Từ thời niên thiếu, tôi đã luôn ngưỡng mộ các bậc tiền nhân. Khi còn trẻ, những anh hùng mà tôi ngưỡng mộ hầu hết đều là những người lính như Robert E. Lee, Stonewall Jackson và Audie Murphy, và còn những người khác nữa. Về sau này, danh sách các anh hùng của tôi ngày càng nhiều bao gồm những người nổi tiếng như Booker T. Washington, Joan of Arc, Ignaz Semmelweis, Giáo Hoàng John Paul II, Theodore Roosevelt và gần đây nhất là Melania Trump. Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald và Marjorie Rawlings cũng làm tôi yêu mến.
Một nhóm người nổi tiếng chưa bao giờ khiến tôi quan tâm là các ông trùm tư bản Hoa Kỳ. Các loại hình kinh doanh như John D. Rockefeller, Henry Ford và Cornelius Vanderbilt đã không thể khơi dậy trí tưởng tượng của tôi, mặc dù lịch sử về biệt thự Biltmore ở Asheville, North Carolina của George Vanderbilt đã hấp dẫn tôi trong nhiều năm. Tôi cũng không để ý đến câu chuyện của các tỷ phú công nghệ lớn của chúng ta. Tôi tình cờ đọc được những mẩu tin nhỏ về cuộc sống của họ ở đâu đó, và đọc chúng một cách thích thú, nhưng không tưởng tượng nổi bản thân sẽ ngồi đọc những tiểu sử dày cộm của Bill Gates hay Mark Zuckerberg.
Nhưng nhiều khi trong cuộc sống vẫn có những ngoại lệ.
Nhà từ thiện vĩ đại nhất Hoa Kỳ…
Andrew Carnegie, sinh năm 1835 tại Scotland, cùng gia đình nhập cư vào Hoa Kỳ năm 13 tuổi và định cư tại Pittsburgh. Lúc đó, cậu bé Carnegie đã tìm được việc làm trong một nhà máy sản xuất bông. Khi ngoài 30 tuổi, chàng trai trẻ Carnegie đã kiếm được khối tài sản đầu tiên và trở thành một nhân vật quan trọng trong ngành kinh doanh thép. Năm 1901, ông bán công ty của mình cho John Pierpont Morgan với một con số đáng kinh ngạc tại thời điểm đó là 480 triệu USD, khiến ông trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới.
Trước khi qua đời năm 1919, Carnegie đã dành phần lớn thời gian để cho tặng số tài sản này. Ông đã từng tuyên bố “chết mà vẫn giàu có là cái chết đáng hổ thẹn,” và ông đã tặng phần lớn tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện và các tổ chức chính nghĩa. Ông đã tặng hơn 7,000 chiếc đàn organ cho các nhà thờ trong và ngoài nước, thành lập các học viện dành cho việc nghiên cứu khoa học và giáo dục, đồng thời xây dựng Nhà hát Carnegie Hall ở New York.
Với khối tài sản được quy đổi ra đồng đô la ngày nay, Carnegie vẫn là nhà từ thiện hào phóng nhất lịch sử nhân loại.
…Và tại sao tôi lại yêu thích ông
Những nghĩa cử cao quý đó không phải là điều khiến tôi bị thu hút. Không hề, lý do ông trùm tư bản bé nhỏ này – một người chỉ cao có 5 feet, 3 inch (khoảng 1.6 m) – đứng trên kệ trong phòng trưng bày về các anh hùng của tôi là liên quan đến những đầu sách. Carnegie, người không hề được học hành tử tế, đã quyên góp tiền để xây dựng hơn 2,800 thư viện trên toàn cầu, phần lớn trong số đó là ở Hoa Kỳ. Rõ ràng ông muốn mang lại cho người khác nền giáo dục mà hồi trẻ ông đã không được hưởng.
Nhiều thư viện mà Carnegie tạo dựng giờ vẫn còn hoạt động, mang sách và kiến thức tới hàng triệu người dân Hoa Kỳ.
Dân tộc hào phóng của chúng ta
Giống như Carnegie, nhiều người dân Hoa Kỳ khá hào phóng về tiền bạc, thời gian và nguồn lực của họ. John Huebler, trong bài báo trực tuyến “Philanthropy Described in ‘Democracy in America’ by de Tocqueville” (Hoạt động từ thiện được mô tả trong cuốn ‘Nền dân chủ Hoa Kỳ’” của Alexis de Tocqueville) đã chỉ ra rằng mặc dù ông chưa bao giờ sử dụng từ ‘từ thiện’ trong tác phẩm kinh điển của mình, nhưng ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các hiệp hội khác nhau của người dân Hoa Kỳ – những người đã tập hợp lại và đóng góp nguồn lực của họ để giúp đỡ người khác.
Tính hào phóng này vẫn là một truyền thống đẹp của người dân Hoa Kỳ. “The Almanac of American Philanthropy” (Thống kê các hoạt động từ thiện của người dân Hoa Kỳ) đã báo cáo những con số liên quan đến những khoản quyên góp như vậy:
“Từ 70% – 90% gia đình Hoa Kỳ đóng góp từ thiện hàng năm với mức trung bình mỗi gia đình khoảng 2,500 USD. Đó là mức hào phóng gấp hai đến 20 lần so với các quốc gia Tây Âu tương tự. Ngoài ra, một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ tình nguyện dành thời gian cho các hoạt động từ thiện, tổng ước tính khoảng 20 tỷ giờ mỗi năm.
“Kết quả: Dòng từ thiện khổng lồ lên tới 449.64 tỷ USD mỗi năm với 79% đến từ các cá nhân hào phóng. Chỉ 17% trong số tất cả các tổ chức từ thiện hàng năm ở Hoa Kỳ là dưới hình thức tài trợ của quỹ và chỉ 5% là được đóng góp bởi các tập đoàn.”
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ xác nhận những con số này, nhấn mạnh rằng “sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2019 khiến hoạt động từ thiện trong cùng thời kỳ ba năm đạt mức cao kỷ lục.”
Món quà tiếp tục cho đi
“The Almanac of American Philanthropy” cũng có một câu chuyện đầy cảm hứng kể về một nhà hảo tâm như vậy, bà Oseola McCarty ở Hattiesburg, Mississippi. Bị buộc phải bỏ học từ năm lớp sáu để chăm sóc người dì bị bệnh, bà McCarty đã dành hơn 70 năm giặt quần áo để kiếm sống. Bà đặt tiêu chuẩn cao đến mức khi thấy máy giặt và máy sấy bà mua vào những năm 1960 không giặt quần áo sạch như ý muốn, bà đã tự giặt và vắt chúng bằng tay.
Và bà đã tiết kiệm những đồng tiền mình kiếm được. Đến thời điểm nghỉ hưu ở tuổi 86, bà đã kiếm được 280,000 USD, trong đó bà đã quyên góp 150,000 USD cho trường Đại học Nam Mississippi – một cơ sở giáo dục chỉ cách nhà bà vài dãy nhà – để hỗ trợ những sinh viên không đủ tiền học đại học. Điều thú vị là bà McCarty chưa bao giờ đặt chân đến khuôn viên trường trước khi thực hiện khoản quyên góp này.
Khi được một phóng viên hỏi tại sao bà không tiêu tiền cho bản thân, bà tươi cười trả lời, “Tôi đang chi tiêu cho bản thân đây.”
Lấy cảm hứng từ người phụ nữ có đức tin và yêu gia đình này, người mà luôn tin tưởng vào giá trị của sự chăm chỉ, 600 người đàn ông và phụ nữ khác đã góp thêm vào món quà ấy, tăng gấp ba lần số tiền quyên góp của bà. Sau khi nghe câu chuyện của bà, ông Ted Turner của kênh truyền hình cáp tuyên bố sẽ quyên góp 1 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện khác nhau. Ông nói, “Nếu người phụ nữ nhỏ bé đó có thể cho đi tất cả những gì bà có, vậy tôi có thể quyên góp một tỷ USD.”
Cùng nhau tạo nên sự khác biệt
Rất nhiều tổ chức ở Hoa Kỳ tồn tại nhờ sự hào phóng của các nhà tài trợ. Nhà thờ, nhiều trường tư thục và cao đẳng, ngân hàng thực phẩm của chúng ta và hàng ngàn tổ chức khác đều dựa vào sự quyên góp tài chính để giúp đỡ mọi người. Đó chỉ là một ví dụ gần đây về tầm quan trọng của sự hào phóng này. Báo Smoky Mountain News, nơi mà tôi đã viết các bài phê bình sách trong 20 năm, phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu quảng cáo. Khi đại dịch làm giảm đáng kể thu nhập đó, tờ báo tồn tại được một phần nhờ sự đóng góp của độc giả.
Và cũng như trường hợp của tờ báo, mọi điều nhỏ bé đều có ích. Chúng ta không thể đều là Andrew Carnegie hay Oseola McCarty, nhưng tờ 20 USD mà chúng ta bỏ vào thùng từ thiện ở nhà thờ hoặc khoản quyên góp nhỏ mà chúng ta dành cho trường tư thục của cậu cháu trai sẽ giúp duy trì hoạt động của những tổ chức đó.
Nhìn lại câu trả lời của bà McCarty với phóng viên, “Tôi đang chi tiêu cho bản thân,” tôi biết bà muốn nói rằng việc quyên góp đã mang lại niềm vui to lớn cho bà. Nhưng tôi cũng nghĩ bà hiểu mình đang cải thiện cộng đồng và thế giới rộng lớn xung quanh, và đang được hoàn vốn cho khoản đầu tư đó bằng cách giúp những người khác phát triển. Tuy nhỏ bé nhưng những món quà chúng ta dành tặng các tổ chức và cá nhân xứng đáng cũng mang tới điều tương tự.
Tất cả chúng ta đã trải qua một năm khó khăn, một thời kỳ đen tối trong lịch sử, và những ngày này quốc gia của chúng ta và các giá trị của nó dường như liên tục bị bao vây bởi một đội quân các nhà phê bình. Nhưng khi chúng ta dừng lại và suy ngẫm về lòng bác ái tuyệt vời của đồng bào chúng ta, chúng ta có thể tự hào về đất nước Hoa Kỳ và về truyền thống cho đi và hào phóng lâu đời của chúng ta.
Jeff Minick
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.