Hiện tại, khách Trung Cộng tại Việt Nam chiếm số lượng rất đông. Khó mà thống kê cụ thể bởi họ sang Việt Nam theo nhiều đường, không ngoại trừ đường buôn bán ở cửa khẩu và dành thời gian đi sâu vào nội địa để tham quan. Nhưng nếu chỉ tính theo đường hợp pháp, số này đã chiếm hơn 50% tổng lượng du khách các nước đến thăm Việt Nam, bởi khoảng cách địa lý thuận tiện, giá thành rẻ, được ưu tiên tự lái xe sang các tỉnh Đông Bắc-Tây Bắc, và các đường bay du lịch từ Trung Cộng vào Việt Nam ngày càng tăng.
Cô Cui Ping Qiu – du khách đến từ Thẩm Quyến, Trung Quốc, chia sẻ: “Tôi thấy phố cổ Hội An rất đẹp, có rất nhiều đặc sản. Người Hội An rất tốt. Tôi mua được ly trà thảo mộc rất ngon và tôi rất thích ly trà này của quán anh Mót.”
Anh Mót, chủ quán Mót ở thành phố Hội An nói: “Khách du lịch giúp phát triển kinh tế địa phương. Cho nên dù [mình] muốn hay không, họ cũng đến. Mình không thể cấm đoán họ. Tuy nhiên, mình có lưu ý là nếu các bạn biết (tiếng Trung) thì nhắc họ nên ‘nhẹ nhàng bớt’, thể hiện mình là người văn hóa khi đến du lịch tại Việt Nam, tại Hội An chẳng hạn.”
“Những nơi mà người Trung Cộng đi du lịch rất ồn ào và phức tạp. Họ thường đi theo đám đông nhưng mà họ không giữ được trật tự.
Tình trạng ăn uống, xả rác, không có văn hóa cho lắm. Nhất là lúc mà chúng ta vào nhà hàng ăn buffet, họ chụp giựt như thiếu đói lâu năm. Cái đó là một hình ảnh không đẹp đối với khách du lịch mà cũng đối với người Việt Nam. Nhất là khi mình dẫn theo con nhỏ, mà phải tiếp xúc, chứng kiến những hình ảnh như vậy thì không tốt,” chị Kim, một người kinh doanh địa phương bức xúc.
Đây cũng là bài toán mâu thuẫn giữa doanh thu từ dịch vụ du lịch và sự ảnh hưởng, giao thoa văn hóa theo nhiều chiều kích trái ngược, trong đó, không ngoại trừ yếu tố lộn xộn, thiếu văn hóa bởi những đám đông ồn ào người Trung Cộng.
Theo một cán bộ ngành văn hóa có thâm niên hơn 30 năm, vấn đề lộn xộn, phức tạp bởi nhiều đoàn khách du lịch quá đông cùng thói quen ‘ăn to nói lớn’ của họ luôn là vấn đề nan giải.
Nhà thơ La Trung, cán bộ văn hóa, cho biết thêm: “Phần đông thì người Trung Cộng họ đi theo đoàn, đi rất đông. Về kinh tế thì có thể họ mua sắm, tạo cho người địa phương, nói đúng hơn là mấy công ty du lịch, có thu nhập. Nhưng mà ngược lại về mặt văn hóa, có một số cần phải lưu tâm. Nếu có hướng dẫn viên thì đỡ, nhưng nếu họ đi tự phát, thì mỗi lần ghé vào các hàng quán, họ đứng dàn hàng chiếm nguyên cái quầy của người ta, kẻ mua thì ít mà kẻ đứng tập trung thì nhiều.”
“Gần đây có những hình ảnh không tốt về khách Trung Cộng đi du lịch. Họ đến xứ sở của chúng tôi và có những hành động là cướp, phải gọi là cướp giật của những người mua thúng bán bưng. Mà những người này là thuộc thành phần rất nghèo khổ của quê hương tôi. Điều này tôi cảm thấy rất phản cảm. Chính vì vậy mà tôi mong rằng các bạn cũng như những người đi du lịch có văn hóa nên xem lại, xem lại chính mình và chính hành động của mình,” chị Kim nói.
Vấn đề của những người làm dịch vụ du lịch hiện nay nằm ở chỗ phiên dịch viên tiếng Trung quá hiếm, chủ các hàng quán không thể làm gì khác ngoài việc cố gắng phục vụ tất cả mọi khách du lịch để tồn tại, bởi kinh tế miền Trung bị khủng hoảng gần hai năm nay kể từ khi biển nhiễm độc. Họ chấp nhận mọi thứ để phục vụ khách càng nhiều càng tốt, hầu cứu sống ngành dịch vụ. Không phải người Việt Nam nào cũng chấp nhận sự có mặt ngày càng đông của khách Trung Cộng, nhưng vui vẻ phục vụ họ để kiếm thu nhập là một thực tế của hầu hết những người đang hành nghề dịch vụ-du lịch miền Trung.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.