Hoa Kỳ cuối cùng đã bác bỏ đề nghị của Ba Lan cung cấp cho Mỹ một số chiến đấu cơ MiG 29 để chuyển cho Không quân Ukraine.
Ý tưởng được Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nêu ra, và sau đó, các bộ trưởng của Ba Lan nói họ muốn chuyển MiG 29 của nước này sang căn cứ Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức. Từ đó, chiến đấu cơ có thể được đưa tới Ukraine vì các phi công Ukraine chỉ quen bay các loại máy bay quân sự do Liên Xô (cũ) thiết kế.
Đổi lại, Ba Lan sẽ nhận chiến đấu cơ F-16 từ Mỹ.
Tuy nhiên, hôm 08/03, Ngũ Giác Đài bác bỏ kế hoạch này, cho rằng nó "quá phức tạp".
Các báo tiếng Anh trích lời quan chức Hoa Kỳ nói việc cải tiến hoặc điều chỉnh hệ thống thông tin liên lạc trên các phi cơ này cho phù hợp với các tiêu chuẩn của Ukraine, nước nằm ngoài Nato, xem ra không dễ.
Ngoài ra, có ý kiến nói Hoa Kỳ không muốn để Nga coi đây là hành động trực tiếp can thiệp vào các cuộc không chiến Ukraine-Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong diễn văn đọc trước Quốc hội Anh hôm 08/03 qua video từ Kyiv yêu cầu Anh và Phương Tây hỗ trợ vũ khí, gồm cả phi cơ.
Không chiến, tăng chiến hay chỉ bắn phá?
Cho đến nay, sau hai tuần xung đột, trên chiến trường Ukraine chưa xảy ra các trận không chiến như người ta trông đợi.
Khi cuộc xâm lăng bắt đầu hôm 24/02, nhiều ý kiến từ giới quân sự, tình báo Phương Tây cho rằng ông Vladimir Putin nghĩ chỉ cần tấn công chớp nhoáng trong hai ngày là chiếm được Kyiv.
Không quân Nga sẽ mau chóng làm chủ bầu trời Ukraine nhờ số lượng phi cơ nhiều hơn, tối tân hơn.
Chiến đấu cơ MiG-29 của Nga
Nhưng điều đó đã không xày ra, hoặc chưa xảy ra.
Theo Giám đốc Tình báo Hoa Kỳ bà Avril Haines nói trước Quốc hội Mỹ hôm 08/03, thì "Moscow đã đánh giá sai sức mạnh của cuộc kháng cự từ người Ukraine và mức độ thách thức nội bộ của quân đội Nga."
Ba mũi tấn công của Nga có vẻ không thể hợp đồng tác chiến, và các khâu liên lạc, hậu cần có vẻ đều gặp vấn đề.
Các báo Ukraine cho rằng sau khi bắn đổ Tháp truyền hình Kharkiv, quân Nga cũng mất luôn tín hiệu điện thoại di động khi giao chiến ở Ukraine.
Vụ bốn năm sĩ quan cấp tá và tướng của Nga thiệt mạng được nói là vì họ phải đích thân tiến tới gần nơi có giao tranh để điều phối, chỉ đạo trực tiếp, vì thông tin liên lạc không tốt.
Tin thần binh sĩ Nga cũng bị cho là yếu và bị bất ngờ khi thấy quân, dân Ukraine chống lại họ mạnh mẽ.
Việc chia ra ba mũi tấn công khiến sức mạnh áp đảo của Nga bị dàn trải, và yếu tố bất ngờ đã mất.
Chiến tranh 'tăng đấu tăng' đã cổ lỗ?
Nhà bình luận Mỹ George Freedman viết trên trang Geopolitical Futures (08/03) rằng đoàn xe thiết giáp, tăng của Nga tiến vào gần Kyiv đã dừng lại vì thiếu nhiên liệu, và vì trên thực tế, cách đánh "thần tốc" bằng xe tăng không hiệu quả cho việc bao vây đô thị.
Ông quan sát rằng đỉnh cao của chiến dịch tăng đấu tăng xảy ra ở các bình nguyên của Liên Xô trong Thế Chiến II, chống lại đội quân Panzer của phát-xít Đức.
Trận đấu tăng cuối cùng trên thế giới là chiến tranh Israel và các nước Ả Rập năm 1973.
Các trận chiến đó cần chiến trường rộng và xe tăng có thể đè bẹp các tuyến phòng thủ trải rộng của đối phương.
Nay, Nga không thấy có thiết giáp của Ukraine ra nghênh chiến, và dùng xe tăng xếp hàng đi trên trục lộ bình thường, điều tối kỵ trong hành quân, để tiến vào thành phố.
Điều này khiến Nga rơi vào tình trạng phải chống đỡ cách đánh du kích của người Ukraine, dùng vũ khí hạng nhẹ chống tăng rất hiệu quả.
Hai loại vũ khí chống tăng của Phương Tây cung cấp cho Ukraine đang phát huy hiệu quả tốt
Trong bước tiếp theo, Nga sẽ phải thực hiện các cuộc cận chiến trong đô thị (urban warfare), và vũ khí hạng nặng khó phát huy hiệu quả.
Vì thế, theo ông Freedman, Nga chuyển sang hướng dùng hỏa tiễn bắn phá từ xa, nhưng không đẩy thiết giáp, bộ binh vào "thu dọn chiến trường".
Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh đã không đạt, nay ông Putin có thể phải đổi chiến thuật cho cuộc chiến lâu dài hơn.
Tuy thế, theo Giám đốc CIA William Burns nói trước QH Mỹ (08/03) thì ông Putin đã sai lầm khi coi "Ukraine không phải là một quốc gia thật", và Nga sẽ dễ dàng khuất phục người Ukraine.
Nhưng nay, người Ukraine "đã đánh lại Nga rất ngoan cường trong 12 ngày".
Còn ông Freedman thì nhận định mục tiêu chính trị của Putin là "lật đổ chính phủ Ukraine, nhanh chóng lập chính quyền bù nhìn rồi rút về", đã không đạt.
Về quân sự, Freedman nói 12 ngày chiến sự cho thấy học thuyết quân sự và trình độ tổ chức, hậu cần, tác chiến của quân Nga "hoàn toàn rơi rụng hào quang".
Nhìn vào cuộc chiến, kể cả sau này Putin thắng, chiếm được Ukraine với các giá khủng khiếp, ít ai còn tin vào "đẳng cấp quốc tế" của quân đội Nga như Moscow thường tự vẽ ra.
Một số nhà bình luận quân sự nói rằng Nga đầu tư nhiều những năm qua vào các loại vũ khí tối tân, nhưng chúng không bù đắp được sự yếu kém của giao thông liên lạc, hậu cần, và chiến lược quân sự đúng, trước một kẻ thù cứng rắn hơn Nga tưởng.
Quân Nga đã tiến tới đâu? Bản đồ cập nhật 08/03
Những ngày tới, chiến sự sẽ tàn khốc hơn vì Nga sẵn sàng dùng mọi cách để giành một chiến thắng nào đó, nhưng tinh thần của phía Ukraine không hề xuống.
Theo tướng Mỹ Wesley Clark, trả lời trang US Today thì Ukraine "có cơ hội thắng cuộc chiến này nếu trời ấm lên, mưa nhiều và hậu cần của Nga tiếp tục yếu kém, cản trở hành quân, và nếu Ukraine có phương tiện tấn công, tiêu diệt lực lượng của Nga".
Vũ khí từ phương Tây có giúp gì Ukraine?
Quân đội Ukraine đã công bố một số video cho thấy trực thăng Nga bị tên lửa đất đối không bắn hạ.
Một video, từ tuần trước, cho thấy một máy bay trực thăng của Nga bay thấp, ngay phía trên hàng cây - với hy vọng tránh những gì sắp xảy ra. Theo dõi đường đi của nó là một tên lửa đất đối không. Chỉ trong vài giây tên lửa đã tìm thấy mục tiêu. Khi va chạm, máy bay trực thăng của Nga rơi xuống đất, trước khi bùng phát thành một quả cầu lửa.
Có bằng chứng cho thấy vũ khí do phương Tây cung cấp gần đây đã được sử dụng.
Justin Bronk, một nhà nghiên cứu về sức mạnh không quân tại Royal United Services, cho biết cho đến nay đã có xác nhận trực quan về ít nhất 20 máy bay Nga bị bắn rơi ở Ukraine - cả trực thăng và máy bay phản lực. Con số này ít hơn đáng kể so với tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine, nơi đã bắn rơi 48 máy bay và 80 trực thăng của Nga. Tuy nhiên, con số thấp hơn vẫn cho thấy Nga đã phải vật lộn để giành được ưu thế trên bầu trời.
Ukraine cũng bị tổn thất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với BBC rằng cho đến nay Nga vẫn chưa thành công trong việc tiêu diệt lực lượng phòng không của nước này.
Ông Wallace cho biết việc Ukraine có thể giữ nguyên một số hệ thống phòng không của mình đã buộc máy bay Nga phải bay vào ban đêm để tránh bị phát hiện.
Tên lửa phòng không vác vai, còn được gọi là Manpad (hệ thống phòng không di động) chỉ là một trong những loại vũ khí mà các quốc gia phương Tây đang cung cấp cho Ukraine. Có thể kể ra tên lửa đất đối không Stinger khét tiếng do Mỹ sản xuất - tai họa của máy bay Liên Xô trong thời kỳ chiếm đóng Afghanistan vào những năm 1980.
Khó có con số chính xác. Tuần trước, ông Wallace nói với BBC rằng phương Tây hiện đã chuyển giao "hàng nghìn" vũ khí chống tăng và "hơn một nghìn" khẩu Stinger. CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ đưa ra tổng số là 17.000 vũ khí chống tăng và 2.000 khẩu Stinger, do Mỹ và các đồng minh NATO gửi tới.
Anh và Mỹ đã cung cấp vũ khí cho Ukraine trước khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, với việc Anh cung cấp 2.000 tên lửa chống tăng hạng nhẹ (Nlaw).
Nhưng hầu hết các quốc gia chỉ mới vừa bắt đầu gửi vũ khí để đáp trả cuộc xâm lược của Nga. Tổng cộng, 14 quốc gia đã cung cấp vũ khí như Thụy Điển và Phần Lan, cả hai đều có lịch sử trung lập lâu đời và không phải là thành viên của Nato.
Đức đã cung cấp 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger. Các nước Baltic cũng đã chuyển giao hàng nghìn vũ khí bao gồm tên lửa Stinger và Javelin, một trong những vũ khí chống tăng hiệu quả nhất thế giới với tầm bắn 2,5 km (1,5 dặm). Ukraine cho biết họ đã phá hủy thành công một số xe tăng T-72 của Nga.
Các đợt giao vũ khí gần đây cũng bao gồm hàng chục nghìn súng trường tấn công và súng máy, mìn chống tăng và hàng trăm tấn đạn dược, cũng như áo giáp và mũ bảo hiểm, và vật tư y tế.
Làm thế nào để các vũ khí tới nơi?
Kharkiv sau bom đạn Nga bắn vào
Vương quốc Anh cho biết họ đang giúp "tạo điều kiện thuận lợi" cho việc chuyển giao những vũ khí này. Mặc dù vậy, các quan chức phương Tây không cho biết chi tiết về việc các nguồn cung cấp được vận chuyển như thế nào.
Nhưng khi các hoạt động quân sự của Nga tập trung ở miền đông Ukraine, dòng người và nguồn cung cấp từ miền tây của đất nước vẫn tiếp tục qua các quốc gia láng giềng ở châu Âu. BBC đã nói chuyện với các bộ quốc phòng của Estonia, Thụy Điển và Đan Mạch, tất cả đều xác nhận nguồn cung cấp vũ khí của họ đã được theo dõi và đến được Ukraine thành công trong những tuần gần đây.
Quang cảnh tòa nhà đồn cảnh sát khu vực bị hư hại sau vụ tấn công bằng tên lửa của Nga ở Kharkiv, Ukraine ngày 2/3/2022
Vậy, các lô hàng vũ khí này có tác dụng cho Ukraine không?
Vũ khí do phương Tây cung cấp có thể tạo ra sự khác biệt, nhưng chỉ khi Ukraine tiếp tục có các lực lượng vũ trang có khả năng sử dụng chúng.
Ông Bronk nói rằng khả năng Ukraine giữ lại một số hệ thống phòng không cũ hơn, từ thời Liên Xô - có tầm bắn xa hơn - đã buộc máy bay Nga phải bay thấp hơn. Nhưng điều đó khiến Nga dễ bị tổn thương hơn trước các tên lửa đất đối không tầm ngắn do phương Tây cung cấp.
Nếu không có các hệ thống phòng không tầm xa đó, máy bay Nga có thể bay cao hơn để tránh nguy cơ từ các hệ thống phòng không tầm ngắn hơn.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang muốn tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Có thể sắp hết thời gian trước khi Nga cố gắng nhắm mục tiêu vào đường cung cấp vũ khí.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã đàm phán với Ba Lan về việc nước này cung cấp máy bay chiến đấu Mig do Nga sản xuất cho Không quân Ukraine. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, Ukraine vẫn cần các phi công được đào tạo để lái chúng.
Việc cung cấp vũ khí của phương Tây có ích, nhưng bạn vẫn cần một đội quân biết cách sử dụng chúng.
Jonathan Beale
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.