Binh
sĩ vũ trang, được cho là lính Nga, bên ngoài căn cứ quân sự tại làng
Perevalnoye gần thành phố Simferopol.
Những
cảnh tượng đang xảy ra tại Ukraine,
đặc biệt tại bán đảo tự trị Crimea có cái gì
thật lạ lùng. Giới truyền thông quốc tế đồng loạt gọi đó là một cuộc xâm lược
thô bạo của Nga nhưng lại không, hoặc chưa, gọi đó là một cuộc chiến tranh. Cho
đến nay, đó là cuộc xâm lược chưa có tiếng súng, hoặc nếu có, toàn là những
phát súng chỉ thiên, không nhắm vào ai và cũng chưa làm ai đổ máu cả.
Lạ lùng: Bỗng dưng một ngày có những người lính vũ trang hiện đại tràn ngập
trên đất Crimea, chiếm Quốc Hội, các cơ quan
chính phủ và các phi trường, tuần hành trên các đường phố. Ai cũng biết đó là
lính Nga, nhưng chính phủ Nga vẫn phủ nhận. Sau đó mấy ngày, xuất hiện các xe tăng
cực kỳ tối tân mang bảng số của Nga, nhưng chính phủ Nga vẫn phủ nhận. Trên các
công thư, cờ Nga được treo lên và tung bay phấp phới, Nga vẫn phủ nhận. Lính
Nga ra tối hậu thư cho lính Ukraine đang đóng trên đất và trên cảng Crimea hoặc
đầu hàng hoặc buông súng về nhà, nhưng chính phủ Nga vẫn tiếp tục phủ nhận.
Lạ lùng hơn nữa: Những người lính Ukraine
đóng ở Crimea hoàn toàn không kháng cự. Họ
không đầu hàng và cũng không buông súng nhưng không kháng cự. Không những không
kháng cự, có lúc họ còn có vẻ nhởn nhơ đá bóng hoặc hát hò trước mặt đám lính
Nga đang hầm hầm cầm súng.
Không có tiếng súng nổ, nhưng ai cũng biết các xung đột tại Crimea cực kỳ căng
thẳng và có ảnh hưởng nghiêm trọng, trước hết, đến vận mệnh của cả nước
Ukraine: Nga mới tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16 tháng
3 để sáp nhập Crimea vào Nga, trở thành một tỉnh của Nga thay vì một phần của
Ukraine như hiện nay. Nếu cuộc trưng cầu dân ý này xảy ra, chắc chắn Nga sẽ
thành công: Gần 60% dân số tại Crimea là người
gốc Nga, nói tiếng Nga và lúc nào cũng tự xem mình là người Nga. Nhưng chưa
hết. Chiêu bài để xâm lược Crimea của Nga là nhằm bảo vệ những người Nga đang
sống trên lãnh thổ Ukraine.
Nhưng người Nga không phải chỉ sống ở Crimea.
Theo cuộc điều tra dân số năm 2001, ở Ukraine, người gốc Nga gồm trên 8 triệu,
chiếm đến trên 17%. Ngoài Crimea, người Nga còn tập trung rất đông ở các
thành phố phía đông (tỉ lệ xê xích từ 20 đến 40% dân số).
Ở đây nảy sinh ra ba vấn đề: Một, liệu Nga có tiếp tục xua quân đến các địa
phương ấy để “giải phóng” người Nga hay không? Hai, liệu chính phủ Ukraine có,
một lúc nào đó, mất kiềm chế, để đối đầu với Nga và biến cuộc xâm lược không
tiếng súng hiện nay thành một cuộc chiến tranh vệ quốc thực sự? Và ba, liệu
những người gốc Ukraine (chiếm 25%) và đặc biệt những người gốc Tatars (chiếm
trên 12%) tại Crimea có chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý để biến thành
công dân Nga?
Xin lưu ý: Phần lớn người Tatars theo Hồi giáo từng bị Nga đàn áp nên
mang tinh thần phản Nga và bài Nga rất mạnh mẽ. Chắc chắn họ sẽ không dễ dàng
chấp nhận ách đô hộ của Nga. Một cuộc chiến tranh du kích hoặc ít nhất, khủng
bố, chống lại Nga do họ khởi xướng có lẽ không phải là tưởng tượng.
Bất kể tình hình chính trị tại Ukraine biến thái như thế nào trong những ngày
sắp tới, phần lớn giới bình luận chính trị Tây phương đều nhìn nhận một trong
những đặc điểm nổi bật nhất của các tranh chấp tại Ukraine hiện nay: Đây là một
cuộc đối đầu mang tầm vóc thế giới đầu tiên kể từ ngày Chiến tranh lạnh chấm
dứt với sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu.
Sau năm 1990, trên thế giới đã có nhiều cuộc chiến tranh, trong đó, có những
cuộc chiến tranh lớn như ở Iraq
và Afghanistan.
Nhưng dù vậy, đó cũng chỉ là những xung đột có tính địa phương. Đối thủ của Mỹ
và các đồng minh của Mỹ quá nhỏ và quá yếu để có thể gây nên những tác động có
tầm vóc thế giới.
Với những xung đột tại Ukraine
hiện nay, người ta nhận thấy sự căng thẳng lan rộng ở hầu hết các nước lớn, đặc
biệt tại Mỹ và châu Âu. Người ta bàn bạc với nhau, tranh cãi với nhau để ngăn
chận tham vọng bành trướng của Nga. Chưa có ai, về phía Tây phương, nghĩ đến
khả năng can thiệp bằng quân sự. Tất cả những gì họ nói và định làm chỉ giới
hạn trong phạm vi ngoại giao và kinh tế. Nhưng cũng giống mọi cuộc xung đột
khác trong lịch sử, khi đã đối đầu nhau, không ai có thể bảo đảm mọi tình huống
sẽ theo đúng ý định ban đầu của mình cả.
Nhiều người cũng nhận ra điều đó. Người ta cho việc chiếm đóng Crimea và sau đó,
có thể toàn bộ lãnh thổ Ukraine
của Nga nằm trong một kế hoạch đế quốc to lớn nhằm đối đầu với Tây phương. Đó
là cuộc cưỡng chiếm lãnh thổ đầu tiên ở châu Âu kể từ thập niên 1930. Nếu mọi
người ngoảnh mặt để Nga thực hiện tham vọng này, nó sẽ trở thành một tiền lệ:
các nước lớn tha hồ chiếm các nước nhỏ và sáp nhập toàn bộ hoặc một phần lãnh
thổ của các nước nhỏ ấy vào nước mình. Chính vì thế, nhiều người, trong đó có
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, so sánh chiêu bài cứu người Nga ở Ukraine khi xâm lăng Crimea
của Putin với các luận điệu và hành động của phát xít Đức trong thập niên 1930,
hàm ý so sánh Putin với Hitler.
Điều đó cũng có nghĩa bà xem các xung đột tại Ukraine hiện nay có cái gì giống
với những cuộc xâm lược mở màn của phát xít Đức thời đệ nhị thế giới. Thượng
nghị sĩ John McCain cũng có quan niệm tương tự: ông ví Putin với Hitler và
Stalin thời chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Có thể nói, một cách tóm tắt, sự xung đột tại Crimea hiện nay không phải là
xung đột giữa Nga và Ukraine mà còn là, chủ yếu còn là, sự xung đột giữa Nga và
Tây phương, đứng đầu là Mỹ.
Chưa biết cuộc xung đột này kết thúc như thế nào, nhưng người ta biết rõ ba
điểm:Một, nó sẽ kéo dài và thay thế cuộc chiến tranh chống khủng bố kéo dài từ
năm 2001 đến nay.
Hai, nó có thể sẽ dẫn đến việc thay đổi bàn cờ chính trị thế giới. Nga có thắng
ở Crimea hoặc ngay cả trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine thì họ vẫn thua trên mặt
trận quốc tế: Họ hiện nguyên hình như một kẻ hiếu chiến đầy tham vọng, đầy dã
tâm và tuyệt đối không thể tin cậy được. Khi hình ảnh ấy càng đậm nét, nỗi sợ
hãi của các quốc gia nhỏ chung quanh Nga càng lớn dần; nỗi sợ hãi ấy càng lớn
càng thúc đẩy các nước ấy ngả theo Tây phương, mong muốn Tây phương sẽ giúp đỡ
và bảo vệ họ trước tham vọng bá quyền của Nga. Peter Beinart, trong một bài báo
đăng trên The Atlantic, còn mở rộng sự liên hệ đến Trung Quốc: Trung Quốc càng
muốn biểu dương sức mạnh và quấy nhiễu các nước láng giềng càng đẩy họ ngả theo
Mỹ, và đó, càng tự cô lập chính mình.
Ba, cũng theo Beinart, nó cũng có thể thay đổi ngôi thứ của các siêu cường
quốc. Ở Tây phương, sau các cuộc chiến tranh của Napoleon trong mấy năm đầu thế
kỷ 19, thế giới nổi lên năm siêu cường: Anh, Nga, Pháp, Áo và Phổ (Prussia, sau
này là Đức); sau đệ nhất thế chiến, ba trong năm siêu cường trên bị mất thanh
thế: Nga, Đức và Áo-Hung. Rồi đệ nhị thế chiến bùng nổ và khi kết thúc, vai trò
siêu cường của Đức bị mất, của Anh và Pháp cũng giảm sút rất đáng kể. Thế giới
chỉ còn hai siêu cường đứng đầu hai phe: Nga và Mỹ. Khi hệ thống cộng sản sụp
đổ vào năm 1990, vai trò siêu cường của Nga cũng mất; thế giới chỉ còn một siêu
cường: Mỹ.
Tuy nhiên, do quan hệ kinh tế và địa chính trị càng lúc càng chằng chịt, mặc dù
Mỹ vẫn mạnh, cực kỳ mạnh, thế giới vẫn có khuynh hướng càng ngày càng đa cực
hóa. Chính nước Mỹ cũng trở thành bơ vơ và hoang mang trước thế giới đa cực ấy.
Chính những thái độ hung hãn của Nga và của Trung Quốc đã kéo Mỹ trở về với
thực tế: Họ vẫn còn đối thủ và vẫn đối diện với rất nhiều nguy cơ.
Cả ba điểm nêu trên đều chỉ là những tiềm năng. Chưa ai biết trong tương lai
chúng sẽ phát huy ảnh hưởng như thế nào và đến mức độ nào. Tuy nhiên, dù vậy,
chúng cũng cho thấy tính chất nghiêm trọng của sự kiện Crimea và Ukraine. Điều
đó giải thích tại sao giới lãnh đạo các nước trên thế giới lo lắng và tập trung
nhiều thì giờ để giải quyết như vậy.
Để biết câu kết luận, chúng ta chỉ có một cách: chờ.
Tiến
sĩ Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.