Friday, March 8, 2013

Varanasi: Thành phố cổ trên sông Hằng

image
Được coi là một trong những thành phố cổ nhất thế giới liên tục có cư dân sinh sống cho đến tận ngày nay, thành phố của thần Shiva đã từng được đại văn hào Mark Twain ca tụng "Benares lâu đời hơn lịch sử, lâu đời hơn truyền thống, thậm chí lâu đời hơn cả huyền thoại, và dường như lâu đời gấp đôi tất cả những khái niệm trên cộng lại".

image
Cách thủ đô New Delhi 1 giờ bay, hoặc 10 giờ  tàu hỏa là thành phố Varanasi, còn có tên là Benares, Banaras hay Kashi,  Ấn Độ.

image

Nếu bị ám ảnh bởi những lời ca tụng , khi đặt chân đến Varanasi, hẳn nhiều người sẽ sững sờ bàng hoàng trước một thực tế khác : thành phố của thần thánh, của văn hóa và tôn giáo là một nơi tràn ngập bụi bặm, tiếng còi xe inh ỏi và giao thông hỗn loạn. Những con đường nhỏ hẹp oằn mình gồng gánh đủ thứ phương tiện giao thông: xe đạp, xe gắn máy, ôtô, xe thồ và xe tuktuk. Những hàng quán tràn ra lề đường, người mua bán thoải mái, thờ ơ trước tiếng còi xe hối hả.

image
Nếu nói về mật độ tập trung của xe đạp, thánh địa Varanasi chắc hẳn phải chiếm vị trí đứng đầu Ấn Độ. Ở bất kỳ đường phố hay ngõ ngách nào của khu phố cổ, chúng ta đều có thể nhìn thấy những người phu xe oằn mình đu lên bàn đạp để chiếc xe chuyển động. Thế nên, cái cảnh tréo ngoe "người ngựa ngựa người" này hiện diện khắp nơi: một đôi vợ chồng cùng con cái ăn mặc đẹp ngồi trên xe, đối lập hoàn toàn với người phu xe gầy guộc, nghèo khó. Một công chức to béo nghiêm nghị ôm chiếc cặp nhàn tản ngồi ngắm phố, đối lập với người phu xe là một ông già đang  đạp xe một cách khó nhọc…

image
Càng tiến gần vào khu vực trung tâm Golaudia và khu thành cổ, bức tranh hỗn loạn đối lập nhiều màu sắc ấy càng hiện ra rõ ràng  hơn. Nhưng một điều kỳ lạ là trong sự hỗn loạn ấy, không thể chứng kiến bất kỳ một khuôn mặt thể hiện sự nóng vội, cáu kỉnh hay bất mãn nào. Đó là một dòng sông của các khuôn mặt điềm tĩnh, thanh thản và an nhiên đang cuồn cuộn đổ về khu thành cổ, sẵn sàng cho buổi cầu nguyện linh thiêng bên bờ sông Hằng diễn ra vào ban đêm.

image


Mê cung thành cổ


image
Để hiểu được Ấn Độ, phải đi Varanasi, và để hiểu được Varanasi,  phải bước vào khu thành cổ. Bước vào những ngõ ngách của khu cổ thành Varanasi, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu, nếu không được chuẩn bị trước về mặt tinh thần. Một mê cung những ngõ ngách chỉ rộng chừng 1-2, ngõ này nối tiếp ngách kia sẽ khiến bị lạc lối, dù có cầm bản đồ trên tay. Lớn lên ở khu phố cổ  và dành phần lớn tuổi thơ để cùng chúng bạn khám phá các ngõ ngách, nhưng thực sự, lần đầu tiên sẽ cảm thấy bấn loạn trước Varanasi.

Bất kỳ ai hẳn cũng sẽ cảm thấy như vậy khi chứng kiến trong cái không gian chật hẹp ấy, những gì vẫn diễn ra ngoài các đường phố lớn được bê nguyên vào. Phải vừa đi vừa né những gian hàng được bày tràn ra ngõ, những chảo dầu rán bánh sôi sùng sục hay những bếp lò hừng hực lửa. Sẽ phải vừa đi vừa để ý tránh những bãi phân bò nằm khắp nơi trên đường, và cả những nhà vệ sinh lộ thiên bốc mùi. Phải vừa đi vừa tránh những chiếc xe máy phóng vù vù trong ngõ, và cả những chú bò thỉnh  thoảng chạy lồng lên khiến dân tình nháo nhác chạy.

image
Và có thể nói, những chú bò - linh vật trong tín ngưỡng của Ấn Độ giáo - mới là chủ nhân thực sự của cổ thành này. Chúng đủng đỉnh đi lại trong những ngõ nhỏ hẹp, thản nhiên nhận bánh mì của người dân "cung tiến", ăn xong lại đủng đỉnh đi tiếp và thoải mái phóng uế ra đường. Khi cảm thấy mệt mỏi, chúng nằm ềnh ra ngõ và ngủ, mặc kệ những ai đi lại phải nép sát vào tường tránh "kinh động" những linh vật tượng trưng cho thần Shiva.

image
Khu Ghat chính, nơi diễn ra lễ dâng ánh sáng sông Hằng.

Lễ dâng ánh sáng sông Hằng
Khu vực quan trọng nhất của đại lễ sông Hằng nằm tại các Ghat. Ghat, theo tiếng Hindu có nghĩa là các bậc thang, nhưng ở Varanasi.

image
Ghat là một danh từ miêu tả chuỗi các bậc thang nằm bên bờ phía Tây, nối từ bờ xuống thẳng lòng sông Hằng. Có những Ghat lớn cao hàng chục mét. Đây là một địa điểm đặc biệt và thiêng liêng, là nơi diễn ra các nghi lễ tắm rửa (để gột bỏ tội lỗi), tế lễ dâng ánh sáng sông Hằng và cả lễ hỏa thiêu xác người qua đời… của các tín đồ Ấn Độ giáo. Có tổng cộng 84 Ghat lớn nhỏ như vậy nằm rải khắp Varanasi, nhưng Lễ dâng ánh sáng sông Hằng chỉ diễn ra tại Ghat chính, Dasaswamedh.

image
Ghat giữ một vị trí quan trọng trong đời sống thường nhật của cộng đồng dân cư Varanasi. Trong những ngày thường, Ghat giống như một môi trường sinh hoạt cộng đồng chung, và  có thể chứng kiến rất nhiều hoạt động thú vị cùng một lúc diễn ra tại đây, và nhiều khi chúng hoàn toàn trái ngược với nhau. Trong buổi hoàng hôn, sẽ vô cùng kỳ dị khi thấy trước mặt một vị tu sĩ đang tịnh thiền lại có mấy người phụ nữ đang tắm. Bên cạnh những người giặt quần áo sẽ có những người mang bò ra tắm. Bên cạnh những ông già đang luyện yoga sẽ có những người nằm ườn ra thưởng thức dịch vụ massage… Tất cả những thứ tưởng chừng như mâu thuẫn ấy thể hiện tính đa dạng trong văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ.

Trong những ngày đại lễ sông Hằng, tất cả các con đường đi vào khu thành cổ và xuống Ghat chính Dasaswamedh đều đã cấm xe cộ. An ninh được bảo vệ, thể hiện bằng những sắc áo lính lăm lăm súng tiểu liên trong tay,  chặn tất cả các ngõ ngách trong khu vực thành cổ và trên đường xuống Dasaswamedh Ghat. Tuy lễ chính bắt đầu từ 19 giờ tối, nhưng từ 18 giờ, người đi bộ đã nườm nượp đổ về Dasaswammedh.

image
Đúng 19 giờ, hàng ngàn tín đồ Ấn Độ giáo đã vây kín những đàn lễ được dựng hướng ra sông Hằng. Trên mỗi đàn lễ là một giáo sĩ Bà la môn thực hiện tế lễ. Bên cạnh họ là những lư hương lớn hình thần rắn Naga được dùng cho điệu múa nghi lễ. Sau khi nghi lễ kết thúc, những tín đồ Ấn Độ giáo lần lượt tới xông mình trong làn khói hương này để lấy may mắn. Những người khác thì mua những đài hoa và nến được đặt trên những đế bằng giấy bìa. Họ cầm hoa và nến cầu nguyện, rồi thả xuống dòng sông Hằng. Hàng ngàn người cùng thả hoa đăng, khiến cho đoạn sông phía bên dưới Dasaswamedh Ghat như biến thành dòng sông lửa.

21 giờ, khi nghi lễ kết thúc, nhiều tín đồ Ấn Độ giáo bất chấp cái lạnh 10oC vẫn thành tâm thực hiện nghi thức đắm mình trong dòng nước sông Hằng để gột rửa tội lỗi trong suốt cả năm qua. Chỉ những người đàn ông mới được thực hiện nghi thức này sau khi các giáo sĩ làm lễ. Phụ nữ và trẻ em thường chỉ được tắm vào lúc sáng sớm còn vắng người. Nhiều người hành hương từ xa đến và phải trở về ngay trong đêm đã mang theo những can nhựa nhỏ. Họ đem nước sông Hằng về cho người thân như một món quà quý giá.

image
Hàng ngày, trung bình có khoảng 60.000 người thực hiện nghi lễ đắm mình trong dòng nước sông Hằng trên suốt 7km chiều dài. Theo những thông tin công bố chính thức, riêng đoạn sông Hằng chảy qua Varanasi được coi như là đoạn sông "chết" vì quá ô nhiễm, không có khí oxy và lượng vi khuẩn trong mỗi 100ml nước lên tới 1,5 triệu con (tiêu chí an toàn là 500 con/100ml). Nhưng có vẻ như niềm tin tôn giáo đã mạnh mẽ hơn ý thức về giữ vệ sinh. Nhiều người không chỉ hân hoan tắm và lấy nước đem về, họ còn uống từng ngụm nước với vẻ thành kính.

Thánh địa xấu vì "cò du lịch"
image
Varanasi, rất dễ nhận biết là người  ở nơi khác đến, không phải là từ trang phục, màu da, ngôn ngữ… mà là từ khuôn mặt đầy biểu cảm: kinh ngạc, lo lắng, tò mò và nhiều khi cả kinh sợ. Thế nên, khi bạn đặt chân vào khu vực cổ thành, ngay lập tức bị nhóm cò du lịch "vây" kín. Bàng hoàng trước những ngõ nhỏ dích dắc, trước cảnh người và xe đi lại không theo bất cứ trật tự nào,  bạn rất dễ giao phó niềm tin của mình vào tay những cò du lịch, những người luôn tươi cười và nhiệt tình chào đón, thậm chí bám theo cả tiếng đồng hồ.

image
Những phút giây đầu tiên của tôi dành cho vùng đất thiêng liêng này là… cãi nhau với "cò". Những lời tư vấn của cuốn Lonely Planet hay trang Tripadvisor về việc làm ngơ đám "cò" không đủ để đuổi đi những tay "cò" mặt dày mày dạn nhất. Họ sẽ bám dính lấy khách, quấy rầy với vô vàn câu hỏi. Chỉ cần biết được tin tức về nơi khách cần đến, hàng loạt tin kiểu như khách sạn đó đã chuyển đi, đã đóng cửa, thậm chí đã bị… cháy để thuyết phục khách tìm đến một khách sạn khác. Nếu khách quá cương quyết , không tìm được cách nào đưa được khách vào tròng, những tay "cò" này sẽ chơi bài gợi lòng thương, bám theo đến tận khách sạn rồi ỉ ôi kêu khổ để xin tiền.

image
Nhân viên của một nhà nghỉ trong khu thành cổ cho biết, quanh khu vực này phải có tới gần 100 "cò" thạo tiếng Anh chuyên quần thảo quanh đường phố hoặc các Ghat bên sông Hằng để mời chào thuê khách sạn, đi thuyền trên sông Hằng, đổi tiền, hướng dẫn viên… Một số "cò" biến hẳn thành lừa đảo, chuyên dụ khách đi xem và chụp ảnh thủ tục thiêu xác bên sông Hằng, rồi đồng bọn ra tay "phạt" khách vì chụp ảnh không xin phép. Một số "cò" khác thì đóng vai những thanh niên tiếp xúc khách du lịch để học tiếng Anh hoặc làm bạn, sau đó kết cục của những du khách nhiệt tình này là mất đi một khoản tiền lớn. "Nhớ về nhà trước 22 giờ tối và đừng nhận lời kết bạn với bất kỳ ai", Nims dặn dò.
Có thể nói, Varanasi là một thành phố điển hình cho Ấn Độ, là một tổng thể chất đầy : lịch sử, văn hóa, ô nhiễm, ồn ã, hỗn loạn và thậm chí là nguy hiểm, nhưng chính vì như vậy, nó đáng để đến hơn những thành phố thiếu tính cách và rất dễ quên.



Việt Đông




image


image









No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.