Saturday, May 7, 2011

Mường Nhé

Sứ quán Mỹ điều tra tin bạo động Mường Nhé

image

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói đang kiểm chứng thông tin nói có người chết trong vụ bạo động của người Hmong ở Mường Nhé, Điện Biên.
Trong khi đó, giới phóng viên nước ngoài thường trú ở Việt Nam nói họ không được phép tới khu vực đang xảy ra sự kiện mà nhiều người cho là bất ổn sắc tộc quy mô nhất từ sau cuộc biểu tình của người Thượng ở Tây Nguyên năm 2004.
Một số nguồn tin nói với BBC rằng cho tới ngày thứ Sáu 06/05 vẫn còn đông người Hmong tụ tập tại Mường Nhé, trong khi chính quyền vẫn đang tìm cách giải tán họ.
Hôm thứ Năm, ông Lê Thành Đô, Chánh Văn phòng tỉnh Điện Biên, được Thông tấn xã Việt Nam trích lời, nói người Hmong tụ tập từ đầu tháng ở Mường Nhé vì tin rằng "một thế lực siêu nhiên sẽ tới mang họ đến Miền Đất Hứa".
Ông nói việc một số người Hmong kêu gọi thành lập vương quốc riêng đã gây bất ổn trong khu vực và rằng sau khi được vận động một số người đã trở về nhà.
Ông Đô được dẫn lời nói chính quyền "đang tìm cách giải quyết để sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào".
Điều này cũng có nghĩa hiện sự việc chưa được giải quyết xong.
Một số tổ chức ở nước ngoài thì cáo buộc đã có thương vong trong vụ bất ổn.
Trung tâm Phân tích Chính sách Công, nhóm hoạt động ở Washington, nói 28 người Hmong thiệt mạng và hàng trăm người mất tích.
BBC không kiểm chứng được thông tin này.
Tuy nhiên Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội ra thông cáo nói họ đang điều tra và "kêu gọi các bên liên quan không sử dụng bạo lực, giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và theo đúng luật pháp Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn nhân quyền đã được quốc tế công nhận".
Thông tin báo chí

image

Sau nhiều ngày im lặng, hôm thứ Năm báo chí Việt Nam đồng loạt đăng bản tin do Thông tấn xã Việt Nam cung cấp dẫn lời ông Lê Thành Đô như đã nói ở trên.
Bản tin nói "lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, kẻ xấu đã phao tin lừa bịp", kích động "gây mất trật tự, an ninh, an toàn".
Hãng thông tấn của Nhà nước Việt Nam cũng trích lời quan chức Điện Biên nói "chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống vận động, thuyết phục bà con không nên tin vào những thông tin bịa đặt lừa bịp, cùng các luận điệu sai trái đối với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước".
Không thấy có báo nào cho hay đã cử phóng viên lên Điện Biên tìm hiểu tình hình.
Một nguồn tin giấu tên nói với BBC tình hình tại Mường Nhé hiện "gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Một nguồn tin khác cho rằng "Hiện tại chính quyền cấp tỉnh của các tỉnh Tây Bắc Việt Nam có đông đảo người dân Mông sinh sống như Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai... đã nhận được chỉ thị cấm người Hmong đi khỏi địa phương".
Lý do, như lời giải thích là "nhằm tránh sự liên kết và tổ chức" của họ và thời điểm nhạy cảm trước bầu cử Quốc hội 22/05.

image
Người Hmong ở tỉnh Điện Biên

Phóng viên nước ngoài thì than phiền bị khước từ yêu cầu tới khu vực này.
Hãng AFP khi đề đạt nguyện vọng lên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã được trả lời: "Không ai lên đó cả".
Bà Nguyễn Phương Nga, Vụ trưởng Vụ Báo chí, nói với hãng này: "Tình hình không tốt cho các ông lên đó", với lý do thời tiết xấu, đường xá khó khăn và quan chức địa phương đang bận việc tổ chức kỷ niệm ngày lễ chiến thắng Điện Biên Phủ 07/05.
Bà Nga cũng nói tình hình Mường Nhé đã "ổn định".
Các số điện thoại của giới hữu trách ở huyện Mường Nhé đều không liên lạc được trong ngày thứ Sáu.
Tình hình phức tạp
Vụ bạo động của hàng nghìn người Hmong tại Mường Nhé bắt đầu xảy ra khoảng 30/04.
Ngoài việc đòi thành lập vương quốc riêng, được biết người Hmong còn yêu sách cải thiện tự do tôn giáo.
Mường Nhé nằm cách thành phố Điện Biên 200km, là một huyện nghèo với trên 52.000 người. Đa số người Hmong theo đạo Tin Lành.
Một người Hmong ở trong khu vực nói với BBC rằng nhiều người Hmong theo đạo một cách "cuồng tín" và tình hình tại đây rất phức tạp.
Người này không trả lời thẳng khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng vụ bạo động này có liên quan nước ngoài hay không, nhưng nói trong tiếp xúc, ông thấy những người chủ đạo đều có địa chỉ và số điện thoại của các lãnh đạo người Hmong ở ngoài.
Ông cũng nói việc đời sống khổ cực và dân trí thấp khiến cho niềm tin có phần "cực đoan".
"Họ theo đạo Vàng Chứ, nhưng mà họ cũng không biết sâu xa triết lý của đạo này."
Báo đài Việt Nam gần đây có đăng bài chỉ trích việc người dân tộc thiểu số theo đạo Vàng Chứ, mà họ gọi là một phiên bản của đạo Tin Lành "gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của người dân miền núi".
Báo chí cũng phê phán việc lan truyền những thông tin hoang đường trong cộng đồng người Hmong về một 'Miền Đất Hứa' khiến họ lơi là cuộc sống lao động.

image
Các hãng thông tấn nói vụ bất ổn xảy ra tại Nậm Kè

Tin trái chiều về vụ bạo động Mường Nhé

Quan chức tỉnh Điện Biên nói đã kiểm soát được cuộc bạo động của người Hmong tại Mường Nhé nhưng cũng có tin nói vẫn còn đám đông người tụ họp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Giàng Thị Hoa được hãng thông tấn Associated Press (AP) dẫn lời nói cuộc bạo động của người sắc tộc Hmong "đã được kiểm soát sau vài ngày" nhưng không nói rõ chi tiết.
Trong khi đó, hãng thông tấn Agence France-Presse (AFP) lại trích nguồn một cán bộ địa phương tại chính huyện Mường Nhé nói tới thứ Năm 05/05 vẫn còn tới khoảng 3.000 người Hmong tụ tập nơi đây.
Vị cán bộ này cũng không cung cấp thêm chi tiết.
Một số nhân chứng nói với BBC hôm thứ Tư rằng đợt bất ổn bắt đầu từ khoảng ngày 30/04 với hàng nghìn người tham gia, và sau vài ngày "một số người đã dần trở về nhà".
Tuy nhiên các thông tin trái chiều đưa ra ở trên cho thấy tình hình vẫn còn khá phức tạp.
Trong ngày thứ Năm, BBC đã tìm cách liên lạc với tân Chủ tịch Mường Nhé Trần Anh Tuấn, nhưng được nói ông "đi cơ sở vắng".
Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong thông cáo mới ra trích lời ông Lê Thành Đô, Chánh Văn phòng tỉnh Điện Biên, nói người Hmong tụ tập từ đầu tháng trong điều kiện thiếu vệ sinh vì tin rằng một thế lực siêu nhiên sẽ tới mang họ đến Miền Đất Hứa.
Thông cáo viết: "Một số người đã kêu gọi thành lập vương quốc riêng của người Hmong, gây bất ổn, bất an ninh và thiếu an toàn".
Nguyên Chủ tịch Mường Nhé Giàng A Dình, bản thân là người Hmong, cũng nói với BBC hôm thứ Tư rằng người sắc tộc biểu tình để đòi một vương quốc tự trị và việc này "chỉ gây đổ máu".
Nhưng một số tổ chức Hmong tại hải ngoại thì nói họ muốn cải thiện tự do tôn giáo và điều kiện xã hội.
Không đưa tin
Báo chí chính thống của Việt Nam cho tới nay vẫn chưa có tin tức gì về vụ bất ổn mà theo quy mô thì có thể nói là lớn nhất từ khi có biểu tình của người Thượng ở Tây Nguyên năm 2004.
Nhân chứng nói một số đơn vị cảnh sát cơ động và hàng trăm bộ đội cùng máy bay trực thăng đã được điều đến hiện trường.
Các diễn đàn thông tin du lịch có đề cập tới chủ đề này cũng đã bị đóng cửa.
BBC không kiểm chứng được thông tin về thương vong, mà một tổ chức của người Hmong đặt tại Hoa Kỳ đưa ra, với con số hàng chục.
Các nguồn tin cũng không đồng nhất khi nói về việc chính quyền có bắt người Hmong để điều tra hay không.

image
Người Hmong Mường Nhé vẫn nghèo

Mới đây, trong tháng Tư, báo đài Việt Nam có đăng bài chỉ trích việc người dân tộc thiểu số theo đạo Vàng Chứ, mà họ gọi là một phiên bản của đạo Tin Lành "gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của người dân miền núi".
Báo chí cũng phê phán việc lan truyền những thông tin hoang đường trong cộng đồng người Hmong về một 'Miền Đất Hứa' khiến họ lơi là cuộc sống lao động.
Mường Nhé, với trên 52.000 nhân khẩu, nằm cách thành phố Điện Biên chừng 200km về phía Tây Bắc, vẫn là một huyện thuộc loại nghèo nhất nước.
Phía Đông, Mường Nhé giáp huyện Mường Tè; phía Tây giáp Lào; phía Nam giáp Lào và huyện Mường Chà; phía Bắc giáp Trung Quốc. Có khả năng người Hmong tại đây có quan hệ mật thiết với người Hmong ở Lào.
Mường Nhé cũng là nơi có đông dân di cư từ các nơi khác, do vậy thành phần dân cư được nói là 'phức tạp'.
Đa số người Hmong tại đây theo Tin Lành trong trào lưu chung như người nhiều sắc tộc thiểu số tại Cao nguyên miền Trung Việt Nam.

Người Hmong ở Mường Nhé 'bạo động'

Một số nguồn tin, nay được chính quyền địa phương xác nhận, nói có 'bạo động' tại huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, miền Tây Bắc Việt Nam từ mấy ngày qua.
Sự việc, theo một số nhân chứng cho BBC hay, đã bắt đầu hôm 30/4 tại vùng của người thiểu số Hmong.
Các trang mạng tiếng Việt cũng có nhiều tin tức không đầy đủ từ vài ngày qua về tầm vóc của vụ bất ổn và số dân tham gia, mà có người tin là "lên tới 5000".
Được biết, một số đơn vị cảnh sát cơ động và hàng trăm bộ đội được điều đến cùng máy bay trực thăng.
Trả lời BBC qua điện thoại hôm 4/5, nguyên chủ tịch huyện Mường Nhé, ông Giàng A Dình lên án các hoạt động chống đối.
Ông cũng xác nhận "có ngàn người" tham gia vụ việc.
Theo ông Dình việc có những người Hmong đòi một vương quốc tự trị, là chuyện "chỉ gây ra đổ máu".
Ông Giàng A Dình nói: "Tình hình đang ổn định, tất cả nhân dân, một số người chỉ nghe những lời quá khích của những kẻ cầm đầu nhưng nay nhân dân người ta đã tản mát, từng bước trở về nhà rồi,"
"Tất cả những người nói thế này nói thế khác đã không còn lý gì để nói với Đảng Cộng sản, nói với nhân dân, dân tộc Việt Nam nữa."


Người Hmong cũng đã bắt giữ một số cán bộ địa phương khi đưa ra yêu sách đòi tự do tín ngưỡng và lập vương quốc riêng.
Một thượng tá công an cũng chỉ nói với BBC là có chuyện "bất ổn" nhưng không nêu con số của lực lượng an ninh vào cuộc cũng như số người Hmong tham gia.
Ông đề nghị hãy hỏi bên quân đội về những con số này.
BBC cũng chưa xác định được vụ việc đang tiếp tục diễn biến ra sao.
'Miền đất hứa'
Cùng ngày, truyền thông Việt Nam cho đến chập tối chưa đăng tải tin gì về vụ việc.
Nhưng một số trang mạng xã hội hẹn giới trẻ người Kinh đi du ngoạn kiểu hoang dã (phượt) ở vùng núi Điện Biên đã cảnh báo nhau là nên tránh khu vực "người Hmong đòi tự trị".
Chẳng hạn, một bạn viết đã trông thấy trực thăng của nhà nước bay lên vùng này khi đi máy bay lên Điện Biên:
"Ngồi trên máy bay tự nhiên thấy hai cái trực thăng nó bay song song, tưởng ông nào lên Điện Biên chuẩn bị kỉ niệm 7/5. Lúc xuống máy bay mới biết trên huyện Mường Nhé đang có bạo động".
Tuy nhiên tới nay, các diễn đàn nói về sự kiện đã bị đóng lại.
Trước đó, từ năm 2010, chính báo chí của ngành công an đã có những bài phê phán "luận điệu hoang đường" ở huyện Mường Nhé, Điện Biên về "một thế lực siêu nhiên".
Vẫn theo báo Công an Nhân dân, các sĩ quan của ngành này được cử đến để "gặp gỡ, nói chuyện, vận động nhân dân không đi theo kẻ xấu".
Nguồn tin này cho hay có người dân "tin theo thuyết về một Miền Đất Hứa", và hẹn để "được đón về Trời".
Các khẩu hiệu kêu gọi dân chúng đến "những vùng đất hứa" được viết bằng chữ quốc ngữ và tiếng Hmong dạng La-tinh.
Báo nhà nước năm 2010 xác nhận khi đó các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Bộ đội Đoàn 379 thuộc Quân khu II đã "tăng cường cán bộ xuống cơ sở" ở Mường Nhé.
Mới tháng 6/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký quyết định tặng bằng khen cho năm tập thể và 13 cá nhân của Bộ Công an "có thành tích giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội" tại tỉnh Điện Biên.

Huyện nghèo

image

Mường Nhé là một trong những nơi nghèo nhất Việt Nam
Thành lập năm 2002 theo nghị định số 08/NĐ-CP của chính phủ Việt Nam, huyện Mường Nhé được chính quyền Việt Nam coi là thuộc "vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn".
Nằm cách Điện Biên chừng 200 km, Mường Nhé là phần gộp lại của sáu xã trước thuộc huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và huyện Mường Lay (nay là huyện Mường Chà) tỉnh Điện Biên.
Phía Đông, Mường Nhé giáp huyện Mường Tè; phía Tây giáp Lào; phía Nam giáp Lào và huyện Mường Chà; phía Bắc giáp Trung Quốc.
Theo trang web của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ở Việt Nam, cho đến tháng 3/2009, huyện Mường Nhé có 9.591 hộ với 52.684 nhân khẩu.
Trong số 13 dân tộc sinh sống tại đây, người Hmong chiếm đa số với 36.811 nhân khẩu (chiếm 69,6%).
Vì nổi tiếng là nghèo, Mường Nhé được chính quyền ra đề án phát triển kinh tế xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững với hàng tỷ đồng từ ngân sách.
Cũng mới hôm 2/5 báo chí địa phương đăng tin bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội lên thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên, bên cạnh chủ đề kinh tế, có vẻ như các vấn đề tín ngưỡng và sắc tộc vẫn còn nổi cộm tại đây mà các chính sách của chính quyền chưa giải quyết được.
Cũng chưa rõ kế hoạch xây khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có liên quan gì không đến tranh chấp đất và rừng tại đây.
Một số nhà báo Việt Nam gần đây đưa tin ít nhiều về hiện tượng người Hmong ở đây "rút vào rừng", không chịu ra trong khi có cáo buộc về hiện tượng đốt phá rừng và "di cư tự do".
Hiện chưa rõ yếu tố tín ngưỡng trong vụ Mường Nhé là gì nhưng nhìn chung, trong những năm qua có hiện tượng người thiểu số Hmong tại Bắc Lào và Việt Nam theo đạo Tin Lành với số lượng đông đảo.
Hôm 5/4/2011, trang web bienphong.cm.vn có bài nói "Mấy năm gần đây, cái gọi là “Bấm đạo Vàng Chứ” phát triển rất nhanh trên địa bàn các xã biên giới tỉnh Điện Biên. Đi kèm với truyền “đạo Vàng Chứ” là “vấn nạn” di cư tự do của đồng bào Mông".
Một nhà quan sát tại Paris cho BBC hay người Hmong ở miền Bắc Việt Nam theo đạo Tin Lành phái Phúc Âm, còn người sắc tộc thiểu số ở miền Trung theo phái Mennonite.
Với vụ Mường Nhé, lần đầu tiên lại có bất ổn sắc tộc diện rộng tại Việt Nam kể từ sau Bấm cuộc nổi dậy của người Thượng theo Tin Lành Dega ở Tây Nguyên hồi năm 2004.

Nhân vụ Mường Nhé nói tới người Hmong

image

Tướng Vàng Pao giúp người Mỹ tấn công các tuyến tiếp vận của phe cộng sản ở Lào hồi cuộc chiến Việt Nam
Hiện chưa rõ căn nguyên trực tiếp của vụ bạo động Hmong ở Mường Nhé nhưng các nguồn truyền thông trong và ngoài nước nhắc tới số phận của một cộng đồng sắc tộc Đông Nam Á thiếu may mắn từ hơn nửa thế kỷ qua.
Di cư xuống Đông Nam Á từ vùng nay thuộc Trung Quốc muộn hơn nhiều so với các nhóm Tày- Thái, và không giành được các vùng đất canh tác tốt như dân bản địa, người Hmong sau trở thành nạn nhân của các xung đột vũ trang trong thế kỷ 20.
Sang thế kỷ 21, trong lúc chưa giải quyết xong vấn nạn quá khứ chiến tranh, người Hmong, với sinh hoạt kinh tế bị tụt hậu so với nhiều sắc dân khác, đang cố tìm chỗ đứng trong không gian kinh tế cạnh tranh khốc liệt ở Lào và Việt Nam.
Mặt khác, vì tìm đến tín ngưỡng Cơ Đốc giáo và giữ liên hệ với người cùng sắc tộc sống lưu vong tại Hoa Kỳ, họ lại trở thành đối tượng cho vấn đề an ninh ở những quốc gia có thể chế cộng sản.
Nếu không kể đến một số nhà báo đam mê về châu Á, chuyện người Hmong ngày nay, vốn thường nổi bật lên bằng lời kể thống khổ của dân tỵ nạn, dễ bị các nước lớn trong và ngoài khu vực muốn quên đi.
Nạn nhân chiến tranh
Trong bài "Bấm Hmong Searching for a Home" (Người Hmong tìm một mái ấm), đăng trên trang Foreign Policy Journal (27/3/2011), tác giả Mỹ, Antonio Graceffo kể lại số phận cay đắng của các bộ tộc Hmong đi theo Pháp và Mỹ trong hai cuộc chiến Đông Dương nhưng bị bỏ rơi.
Trong trận Điện Biên Phủ, chừng 2000 lính Hmong được quân Pháp đưa sang Mường Thanh hỗ trợ cho cuộc chiến chống Việt Minh.
Theo bài báo, sau giai đoạn theo Pháp chống Nhật, lãnh tụ Vàng Pao của người Hmong tại Lào đã được đặc nhiệm Mỹ tuyển chọn để chỉ huy cuộc chiến bí mật đánh lại phe cộng sản Lào và Việt Nam.
Năm 1960, Đại tá Mỹ William Colby đã gặp ông Vàng Pao và chọn ông chứ không chọn một lãnh tụ Hmong khác là Touby Ly Fong.
Nhưng sau năm 1975, tướng Bấm Vàng Pao sang Mỹ và dặn lại các thuộc hạ tiếp tục không buông súng.
Vì thế, theo Antonio Graceffo, những nhóm kháng chiến Hmong còn chừng vài trăm người "bị quân Lào và Việt Nam truy đuổi như con vật" trong các vùng rừng.
Nếu ở trong rừng, người Hmong bị chết vì đói và bệnh tật hoặc bị quân đội Lào hạ sát. Nếu đầu hàng, họ sợ sẽ bị giết
Lời trích trong bài báo của Antonia Graceffo
Cùng họ là một số dân, gồm phụ nữ, trẻ em và người già, liên tục di chuyển, ẩn náu trong rừng sâu.
"Nếu ở trong rừng, người Hmong bị chết vì đói và bệnh tật hoặc bị quân đội Lào hạ sát. Nếu đầu hàng, họ sợ sẽ bị giết."
Theo Antonio Graceffo, dù tổng thống Kennedy đã quyết định rằng Lào "có vị trí trọng yếu cho cuộc chiến Việt Nam", và năm 1961 ra lệnh cho các đơn vị đặc nhiệm Raven của Mỹ xâm nhập vào Lào, Hoa Kỳ gần như bỏ rơi những cựu đồng minh khốn khổ này sau 1975.
Hàng nghìn người Hmong từ Lào đã vào các trại tỵ nạn Thái Lan để mong được đi Hoa Kỳ theo ông Vàng Pao nhưng gần đây, chính quyền Bangkok đã thỏa thuận với Vientiane đuổi họ về.
Tuy thế, bài báo cũng nhìn vào lý do vì sao chính quyền Thái không muốn để Bấm người tỵ nạn Hmong đi Mỹ, nơi cộng đồng Hmong hiện có chừng 300 nghìn:
Tác giả trích bình luận rằng "Những người Hmong này gây ra nhiều vấn đề cho chính quyền Thái và Lào. Nếu cho họ sang Mỹ, có thể có ngay 20 nghìn người Hmong đột nhiên từ rừng chui ra đăng ký,"
Còn tại Lào, tình cảnh của một số du kích Hmong chống cộng sản còn thê thảm hơn.
Đại diện của người Hmong tại Hoa Kỳ nói "Chính thức thì cuộc chiến vẫn tiếp tục giữa người Hmong và phe cộng sản", dù ông Vàng Pao đã qua đời.
Số người thực sự chống đối hẳn cũng không còn nhiều trong tổng số gần nửa triệu người Hmong Lào.
Với Hoa Kỳ, cuộc chiến bí mật tại Lào nay không được nói đến nhiều.
Còn ở Việt Nam hiện nay, sự hiện diện nhiều năm của quân cộng sản miền Bắc ở Lào thời chiến tranh tàn khốc thường chỉ được nhắc đến qua các bài báo về "lễ truy điệu và an táng hài cốt Bấm liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào".

image

Chong-Cha Lee, một chiến binh Hmong còn sót lại trong rừng Lào
Mưu sinh và tín ngưỡng
Nhưng gần đây, số phận của nhóm Hmong Lào và Hmong tại Việt Nam có thêm mối liên hệ ràng buộc mới qua tôn giáo và di cư xuyên biên giới.
Sau khi tin tức về cuộc bạo động của người Hmong tại Mường Nhé nổ ra, một số nguồn của người Hmong và giới vận động cho quyền thiểu số tại Hoa Kỳ cho hay, "có nhiều người Hmong chạy từ Việt Nam sang Lào".
Vùng Tây Bắc của Việt Nam và Thượng Lào từ mấy chục năm qua luôn là khu vực có ưu tiên cao về an ninh với chính quyền tại Hà Nội.
Bên cạnh những nghi kỵ lịch sử - người Hmong theo "phỉ Vàng Pao" - như một cách nói của truyền thông chính thống, điều làm vấn đề Hmong trở nên phức tạp hơn cả là khác biệt ngôn ngữ, tập quán giữa đa số quan chức chính quyền là người Kinh và sắc tộc thiểu số này.
Trong một phóng sự truyền hình và ảnh cho đài Al Jazeera hồi tháng 2/2011, các phóng viên Nick Ahlmark và Nicole Precel đã mô tả sinh hoạt của người dân Hmong một bản ở tỉnh Hà Giang và giải thích lý do vì sao họ không tin vào các dịch vụ y tế của nhà nước.
Lý do thứ nhất, theo Al Jazeera, là ngôn ngữ khác biệt vì đa số cán bộ y tế là người Kinh, lý do thứ nhì là vì người Hmong có truyền thống tín ngưỡng và phong tục khác.
Ngoài ra, theo hai nhà báo đã sống 8 ngày tại bản Hmong đó, "là sự không tin tưởng vào các cơ chế chính quyền cộng sản trong dân chúng địa phương":
Người Hmong chỉ tỏ ra bên ngoài thái độ tin vào chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và đường lối cộng sản
Bài trên Al Jazeera
"Giới nghiên cứu đã nêu ra rằng người Hmong chỉ tỏ ra bên ngoài thái độ tin vào chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và đường lối cộng sản. Trong từng căn nhà vách đất đều có ảnh ông Hồ Chí Minh và lá cờ cộng sản treo trên tường. Nhưng chúng tôi có cảm giác rõ rệt rằng người Hmong chỉ tỏ ra đi theo cách thức chung để khỏi gặp khó dễ. Bằng cách này, họ vẫn tiếp tục duy trì cách sống truyền thống và làm nhà chức trách cộng sản hài lòng vì họ đã đóng đúng vai trò của mình, mà không hề tin tưởng thực".
Cùng thời gian, dù truyền thông chính thức ở Việt Nam chưa bao giờ đồng ý với quan điểm này, các bài báo của chính ngành công an và bộ đội biên phòng thường thừa nhận công tác vận động quần chúng ở vùng Hmong là khó khăn.
Một bài trên Công an Nhân dân 13/9/2010 có tựa đề "Mường Nhé và câu chuyện hôm nay" mô tả hoạt động của ngành công an ở vùng này là "nhọc nhằn và nhức nhối".
Điều báo chí nước ngoài như bài của Nick Ahlmark và Nicole Precel chia sẻ quan điểm với truyền thông của nhà nước ở Việt Nam là lý do khoảng cách của các vùng này gây khó khăn cho sự giao lưu và hội nhập.
Nằm cách Điện Biên 200 km, các huyện như Mường Nhé, Mường Chà có lẽ là những nơi cuối chính sách Đổi mới kinh tế chỉ mới chớm tác động đến.

image

Người Hmong ở Việt Nam đang cố tìm chỗ đứng trong không gian kinh tế cạnh tranh khốc liệt về nguồn lợi và tài nguyên
Các chuyển biến kinh tế từ thập niên 1990 tạo ra làn sóng di dân nội địa, với các sắc tộc, gồm cả nhóm Kinh chiếm đa số tại Việt Nam, nay di cư và định cư ngoài xa các vùng truyền thống.
Bản thân nhóm Hmong Việt Nam, hiện có chừng 800 nghìn trong cả nước, đã di cư khắp nơi, kể cả vào Cao nguyên Miền Trung.
Mường Nhé, một trong những huyện giàu đẹp về tài nguyên rừng, là một trong những điểm đến hấp dẫn của người Hmong.
Vẫn báo Bấm Công an Nhân dân nói các cán bộ công an và an ninh Tây Bắc đã được cử vào Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung từ mấy năm qua để thuyết phục, vận động người Hmong sở tại và những người "di cư tự do" tuân theo pháp luật.
Tờ báo này cũng nêu lên hoạt động của các "đối tượng" mà chính quyền cho là thủ phạm gây ra vấn đề an ninh ở Mường Nhé:
"Mục đích hoạt động của các nhóm đối tượng này là tập hợp lực lượng, tổ chức tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói xấu cấp ủy, chính quyền, kêu gọi người dân từ bỏ nương rẫy, di cư tự do…"
Chỉ trong vài năm qua, số người Hmong di cư tự do đến Mường Nhé ước tính lên hàng vạn.
Trong một trào lưu toàn vùng Đông Nam Á, số người Hmong tìm đến niềm tin vào đạo giáo mới đang gia tăng.
Các nhóm truyền Bấm đạo Tin Lành với Kinh Thánh bằng chữ Hmong dạng La-tinh đã đến với cộng đồng này ở Lào, các vùng Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam.
Báo chí Việt Nam nêu ra cáo buộc rằng có những nhóm Hmong nghe theo "đạo Vàng Chứ" thờ Thánh ba ngôi và tin vào một "miền đất hứa".
Các hoạt động này chỉ thêm vào các nghi kỵ giữa nhóm sắc tộc này và chính quyến đã có từ quá khứ chiến tranh và khiến các hoạt động tôn giáo "ngoài luồng" của họ trở thành vấn đề an ninh thêm trầm trọng với những nước cộng sản vốn muốn kiểm soát tôn giáo.

image

Lễ của người Hmong theo Tin Lành tại Đắc Lắc

Cuộc biểu tình của hàng ngàn người Hmong ở Điện Biên bị giải tán
Thứ Hai, 09 tháng 5 2011



Có khoảng 170.000 người Hmong sinh sống tại Ðiện Biên, chiếm khoảng 35% dân số trong vùng

Lực lượng an ninh Việt Nam đã giải tán cuộc tụ tập của hàng ngàn người sắc tộc Hmong tại Mường Nhé, Điện Biên.

Tin AP đánh đi từ Hà Nội ngày 9/5 trích thuật phát biểu của mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội trưởng Hội Thánh Tin lành miền Bắc Việt Nam hôm nay nói rằng ông liên lạc thường xuyên với những người trong cuộc và được cho biết như vừa kể.

Chính phủ Việt Nam không cung cấp nhiều thông tin về sự kiện này, đồng thời không cho phép báo chí và các nhà ngoại giao nước ngoài được đến khu vực.

Tin của nhà nước Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ về sự kiện này trái ngược nhau. Việt Nam nói một nhóm người tập trung vì nghe đồn sẽ xuất hiện một “thế lực siêu nhiên” và các phần tử xấu đã lợi dụng việc này để kích động họ biểu tình đòi thành lập “vương quốc riêng”.

Các hãng thông tấn quốc tế như Reuters, AFP, và DPA mấy ngày nay loan tin từ ngày 30/4 có hàng ngàn người Hmong tụ tập biểu tình đòi tự trị và chính quyền địa phương đã điều động hàng ngàn binh sĩ tới giải tán người biểu tình bằng võ lực.

Hội trưởng Hội Thánh Tin lành miền Bắc Việt Nam nói với hãng thông tấn AP ngày 9/5 rằng các thành viên trong Hội Thánh cho biết có tới 5 ngàn người Hmong tụ tập.

Trung tâm Phân tích Chính sách Công, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, tình hình nhân quyền, và các vấn đề về an ninh quốc gia cho biết đã có hàng chục người thiệt mạng khi lực lượng công quyền tới đàn áp những người biểu tình đòi đất đai và quyền tự do tôn giáo.

Ông Philip Smith, giám đốc điều hành Trung tâm tại Washington phát biểu với đài VOA ngày 6/5:

“Số người chết đã cao hơn. 28 người chết trong ngày 5/5 và 22 người khác thiệt mạng trong số hơn 7 ngàn người Hmong tham gia biểu tình tại Điện Biên. Chúng tôi đã kêu gọi chính phủ Mỹ đề cập vấn đề này với chính quyền Việt Nam ở mức độ cao nhất. Chúng tôi đã có thư yêu cầu gửi tới Tòa Bạch Ốc và Ngoại trưởng Mỹ đề nghị lên tiếng để ngăn chặn tình trạng đẫm máu hơn nữa. Chúng tôi cũng đã nêu vấn đề với một số tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, và một số thành viên trong Quốc hội Hoa Kỳ. Mặt khác, chúng tôi hy vọng cũng sẽ lưu ý Liên hiệp quốc về vấn đề này.”

Hãng thông tấn Đức DPA ngày 9/5 trích thuật nguồn tin từ các giới chức Việt Nam xác nhận có 3 trẻ em bị thiệt mạng trong cuộc biểu tình của người Hmong ở Điện Biên kéo dài cả tuần nay.

Ông Lò Văn Sung, một giới chức trong đảng cộng sản, cho biết nhiều người ngã bệnh vì các điều kiện tồi tệ trong các lều trại của người biểu tình. Ông Sung thừa nhận hơn 5.000 người biểu tình không có đủ thức ăn, nước uống, và 3 đứa trẻ thiệt mạng đều dưới 1 tuổi. Ông Sung nói quân đội đã giải tán người biểu tình và phủ nhận không có trường hợp nào thiệt mạng do chính quyền đàn áp.

Vẫn theo DPA, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ hơn 40 người tình nghi đã xúi giục biểu tình. 3 người được thả hôm chủ nhật, nhưng không rõ những người còn lại hiện đang bị giam giữ ở đâu.

Điện Biên là một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam nằm ở khu vực rừng núi hẻo lánh giáp với Lào và Trung Quốc, với 170 ngàn người Hmong sinh sống tại đây, chiếm khoảng 35% dân số trong vùng.

Nguồn: AP,  The Canadian Press, Vietnam News


Con tướng Vàng Pao nói về vụ Mường Nhé

image

Ông Chu Vang kêu gọi người Hmong không làm gì để thách thức chính quyền
Ông Neng Chu Vang, một nhà hoạt động cộng đồng của người Hmong tại Hoa Kỳ và là con trai của tướng Vàng Pao lên tiếng về vụ Mường Nhé trong khi trong cộng đồng người Hmong tại Hoa Kỳ nhận được rất nhiều thông tin của bà con đang còn trốn ở Việt Nam và yêu cầu người Hmong Hoa Kỳ giúp đỡ.
Với một tâm trạng chân thành và xây dựng, ông yêu cầu chính quyền Việt Nam hãy nhẹ tay với những người Hmong đang bị bắt.
Ông Vang không có một sự thách thức nào về mặt lý tưởng với chính phủ Việt Nam và Lào mà chỉ mong thúc đẩy sự hội nhập toàn diện của người Hmong vào xã hội công dân một cách đầy đủ và hưởng cuộc sống hòa bình.
Với kinh nghiệm của một nhà hoạt động cộng đồng người Hmong ở Hoa Kỳ, ông cũng hy vọng làm nhịp cầu thông cảm sắc tộc giữa người Hmong với Lào và Việt Nam nếu có yêu cầu. Ông cho biết đây cũng là ý nguyện cuối đời của người cha quá cố.
Cũng theo lời ông, năm năm trước khi qua đời, tướng Vàng Pao đã muốn quên đi quá khứ chiến tranh đau buồn mà chú ý nhiều tới phúc lợi cho cộng đồng và sự tồn tại của người Hmong hội nhập vào xã hội công dân.
Khi được hỏi về vụ tướng Vàng Pao cách đây vài năm bị chính phủ Hoa Kỳ bắt về tội buôn vũ khí, ông xác định rằng đó là sự ngộ nhận trầm trọng.
Ông cũng kiến nghị với chính phủ Việt Nam hãy có một giải pháp tốt đẹp và chân tình để giúp cộng đồng Hmong phát triển, ít ra cũng theo chính sách hội nhập như người Hmong ở Thái Lan, đừng để khoảng cách đói nghèo quá lớn.
Vào thời điểm đó, khi Thái Lan quyết định trả mấy ngàn người Hmong từ Thái về Lào, một số thân cận của tướng Vàng Pao quyết định giúp đỡ người Hmong về vật lực trong đó có khoản vật dụng súng trường như dụng cụ phòng thân cho cuộc sống bản làng.
Người Hmong vẫn dùng súng để săn bắn. Đây chỉ là một chi tiết rất nhỏ, không có khả năng thực hiện nhưng bị diễn giải sai lệch dẫn đến sự bắt giữ tạm thời.
Tướng Vàng Pao đã được minh oan, sau đó được trả tự do và vừa qua đời vào năm ngoái. Vào ngày 12/5/11 tướng Vàng Pao còn được vinh danh với đầy đủ nghi thức danh dự tại nghĩa trang Arlington, Hoa Kỳ.
Đây là một nghĩa cử đặc biệt coi như để đáp lại yêu cầu của Hmong mong được được chôn cất tướng Vàng Pao tại nghĩa trang quốc gia Arlington, là điạ điểm thích hợp và thuận lợi cho việng hành hương thăm viếng.
Tuy tướng Vàng Pao không được chôn vào nghĩa trang danh dự do thủ tục và nghi thức quân đội Hoa Kỳ nhưng ông vẫn luôn là người đáng được tôn kính về sự dũng cảm của một chiến binh và trách nhiệm với đồng bào, đồng đội trong hòa bình.
Ông Chu Vang gởi lời nhắn nhủ tới cộng đồng người Hmong không nên làm điều gì để thách thức Việt Nam về mặt chủ quyền mà hãy làm theo địa vị và trách nhiệm của công dân Việt Nam.
Kiến nghị với Việt Nam
Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị với chính phủ Việt Nam hãy có một giải pháp tốt đẹp và chân tình để giúp cộng đồng Hmong phát triển, ít ra cũng theo chính sách hội nhập như người Hmong ở Thái Lan, đừng để khoảng cách đói nghèo quá lớn.
Ông cho biết khu vực Mường Nhé là nơi có sự giao lưu sâu rộng giữa cộng đồng thị tộc người Hmong tại biên giới Việt Lào.
Một số người Hmong ở Lào và Việt Nam đều qua lại từ nhiều năm cho nên những lời kêu cứu về sự kiện này đang lan rộng trong cộng đồng Hmong ở Hoa Kỳ.

image

Ông Chu Vang nói người Hmong hội nhập tốt vào xã hội Hoa Kỳ
Ông Chu Vang nói rằng người Hmong ở Mỹ hội nhập tốt đẹp vào xã hội mới và trở thành những công dân hữu ích. Nếu có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm này, ông sẵn sàng có sứ mệnh hòa bình để làm giảm thiểu căng thẳng.
Ông cũng hy vọng qua sứ mệnh hòa bình này, các sắc dân khác ở Việt Nam và các dân tộc chủ thể đa số có sự hiểu biết về tâm nguyện của nhau và cùng phát triển để cùng tồn tại.
Ông nhấn mạnh ý tưởng cho dù có sự mâu thuẫn tới mức nào cũng có thể hàn gắn và chấp nhận nhau, không nên phỉ báng và tìm cách triệt tiêu nhau như trong quá khứ.
Khác với những tin đồn về tướng Vàng Pao, ông Chu Vang khẳng định tướng Vàng Pao không hề sáng lập ra đạo Vàng Chứ nào cả.
Suốt đời tướng Vàng Pao theo đạo Shaman, tôn giáo truyền thống của người Hmong. Bản thân ông Chu Vang theo đạo Phật.
"Vàng Chứ" phát theo chính âm trong tiếng Việt là Vương Chúa hoặc Vương Chủ, (họ Vàng trong tiếng Hmong tương đương với họ Vương trong tiếng Việt), tương tự như từ đạo Thiên Chúa trong tiếng Việt không mang tính chất mê tín hay giáo phái nào cả.
Ông cũng phủ nhận việc người Hmong đòi thành lập vương quốc nào đó ở Việt Nam và quả quyết rằng người Hmong thực sự không có viễn kiến và giấc mơ như thế này.
Trong số con trai của tướng Vàng Pao, ông Chu Vang có uy tín đặc biệt trong cộng đồng người Hmong nhưng là một nhân vật thận trọng kín đáo, làm việc tận tuỵ trong việc dàn hòa các mâu thuẫn thị tộc.


Trần Đông Đức

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.