Theo thần thoại Hy Lạp, Chimera là quái vật khạc ra lửa, thường được mô tả là có đầu sư tử, đuôi là một con rắn và có thêm cái đầu dê mọc ra từ phía thân sau.
Gây kinh sợ cho người Hy Lạp, hình ảnh này cũng tạo nỗi khiếp đảm trước sự lai tạo thành công phôi thai đầu tiên giữa người và heo tại Viện Salk ở California, Hoa Kỳ. Những thứ lai trộn giữa người với động vật kiểu như vậy thường được gọi chung là "chimera".
Trong khi tiến bộ khoa học đem tới cho chúng ta viễn cảnh tạo ra được các bộ phận cơ thể bên trong các con vật khác, giúp ích cho việc cấy ghép cơ thể, nhưng nó cũng khiến một số người cảm thấy ghê sợ. Chính xác mà nói thì sự ghê sợ này đã dẫn tới việc đình hoãn ngân khoản tài trợ cho chương trinh nghiên cứu đó.
Có vẻ như con người không thể tiêu hóa nổi ý tưởng phát triển thận người trong bụng heo.
Đi ngược lại tự nhiên?
Nhiều người trong chúng ta không khác gì đứa trẻ lên sáu, dứt khoát từ chối món ăn làm từ bông cải xanh trộn với khoai tây nghiền. Chúng ta thích giữ mọi thứ nguyên vẹn. Cho dù đó là lai tạo giữa các con vật với nhau hay là sự ra đời của những đứa trẻ lai các chủng tộc khác nhau, có những người coi thế giới như được xác định bằng sự thuộc tính căn bản thì mang tư tưởng bác bỏ, khước từ tất cả những gì "không thuần chủng".
Chimera là quái vật khạc ra lửa, thường được mô tả là có đầu sư tử, đuôi là một con rắn và có thêm cái đầu dê mọc ra từ phía thân sau
"Thuộc tính căn bản" là gì? Đó là ý tưởng coi các vật đều có những thuộc tính cần thiết nhất định, khiến chúng tồn tại được trong hình hài của chúng, với những đặc điểm đặc trưng của chúng. Do vậy, có kiểu "tính heo" đặc trưng chỉ có ở heo, và "tính người" đặc trưng chỉ có ở người.
Nhưng ít nhất thì trong sinh học lại không có thuộc tính thực sự nào như vậy cả. Chúng ta tất cả đều là những sự tổng hợp, kết hợp từ cùng những loại vật chất như nhau, như các loại protein hay các loại chất acid amino. Ngay cả những thứ đặc trưng nhất, như gene và DNA của chúng ta - cũng được chia sẻ giữa các loài khác nhau. Chẳng hạn như người và chuột có chung với nhau tới 90% DNA, và thậm chí con người còn có chung với loài giun chừng 35% DNA.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải nắm được những thông tin này mới hiểu được điều gì khiến cho con hổ về mặt tự nhiên là một cá thể trong lúc cái ghế thì không. Trực giác này cũng là thứ khiến ta cảm thấy trăn trở vật vã khi nghĩ tới một con vật kiểu cọp-dê trong lúc thấy rất đơn giản khi nghĩ về mối liên hệ bàn-ghế.
Việc nhào trộn về mặt sinh học giữa người với động vật được coi là phi tự nhiên. Ta sẽ có cảm giác sợ hãi, khó chịu khi nghĩ rằng thứ sinh vật người-heo có thể sổng ra khỏi phòng thí nghiệm và thống trị thế giới.
Tuy khả năng chimera người-heo lang thang trên hành tinh này còn rất lâu nữa mới thành hiện thực, nhưng cũng giống như người Hy Lạp cổ, chúng ta sợ hãi rằng những loài động vật lai tạp như thế sẽ trở thành quái vật.
Nhìn chung, việc lai tạo đôi khi có thể tạo nên một sản phẩm kinh tởm và đáng sợ, nhưng không phải lúc nào kết cục cũng là vậy. Hãy thử xét tới quả boysenberry (được lai giữa các giống quả mâm xôi khác nhau gồm raspberry, blackberry, dewberry và loganberry), hay quả quýt đường (được lai giữa quýt và cam). Chúng ta sẽ chẳng thấy có gì đáng ngại khi ăn những thứ đó cả.
Rõ ràng là thái độ thoải mái của chúng ta trong việc chấp nhận sản phẩm lai tạo không chỉ giới hạn ở các loại rau quả. Chẳng hạn như con la không bao giờ khiến ta phải hoảng hốt tuy đó là sản phẩm lai giữa con lừa đực với con ngựa cái.
Dẫu các loài lai nhìn chung có thể đem lại điềm báo gì đó, nhưng không phải sản phẩm lai nào cũng thế, và việc trộn DNA các loại của con người chúng ta sẽ gây vấn đề về mặt tâm lý, và có lẽ là càng đặc biệt thành vấn đề khi DNA của người được đem lai trộn với các loài vật khác.
"Chúng ta không phải là con vật"
Một lý do khiến sự lai giống giữa người với heo trở thành điều gây lo lắng là bởi nó khiến ta sợ hãi nghĩ tới cái chết của chính mình. Khả năng heo có thể là nơi phát triển tụy mới cho bạn là lời nhắc nhở cho ta nhớ rằng con người cũng là động vật, và lời nhắc nhở hoàn toàn mang tính sinh học này có thể tạo ra nỗi sợ về sự sống còn.
Quan niệm cho rằng con người thì có tâm hồn còn các loài động vật khác thì không, từng là (và hiện với một số người vẫn là) một niềm tin rộng khắp. Nó cho ta cảm giác rằng con người là siêu phẩm vượt lên muôn loài, vượt ra khỏi trật tự sinh học. Việc thu hoạch những trái tim người từ những con dê sẽ làm đổ vỡ niềm tin này, khiến chúng ta cảm thấy kinh tởm và mất vía.
Những sản phẩm lai giữa người với loài vật khác khiến tâm trí ta nghĩ tới thực tế không thể tránh khỏi rằng rồi đến một ngày tất cả chúng ta sẽ bị đẩy ra khỏi vị trí ưu việt nhất, đứng trên muôn loài. Bằng việc duy trì suy nghĩ về bản chất chúng ta không phải là động vật, chúng ta đã dễ dàng quên mất rằng chúng ta cũng chỉ là các cơ thể sinh học rồi sẽ chết đi, sẽ làm màu mỡ cho đất đai mà thôi.
Một lý do khác khiến việc phát triển lá gan thay thế trong cơ thể chú heo ở trang trại của ông chú bạn trong lúc bản thân bạn đang bị xơ gan khiến ta thấy không lấy gì làm thoải mái là bởi việc đó gây bối rối. Chúng ta ăn thịt heo chứ không ăn thịt người. Liệu bạn có còn muốn ăn món thịt bacon (thịt ba rọi thái mỏng chiên giòn) nữa không nếu biết rằng miếng thịt đó được lấy từ chú heo đã 'nuôi' lá gan cho bạn trong suốt sáu tháng qua?
Liệu chúng ta có giảm bớt việc tiêu thụ thịt heo không nếu con người dùng loài vật này để phát triển các bộ phận cơ thể người?
Gây ấn tượng mạnh hơn nữa là viễn cảnh người-heo cũng khiến ta hoang mang về đạo đức. Việc lai tạo về mặt sinh học giữa người với heo sẽ nhắc nhở cho ta nhớ về những nét tương đồng ta có với heo, điều mà ta hầu như cố quên đi khi thưởng thức hương vị của món bacon chiên giòn.
Chúng ta thường duy trì những làn ranh rõ rệt giữa những loài động vật mà ta ăn thịt với những loài ta không ăn, bởi nó giúp giải quyết được tâm trạng không thoải mái của mình. Điều này đã từng gây ra sự giận dữ ghê gớm trong công chúng ở Châu Âu khi có tin thịt ngựa được dùng để làm món bánh kẹp burger trong vụ bê bối hồi năm 2013, bởi ngựa được coi như người bạn đồng hành với con người chứ không phải thực phẩm.
Nếu như việc so sánh giữa các loài vật nuôi như bạn, như thú cưng, với các loài động vật ta ăn thịt khiến ta thấy bối rối, thì rõ ràng việc ăn các loài động vật đó với ăn thịt chính ta sẽ tạo tâm lý ngần ngại, e sợ về mặt đạo đức.
Vượt ra ngoài khuôn khổ khẩu vị ăn uống, điều này còn làm tan vỡ những hiểu biết của chúng ta về việc liệu đó là sản phẩm lấy từ những con vật đang được dùng để 'nuôi' các bộ phận cơ thể thay thế cho chúng ta, hay từ một dạng bán nhân, nửa người nửa thú nào đó.
Rốt cuộc, tuy những quái vật nửa người nửa thú trong các câu chuyện thần thoại có thể gây báo động cho người Hy Lạp cổ, nhưng có vẻ như chính sự phản đối của chúng ta trong việc nuôi cấy trái tim thay thế cho người trong lồng ngực một con heo mới là thứ thực sự liên quan tới nỗi lo sợ về sự sống còn và về sự hủy hoại trật tự đạo đức.
Dù chúng ta có dùng động vật vào những mục đích này hay không, hay có dùng để làm thỏa mãn nhu cầu của con người hay không, thì đây vẫn là một chủ đề cần bàn tới vào một lúc khác.
Có thể nói rằng nỗi sợ của chúng ta trước sự tiến bộ khoa học - sự kinh tởm khiến ta cảm thấy đau quặn ruột - có lẽ chủ yếu là liên quan tới việc nó làm lung lay quan niệm cho rằng con người chúng ta là đặc biệt, và làm suy yếu đi lập luận cho rằng con người là ưu việt hơn muôn loài khác, chứ không phải vì chúng ta sợ hãi trước chính những sinh vật nửa người nửa thú.
Brock Bastian
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.