thấy này lần lượt bị trấn áp bằng võ lực, khiến quốc tế một lần nữa
lên tiếng quan ngại về các nhân quyền căn bản bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự
do tụ tập của công dân tại Việt Nam.
Trà Mi-VOA
***
Đại sứ Hoa Kỳ nói về vụ cá chết |
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.