Hồi còn nhỏ tôi có một sở thích, đó là gặm tất cả mọi thứ, cho dù là đồ chơi hay giày dép. Mẹ làm mọi cách để ép tôi thay đổi nhưng cuối cùng vẫn đành bất lực. Sau cùng, bố dành thời gian mỗi ngày kể chuyện cho tôi nghe, và tật xấu ấy đã biến mất trong sự ngỡ ngàng của mẹ.
Cũng từ đó mẹ gỡ bỏ nét mặt nghiêm khắc để ngồi xuống trò chuyện cùng tôi như một người bạn, mỗi cuộc chuyện trò là một bài học, những bài học ấy đã theo tôi suốt những năm thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Năm 4 tuổi, tôi thường vứt đồ chơi lung tung. Đôi khi vì để thỏa mãn trí tò mò tôi lại tháo rời từng bộ phận để khám phá “xem bên trong có gì”, hoặc có lúc vì thích một vài bức hình mà không ngại cắt rời từng trang sách rồi dán lên tường. Mẹ thấy vậy, bèn nói: “Con có biết tất cả mọi thứ đều đang giúp con không?”.
Thấy vẻ mặt tôi ngơ ngác, mẹ nói tiếp: “Con nhìn này, có phải cái ghế đang cho con ngồi lên không? Mặc dù ghế rất mỏi, nhưng lại giúp con để con không bị bẩn quần đấy”.
Tôi mừng rỡ khi học được một thứ mới mẻ, quả là điều mà trước nay tôi chưa từng nhận ra. Mẹ lại chỉ vào từng đồ vật và nói: “Đôi dép cho con đi không bị đau chân, cốc cho con uống nước, giường cho con nằm ngủ, cái giỏ này cho con đựng bao nhiêu là đồ chơi. Con nhìn xung quanh xem, có thứ gì là không giúp con không nào?”.
Tôi thích thú gật đầu lia lịa.
Rồi mẹ chỉ vào những món đồ vừa bị tôi đối xử bất công: “Các bạn ấy giúp con nhiều như thế, cho con chơi vui ơi là vui, con thì chẳng giúp gì mà lại vứt các bạn ấy khắp nhà thế này, thế các bạn có buồn không? Bạn vịt con này cũng thế, con tháo chân rời ra rồi, bạn ấy có khóc không? Sách cho con học nè, con lại cắt ra như vậy, bạn ấy có đau không?”.
Vừa nói mẹ vừa véo nhẹ tôi một cái, tôi hiểu ra và chợt thấy thương đồ vật vô cùng. Đó là lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là hối lỗi, tôi ngước lên nhìn mẹ như cầu cứu. Mẹ bảo: “Vậy con hãy xin lỗi các bạn ấy đi, và nhớ lần sau đừng làm như thế nữa nhé”. Tôi chạy lại ôm từng thứ vào lòng: “Chị thương, chị thương, lần sau chị sẽ không như vậy nữa đâu”.
Năm tôi lên 5 tuổi, một người bạn của bố đến nhà chơi và cho tôi một túi đầy ắp toàn là kẹo. Ôi chao, thạch này, bánh quy này, kẹo sữa này, bánh gấu này… toàn là những món mà phải chờ đến Tết hay đến sinh nhật cái Tí nhà bác Tư tôi mới được thưởng thức. Đáng lẽ tôi sẽ mang tất cả về phòng và ăn một cách ngon lành. Nhưng mẹ dặn: “Bác Dương có nhiều bánh kẹo nhưng bác không ăn mà lại chia sẻ cho con. Bởi bác biết chia sẻ nên con mới vui như thế này. Bây giờ con cũng có rất nhiều bánh rồi, con có muốn chia sẻ để các bạn cũng được vui như con không?”.
Mẹ nói có lý quá, tất nhiên cũng khiến tôi hăm hở mang túi kẹo đi chia khắp xóm. Chưa bao giờ tôi nhận ra chia sẻ cho bạn bè lại mang đến nhiều niềm vui đến thế. Cũng từ đó mẹ thường nói với tôi: Những gì con bỗng dưng có được thì không nên tận hưởng một mình, mà hãy biết cho đi.
Một lần khác là khi đợi đèn đỏ. Lúc ấy có một cụ già lưng hơi còng, chiếc áo nâu nâu đã bạc màu, bước đến từng xe và ngửa ra đôi bàn tay gầy guộc. Mẹ đưa cho tôi một tờ bạc xanh, dặn rằng con nhớ đưa cho cụ bằng hai tay nhé. 60 giây ngắn ngủi qua đi, tôi không hiểu gì mà chỉ làm theo lời mẹ như một chiếc máy. Mãi tới khi về đến nhà, mẹ mới thủ thỉ cùng tôi:
“Con xem, mỗi khi con đói là lại có cơm ăn, con khát là lại có nước uống, quần áo hay đồ chơi cũng vậy, con đều có đủ cả rồi. Nhưng cụ già mà con gặp chiều nay ấy, chẳng có ai nấu cơm cho cụ ăn, chẳng có ai mua nước cho cụ uống, cụ cũng không có dép để đi, không có quần áo đẹp để mặc, cũng không có cả đồ chơi nữa. Con có thương cụ không?”.
Tôi chợt nhớ lại vóc dáng tiều tụy ban chiều và thấy thương cụ vô cùng. Mẹ nói tiếp: “Nhưng hôm nay con đưa tiền cho cụ, thế là tối nay cụ có tiền để mua thức ăn rồi, cụ sẽ không bị đói nữa. Như thế là con đã làm một việc tốt đấy!”.
Ôi, việc tốt, việc tốt! Nỗi thương cảm khi nãy giờ cũng như được thắp lên niềm vui, tôi sung sướng reo lên: “Mẹ ơi, con thích quá, con muốn làm việc tốt suốt cả ngày!”.
Kể từ đó, mỗi lần dẫn tôi ra ngoài mẹ đều mang theo tiền lẻ. Sau này khi tôi lớn lên mẹ mới kể lại rằng, những đứa trẻ thành phố từ nhỏ đã quen với nhung lụa sẽ rất khó học được cách cảm thông. Mẹ không muốn tôi cũng thờ ơ vô cảm như thế, vậy nên từ rất sớm mẹ đã nghĩ cần làm sao để khơi dậy tình thương, gieo hạt giống thiện lương trong mỗi đứa con của mình.
Sau này khi nghỉ hè năm lớp 6, có lần mẹ thấy tôi bịt mũi nhăn nhó rồi chạy thật nhanh vụt qua chiếc xe chở rác, mẹ không nói gì mà chỉ lẳng lặng ra đẩy xe giúp bác lao công.
Mẹ đẩy xe rác suốt một đoạn trong sân chung cư mà không hề tỏ ý khó chịu. Đến khi về nhà, mẹ nói với tôi: “Hôm nay khi nhìn lại bộ quần áo sạch sẽ của mình, mẹ tự cảm thấy hổ thẹn. Con có biết vì sao không?”. Và rồi mẹ chậm rãi trả lời: “Bởi vì mẹ nhận ra mình không cần phải lao động nặng nhọc mà vẫn được hưởng một cuộc sống an nhàn. Nhưng các bác lao công thì ngược lại, họ phải nỗ lực nhiều hơn mẹ gấp trăm lần, phải làm công việc mà không người nào muốn làm. Ai cũng thích sạch sẽ, nhà sạch này, sân sạch này, đường sạch này, công viên sạch này… nhưng việc dọn dẹp lại cứ đùn đẩy cho kẻ khác. Con có thấy bác lao công đã làm một công việc can đảm và cao quý nhất không?”.
Câu nói của mẹ đã cho tôi một cái nhìn khác về cuộc sống. Những thứ bề ngoài tưởng chừng như “xấu xí”, “bẩn thỉu”, đôi khi “nhếch nhác”, nhưng lại ẩn chứa những điều đẹp đẽ bên trong. Tôi nhớ mẹ từng kể cho tôi chuyện cây lúa khi thấy tôi để mặc cơm vương vãi xuống sàn nhà. Thì ra biết bao dãi nắng dầm sương, biết bao lấm lem bùn đất mới có được bát cơm chúng ta ăn hàng ngày. Tôi cũng nhớ những năm tiểu học, mỗi khi tôi đòi mua một món đồ gì mới thì mẹ lại giao hẹn: “Con cần nỗ lực đã, rồi mới đạt được”. Bao nhiêu lần lau nhà mới đổi được một hộp bút màu, và bao nhiêu lần giúp đỡ bạn bè mới có được một bộ váy mới. Khi tôi hiểu đằng sau những vật chất tiện nghi đều là nước mắt mồ hôi, tôi mới biết thế nào là trân trọng. Và khi tôi nhận ra “không mất thì không được, muốn được thì phải mất”, tôi mới biết trân quý thành quả của chính mình.
Có lần tôi hỏi: “Mẹ, mẹ có bí quyết gì mà khiến con răm rắp nghe lời đến thế?”. Mẹ không trả lời ngay mà kể cho tôi một câu chuyện:
“Hồi nhỏ con rất thích hò hét, nói oang oang cả nhà đến mức hàng xóm cũng không chịu được. Mẹ nhắc nhở rất nhiều lần rằng con gái thì phải nhỏ nhẹ thế này thế kia, nhưng càng nhắc càng phản tác dụng, con lại còn hét to hơn. Một lần mẹ bảo: A, bây giờ chúng mình cùng hét thật to nhé, như thế mới giống dì ghẻ của Lọ Lem chứ. Con kêu lên: Ứ ứ, con không thích làm dì ghẻ, con muốn làm Lo Lem cơ! Mẹ bảo: Muốn làm Lọ Lem thì phải nói nhỏ nhẹ chứ, còn hét to như con thì chỉ có thể biến thành bà dì ghẻ thôi. Thế là mẹ không cần phải hết hơi mỏi mồm mà con lại tự kiềm chế để nói năng nhẹ nhàng hơn. Mẹ nhận ra là: thay vì ép buộc, mẹ nên làm một người bạn ở bên con”.
Ngừng một lát mẹ nói tiếp: “Thực ra, con đã phải hứng chịu tất cả những sai lầm của mẹ. Những năm đầu đời của con là những năm mẹ vừa học cách nuôi dạy một em bé, lại vừa học cách làm mẹ, bước qua hết sai lầm này đến sai lầm khác, cuối cùng mới có thể kiềm chế cơn nóng giận của mình để lắng nghe và thấu hiểu con nhiều hơn. Cho đến giờ phút này thì điều khó khăn nhất mà mẹ từng đối mặt vẫn chính là ‘làm mẹ’. Đó là điều mà muốn làm tốt thì không thể dựa vào trường lớp hay bằng cấp, mà chỉ có thể dựa vào tình yêu thương…”.
Như Quỳnh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.