Thursday, January 30, 2014

Trận đánh vào các huyền thoại & Huyền thoại: chất dinh dưỡng của độc tài

image
Nếu huyền thoại là chất dinh dưỡng cho các chế độ độc tài thì, để chống lại độc tài và để tranh đấu cho dân chủ, một trong những việc làm cần thiết nhất là đánh vào các huyền thoại.

Làm sụp đổ các huyền thoại cũng là làm sụp đổ một trong những nền móng văn hóa của độc tài.

Ở Việt Nam, những huyền thoại đóng vai trò hỗ trợ cho độc tài như vậy rất nhiều. Có thể phân thành ba loại chính: huyền thoại yêu nước, huyền thoại cách mạng và huyền thoại Hồ Chí Minh.

Trước hết là huyền thoại yêu nước. Trong suốt gần một thế kỷ vừa qua, từ khi mới được thành lập vào năm 1930 đến nay, bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản luôn luôn nhắm đến một mục đích: chứng minh là họ, chỉ có họ, mới thực sự yêu nước. Tất cả những người còn lại, ngoài đảng của họ, thuộc một trong hai loại: hoặc bán nước hoặc hờ hững với đất nước.

Theo kiểu tuyên truyền ấy, trước năm 1945, tất cả các lực lượng chính trị không phải Cộng sản đều bị kết tội hoặc thân Pháp hoặc thân Nhật: thân bên nào cũng đều là bán nước; thời kháng chiến chống Pháp, tất cả các đảng phái khác, ngoài đảng Cộng sản, đều là bán nước; thời chiến tranh Nam Bắc, chính quyền và các đảng phái chính trị ở miền Nam đều là bán nước. Còn những người không công khai theo “giặc” nhưng cũng không theo Cộng sản đều bị cho hờ hững với đất nước, và hỡ hững cũng có nghĩa là gián tiếp đầu hàng “giặc”.
image
Luận điệu này dễ thấy nhất là qua cách đánh giá nhóm Tự Lực văn đoàn và phong trào Thơ Mới thời 1932-45.

Đối với người đọc bình thường, hầu như ai cũng thấy là hầu hết các tác giả trong hai phong trào này đều rất mực tha thiết không những đối với tiếng Việt hay cảnh sắc thiên nhiên của đất nước mà còn đối với số phận của đất nước nói chung. Bằng thơ văn, họ ca ngợi vẻ đẹp của quê hương và tình nghĩa giữa con người đối với con người. Họ khao khát muốn xây dựng một tài sản văn hóa giàu đẹp cho đất nước.

Vậy mà, dưới mắt của đảng Cộng sản, ít nhất cho đến thời kỳ đổi mới kể từ nửa sau thập niên 1980, họ, tất cả những con người tài hoa và giàu nhiệt huyết ấy, đều bị xem là đồng lõa với “giặc” trong việc đánh lạc hướng dư luận nhằm mục đích kéo dài ách đô hộ của thực dân Pháp. Ngay một nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ Mới sau này trở thành một ngòi bút tuyên truyền đắc lực của Cộng sản, cũng tự nhận thời ấy, “Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không / Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy / Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng.” Nhà phê bình Hoài Thanh, tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam nổi tiếng, cũng cho là trong phong trào Thơ Mới, cái phong trào trước đây ông ca ngợi nhiệt liệt, thực chất là một tiếng thở dài bất lực trước ngoại xâm. Và bất lực cũng có nghĩa là đầu hàng. Vì vậy, hơn ai hết, trong suốt mấy chục năm, chính ông chứ không phải là ai khác, đã lên tiếng phê phán phong trào Thơ Mới một cách dữ dội. Dữ dội đến tàn nhẫn, hay nói theo Xuân Sách, “bất cận nhân tình”.


image
Để biện chính cho huyền thoại yêu nước ấy, về mặt lý luận, từ sau năm 1954, đảng Cộng sản định nghĩa lại khái niệm yêu nước: Với họ, yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội. Sau này, khi chủ nghĩa xã hội đã bị sụp đổ ở ngay mảnh đất tổ của nó: Liên Xô, người ta không còn nhắc đến câu định nghĩa này nữa, nhưng trên mặt trận tuyên truyền, họ vẫn khăng khăng lặp đi lặp lại một điều: chỉ có họ mới yêu nước.

Ở đây, chính những sự kiện liên quan đến Hoàng Sa đã đặt đảng Cộng sản vào một thử thách đáng kể: Trong khi họ, qua bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc, nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa, chính những người lính Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1974, đã sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ những hòn đảo xa xôi và nhỏ xíu ấy chỉ một lý do đơn giản: đó là lãnh thổ của Việt Nam.

Hai sự kiện ấy đều khiến đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay lâm vào thế khó xử: Một mặt, họ vẫn chưa tìm ra cách để giải thích bức công hàm  bán nước của Phạm Văn Đồng; mặt khác, họ vẫn loay hoay chưa tìm ra cách ứng xử khôn ngoan đối với 74 người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận đương đầu với Trung Quốc năm 1974.


image
Thứ hai là huyền thoại cách mạng. Cũng giống như trong lãnh vực yêu nước, ở đây, Cộng sản cũng vẫn có ý định giành độc quyền: Chỉ có họ mới thực sự làm cách mạng, không những cách mạng về chính trị mà còn cả cách mạng về kinh tế, xã hội và văn hóa nữa. Tất cả những thất bại của họ đều được đẩy sang phạm trù lịch sử: Tại hoàn cảnh lịch sử chứ không phải tại họ. Trước đây, dân chúng đã nhận ra sự ngụy biện ấy khi châm biếm, qua câu ca dao: “Mất mùa là tại thiên tai / Được mùa là bởi thiên tài đảng ta.” Nhưng đó là những huyền thoại về kinh tế. Với các huyền thoại về chính trị, nhất là huyền thoại giải phóng đất nước, vẫn có nhiều điều rất cần bị phê phán.

Cuối cùng là huyền thoại Hồ Chí Minh.


image
Mọi đảng Cộng sản trên thế giới đều xây dựng tính chính đáng (legitimacy) của chế độ dựa trên sự quyến rũ và huyền thoại của lãnh tụ, đặc biệt, người sáng lập. Lãnh tụ sáng lập đảng biến thành một vị thần chễm chệ trên các bàn thờ gia đình và được ướp xác để giữ trong lăng để mọi người cúng vái.

Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng vậy. Trước, người ta tô vẽ Hồ Chí Minh thành một vị cha già vừa yêu nước vừa thương dân; sau, người ta còn có tham vọng biến ông thành một nhà tư tưởng để bổ sung cho Karl Marx và Lenin. Trước, người ta dồn hết công lao của đảng vào một mình ông; sau, khi những sai lầm của đảng càng ngày càng bị vạch trần, không thể giấu giếm hoặc biện bạch được nữa, người ta tìm cách bào chữa cho ông và đổ tội, trước, cho các cố vấn Trung Quốc, và sau, cho Lê Duẩn và Lê Đức Thọ: Thời cải cách ruộng đất, chính các cố vấn Trung Quốc, chứ không phải Hồ Chí Minh, ra lệnh giết hại những người vô tội; và thời chiến tranh Nam Bắc, từ đầu thập niên 1960 về sau, chính Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chứ không phải Hồ Chí Minh, đã ra tay đàn áp trí thức miền Bắc và ra lệnh tấn công miền Nam, kể cả trong vụ Tết Mậu Thân. Nhưng khi biện bạch như vậy, đảng Cộng sản lại đối diện với một nguy hiểm khác: thừa nhận Hồ Chí Minh bất lực. Ít nhất ở một số khía cạnh và lãnh vực nào đó.

image
Có thể nói, ở cả ba huyền thoại làm nền tảng cho chế độ, từ huyền thoại yêu nước đến huyền thoại cách mạng và huyền thoại Hồ Chí Minh, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam đều gặp rất nhiều khó khăn.

Nếu trong việc chống lại độc tài, người ta chỉ cần ra sức đánh sập các huyền thoại ấy, trong cuộc vận động cho dân chủ, người ta cần làm thêm một bước nữa: tẩy rửa các huyền thoại ấy ra khỏi tâm thức người dân.

Để không ai còn luyến tiếc và muốn bảo vệ cho những cái không có thực.



Nguyễn Hưng Quốc



Huyền thoại: chất dinh dưỡng của độc tài

image
Viết bài “Sự mù quáng vô tận”, tôi không nhắm đến mục tiêu phê phán người dân Trung Quốc. Tôi chỉ muốn chứng minh hai điều:

Một, dù có nhiều điểm tương đồng, giữa độc tài phát-xít và độc tài Mác-xít vẫn có một điểm khác biệt lớn: Trong khi chủ nghĩa phát-xít dựa trên một số niềm tin gắn liền với một số thành kiến về chủng tộc và với một thứ chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, chủ nghĩa Mác-xít lại dựa trên một nền tảng triết học có vẻ rất đồ sộ và nguy nga, nhờ thế, một mặt, nó dễ dàng thuyết phục được giới trí thức, và mặt khác, cũng rất dễ được huyền thoại hóa.

Hai, vì yếu tố huyền thoại ấy, độc tài Mác-xít sống dai dẳng hơn hẳn độc tài phát-xít. Chủ nghĩa phát-xít, lúc còn mạnh, không làm dấy lên một phong trào văn học nghệ thuật tương ứng nào, và khi bị sụp đổ, là sụp đổ hoàn toàn, cả trong hiện thực lẫn trong ký ức. Chủ nghĩa Mác-xít, ngược lại, ngay từ đầu, đã gắn liền với cả một phong trào văn nghệ rộng lớn dưới nhãn hiệu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, qua đó, thấm nhiễm sâu sắc vào đáy sâu tâm thức của từng người; hậu quả là, ngay cả khi chủ nghĩa cộng sản, với tư cách một thể chế và một ý thức hệ, đã bị phá sản, dư âm của nó vẫn còn lại. Sự kéo dài của dư âm ấy cũng đồng thời là sự kéo dài của họa độc tài.

image
Sự sùng bái của nhiều người dân Trung Quốc hiện nay đối với thần tượng Mao Trạch Đông của họ chính là một minh chứng hùng hồn cho sự kéo dài ấy.

Hiện tượng ấy lại cho thấy sự khó khăn và gập ghềnh trong tiến trình dân chủ hóa ở khắp nơi, đặc biệt, ở các nước độc tài từng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác.

Liên quan đến vấn đề dân chủ hóa, nói chung, có mấy đặc điểm chính: Một, đó là một xu hướng chung của thế giới. Giới nghiên cứu - đi tiên phong và tiêu biểu nhất là Samuel Huntington - chia tiến trình dân chủ hóa ấy thành từng đợt, giống như đợt sóng, hết đợt thứ nhất (từ khoảng 1810 đến khoảng 1922) đến đợt thứ hai (khoảng 1944-1957), thứ ba (khoảng từ 1974 đến đầu thập niên 1990), và gần đây, với sự sụp đổ của nhiều chế độ độc tài ở Trung Đông và châu Phi, nhiều người lại nói đến đợt sóng dân chủ thứ tư. Hai, tuy nhìn chung, các đợt sóng dân chủ hóa ấy có sức mạnh mãnh liệt, hết càn quét chế độ độc tài ở nước này lại càn quét chế độ độc tài ở nước khác, tiến trình dân chủ hóa vẫn có những thoái trào nhất định: thay vì phát triển theo đường thẳng, nó lại chạy lòng vòng hoặc theo những đường cong đầy khúc khuỷu, như những gì chúng ta đang nhìn thấy ở các nước Hồi giáo Trung Đông và Bắc Phi. Ba, trong sự phát triển của dân chủ, có một số nơi dường như may mắn, ở đó, dân chủ một khi đã xuất hiện cứ ngày một nảy nở xum xuê; ở một số nơi khác, ngược lại, nó cứ còi cọc, quặt quẹo, lúc nào cũng có nguy cơ bị chết héo.

image
Đặc điểm thứ ba vừa nêu thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu. Họ đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao dân chủ có thể phát triển dễ dàng ở nơi này hơn ở nơi khác? Tại sao, trên lý thuyết, dân chủ nhắm đến việc phát huy quyền tự do của mỗi người, đáng lẽ mọi người phải hân hoan đón nhận, thế nhưng, ngược lại, nhiều người, rất nhiều người, kể cả những người thiếu tự do nhất, lại dửng dưng, thậm chí, run sợ, muốn quay mặt đi? Tại sao?

Tất cả những câu hỏi tại sao ấy lại dẫn đến một câu hỏi khác: Vậy, điều kiện, hoặc những điều kiện chính của dân chủ là gì?

Câu hỏi này sẽ dẫn đến một câu hỏi khác có tính thực dụng và thực tiễn hơn: Để xây dựng một chế độ dân chủ thực sự, yếu tố nào cần được xây dựng trước?

Trong cuốn Người Đông Á quan niệm về dân chủ như thế nào (How East Asians View Democracy) do Columbia University Press xuất bản năm 2010, các nhà biên tập, Yun-han Chu, Larry Diamond, Andrew J. Nathan và Doh Chull Shin, trong lời giới thiệu, đã chia cuộc hành trình nhận thức về dân chủ thành ba giai đoạn chính:


image
Thứ nhất, giai đoạn đầu, từ thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, các lý thuyết gia cho rằng có nhiều yếu tố tác động đến quá trình tiến hóa của dân chủ, trong đó, có yếu tố văn hóa chính trị. Đi tiên phong trong giai đoạn này là Dankwart Rustow, người cho rằng cuộc dân chủ hóa nào cũng bắt đầu, trước hết, bằng sự thống nhất của quốc gia, sau đó, bằng việc tranh đấu để chấm dứt sự bất bình đẳng về các phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, sau đó, là quyết định xây dựng các thiết chế cần thiết cho dân chủ; và cuối cùng, mọi người, từ trí thức đến bình dân, dần dần làm quen với dân chủ để ứng xử theo các nguyên tắc dân chủ.

Thứ hai, suốt thập niên 1970 và thập niên 1980, không hiểu sao giới nghiên cứu lại xao nhãng yếu tố văn hóa chính trị. Mọi người đều chỉ tập trung vào cấu trúc xã hội, những thay đổi trong giới trí thức và các thiết chế chính trị.

Thứ ba, từ thập niên 1990 đến nay, người ta lại chú ý đến văn hóa chính trị, hơn nữa, xem văn hóa chính trị như là yếu tố trung tâm trong tiến trình dân chủ hóa. Trong cái gọi là văn hóa chính trị ấy, người ta không những chỉ tập trung vào giới trí thức mà còn cả giới bình dân, nếu không muốn nói, đặc biệt là giới bình dân: Chính niềm tin và thái độ của giới bình dân là một trong những yếu tố quyết định vận mệnh của dân chủ.


image 
Nói một cách tóm tắt, hiện nay, phần lớn giới nghiên cứu về chính trị học đều tin là, để có dân chủ, người ta cần có nhiều thứ, ví dụ, một, sự thức tỉnh và dấn thân của giới trí thức; hai, sự phát triển của kinh tế phải đến một mức độ nào đó, để, một mặt, có một tầng lớp trung lưu tương đối mạnh, mặt khác, để mọi người không còn chỉ biết hùng hục lo cho miếng cơm manh áo, những nhu cầu sơ đẳng và nhỏ nhặt hằng ngày; ba, một môi trường quốc tế thích hợp và có tác động tích cực đến xu hướng dân chủ hóa; và bốn, quan trọng nhất, là thái độ của quần chúng.

Nhìn vào tình hình chính trị ở châu Á những năm gầy đây, các nhà nghiên cứu cho rằng hầu hết các nền dân chủ non trẻ ở đây đều gặp thử thách nghiêm trọng. Không kể Trung Quốc, nơi chưa có dân chủ, từ Hong Kong đến Đài Loan, từ Thái Lan đến Mông Cổ, từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, ở đâu cũng có những đợt khủng hoảng, với những mức độ khác nhau, về dân chủ.

Lý do chính, theo các tác giả của cuốn Người Đông Á quan niệm về dân chủ như thế nào là vì nền tảng của tính chính đáng của dân chủ ở đó còn rất yếu ớt và mong manh. Một mặt, nhiều người dân vẫn nuối tiếc cái thời độc tài đã qua. Tự do gắn liền với cạnh tranh; cạnh tranh cần sự quyết liệt và có sự hơn thua rõ ràng: Những người thua cuộc, nhất là trong cuộc chạy đua về kinh tế và quyền lực, dễ có tâm lý bất mãn. Tâm lý này, thật ra, cũng rất dễ nhìn thấy ở Nga và Đông Âu hiện nay: người ta thấy cuộc sống dưới chế độ độc tài cộng sản trước đây có vẻ dễ dàng hơn, ở đó, ai an phận nấy, cứ đến tháng lại cầm sổ lương thực đi mua thịt mua cá, không phải tính toán hay cố gắng gì nhiều, dù với cái giá người ta phải trả là mất tự do. Mặt khác, người ta vẫn chưa quen với trò chơi dân chủ, chưa phục tùng quyết định của đa số, vẫn muốn dùng sức mạnh, hoặc bằng bạo lực hoặc của đám đông qua các cuộc xuống đường biểu tình để xóa bỏ kết quả của các cuộc bầu cử.

image
Điều cuối cùng vừa nêu thấy rõ nhất là ở Thái Lan. Cứ bất mãn chính phủ điều gì là người ta lại xuống đường biểu tình để đòi thay chính phủ, bất chấp sự kiện chính phủ ấy đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu trước đó. Xin lưu ý là ở các quốc gia có truyền thống dân chủ lâu dài và vững chắc ở Tây phương, người ta cũng thường xuống đường biểu tình nhưng mục tiêu của các cuộc biểu tình ấy là nhằm để gây sức ép làm thay đổi một số chính sách nào đó chứ không phải là thay đổi bản thân chính phủ. Việc thay đổi chính phủ, người ta để các lá phiếu quyết định.

Ở đây, chúng ta thấy có sự khác biệt quan trọng trong nội dung của văn hóa chính trị ở các nước đã có dân chủ, dù là dân chủ non trẻ và ở các nước chưa có dân chủ. Điều kiện để nuôi dưỡng dân chủ, ở các nước đã ít nhiều có dân chủ, là sự tin tưởng vào thể chế và giới hạn mục tiêu tranh đấu vào lãnh vực chính sách, trong khi đó, ở các nước chưa có dân chủ, điều kiện thiết yếu là sự bất tín nhiệm đối với thể chế hiện hữu và nhắm đến mục tiêu thay đổi thể chế.


image
Trong trường hợp thứ hai, tiến trình dân chủ hóa ở các nước chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác gặp nhiều khó khăn hơn, chủ yếu, vì áp lực của các huyền thoại giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp vốn được hệ thống tuyên truyền của nhà nước nuôi dưỡng quá lâu. Với các huyền thoại ấy, người ta hoặc vẫn tiếp tục có ảo tưởng vào một tương lai tươi sáng nào đó hoặc đâm ra dễ dàng tha thứ cho các tội ác trong hiện tại, xem chúng như những cái giá cần phải trả cho một thiên đường mai hậu. Đó là chưa kể, vì sống quá lâu dưới ách độc tài, chỉ cần một lời hứa hẹn hoặc một sự thay đổi nho nhỏ, người ta đã thấy thỏa mãn.

Chính sự thỏa mãn ấy là dưỡng khí cần thiết của các chế độ độc tài.





Nguyễn Hưng Quốc

image

Giao Điểm là Ai?
Tản mạn đôi điều về nhóm Giao Điểm
Tòa bỏ lọt một tội khác của Dương Tự Trọng?
Nỗ lực vận động gia tăng trước cuộc kiểm điểm nhân...
Huyền thoại: chất dinh dưỡng của độc tài
Những tình khúc "Sông Núi"
Sớ Táo Quân Tết Kỷ Mùi 1979
Thông điệp tượng cát
Hoa hậu biểu tình VN nói về tự do
Hé lộ mới về thân nhân lãnh đạo TQ
Sự mù quáng vô tận
Anh thợ nail có máu văn nghệ
Trận chiến Hoàng Sa và một lịch sử được viết lại
Hèn nhục và tiểu nhân của ĐCS_VN
Cách tính năm, tháng, ngày, giờ theo can chi
Sớ Táo Quân 2014
Đảng đang giăng lưới bắt con cá to?
Bản điều trần trước Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos
Điều trần tại Quốc hội Mỹ về tình trạng tù nhân lư...
Nhiều lời kêu gọi xuống đường nhân 40 năm hải chiế...
Buồn và lo cho nghề nhặt rác kiếm cơm
Những vần thơ của thi sĩ Sông Núi
Bản án dành cho chế độ
Những tình tiết động trời trong vụ án xử anh em Dư...
Những nghề làm thuê chỉ có ở Việt Nam
Tác dụng của chất xơ và dược thảo Diên Hồ
Huyền thoại về tượng Thương Tiếc
Người Mỹ hằng sản cũng hằng tâm
Mơ ước bình thường
Việt Dzũng: đã "đi rồi" mà vẫn nhớ vẫn thương
Ariel Sharon để lại di sản phức tạp
Người Việt 'quen sống cùng tham nhũng'
Joseph Phạm nhận tội trong vụ bắn hàng xóm
Mỹ chỉ trích TQ về Biển Đông
Những trò lừa đảo dễ mắc bẫy nhất
Người Việt trúng số 324 triệu đôla
TT_NTD tuyên bố chuẩn bị kỷ niệm cuộc hải chiến Ho...
Paris By Night 109
Để dân kỷ niệm cuộc chiến 1979
Phép màu giá bao nhiêu?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.