Kính
thưa quí vị,
Hân
hạnh gửi đến quý vị một vài ý nghĩa phiến diện về những điều đè nặng tâm trí
tôi trong suốt thời gian ở tù. Nhưng điều trước tiên tôi muốn bày tỏ ở đây là
sự tri ân của tôi đối với đồng bào hải ngoại, với sự cộng tác của quốc tế, đã
can thiệp một cách có hiệu quả khiến cho bản án tử hình dành cho tôi trở thành
bản cáo trạng dành cho những người tự cho có quyền xét xử tôi và phán xét những
người đã hành động theo lương tâm. Tiếp theo, sự can thiệp đã khiến cho Nhà
Nước Cộng Sản Việt nam phải tuyên bố trả tự do cho tôi, nhưng nhiều người bạn
tù của tôi vẫn còn bị khổ trong các trại tù. Trong số đó có nhiều người bị giam
cầm gần 25 năm, vượt quá thời hạn mà luật Hình sự của Nhà nướcViệt Nam quy định
đối với việc thi hành các bản án giam giữ có thời hạn.
Ở
đây, tôi cũng xin bầy tỏ sự cảm kích sâu xa đối với các cộng đồng Việt Nam hải ngoại đang đấu tranh cho một nước Việt Nam trong sáng
và tự do. Tôi cũng xin gởi lời cảm ơn đến các nhân sĩ Hòa Lan, trong tình cảm
nhân loại đã trực tiếp can thiệp với chính phủ Việt Nam cho tôi được sang thăm
viếng đất nước Hòa Lan, để có thể có điều kiện tự do hơn nói lên tiếng nói thầm
lặng mà đã một phần tư thế kỷ bị bóp nghẹt.
Trong
những năm gần đây, trước cả khi tôi được lịnh phải rời khỏi nhà tù để trở về
chùa, có rất nhiều đồng bào ta từ nước ngoài về thăm và càng ngày càng chứng
kiến những đổi thay được nói là đáng khích lệ. Khích lệ theo chiều hướng nào,
còn tùy theo cách nhìn mỗi người. Riêng tôi, tôi không có được may mắn là chứng
nhân trực tiếp trước những thay đổi của đất nước, mặc dù tôi đang sống trong
lòng quê Cha đất Tổ. Đó là điều tốt hay xấu, cũng còn tùy cách nhìn của mỗi
người.
Mặc
dù không có cái may như nhiều đồng bào sau khi sống tự do 15, 20 năm ở nước
ngoài về thăm quê, thấy được những đổi thay từ trên thượng tầng, thấy được sự
giầu sang của đất nước qua những tiện nghi vật chất từ các khách sạn năm sao
dành cho cán bộ cao cấp và khách nước ngoài, từ những tiếp đón niềm nở và linh
đình của những nhân vật thuộc thượng tầng xã hội, với những đặc quyền xã hội mà
điều kiện chính trị dành cho, nhưng tôi có cái "may mắn" khác - nếu
cho đó là may mắn - được sống chung trong một thời gian rất dài với thành phần
được xem là "cặn bã" của xã hội. Chính từ xã hội gọi là cặn bã ấy tôi
đã chứng kiến những đổi thay trong nhà tù như là ảnh chiếu của những "đổi
thay to lớn" của đất nước. Sự chứng kiến đơn giản và dễ hiểu thôi
Cũng
như người ta chỉ cần nhìn vào rác rưởi phế thải được dồn ra sân sau mà có thể
biết những thứ đã được tiêu thụ ở sân trước. Chúng tôi, một số người từ lâu đã
được học tập để thành thói quen suy nghĩ số phận dân tộc từ những đống rác, đã
tự mình đặt thành nhiều câu hỏi cho lương tâm nhân loại, cho ý nghĩa tiến bộ
của xã hội loài người, và trên tất cả là một câu hỏi lịch sử: "Đất nước đã
thấm bao nhiêu xương máu của bao nhiêu thế hệ ông cha và bè bạn để dồn lại
thành những đống rác như thế, những đống rác càng ngày càng to phình lên một
cách khủng khiếp".
Việt
Nam
đang là một đống rác khổng lồ. Đó không phải là ý nghĩ riêng của tôi, mà là nhận
xét của nhân vật cao cấp nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam . Đây không phải là ý nghĩa kinh
tế. Nó bao trùm tất cả mọi khía cạnh đời sống: văn hóa, chính trị, và cả tôn
giáo. Vậy thì, một câu hỏi cần phải được đặt ra cho những ai còn có chút tự
trọng dân tộc: Tại sao một dân tộc luôn luôn tự hào với truyền thống bốn nghìn
năm văn hiến, bỗng nhiên để cho đất nước mình trở thành một đống rác, kho chứa
tất cả những gì xấu xa nhất của nhân loại văn minh? Nguyên nhân từ đâu và do ai?
Trong
gần mười lăm năm trong tù, điệp khúc tôi phải thường xuyên học tập để ca
ngợi tính can đảm của đảng Cộng Sản Việt Nam : "Cán bộ làm sai, đảng
tri... Đảng làm sai, đảng sửa." Tôi cũng thường xuyên trả lời: Đó
không phải là sự can đảm, mà là thái độ cai trị khinh dân; xem dân như là
vật thí nghiệm cho những tư duy không tưởng, học thuyết viễn vông của mình.
Tôi
cũng thường xuyên bị học tập rằng, chính sách đoàn kết dân tộc của đảng là
làm cho "dân tin đảng và đảng tin dân." Tôi cũng thường xuyên
trả lời: làm cho dân tin đảng; đó là điều tất nhiên và dễ hiểu thôi vì có đáng
tin thì người ta mới tin được; vì đảng cần được dân tin tưởng để tồn tại, dù
chỉ là tin tưởng giả tạo. Nhưng "dân tin đảng" có nghĩa là thế nào?
Nếu đảng không tin dân thì đảng xử lý dân như thế nào? Câu trả lời thực tế: Cả
nước trở thành một nhà tù vĩ đại.
Ngày
nay, khi không còn ở trong nhà tù nhỏ như mười lăm năm trước nữa, tôi không còn
có điều kiện để được lên lớp chính tri. Tôi hy vọng đảng Cộng Sản Việt Nam
không còn có cái can đảm như xưa, để thử nghiệm học thuyết của mình thêm nhiều
lần nữa; và cũng không thi hành chính sách "đại đoàn kết" như xưa, để
dân có thể sống tự tại mà không bị đảng nghi ngờ.
Mặc
dù có những thay đổi lớn nhìn từ góc độ nào đó, nhưng thực tế tôi biết chắc
rằng có một điều không thay đổi. Đó là: "đảng Cộng Sản vẫn tự coi mình là
ân nhân của dân tộc và do đó có độc quyền quyết định số phận của dân tộc"(mà
là ân nhân hay tội đồ gì thì quần chúng và lịch sử trước mặt sẽ phán xét). Đó
là điểm khác biệt với các chế độ chuyên chính lừng danh trong lịch sử.
Đây
cũng chính là nguyên nhân của một trong những điều mà các đảng viên bảo thủ cho
là "rác rưới tư bản". Điều đó là nạn tham nhũng. Bởi vì, quan
liêu, hách dịch, thái độ kẻ cả ban ơn, vừa là bản chất và vừa là dưỡng chất của
tệ nạn tham nhũng của Việt Nam
hiện nay.
Mọi
tội phạm xảy ra đều do một bên gây hại và một bên bị hại. Trong tham nhũng, mới
nhìn thì không có ai bị hại một cách rõ ràng. Trước mắt, người đưa hối lộ và người
nhận hối lộ đều nhận được những điều lợi nhất định.
Như
vậy người bị hại chính là quần chúng, không đủ đặc quyền để tham gia nhằm hưởng
lợi trực tiếp từ nạn tham nhũng. Nghĩa là những thành phần cùng khốn của xã hội
chẳng có gì để cho, nên chẳng nhận được gì, vì vậy họ trở thành nạn nhân. Tính
cá biệt của nạn nhân tham nhũng ở Việt Nam hiện tại là do thái độ ban ơn
của những kẻ có chức quyền đối với "thần dân" dưới sự cai trị của
mình.
Tham
nhũng ở Việt Nam
không chỉ là thỏa thuận song phương để dành những hợp đồng kinh tế béo bở. Nó
bòn rút xương tủy của nhân dân; những người cùng khốn phải còng lưng lao động
để có tiền đóng thuế.
Tham
nhũng là gốc rễ của các tệ nạn xã hội khác. Vì nó tổ chức bao che và nuôi dưỡng
chung. Nó xói mòn mọi giá trị đạo đức truyền thống. Bảo vệ hay phát huy văn hóa
dân tộc trên cơ sở đó chỉ là lá chắn cho tệ nạn tràn lan mà thôi.
Tôi
nói, tham nhũng là sân sau của quyền lực. Bởi vì chính những người dân cùng
khốn, là tiếng nói luôn luôn bị áp chế bằng sự dọa nạt, là những người bị trấn
áp bởi bạo quyền chuyên chính khốc liệt nhất, nhưng cũng lặng lẽ chịu đựng
nhất. Đó là những chứng nhân cho mặt trái của tham nhũng và quyền lực; nạn nhân
trực tiếp của tất cả sự áp chế của nó đối với giá trị nhân phẩm.
Có
lẽ tôi muốn kể lại đây một câu chuyện thương tâm, để chúng ta hiểu phần nào bản
chất tham nhũng trong một chế độ thường tự hào là không có người bóc lột người.
Chuyện xảy ra trong trận lụt vào cuối năm vừa qua.
Tại
xã Hương Thọ huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên có một gia đình nghèo khổ sống
lênh đênh trên một chiếc đò. Khi cơn lụt ập đến, gia đình này là duy nhất có
ghe ở địa phương miền núi này, do đó đã vớt được trên 80 người khỏi cảnh chết
chìm. Sau nước rút, thỉnh thoảng có vài phái đoàn đến cứu trợ.
Các
gia đình khác đều nhận được cứu trợ. Chỉ trừ gia đình anh. Lý do:không có hộ
khẩu, vì lâu nay gia đình này nghèo quá, phải sống "vô gia cư"
phiêu bạt trên các sông suối nên không có hộ khẩu thường trú. Dân làng biết ơn
anh, xin chính quyền địa phương cấp hộ khẩu cho. Nhưng thiếu điều kiện nhập hộ:
gia đình anh không có đủ 400,000 đồng VN để hối lộ. Khi các thầy của tôi lên
cứu trợ, dân làng tự động đến tường thuật sự việc để các thầy giúp đỡ. Các
thầy giúp đủ số tiền, nhưng với điều kiện phải giấu kín nguồn gốc. Vì sẽ còn
nhiều vấn đề rắc rối khác.
Điều
tôi muốn nói ở đây không phải nhắm đến tệ nạn tham nhũng. Mà là nhân cách của
gia đình nghèo khốn ấy; và thái độ chịu đựng sự bất công một cách thầm lặng
đáng kính phục. Dù sống dưới mức tận cùng khốn khổ, anh vẫn giữ vẹn giá trị
nhân phẩm của mình. Làm ơn cho nhiều người, nhưng không kể ơn để được đền bù.
Chỉ có dân làng biết ơn và tự động đền đáp. Nhưng dân ai cũng nghèo khổ và lại
gặp hoạn nạn như nhau, lấy gì chu cấp cho nhau?
Khắp
cả đất nước này, có bao nhiêu trường hợp như vậy. Đó là những cuộc sống ở sân
sau của quyền lực, sống trong bóng tối của xã hội. Nếu họ không lên tiếng, ai
biết họ ở đây. Nhưng họ lại không lên tiếng. Vì không thể, hay vì không muốn?
Do cả hai. Điều mà quý vị biết rõ là tôi đang nói chuyện ở đây cũng chỉ là cách
nói "lén lút qua mặt chính quyền." Tôi chưa biết ngày mai của
tôi ra sao, khi những điều tôi nói không làm hài lòng Đảng và Nhà nước.
Hoàn
cảnh đất nước Việt Nam
như thế cho nên dân ta phải chịu quá nhiều đau thương và tủi nhục. Đối với
giới trí thức nói riêng, mà xã hội Việt Nam truyền thống rất tôn trọng, điều
tủi nhục lớn nhất là họ không thể thay những người dân thấp cổ bé miệng nói lên
một cách trung thực tất cả những uất ức, những khổ nhục mà họ phải chịu.
Bởi
vì, tại Việt Nam
ngày nay những người có thể nói thì ngòi bút đã bị cong; những người muốn nói
thì ngòi bút đã bị bẻ gẫy.
Nhưng
tôi biết rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử: Trí thức
chân chính của Việt Nam
không bao giờ khiếp nhược.
Trân
trọng kính chào quí vị.
Tu
Viện Quảng Hương, Sài Gòn, VN
ĐÔI
NÉT VỀ HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ
GIẢI
NHÂN QUYỀN VIỆT NAM 2005
Hòa
Thượng Thích Tuệ Sỹ
Hòa
Thượng Thích Tuệ Sỹ, tên thật là Phạm Văn Thương, sinh năm 1943 tại tỉnh Pakse,
nước Lào.
Từ
năm 6 tuổi Thầy đã học giới Sa Di ở Huế. Năm 12 tuổi Thầy về Sài Gòn, sau đó
trở lại tu học ở chùa Từ Đàm tại Huế, Phật Học Viện ở Nha Trang, rồi về thiền
viện Quảng Hương Già Lam tại Gò Vấp. Thầy tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài
Gòn năm 1964 và Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1965. Thầy được đặc cách bổ nhiệm
Giáo Sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu
và những khảo luận triết học có giá trị rất cao, như Đại Cương Về Thiền Quán,
Triết Học Về Tánh Không. Thầy rất giỏi về chữ Hán và biết nhiều ngọai ngữ như
Anh, Pháp, Đức, thông thạo tiếng Pali và tiếng Phạn.
Thầy
Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa. Thầy làm
nhiều thơ, chơi dương cầm, viết một số truyện ngắn đặc sắc. Thầy ở trong Ban
Biên Tập của tạp chí Khởi Hành và là chủ bút tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học
Vạn Hạnh.
Thầy
say mê hai bộ kinh Pháp Hoa và Duy Ma Cật, chứa đầy những vị Bồ Tát xả thân vào
đời để cứu nhân độ thế. Với những ảnh hưởng cao đẹp của các vị đó, Thầy Tuệ Sỹ
đã xả thân cứu đời, tích cực tranh đấu ôn hòa cho quyền của con người và bảo vệ
Phật Pháp sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam từ năm 1975. Và thầy đã trở
thành một cái gai trước mắt nhà cầm quyền cộng sản.
Sau
năm 1975, Thầy Tuệ Sỹ về Nha Trang làm rẫy. Đến năm 1977 Thầy vào Sài Gòn sống
ở chùa Già Lam. Đầu năm 1978, Thầy bị nhà cầm quyền cộng sản bắt giam trong nhà
tù cải tạo cho tới đầu năm 1981.
Ba
năm sau Thầy lại bị bắt cùng với giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 17 tăng ni,
sĩ quan cũ của Quân Lực VNCH. Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng
9 năm 1988, không có luật sư biện hộ, CSVN đã kết án tử hình hai thầy Tuệ Sỹ và
Trí Siêu vì tội âm mưu võ trang lật đổ chính quyền qua việc lập ra tổ chức Mặt
Trận Nhân Quyền Việt Nam. Chùa Già Lam bị công an vây bắt người, tịch thu tài
sản.
Nhờ
sự tranh đấu tích cực của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải giảm án
xuống còn chung thân khổ sai. Tháng 10-1994, cùng với 200 tù nhân, Thầy tham
gia biểu tình đòi gặp phái đòan Liên Hiệp Quốc và đòi hỏi các quyền khác, nên
bị Cộng Sản đầy ra Bắc. Thượng Tọa Tuệ Sỹ đã được tổ chức Human Rights Watch
trao giải thưởng tranh đấu cho nhân quyền Hellman-Hammet Awards ngày 3-8-1998.
Năm 1998, Hà Nội phóng thích thầy cùng với một số người khác. Trước khi thả,
nhà cầm quyền CS yêu cầu Thầy ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ Tịch
Trần Đức Lương. Thầy trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền
ân xá tôi.” Công an nói không viết đơn thì không thả, Thầy không viết và tuyệt
thực. Hà Nội đã phải phóng thích Thầy sau 10 ngày tuyệt thực.
Tháng
4 năm 1999, Hòa Thượng Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, đề cử Thầy Tuệ Sỹ
làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. Ngày 14-9-1999 Công An bắt Thầy lên trụ sở làm
việc về “những hành động phạm pháp” phát hiện trong máy vi tính của Thầy bị
tịch thu. Thầy Tuệ Sỹ phản đối những lời vu cáo của Công An trong khi bị thẩm
vấn.
Với trách nhiệm Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thầy Thích Tuệ Sỹ hiện nay
là một trong những nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là
người đóng góp rất nhiều cùng với nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích
Quảng Độ trong công cuộc đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Giao Điểm là Ai? |
Bài post của tác giả thật hoàng hảo, cám ơn bạn đã share.
ReplyDeleteTrang tham khảo : Thiền