Thursday, February 27, 2014

Đêm Cali trên một ngọn đồi cao…

image
Buổi tối, trong một quán ăn mang tên Những Đồi Cam. Bốn người khách Việt Nam, hai đàn ông hai đàn bà, chọn chỗ ngồi ngoài sân, quanh ngọn lửa hồng. Gió thổi lạnh rát, tạt hơi nóng của gas và đá tảng. Tôi giới thiệu Vũ, người bạn nhạc sĩ của mình cho Kim, và ngược lại Kim giới thiệu Yvette cho tôi.

Mỗi người tự nói cho kẻ khác nghe một chút về mình. Bốn mảnh đời trôi nổi gặp nhau.

Yvette vừa mới qua cái tuổi ba mươi. Chị không đẹp, nhưng trông già dặn. Chị giống như một quả xoài chín muồi, chín mẫm. Cũng như Kim và Vũ, Yvette đến Mỹ đúng vào ngày Sài Gòn trong cơn hấp hối. Ngay khi vừa rời trại Pendleton chị lập gia đình với một cựu sĩ quan hải quân, người đã cho chị đi cùng chuyến tàu rời Việt Nam. Năm năm sau, hai người chia tay. Đứa con trai theo bố, đứa con gái theo mẹ. Người chồng làm cho hãng địa ốc Century 21 ở Seattle, tiểu bang Washington, còn chị bỏ San Diego lên sống ở quận Cam, Yvette có một vẻ đẹp hơi cứng. Có lẽ sự đổ vỡ trong đời sống hôn nhân làm chị khựng lại trước sự tấn công có vẻ ồ ạt của đám đàn ông. Nhiều người theo đuổi chị nhưng chị không chọn ai. Đúng ra chị không muốn chọn ai. Chị nói chị sợ đàn ông. Và mặc dầu vừa qua tuổi ba mươi, chị nhất định sống như thế với con, nuôi con, và chăm sóc con. Chị chơi thân với Kim, vì Kim trong một lúc tâm sự nói rằng cô cùng cảnh ngộ với chị. Kim tốt nghiệp ngành điện toán, nhưng làm người mẫu thời trang. Cô lấy chồng Việt Nam, anh tên Đức, một thanh niên cao lớn khỏe mạnh. Đức đi du học ở Mỹ từ trước Bẩy Lăm, tốt nghiệp Đại học Stanford, một trong những trường đại học nổi tiếng nhất của Mỹ. Và anh cũng là một trong số rất hiếm sinh viên Mỹ, chứ đừng nói gì sinh viên Việt Nam, mà khi vừa lấy xong bằng Tiến sĩ đã được tuyển vào làm việc ở Tòa Bạch Ốc. Đức là một trong những người Việt Nam trẻ tuổi được một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất của Đảng Cộng Hòa, hỗ trợ mạnh mẽ. Chỉ tiếc vì một scandal đã làm ông tan tành sự nghiệp chính trị, và Đức vì thế cũng tự lìa bỏ gia đình bằng một duyên cớ rất mong manh. Kim nói, và đây là lần đầu tiên tôi nghe cô nói về mình, rằng cô không giống như Yvette. Cô yêu ai là cô yêu cho bằng được, cô ghét ai là cô cắt đứt không tiếc thương. Cô chán ngấy cuộc sống trầm lặng. Cô thích sóng gió. Càng sóng to gió lớn, cô càng đi tới. Kim sợ sự cô đơn, nhưng đời cô lúc nào cũng chỉ một mình. Phút trước cô đam mê cuồng nhiệt và phút sau đã lạnh lùng băng giá. Cô tìm kiếm một tình yêu tuyệt đối, rốt cuộc cô chỉ thấy mọi việc đều chỉ là tương đối thôi.

Kim có một đứa con trai với Đức, nhưng Kim không thể giữ con, vì cái chân của Kim là cái chân đi đây đi đó. Đức bây giờ chỉ là một người bạn trai.

“Anh ấy thỉnh thoảng vẫn đưa con lại thăm tôi.”

Kim hút thuốc nhiều, loại Benson Ultra Light đầu lọc, thích màu đen và đi xe thể thao. Cô là một loại đàn bà trẻ con, một thứ Brigitte Bardot của những năm Sáu Mươi trên màn ảnh Pháp. Nhưng theo tôi thì cô giống như một nhân vật trong tiểu thuyết của Francoise Sagan, kiểu Un Peu de soleil dans l’eau froide. (*)
image
Note: Tất cả những hình trong bài này là hình minh họa

Sau phần tự giới thiệu, bốn người im lặng ngó xuống chân đồi. Cả một vùng dưới thấp kia là ánh điện của một thành phố. Nhấp nháy, sáng rực. Như một tấm thảm bằng nhung màu vàng hực lên cái ấm áp tuởng tượng của đêm Cali đã nhuốm sương của một vùng đất cao.

Nhìn cảnh tượng ấy, tôi nhớ ngày đầu tiên khi từ đảo Bataan lên máy bay rời phi trường Manila, ghé Tokyo, bay ngược thời gian qua phi trường Los Angeles. Như một tên mán từ Ban Mê Thuột lần đầu tiên xuống Sài Gòn, tôi bỡ ngỡ trước sức sống ngồn ngộn của một vùng đất mà trí tưởng tượng tôi không sao hình dung nổi. Sài Gòn sau năm Bảy Lăm, điện mất, mất điện, bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Rồi những ngày trong tù, điện trở thành một thứ xa xí phẩm đến nỗi có nhiều lúc tôi tưởng như đời mình đã tắt mất, chìm trong đêm đen của một con đường hầm tối om không lối thoát.

image
Ánh sáng rực rỡ phía dưới gợi lại trong tôi cái ấn tượng ban đầu trên vùng đất tự do.

Đó là ngày đầu tiên khi tôi đến đây, ngơ ngác trong phi trường rộng lớn, ngồi trên chiếc ghế sắt lạnh lẽo, chờ người ta làm thủ tục cấp thẻ I-94, sau khi một ông làm ở cơ quan từ thiện nào đó dẫn cả đám đi lòng vòng trong các hành lang lạ lẫm. Rồi một ông “người Đông Dương nào đó,” đại diện cho ICM, nói tiếng Việt lơ lớ, có khuôn mặt “trù cha hại mẹ,” dẫn cả đám người mặt mũi lơ láo ra một xe buýt, cấp phát cho mỗi người một chiếc áo lạnh tị nạn, chuyển qua một cổng khác, lùa lên một chiếc máy bay khác, di chuyển sang miền đông bắc, nơi tôi có một cô em đang sống ở đấy từ những ngày trước Bẩy Lăm.

Kim hỏi tôi về những ngày ở Sài Gòn trước và sau Bẩy Lăm.

“Hồi đó anh làm gì?”

“Viết văn làm báo!”

“Viết văn có phải là một nghề không?”

“Tôi nghĩ công việc gì nuôi sống mình được thì nên coi nó là cái nghề.” Tôi cười trả lời Kim cho qua chuyện.

“Còn làm báo?”

“Làm báo càng là một nghề, nhưng hình như không phải ai làm báo cũng có thể nuôi được thân mình và gia đình mình.”

“Vậy thì đâu phải là nghề. Nghề là phải có cái mức sống tối thiểu chớ! Ông Kha có là một novelist không? Ông viết được bao nhiêu cuốn sách?”

“Tôi có viết được vài cuốn sách, nhưng tôi không biết mình có phải là nhà viết tiểu thuyết không?”

“Sách của ông có thuộc loại best-seller không, ông Kha?”

“Hình như là không?”

“Có hay không. Sao lại hình như. Ông Kha nói chuyện khó hiểu quá!”

“Không biết ở đây thì sao, chớ ở Sài Gòn sách bán chạy có nhiều nghĩa. Sách hay chưa chắc là sách bán chạy, sách bán chạy chưa chắc đã là sách hay!”

“Tôi muốn biết best-seller thì bán được chừng bao nhiêu cuốn?”

“Chừng ba ngàn cuốn!”

“Ba ngàn cuốn thôi. Trời ôi, Kim tưởng ít nhất cũng vài trăm ngàn cuốn chớ!”

“Vài trăm ngàn cuốn?”

image
“Ông Kha có đọc Shogun chưa? Của James Clavell đó. Nó làm phim rồi. Richard Chamberlain đóng vai chính. Hay khủng khiếp. Mới đây Clavell cho in cuốn The Whirlwind. Báo nói năm triệu bản mà, phải không? Ông ấy giàu dễ sợ. Ông Kha, bao giờ sách của ông được như vậy?”

“Tôi có xem Shogun trên tivi. Tôi chưa đọc The Whirlwind. Còn sách của tôi sẽ được năm triệu bản vào năm ba ngàn.”

Yvette kêu: “Ông Kha này nói chuyện ngược ngạo quá trời. Thôi bây giờ mình nghe anh Vũ nói chuyện âm nhạc đi.”

“Tội lỗi! Tội lỗi!” Tôi nói ngang.

“Cái gì tội lỗi?” Kim hỏi.

“Cái gì đẹp trên đời cõi này cũng đều là nguyên nhân của tội lỗi.” Tôi cười, nhìn cô hầu bàn người Mỹ nhỏ nhắn như một cô gái Việt Nam, mong manh trong chiếc áo mỏng và váy ngắn, di chuyển nhậm lẹ qua các bàn ăn.

“Chẳng hiểu!” Kim nói.

Tôi ngó vào mắt cô, cười cợt:

“Sắp giận tôi, phải không?”

“Tôi không hiểu tại sao tôi còn nói chuyện với ông. Lẽ ra…”

“Hòa bình! Hòa bình! Xin tái lập hòa bình!” Yvette chen vào. “Anh Vũ nói chuyện âm nhạc đi!”


image
Vũ có bộ ria mép dầy, tỉa khéo. Đôi mắt anh sâu và sáng. Anh có nụ cười đau khổ. Khuôn mặt anh gầy, sạm đen, xương xẩu.

“Tôi không phải là người biết nói chuyện. Tôi chỉ thích chơi nhạc và nghe nhạc. Âm nhạc nói được nhiều điều mà ngôn ngữ không diễn tả được.”

“Anh Vũ mà chơi Solveig của Grieg thì không còn gì để nói nữa! Buồn chết được!” Tôi chen vào.

“Anh Kha đến Mỹ từ bao giờ?” Đột nhiên Yvette hỏi.

“Cũng gần hai năm.”

“Anh chỉ mới đến đây hai năm thôi sao?”

“Chị nghĩ là tôi đã đến đây mười hai năm à?”

“Không. Ờ, mà tôi có nghĩ vậy thật. Trông anh không khác gì những người đã đến đây từ năm Bẩy Lăm!”

“Cám ơn chị Yvette. Điều tôi hơi thắc mắc là làm sao phân biệt được người đến Mỹ năm Bẩy Lăm và người đến Mỹ sau Bẩy Lăm?”

“Theo tôi,” Yvette nói, “người đến đây trước Bẩy Lăm thoái mái hơn người đến sau.”

“Thoải mái?” Kim kêu lên. “Kim không thấy mình thoải mái tí nào. Kim có xe đẹp, có nhà cửa và có… có một gia đình tan vỡ. Kim theo đuổi đàn ông và đàn ông theo đuổi Kim. Kim làm người ta đau khổ và Kim đau khổ vì người ta. Kim sợ mỗi buổi tối khi trở về một mình trong căn nhà lạnh lẽo, phải bật đèn, thắp sáng từ trong ra ngoài, vặn tivi, mở nhạc… và sợ hãi thấy mình sao cô đơn. Cho nên khi nào Yvette kêu là Kim chạy đến ngay không do dự… Không. Thoải mái không phải là dấu hiệu để phân biệt người đến trước và người đến sau Bẩy Lăm. Theo Kim, người đến trước có nỗi khổ của người đến trước, người đến sau có nỗi khổ của người đến sau. Không nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Phải không ông Kha?”

“Có lẽ cô Kim nói đúng. Không có nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào, nhưng có điều cái nỗi khổ sau chắc chắn nặng nề hơn cái nỗi khổ trước.” Tôi nói nhưng mắt tôi vẫn nhìn theo những ngọn đèn nhấp nhánh dưới chân đồi.

“Trời ơi, sao mấy người này nói chuyện gì đâu đâu không vậy. Hết chuyện vui rồi sao?”

“Chuyện vui hả?” Tôi hỏi lại. “Gì chớ chuyện vui thì tôi có vô số điều để kể. Trước khi dọn đến quận Cam này, chúng ta đều đã ít nhiều trải qua một vài tiểu bang khác. Tin vui thứ nhất là báo Register hôm qua đã làm một cuộc thăm dò cho biết quận Cam là nơi sinh sống tốt nhất xét về phương diện bạn bè, nhà cửa, láng giềng, việc làm, giải trí và học vấn…”


image
“Không phải vậy đâu, ông Kha nói lộn rồi. Quận Cam chỉ khá hơn quận Los thôi, chứ không phải là tốt so với những quận khác trên nước Mỹ đâu.” Kim bẻ tôi.

“Đúng, cô Kim nói đúng. Nhưng tôi vẫn muốn bảo vệ điều tôi nói, vì muốn mang niềm vui đến cho chúng ta buổi tối hôm nay. Chúng ta đang sống ở quận Cam mà, phải không?”

“Cứ cho là như vậy đi. Nhưng còn chuyện nào vui nữa, kể nghe coi.” Vũ góp chuyện.

“Điều vui thứ hai không phải người Mỹ nào cũng vô ơn coi người già như một gánh nặng xã hội, ít ra vẫn có một người nói một câu nghe được: Những người già hiện nay tại quốc gia này chính là những người đã làm cho Hoa Kỳ trở thành một xứ sở thịnh vượng. Vậy mà chúng ta đã gạt bỏ người già. Chúng ta đã không giúp đỡ họ. Chúng ta đừng quên là chúng ta đang mắc nợ họ. Cô Kim nghĩ sao về câu nói đó của một người Mỹ trẻ?”

“Nghĩ sao là sao? Tôi cảm tưởng đó là câu nói của ông Kha. Ông phịa ra một câu từ ý nghĩ ông, rồi ông gán cho người Mỹ…!”

“Không phải đâu. Cô Kim lầm rồi. Đó là câu nói của một người Mỹ chính cống. Đã đến lúc người Mỹ thấy rằng quan niệm gia đình gồm một người đàn ông, một người đàn bà và một đứa con là một quan niệm phi nhân và cần được xét lại. Người Á Đông đến đất nước này đã tặng cho người Mỹ nhiều thứ trong đó có một cái nhìn đặc biệt về nếp sống gia đình. Theo tôi, có những điều chúng ta phải học nơi người Mỹ, nhưng ngược lại cũng có những điều mà người Mỹ phải học hỏi nơi chúng ta.”

“Tôi không tin là chúng ta có điều gì cần để cho người Mỹ phải học.” Kim nói sau khi đã hớp một ngụm Magarita. “Trái lại chúng ta cần phải học nơi người Mỹ nhiều điều.”

“Chẳng hạn như…”

image
“Chẳng hạn như người Mỹ dạy ta tôn trọng đời sống cá nhân một cách tuyệt đối, trong khi nơi người Việt chúng ta, đời sống cá nhân bị tước đoạt một cách tàn nhẫn. Người đàn bà Việt Nam đâu có quyền ngang với đàn ông. Cái dở nhất của người Việt Nam là thói chồng chúa vợ tôi. Nếu người đàn ông được quyền ngoại tình thì tại sao người đàn bà không được làm như thế?”

“Theo cô Kim thì tại sao người đàn bà không được làm cái mà người đàn ông được phép làm?”

“Tôi không biết, nhưng tôi cảm thấy người đàn ông Việt Nam quá cổ hủ. Bọn Mỹ nó bảo vệ vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong xã hội một cách công bình nhất. Cái gì người đàn ông làm được, người đàn bà cũng làm được.”

“Chẳng hạn như?”

“Có luật sư đàn ông thì cũng có luật sư đàn bà. Có bộ trưởng đàn ông thì cũng có bộ trưởng đàn bà. Đàn bà làm thủ tướng, tổng thống. Đàn bà lái xe buýt, xe trắc…. Đàn bà bay trong không gian… Đàn bà làm chủ báo… Ông Kha có đọc báo bữa hôm qua không? Trường Võ Bị West Point khóa này có hai chị em song sinh Tracy và Tara Miller đều tốt nghiệp. Oai không thể tưởng. Trời ơi, thế giới này sẽ ra sao nếu thiếu đàn bà?”


image
“Cô Kim nói không sai. Nhưng tôi cũng có lúc lẩn thẩn tự hỏi thế giới này sẽ ra sao nếu thiếu cái bọn đàn ông ngu xuẩn là chúng tôi?”

“Sao gọi là ngu xuẩn?” Vũ quay mặt lại nhấc điếu thuốc ra khỏi môi, hỏi tôi.

“Tôi gọi bọn đàn ông ngu xuẩn, bởi vì người đầu bếp nấu ăn ngon nhất thế giới, bác thợ may tài giỏi nhất, nhà giải phẫu thẩm mỹ xuất sắc nhất… hình như đều là đàn ông. Hắn ta làm đẹp cho người đàn bà và hắn ta chết vì sắc đẹp đó.”

“Ông Kha nói nghe hay, nhưng tôi chỉ đồng ý có một nửa thôi.” Kim rút một điếu thuốc Benson đập đập lên mặt đồng hồ.

Tôi bật diêm cho cô. Ánh sáng lóe lên chiếu một khuôn mặt hơi tái vì gió lạnh. Kim nhả khói, ngó xuống thành phố điện phía dưới chân đồi.

“Người đầu bếp nấu ăn ngon chỉ là tên đao phủ thủ của sắc đẹp mà thôi. Người đàn bà đẹp phải là người thanh cảnh, chớ đâu phải như cái thùng tô nô lăn đi, lăn đi… Ông Kha, ông có thích những người đàn bà mập không?”

“Cám ơn cô Kim. Tôi sẽ cố gắng để thích nếu chẳng may có một người yêu mập.” Tôi khôi hài.

Đêm đã lạnh lắm. Mấy người Mỹ ngồi bàn bên đã lục tục đứng lên.

Tôi cầm áo, choàng lên vai Kim. Vũ nhấc ghế cho Yvette đứng dậy. Cả bọn kéo nhau ra, khi một đám choai choai Mỹ ăn mặc phong phanh bước tràn ra sân.

Đêm Cali trên một ngọn đồi cao lạnh lẽo.





Nguyễn-Xuân Hoàng

[*]Một Chút Mặt Trời Trong Nước Lạnh, tiểu thuyết của Francoise Sagan, nhà văn nữ Pháp. Bà cũng là tác giả của một tác phẩm nổi tiếng khác:Bonjour Tristesse - Buồn Ơi, Chào Mi.


image

Hội Nghị Thượng Đỉnh Geneva về Nhân Quyền và Dân C...
Phát triển trước, dân chủ sau
Thăm kênh đào Panama
Thông báo: Giả danh Linh Mục Giáo phận Phan Thiết
Tấm gương mục tử
Những hình ảnh đẹp của các linh mục Ukraine
Loài chó hiểu được cảm xúc của con người
Vì sao 'dân ta không được học sử ta'?
Hai câu chuyện về cái “tủ sách” và cái “tủ rượu”
Bitcoin: thông minh nhưng vô dụng?
Hành trình xác tín của một tu sĩ công giáo
Tiền thế chân Bail & bond
Người dự UPR bị tịch thu hộ chiếu
Hình ảnh Kiev trước và sau bạo loạn đẫm máu
Bệnh GOUT đến từ đâu ?
Người Việt trước ý đồ Hán hóa
Người CS có thể cải sửa, chế độ CS thì không
Việt Nam giữa ý thức hệ và chủ nghĩa quốc gia
9 quốc gia sau đây đều mang "chữ nhất” trên thế gi...
Một Chỉ huy trưởng Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt
10 điều quyết định sức khỏe khi thức giấc
Giải mã: các ký hiệu trên đồ nhựa
Thiền Sư Tuệ Sỹ: Trí thức phải nói
Sự 'giống nhưng khác' của các cặp sinh đôi
Trận chiến chính trong thế kỷ 21
Câu chuyện bát mì
Thằng Ngốc
Facebook và nỗi ám ảnh của nhà cầm quyền
Người đi trên đống tro tàn
Trò chuyện với tác giả ‘Còn cái lai quần cũng cạp’...
Wanted By The FBI: Son Nguyen USA
Bi hài chuyện: nhà vệ sinh Thế Vận Hội Sochi
Ai kiềm hãm dân chủ?
Con HẠC Trắng
Phim tài liệu 'Những Ngày Cuối Cùng ở Việt Nam' tạ...
Gia đình của những người không gia đình
Tại sao đàn chim bay theo đội hình chữ V
Ngày họp mặt và tri ân Thương phế binh VNCH ở Sài ...
Ngôi sao điện ảnh Shirley Temple qua đời
Kỳ tích của hai anh em gốc Việt sống trong khu “ổ ...

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.