Bằng một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 6–3 vào sáng hôm thứ Sáu (24/06), Tối cao Pháp viện đã chính thức đảo ngược phán quyết của án lệ Roe kiện Wade, án lệ về sinh sản năm 1973 đã hủy bỏ một loạt luật liên bang và tiểu bang hạn chế phá thai và hợp pháp hóa rộng rãi thủ tục này trên toàn quốc.
Phán quyết dài 116 trang này (pdf) cũng đảo ngược án lệ đồng hành năm 1992 tên là Planned Parenthood kiện Casey, vốn phán quyết rằng các tiểu bang không được áp đặt những hạn chế đáng kể đối với việc phá thai trước khi thai nhi có thể sống được bên ngoài bụng mẹ.
Phán quyết của vụ Casey đã không nêu rõ khả năng sống sót xảy ra khi nào nhưng cho rằng khoảng khi thai nhi được 24 tuần tuổi.
Phán quyết ngày 24/06 được đưa ra trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, hồ sơ tòa án số 19-1392.
Trong vụ kiện này, phòng khám phá thai duy nhất được tiểu bang Mississippi cấp phép phản đối Đạo luật Tuổi thai của tiểu bang, cho phép phá thai sau 15 tuần tuổi thai chỉ trong trường hợp cấp cứu y tế hoặc thai nhi có dị tật nghiêm trọng. Viện dẫn án lệ Roe, các tòa án cấp dưới đã phán quyết rằng luật của tiểu bang là vi hiến.
Tờ Politico đã công bố bản dự thảo đề ngày 10/02 hôm 02/05 mà không tiết lộ nguồn của nó. Tòa án kín tiếng này đang điều tra vụ rò rỉ nhưng chi tiết về cuộc điều tra đang diễn ra ít được thấy.
Thẩm phán Samuel Alito đã chấp bút cho bản ý kiến đa số này. Năm thẩm phán khác thuộc phái bảo tồn truyền thống đã cùng tham gia.
Chánh án John Roberts đồng tình với phán quyết của tòa án nhưng đưa ra bản ý kiến của riêng mình. Thẩm phán Stephen Breyer đã viết một bản ý kiến bất đồng có sự tham gia của hai thẩm phán tự do khác.
Ông Alito giải thích theo quan điểm của tòa án tại sao đa số thẩm phán tin rằng án lệ Roe kiện Wade đã được phán quyết sai lầm cách đây 49 năm.
“Phá thai đặt ra một vấn đề đạo đức sâu sắc mà người Mỹ có quan điểm mâu thuẫn gay gắt,” ông Alito viết.
“Một số người tin tưởng nhiệt thành rằng một con người được sinh ra khi thụ thai và việc phá thai sẽ kết thúc một sinh mệnh vô tội. Những người khác cảm thấy mạnh mẽ không kém rằng bất kỳ quy định phá thai nào cũng xâm phạm quyền của một người phụ nữ trong việc kiểm soát cơ thể của chính mình và ngăn cản phụ nữ đạt được bình đẳng trọn vẹn.”
“Tuy nhiên những người khác trong một nhóm thứ ba cho rằng nên cho phép phá thai trong một số trường hợp, nhưng không phải là trong mọi trường hợp, và những người trong nhóm này có nhiều quan điểm khác nhau về những hạn chế cụ thể cần áp dụng.”
Trong 185 năm đầu tiên sau khi Hiến Pháp Hoa Kỳ được thông qua, “mỗi Tiểu bang được phép giải quyết vấn đề này theo quan điểm của công dân họ,” nhưng vào năm 1973, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết về án lệ Roe kiện Wade. Mặc dù thực tế là Hiến Pháp không đề cập đến việc phá thai, nhưng pháp viện thời đó đã kết luận rằng “nó mang lại một quyền rộng rãi để được phá thai.”
Pháp viện thời đó không đưa ra tuyên bố nào “rằng luật pháp Hoa Kỳ hoặc thông luật từng công nhận một quyền như vậy, và phần nghiên cứu lịch sử của tòa bao gồm từ không liên quan đến Hiến Pháp (ví dụ, thảo luận về việc phá thai trong thời cổ đại) đến rõ ràng là không chính xác (ví dụ, khẳng định rằng phá thai có lẽ không bao giờ là một tội ác theo thông luật),” ông Alito tiếp tục.
“Sau khi liệt kê một loạt thông tin khác không liên quan đến ý nghĩa của Hiến Pháp, bản ý kiến này kết luận với một bộ quy tắc được đánh số giống như những quy tắc có thể được tìm thấy trong một đạo luật do một cơ quan lập pháp ban hành.”
Tòa án đã tạo ra một kế hoạch trong đó “mỗi tam cá nguyệt của thai kỳ được quy định khác nhau, nhưng ranh giới quan trọng nhất được đặt ra là vào khoảng cuối tam cá nguyệt thứ hai, mà, tại thời điểm đó, tương ứng với thời điểm mà thai nhi được cho là đạt được ‘khả năng sống sót’, tức năng lực tồn tại bên ngoài tử cung.”
Mặc dù tòa án thừa nhận các tiểu bang “có lợi ích hợp pháp trong việc bảo vệ ‘sự sống tiềm năng’, nhưng họ xác định mối quan tâm này không biện minh cho việc áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với phá thai trong giai đoạn thai nhi không đủ trưởng thành để tồn tại bên ngoài tử cung.”
Tòa án này đã không đưa ra lời giải thích nào cho kết luận này, điều mà ngay cả những người ủng hộ việc phá thai cũng khó biện hộ.
Ông Alito lưu ý rằng một học giả Hiến Pháp cao cấp, ông John Hart Ely, đã viết rằng ông “sẽ bỏ phiếu cho một đạo luật rất giống với đạo luật mà Pháp viện đã soạn thảo” nếu ông là “một nhà lập pháp”, nhưng theo quan điểm của ông, án lệ Roe “không được quy định trong Hiến Pháp” chút nào “và là một nghĩa vụ gần như vô nghĩa để cố gắng trở thành” điều được quy định trong Hiến Pháp.
Trong bản ý kiến bất đồng của mình, Thẩm phán Byron White đã viết rằng án lệ Roe kiện Wade “đại diện cho ‘việc thực thi quyền lực tư pháp thuần túy’, và điều đó đã gây ra một cuộc tranh cãi quốc gia đã gây mâu thuẫn sâu sắc văn hóa chính trị của chúng ta trong nửa thế kỷ.”
Trong bản ý kiến bất đồng của mình, Thẩm phán Stephen Breyer đã chỉ trích ý kiến đa số mới này.
“Tòa án này nói rằng ngay từ thời điểm thụ thai, một người phụ nữ không có quyền nào để đề cập nữa. Một Tiểu bang có thể buộc cô ấy mang thai cho đến ngày sinh, ngay cả khi bản thân cô ấy và gia đình phải trả cái giá lớn nhất.”
“Đa số đã phán quyết rằng, việc hạn chế phá thai được cho phép bất cứ khi nào hợp lý, là mức độ giám sát thấp nhất mà luật pháp quy định. Và bởi vì, như Pháp viện thường tuyên bố, việc bảo vệ sự sống của thai nhi là hợp lý, các tiểu bang sẽ tự do ban hành mọi phương thức hạn chế.”
Đây là một câu chuyện đang tiến triển và sẽ được cập nhật.
Matthew Vadum _ Nguyễn Lê
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.