Monday, February 24, 2014

Bitcoin: thông minh nhưng vô dụng?

image
Hầu hết mọi người, kể cả những “kẻ thù” của Bitcoin, đều phải công nhận Bitcoin là một sản phẩm của trí tuệ đặc biệt thông minh. Bitcoin là gì? Nói nôm na, Bitcoin có thể hiểu là một loại tiền điện tử do một số cá nhân tạo ra, không liên quan đến bất cứ chính phủ nào.

Trên nguyên tắc, ai nếu muốn cũng có thể tạo ra một loại tiền điện tử, vấn đề là nó có được người khác chấp nhận hay không. Trước Bitcoin cũng có nhiều loại tiền điện tử, ngay cả Facebook cũng tạo ra một loại tiền điện tử là Facebook Credits, tuy nhiên đều không thành công. Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên thành công ở góc độ nó hấp dẫn một lượng lớn số người khắp nơi trên thế giới.

Nó hơn gì các loại tiền điện tử khác? Và tại sao nó lại được coi là thông minh? Nếu xem lại khởi thuỷ của ý tưởng này, từ sách trắng của Satoshi Nakamoto (người sáng lập Bitcoin) được đưa lên mạng năm 2008, có thể thấy mục tiêu ban đầu của Satoshi không phải là tạo ra một hệ thống tiền tệ mới thay thế các hệ thống tiền tệ truyền thống (như nhiều đệ tử nhiệt thành của Bitcoin vẫn hay ca tụng). Satoshi chỉ muốn tạo ra một hệ thống thanh toán, chuyển tiền online an toàn, rẻ, và không cần đến các định chế tài chính can thiệp vào, và hướng đến các giao dịch online có giá trị nhỏ.

Đứng trên góc độ này, dễ thấy việc chuyển tiền, nhất là chuyển từ nước này sang nước khác, và giữa các hệ thống ngân hàng khác nhau, khá tốn kém. Các “bên thứ ba” như các ngân hàng, các công ty tín dụng (Visa, Master Card, American Express…) hay các công ty chuyển tiền (như Western Union) đều tính phí cao và mất nhiều thời gian. Một hệ thống như Satoshi đề xuất sẽ làm cho mức phí này giảm đến mức tối thiểu (thậm chí miễn phí) và thời gian chuyển tiền nhanh hơn rất nhiều. Vì thế, trên nguyên tắc nếu triển khai thành công thì nó là một sự đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.

Thực ra ý tưởng của Satoshi về hệ thống thanh toán online trực tiếp (không qua các trung gian định chế tài chính) trên thực tế không cần phải tạo ra một loại tiền mới. Nó có thể vận hành với một loại tiền có sẵn (thí dụ USD). Tuy nhiên, Satoshi đã thành lập Bitcoin, và tạo ra một loại tiền mới.

Hệ thống Bitcoin vận hành như thế nào?
image 
Thử tưởng tượng vào thời điểm đầu, khi các lập trình viên đầu tiên của Bitcoin tạo ra hệ thống này, mỗi người có trong tay một số lượng Bitcoin nhất định. Giao dịch đầu tiên của hệ thống này diễn ra giữa Laszlo Hanyecz, một lập trình viên của nhóm, và một tình nguyện viên lập trình ở Anh. Laszlo gửi cho người tình nguyện viên này 10 nghìn Bitcoin qua hệ thống, người tình nguyện viên này sau đó đã mua cho Laszlo 2 chiếc pizza từ tiệm Papa Johns trị giá 25 USD. Như vậy, tại thời điểm khởi nguồn, 400 Bitcoin đổi được 1 USD. Hai chiếc pizza do Laszlo mua hồi năm 2009 nếu tính theo giá trị của Bitcoin tại thời điểm cao nhất lên tới … 12 triệu USD.

Để hệ thống này vận hành, phải có người chuyển tiền, người nhận tiền, và một hệ thống các đầu mối (nodes) với vai trò xác thực giao dịch. Người nhận tiền và người chuyển tiền thì dễ hiểu, nhưng tại sao lại cần người xác thực giao dịch?

Trong một giao dịch tiền tệ thông thường, ngân hàng đóng vai trò trung gian. Ngân hàng khấu trừ tiền trong tài khoản của người gửi và cộng tiền vào tài khoản của người nhận. Trong hệ thống Bitcoin, không có ai đóng vai trò trung gian của ngân hàng.

Vì thế, để xác thực giao dịch, hệ thống Bitcoin phải dựa trên toàn bộ các giao dịch đã được xác thực trên Bitcoin tính từ điểm khởi đầu của hệ thống. Lịch sử đầy đủ của các giao dịch đã được xác thực tại một thời điểm sẽ cho biết chính xác người chuyển Bitcoin có đủ số Bitcoin muốn chuyển hay không. Nhưng việc này cũng chưa đủ.

Lý do là, giả sử Nam muốn chuyển một nghìn Bitcoin cho Việt để mua một sản phẩm từ Việt (thí dụ một chiếc Ferrari đời mới). Nam sẽ làm một lệnh. Nhưng nếu Nam muốn ăn gian, Nam có thể làm 2 hoặc nhiều lệnh. Nam làm một lệnh chuyển một nghìn Bitcoin cho Việt, và ngay sau đó làm một lệnh chuyển một nghìn Bitcoin cho chính Nam. Hệ thống phải ghi nhận được giao dịch nào là giao dịch được thực hiện trước và ghi nhận giao dịch đó là giao dịch được xác thực. Nhưng vì không có một trung gian duy nhất như ngân hàng đóng vai trò ghi nhận, “hệ thống” đó là gì, và làm thế nào để ghi nhận giao dịch?

Các node (đầu mối) sẽ đóng vai trò này. Hệ thống Bitcoin phải cần rất nhiều node để không có node nào có thể đóng vai trò trung gian như ngân hàng. Lý do là bất kỳ ai cũng có thể trở thành một node chỉ bằng cách mua một dàn máy tính có cấu hình mạnh, tải và chạy chương trình của Bitcoin. Nếu một vài node có thể chi phối hệ thống, các node này sẽ có khả năng can thiệp và giúp cho việc xác thực giao dịch một cách gian lận. Thí dụ, node này có thể xác thực Nam chuyển cho Việt một nghìn Bitcoin để Việt chuyển hàng cho Nam, sau đó node này lại đảo ngược quy trình và xác nhận Việt chuyển cho Việt một nghìn Bitcoin trước khiến cho lệnh Nam chuyển cho Việt trở nên vô giá trị (và như thế Việt mất một nghìn Bitcoin và bị lừa).

image
Satoshi Nakamoto nghĩ ra một phương pháp độc đáo tước đi khả năng can thiệp của bất kỳ node nào vào hệ thống. Mỗi khi một lệnh được phát đi, nó phát tới tất cả các node. Mỗi node sẽ tổng hợp tất cả các lệnh gửi trong một khoảng thời gian nhất định thành một khối lệnh (block). Để khối lệnh này được toàn bộ hệ thống Bitcoin công nhận là khối lệnh được xác thực, node này phải giải một bài toán do hệ thống Bitcoin tạo ra. Bài toán này khó đến nỗi nếu một node tự giải nó sẽ mất nhiều năm. Vì có hàng trăm nghìn nodes tham gia giải, thời gian này được giảm xuống còn 10 phút. Khi có một node tìm được lời giải cho bài toán, block đó sẽ được công nhận là đã được xác thực.

Do có hàng trăm nghìn node tham gia giải bài toán, cuộc chơi của họ giống như chơi xổ số với thường là chỉ một người trúng giải (giải được bài toán). Sẽ không có node nào biết được block mà mình tạo ra có được xác thực hay không, vì thế khả năng can thiệp của một node vào hệ thống là gần như bằng không.

Sau khi một block được xác thực, tất cả các lệnh chuyển tiền trong block đó sẽ được xác thực và cập nhật vào lịch sử các giao dịch đã được xác thựcvà các lệnh chuyển tiền sau đó phải dựa trên lịch sử các giao dịch đã được xác thực đã được cập nhật này.

Với một hệ thống vận hành như vậy, Việt sẽ chờ đến khi lệnh chuyển tiền từ Nam được xác thực thì Việt mới biết chắc là Nam mới chuyển tiền cho mình, và mới chuyển hàng cho Nam. Để lừa đảo, Nam sẽ phải can thiệp được vào hệ thống, và đảo ngược lại quy trình trên, một điều bất khả thi trừ phi Nam có một hệ thống máy tính mạnh đến nỗi khả năng tính toán của nó bằng khả năng tính toán của toàn bộ các node khác cộng lại. Tức là Nam phải chiếm tới 50% khả năng tính toán của toàn bộ hệ thống các node của Bitcoin, một điều mà từ trước tới giờ chưa bao giờ xảy ra.

Do đó, động cơ lừa đảo của Nam bị triệt tiêu. Khi Nam chuyển tiền cho Việt, Nam phải thực sự vẫn còn một nghìn Bitcoin và chuyển một nghìn Bitcoin này đi và không bao giờ có hi vọng lấy lại được. Đây là giá trị cốt lõi của giải pháp do Satoshi nghĩ ra.

Và vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Bitcoin được mọi người ca ngợi là một sáng tạo hết sức thông minh. Thế nhưng tại sao lại vô dụng? Để tìm hiểu vấn đề này tôi sẽ quay lại vào một bài viết khác trong thời gian tới.


Bitcoin: Công cụ làm giàu hay sáng tạo vô dụng?

image
Trong một phân tích đăng tải lần trước, tôi đã giới thiệu cỗ máy vận hành của Bitcoin, tại sao nó ra đời, và bản chất của nó là gì. Trong bài này tôi sẽ bàn thêm về giá trị của nó đối với cá nhân và xã hội.

Hai vấn đề lớn

Có hai vấn đề hóc búa đối với giải pháp của Satoshi: Thứ nhất là các cá nhân mua máy móc thiết bị để trở thành một node để làm gì? Họ đầu tư và họ phải được nhận thứ gì đó. Các ngân hàng trong thế giới bình thường đóng vai trò trung gian để hưởng phí giao dịch. Các chủ nhân của các node cũng phải được thù lao từ khoản đầu tư họ bỏ ra.

Satoshi đã nghĩ ra cách vừa để hệ thống tự tạo ra Bitcoin mới và vừa để tạo thù lao cho những người tham gia đóng vai trò xác thực giao dịch. Họ được gọi là các “thợ đào” (miners), lý do là họ có xác thực được một block hay không cũng tựa như có trúng số hay không, hay có may mắn đào được vàng hay không. Khi các thợ đào này xác thực được một giao dịch, hệ thống sẽ tạo ra một số Bitcoin thưởng cho họ. Thí dụ, tại thời điểm khởi nguồn của Bitcoin, một block được xác thực sẽ tạo ra 50 Bitcoin cho thợ đào thành công. Vì cứ mỗi 10 phút lại có một block được xác thực, mỗi ngày hệ thống tạo ra 720 nghìn Bitcoin mới, và một năm tạo ra 2,628 triệu Bitcoin mới.

Để khống chế số Bitcoin trong hệ thống không nhiều một cách vô tội vạ, Satoshi quy định cứ 4 năm số Bitcoin mới tạo ra cho một block được xác thực thành công sẽ giảm xuống còn một nửa. Với cách này, Satoshi khống chế số Bitcoin tối đa ở mức 21 triệu Bitcoin. Hệ thống sẽ đạt được con số này vào năm … 2140.
image 
Như vậy, câu hỏi đầu cơ bản được giải, các “thợ đào” đầu tư máy móc tham gia xác thực các giao dịch để hưởng Bitcoin thưởng khi họ xác thực thành công một block. Vì ngày càng nhiều người tham gia “đào” và số Bitcoin thưởng cho mỗi lần “đào” thành công giảm dần, việc kiếm Bitcoin thưởng ngày càng khó khăn.  Về lâu dài, để duy trì được nhiệt huyết của các “thợ đào”, người làm lệnh chuyển Bitcoin cho người khác sẽ phải trả phí giao dịch. Tuy nhiên hiện nay phí giao dịch vẫn bằng không.

Vấn đề khó khăn thứ hai là hệ thống Bitcoin có vẻ như chỉ bảo vệ người bán chứ không bảo vệ người mua. Người bán nhận được thông tin việc chuyển tiền từ bên mua đã được xác thực, và hệ thống của Bitcoin mô tả ở trên khiến cho bên bán không sợ bị lừa. Thế nhưng còn người mua thì sao? Làm sao người mua biết được rằng sau khi mình trả tiền rồi thì hàng sẽ đến tay?

Câu trả lời là...đã nhiều người mua bị ăn quả lừa từ phía người bán. Tiền chuyển đi mà hàng không về. Để bảo vệ người mua, Bitcoin có cơ chế “tài khoản phong toả” theo đó xuất hiện một bên thứ 3 đóng vai trò kiểm chứng. Người bán chỉ nhận được Bitcoin khi bên kiểm chứng xác nhận hàng đã chuyển. Tuy nhiên, cơ chế này lại đẻ ra cái mà hệ thống Bitcoin ngay từ đầu muốn xoá bỏ… đó là bên thứ 3. Lại phải xuất hiện một bên thứ 3 đủ uy tín mới bảo vệ được quyền lợi của bên mua và bên thứ 3 này lại sẽ tính phí dịch vụ. Nếu bên thứ 3 là đồ dỏm, bên thứ 3 có thể cấu kết với bên bán để lừa bên mua.

Bởi vì có phí kiểm chứng, người mua trong các giao dịch nhỏ thường không dùng dịch vụ kiểm chứng. Vì thế vẫn thường xảy ra là họ bị bên bán lừa không giao hàng sau khi đã nhận được tiền. Cũng vì chưa có bên thứ 3 nào đủ lớn, đủ uy tín để bảo lãnh, các giao dịch mua bán sử dụng Bitcoin cho tới nay vẫn là các giao dịch có giá trị rất nhỏ, rất vặt vãnh.

Họ đã kiếm tiền từ Bitcoin như thế nào?

image
Muốn kiếm tiền từ Bitcoin thì phải có Bitcoin. Chỉ có hai cách để có Bitcoin là đi “đào” Bitcoin, hoặc mua lại Bitcoin của người khác (bằng tiền hoặc đổi bằng hàng hoá).

Trước đây, đã có nhiều người kiếm hàng triệu  từ Bitcoin. Họ bao gồm hai nhóm. Nhóm một là những “thợ đào” Bitcoin. Nhóm thứ hai là những nhà đầu cơ Bitcoin – những người mua lại Bitcoin từ các thợ đào từ nhiều năm trước.

Đứng đầu nhóm thợ đào có lẽ là Satoshi Nakamoto, biệt danh của cá nhân hoặc tổ chức sáng lập ra Bitcoin. Chỉ tính riêng trong năm 2009, Satoshi được cho là đã “đào” được khoảng từ 1 triệu Bitcoin  đến xấp xỉ 1,15 triệu Bitcoin (và không tiêu số Bitcoin này đi), tương đương khoảng 1,2 đến 1,4 tỷ USD tại thời điểm giá Bitcoin cao nhất (1,200 USD cho mỗi Bitcoin).

Với các nhà đầu tư Bitcoin, nhiều người đã thành triệu phú. Charlie Shrem (24 tuổi) là một ví dụ. Charlie tốt nghiệp đại học năm 2011, và với 10 nghìn USD vay của mẹ mình, anh đã đầu tư vào Bitcoin. Trong năm này, giá Bitcoin có lúc xuống dưới 0,5 USD/Bitcoin. Khi giá Bitcoin tăng, Charlie Shrem đã trở thành triệu phú, tổng giám đốc một công ty hỗ trợ buôn bán Bitcoin, và phó chủ tịch Quỹ Bitcoin (Bitcoin Foundation).

Đó là chuyện của những người đi tiên phong, dù là đi “đào” hay đầu cơ. Giờ đây, cả hai cách này đều khó khăn, rủi ro cao, và tóm lại là không khả thi với đại đa số mọi người.

Ngay cả những người tiên phong như Satoshi Nakamoto hay Charlie Shrem giờ cũng mỗi kẻ một phương.  Satoshi Nakamoto đã biến mất không để lại dấu vết từ năm 2010, theo nhiều người, là do lo sợ bị truy tố. Charlie Shrem hiện đang bị tạm giữ điều tra vì công ty của anh bị nghi ngờ tạo điều kiện cho các hoạt động rửa tiền qua giao dịch Bitcoin.

Ý nghĩa kinh tế của Bitcoin

image
Không phủ nhận được Bitcoin đang ngày càng được nhiều người biết đến. Khi Satoshi công bố sách trắng năm 2008, nó chỉ là một ý tưởng thú vị về mặt học thuật. Khi Laszlo Hanyecz thực hiện giao dịch đầu tiên, bỏ 10 nghìn Bitcoin mua 2 chiếc pizza, Bitcoin chỉ là một trò chơi trí tuệ của một nhóm chuyên gia lập trình. Giờ đây, Bitcoin đã là một công cụ đầu cơ được ưa thích và đã biến nhiều người thành triệu phú USD thật. Nó khiến giới học thuật, bao gồm cả các đại thụ về kinh tế học, tốn không ít giấy bút. Nó cũng khiến các chính quyền khắp nơi trên thế giới bất an về việc trốn thuế, rửa tiền, và công cụ giao dịch của giới tội phạm.

Nhưng ngoài việc là một trò chơi, công cụ kiếm tiền cho một số nhà đầu cơ, và phương tiện giao dịch trong một nhóm người đặc thù, Bitcoin có ý nghĩa kinh tế thật cho xã hội hay không? Ý tưởng về việc mua bán và chuyển tiền trực tiếp, nhanh chóng, và không mất phí giao dịch là một ý tưởng hấp dẫn, giao dịch nặc danh và khả năng trốn thuế cũng tạo sự cuốn hút cho nhiều người.

Nhưng kẻ thù chính của Bitcoin, và vì thế, khả năng Bitcoin một ngày nào đó quay trở lại là một dãy số ảo vô nghĩa, nằm ở chỗ các nhóm lập trình khác cũng có thể tạo ra các đồng tiền ảo tương tự, thậm chí tốt hơn Bitcoin. Hiện nay đã xuất hiện các đồng tiền ảo như vậy. Họ nghiên cứu Bitcoin và tìm cách khắc phục những điểm yếu của Bitcoin. Nếu như trong vài năm nữa có hàng trăm đồng tiền ảo giống hoặc tốt hơn Bitcoin xuất hiện, thì Bitcoin sẽ không thể “hot” như hiện nay, và dần dần sẽ không còn là công cụ đầu cơ ưa thích nữa.

image 
Thứ hai, ý nghĩa chính của Bitcoin, theo cách mà người tạo ra nó nhìn nhận, là ở chỗ xoá bỏ bên thứ ba, xoá bỏ các chi phí giao dịch tốn kém mà các bên thứ 3 như ngân hàng vẫn lấy từ những người chuyển tiền. Thế nhưng, như đã phân tích ở trên, để bảo vệ quyền lợi của người mua, vẫn cần những bên thứ 3 có uy tín đứng ra kiểm chứng để người bán không lừa đảo, lấy tiền rồi lặn mất tăm. Đây chính là một cái tát cho chính ý tưởng khởi nguồn của nó, và cũng là cái làm cho nó về lâu dài không còn hấp dẫn.

Thứ ba, cho dù Bitcoin trở thành công cụ tiền tệ mới quan trọng và hai kẻ thù trên không tồn tại, thì bản chất tiền tệ của nó là giới hạn nguồn cung (tối đa 21 triệu Bitcoins), vì thế, nó dẫn đến một sự thực hiển nhiên là giá trị của Bitcoin sẽ ngày càng tăng, tức là đồng tiền Bitcoin sẽ chịu giảm phát. Chỉ trong năm 2013, đồng Bitcoin đã tăng giá so với đồng USD mấy chục lần. Với kỳ vọng giảm phát như thế, không ai muốn tiêu đồng Bitcoin của mình. Tức là Bitcoin sẽ không được dùng như một phương tiện thanh toán, mà chỉ được dùng làm công cụ đầu cơ. Tệ hơn nữa, vì không ai biết được tương lai ngày mai của nó sẽ ra sao, nó chỉ được dùng làm công cụ đầu cơ ngắn hạn.

Ngoài 3 kẻ thù chính này, Bitcoin còn vô số kẻ thù khác nữa kể ra không hết. Nhưng chỉ cần 3 hạn chế chính này thôi cũng khiến Bitcoin sẽ không bao giờ trở thành một đồng tiền chính thống, có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với các đồng tiền quốc gia mà chính phủ các nước vẫn phát hành.





Trần Vinh Dự

image

Hành trình xác tín của một tu sĩ công giáo
Tiền thế chân Bail & bond
Người dự UPR bị tịch thu hộ chiếu
Hình ảnh Kiev trước và sau bạo loạn đẫm máu
Bệnh GOUT đến từ đâu ?
Người Việt trước ý đồ Hán hóa
Người CS có thể cải sửa, chế độ CS thì không
Việt Nam giữa ý thức hệ và chủ nghĩa quốc gia
9 quốc gia sau đây đều mang "chữ nhất” trên thế gi...
Một Chỉ huy trưởng Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt
10 điều quyết định sức khỏe khi thức giấc
Giải mã: các ký hiệu trên đồ nhựa
Thiền Sư Tuệ Sỹ: Trí thức phải nói
Sự 'giống nhưng khác' của các cặp sinh đôi
Trận chiến chính trong thế kỷ 21
Câu chuyện bát mì
Thằng Ngốc
Facebook và nỗi ám ảnh của nhà cầm quyền
Người đi trên đống tro tàn
Trò chuyện với tác giả ‘Còn cái lai quần cũng cạp’...
Wanted By The FBI: Son Nguyen USA
Bi hài chuyện: nhà vệ sinh Thế Vận Hội Sochi
Ai kiềm hãm dân chủ?
Con HẠC Trắng
Phim tài liệu 'Những Ngày Cuối Cùng ở Việt Nam' tạ...
Gia đình của những người không gia đình
Tại sao đàn chim bay theo đội hình chữ V
Ngày họp mặt và tri ân Thương phế binh VNCH ở Sài ...
Ngôi sao điện ảnh Shirley Temple qua đời
Kỳ tích của hai anh em gốc Việt sống trong khu “ổ ...
Một nhà từ thiện phải đột ngột rời VN sau khi bị đ...
Hấp thụ quá nhiều đường làm gia tăng nguy cơ tử vo...
Khi người cao tuổi lái xe
Thơ: Mai tôi đi & Khi Tôi Chết
Đông Á sẽ rơi vào xung đột vũ trang?
Trôi nổi hơn một năm trên đại dương
Trang web Giao Ðiểm: ổ rắn độc của việt cộng tại h...
Nhiều nguy cơ khó lường vì ngồi nhiều
Thư gửi một nhân viên an ninh
Vận động giờ chót trước UPR Việt Nam
Nỗi ân hận muộn màng

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.