Nhiều phụ nữ tin rằng nếu có điều gì sai, chắc hẳn là do lỗi của họ.
Phụ nữ luôn phải nỗ lực vượt qua cảm giác tội lỗi. Gần 30 năm qua, trong vai trò là nhà trị liệu tâm lý, một người bạn, người mẹ, người sử dụng lao động, hàng xóm và trong những vai trò khác với phụ nữ, tôi đã quan sát thấy sự thật này. Việc cảm thấy có lỗi có lẽ là chướng ngại lớn nhất mà chúng ta phải vượt qua để đạt được hạnh phúc.
Tương tự, đàn ông cũng phải đối diện với cảm giác tội lỗi, vì đó là cảm xúc của con người. Tuy nhiên, bài viết này không bàn về các quý ông, cũng không phải nói về tội lỗi theo nghĩa thông thường là liên quan đến hành vi phạm tội. Bài viết này bàn về cảm giác tội lỗi mà phụ nữ thường có đối với hầu hết mọi việc.
Những gì tôi chứng kiến trong văn phòng của mình ngày này qua ngày khác là việc nhiều phụ nữ tin rằng những sai lầm đã, đang và sẽ diễn ra đều là lỗi lầm của họ. Nếu một điều gì hoặc một ai đó bất ổn, họ cho rằng là do lỗi của mình. Họ cảm thấy có lỗi và do đó cảm thấy có trách nhiệm sửa sai. Cùng lúc đó, người phụ nữ cảm thấy có lỗi nếu chăm lo hay cần điều gì cho bản thân. Sự thật là phụ nữ dành hầu hết thời gian để cảm thấy có lỗi. Cảm xúc ấy là trạng thái bình thường của chúng ta.
Nếu nhìn từ góc độ khoa học để hiểu khuynh hướng cảm giác tội lỗi của phụ nữ, chúng ta sẽ thấy rằng phụ nữ khi sinh ra đã mang theo chất hóa học thần kinh giúp kích thích sự đồng cảm, nuôi dưỡng, và gắn kết. Phụ nữ có khuynh hướng gắn kết trong các mối quan hệ hơn đàn ông. Tất nhiên, không phải trường hợp nào cũng vậy, nhưng nhìn chung, các nghiên cứu chỉ ra rằng về mặt sinh học, phụ nữ cảm nhận được cảm xúc của người khác (có lẽ vì vậy họ mới có khả năng nuôi dưỡng con cái).
Tuy nhiên, mối liên kết đồng cảm không phải là vấn đề. Vấn đề là đặc tính hòa hợp vốn có lại trở thành chướng ngại của phụ nữ. Nhiều phụ nữ tin rằng nếu chúng ta không thể khiến người khác hạnh phúc, chúng ta rất tệ. Lòng tử tế và khả năng kết nối lại trở thành điểm yếu khiến phụ nữ tự gây tổn thương cho chính mình.
Cùng lúc đó, chúng ta học được từ nền văn hóa rằng chúng ta sẽ đạt được sự an toàn về mặt cảm xúc và có được vị trí trong lòng người khác nếu được quý mến. Và vì thế, chúng ta dành nhiều công sức cố gắng làm hài lòng mọi người, mà nếu bạn là phụ nữ, có nghĩa là cố gắng làm người khác hạnh phúc.
Khi người khác không hạnh phúc; khi điều gì đó được đánh giá là “sai,” chúng ta cảm thấy mình thất bại. Sau đó, chúng ta có nguy cơ bị từ chối và bị chỉ trích, và do đó đánh mất vị trí của mình trong lòng mọi người. Cho rằng mình có lỗi đối với những việc xảy đến với người khác trở thành một chiến lược duy trì cảm xúc. Điều này giữ cho chúng ta được yêu mến.
Tương tự như vậy, chúng ta cho rằng tất cả đều là lỗi của mình như một cách để duy trì quyền kiểm soát. Nếu chúng ta nhận mọi lỗi lầm về mình và cho rằng mình đã phá hỏng những gì hư hại, chúng ta có thể sửa chữa. Chúng ta có thể làm tốt hơn, trở nên tốt hơn, và chúng ta sẽ làm mọi thứ trở nên ổn thỏa.
Nhưng nếu chúng ta không thể làm ổn thỏa mọi thứ bằng cách điều chỉnh bản thân; nếu như những sai sót xảy ra vì lý do mà chúng ta không thể biết; nếu mọi chuyện không phải do lỗi của chúng ta thì sao?
Điều đó có nghĩa là cuộc sống không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Điều đó có nghĩa là cuộc sống diễn ra theo chu kỳ của nó, không phải theo ý muốn của chúng ta.
Điều đó có nghĩa là chúng ta không phải là cái rốn của vũ trụ.
Với nhiều người, đây là ý tưởng đáng sợ. Chúng ta lảng tránh thừa nhận rằng mọi việc xảy ra vì rất nhiều lý do. Chúng ta thường xuyên cảm thấy có lỗi và tự trách bản thân hơn là nhìn thẳng vào sự thật rằng nhiều việc trong cuộc sống không nằm trong tầm kiểm soát hoặc thậm chí không liên quan đến chúng ta.
Thật nghịch lý, cảm giác tội lỗi cản trở chúng ta nhận biết cảm xúc thật của mình. Khi xảy ra vấn đề trong cuộc sống, chúng ta chỉ tập trung vào lỗi lầm của mình mà không cảm nhận những gì thực tế đang diễn ra. Cảm thấy có trách nhiệm và mặc cảm tội lỗi khiến chúng ta đau khổ, nhưng điều đó lại giúp ngăn chặn nỗi đau liên quan đến tình huống hiện thời.
Vì thế, chúng ta mắc kẹt trong suy tư và xoáy sâu một cách tiêu cực vào sự đổ vỡ của chính mình, nhưng lại không giải quyết những cảm xúc liên quan đến điều đang diễn ra, nhằm giúp chúng ta tiến về phía trước.
Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất chính là khi chúng ta cảm thấy có lỗi và tự dằn vặt bản thân, day dứt về lỗi lầm của mình, chúng ta bỏ qua khả năng giải quyết vấn đề.
Chúng ta bị mắc kẹt trong câu chuyện thất bại quen thuộc.
Chúng ta bị phân tâm bởi câu hỏi quan trọng nhất: làm thế nào để cải thiện vấn đề đã xảy ra. Chúng ta từ bỏ cơ hội vạch ra con đường tiến lên phía trước, vì day dứt về thất bại của mình sẽ không làm tình huống tốt hơn lên.
Cuối cùng, chúng ta lại mắc kẹt trong cảm giác tội lỗi và hổ thẹn, và kết thúc cùng câu hỏi xưa cũ: “Tôi đã làm gì sai?” Đó là câu hỏi mà chúng ta ai cũng đều biết rõ câu trả lời.
Vậy làm sao để có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này và thay đổi cảm xúc tiêu cực?
Trước tiên, bạn cần biết rằng cảm giác tội lỗi không hình thành trong một sớm một chiều, vì vậy chúng ta cũng không thể phá bỏ cảm xúc tiêu cực này chỉ qua một đêm. Trong mọi việc, tự do khởi đầu bằng việc nhận thức. Bạn nên bắt đầu chú ý khuynh hướng tự cảm thấy có lỗi của bản thân, cách mình rơi vào cảm giác tội lỗi. Và khi bạn nhận biết mình thất bại, bạn sẽ tự vực dậy bản thân và vươn lên.
Có lẽ cô con gái 11 tuổi của bạn chia sẻ rằng cô bé buồn vì không có người bạn nào. Có lẽ ngay lập tức bạn nhận ra mình đã không làm tốt, suy tư về việc mình đã không hoàn thành trách nhiệm làm mẹ và tại sao bạn đổ lỗi cho chính mình vì đã khiến con gái cách biệt với xã hội.
Ngay khi bạn nhận thấy mình đang đổ lỗi cho bản thân và rơi vào hố sâu của cảm giác tội lỗi, hãy dừng lại và làm điều khác: thay vì chỉ trích, hãy đối xử tử tế với bản thân mình. Bạn hãy thử bước đi trên con đường khác. Thay vì cứ mãi mắc kẹt trong cái hố sâu tội lỗi cũ kỹ, trì trệ đó, bạn hãy sống khác đi.
Vài gợi ý để vượt qua cảm giác tội lỗi
Nếu bất kỳ điều nào trên đây nghe có vẻ quá quen thuộc, bạn có thể thử quy trình hai bước sau đây để vượt qua cảm giác tội lỗi.
Bước 1. Nhận diện tình huống thực tế
Bạn hãy nhận diện tình huống, chứ không phải cảm thấy có lỗi. Ví dụ, bạn cảm thấy thế nào khi biết con gái mình buồn bã vì thiếu bạn bè? Cùng lúc này, hãy chú ý xem liệu cảm giác của bạn đối với con gái mình (hay trong bất kỳ tình huống nào khác) có thay đổi khi bạn không cảm thấy có lỗi vì đã gây ra việc đó.
Bước 2: Chú tâm vào giây phút hiện tại
Chúng ta có thể làm gì để cải thiện tình hình? Chẳng hạn, bạn có thể cải thiện mối quan hệ của con gái với những đứa trẻ khác như thế nào. Thay vì tập trung vào lỗi lầm của mình, bạn hãy chú tâm vào giây phút hiện tại và xem xét cách thức thay đổi.
Khi cảm giác tội lỗi trở thành một thói quen, nó sẽ khiến bạn vô cùng đau khổ và trì trệ. Nhưng chúng ta có thể thay đổi cảm xúc tiêu cực ấy; không nhất thiết lúc nào chúng ta cũng cảm thấy có lỗi. Khi xuất hiện vấn đề, chúng ta đừng nên ngay lập tức chỉ trích bản thân. Để thay đổi thói quen đổ lỗi cho bản thân, chúng ta cần phải chọn cách sống khác hơn. Cho nên bạn hãy sống khác đi, và chú tâm đến việc mình là ai và mình muốn trở thành người như thế nào khi dừng trách cứ bản thân.
Nancy Colier _ Nam Anh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.