Chế độ biên chế là sản phẩm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, đang cản trở quá trình chuyển đổi sang thị trường, kìm hãm tăng trưởng và tính năng động của nền kinh tế.
Bỏ biên chế là bỏ bao cấp - điểm nghẽn lớn trong cải cách thể chế.
Thế nhưng, cho đến nay nó vẫn tồn tại, thậm chí biên chế vẫn tăng lên, bộ máy phình to.
Bộ máy phình to làm các dịch vụ công bị độc quyền liên tục tăng giá
Hiện nay cả nước có khoảng 55.000 các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các khối Đảng, đoàn thể, trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, truyền thông-báo chí, kinh tế, văn hóa-thể thao-du lịch, tài nguyên-môi trường, lao động- thương binh- xã hội với 2,1 triệu viên chức.
Không thấy giảm lại còn tăng
Số liệu báo cáo từ kỳ họp 3 Quốc hội khóa 14 tại Hà Nội ngày 27/5/2017 cho thấy biên chế bộ máy năm 2016 tăng thêm so với 2015 gần 20,4 nghìn người, 'tinh giản biên chế chưa hiệu quả.'
Trên 70% ngân sách cho chi thường xuyên, cho biên chế bộ máy trong điều kiện kinh tế khó khăn, nợ công, nợ xấu lớn, tổn thất 'khủng' do các doanh nghiệp nhà nước gây nên, bội chi ngân sách hàng năm luôn ở mức cao… là điều bất hợp lý, làm tổn thất niềm tin của người dân đóng thuế.
Cơ chế 'xin cho' nặng nề
Hàng năm xin biên chế, sau đó là 'chạy' ngân sách cho chi thường xuyên và các khoản chi khác có thể. Bộ máy và quyền lực vì thế mà tha hóa.
Xã hội Việt Nam đã đi xa hơn các biểu tượng và tư duy rập khuôn một thời
Theo các quy định hiện hành, các đơn vị sự nghiệp công lập gồm bốn loại: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Sự phân hóa diễn ra mạnh mẽ. 'Cạnh tranh' trong điều kiện xin - cho tạo ra bất bình đẳng lớn giữa các đơn vị. Nỗ lực 'chiếm lĩnh thị trường' chạy theo số lượng, hạ chuẩn dịch vụ, và chất lượng sẽ giảm đi.
Các diễn đàn sôi nổi về 'chủ đề biên chế' trên truyền thông nhà nước hiện nay cho thấy 'vấn đề người đại diện công' (tài sản và quyền lực công) ngày càng trở nên nghiêm trọng, khi người đứng đầu các đơn vị công bằng mọi cách làm hài lòng thân chủ (lãnh đạo cấp trên có thẩm quyền), thâu tóm quyền điều hành, 'biến' các tổ chức như chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên và thanh tra nhân dân… thành bình phong, dân chủ cơ sở trở nên hình thức, sử dụng tài sản công thiếu minh bạch, vụ lợi.
Rủi ro đạo đức đáng báo động
Có thể dẫn ra các vụ việc điển hình xảy ra gần đây:
· Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm' tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội năm 2013;
· Vụ "tạo hiện trường giả" khi hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên đi ôtô trong sân trường (quy định là cấm) đâm gãy chân học sinh tháng 2/2017;
· Vụ 'thảm họa y khoa': 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong vào tháng 5/2017 tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình liên quan đến giám đốc và bộ phận vật tư …
Ngoài ra, không ít các đơn vị sự nghiệp công lập là nơi 'ẩn nấp' an toàn cho những lãnh đạo và nhân viên trông chờ vào nguồn kinh phí thường xuyên và các chế độ trợ cấp khác từ ngân sách, bị 'đóng băng' bởi tâm lý ỷ nại, dĩ hòa vi quý, cào bằng, sợ trách nhiệm, ngại va chạm, bệnh thành tích… tạo thành các 'lô cốt tập thể' với 'văn hóa thứ cấp'.
Trì trệ thị trường lao động
Trong việc tạo lập và đồng bộ hóa các loại thị trường (hàng hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật…) thị trường lao động là chậm thay đổi hơn cả.
Hậu quả là hệ thống tiến lương và thu nhập hiện hành của người lao động bị biến dạng và không thể kiểm soát, năng suất và chất lượng lao động giảm sút, sức ỳ tăng lên và tính năng động của nhân lực giảm đi.
Duy trì lâu năm 'chế độ biên chế' làm cho kinh tế thị trường bị méo mó.
Trước hết là giá các dịch vụ luôn biến động tăng, mà không biết đâu là giới hạn, tách rời khỏi giá thị trường, khi các đơn vị sự nghiệp công lập 'nghiễm nhiên về luật pháp' trở thành độc quyền phân phối các dịch vụ công và các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục…
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê Liên Hiệp Quốc, chỉ ra rằng thấy trong 10 năm, tính từ năm 2007, giá dịch vụ y tế tăng gần 6 lần, giá dịch vụ giáo dục tăng gần 3 lần trong khi giá cả nói chung chỉ tăng hơn 2 lần.
Và mức tăng giá hai khu vực thiết yếu này cũng cao hẳn so với mức tăng GDP bình quân đầu người hơn 3,2 lần khi tính theo giá hiện hành.
Nghĩa là người dân phải trả chi phí cho y tế tăng gấp hai lần so với thu nhập đầu người và chi trả cho giáo dục tăng cùng nhịp với GDP.
Dịch vụ y tế ở Việt Nam vừa đắt bất thường vừa gặp vấn đề thiếu nhân sự và có khi còn gây chết bệnh nhân như vụ việc gần đây ở Hòa Bình
Hơn thế, giá dịch vụ y tế tăng đột biến kể từ năm 2013, tăng cực mạnh trên 60% vào năm 2013, 2017, còn năm 2016 tăng 38%. Giá dịch vụ giáo dục thì tăng từ tốn hơn, thường trên 10% một năm.
Điều này ảnh hưởng tới đời sống của người dân, khi tỷ trọng (%) chi cho dịch vụ giáo dục và y tế trong chi tiêu thường xuyên tăng rất đáng kể từ 9.3% chi tiêu lên tới 17% năm 2017.
Vấn đề không mới, đã có những nỗ lực 'tinh giản' biên chế nhưng không thành công.
Các văn bản pháp luật của Đảng và nhà nước được ban hành, như Luật viên chức 2012. Trước đó, có nhiều văn bản pháp luật liên quan, như các Nghị định số 10/2002/NĐ-CP, số 43/2006/NĐ-CP, Số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập…
Gần đây nhất là Nghị quyết 39-NQ/TƯ năm 2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Biên chế không phải là 'nhạy cảm'
Đến lúc không thể coi vấn đề biên chế là 'nhạy cảm' và bị ngăn cản bởi ý thức hệ giáo điều về chủ nghĩa xã hội với quan điểm xóa bỏ chế độ 'bóc lột sức lao động' dựa trên động cơ thúc đẩy bởi các giá trị lý tưởng.
Để tiếp tục cải cách thể chế cần loại bỏ chế độ biên chế, trước hết, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đây là liệu pháp 'shock', trong đó lý thuyết hợp đồng cần được coi là công cụ hữu hiệu giảm 'shock' và phù hợp khi nó cho phép làm rõ việc phân bổ các quyền kiểm soát, quyền sở hữu, và quyền quyết định giữa các bên trong hợp đồng.
Xin xem thêm lý thuyết hợp đồng do Oliver Hart và Bengt Holmström, hai đồng giải thưởng Nobel kinh tế năm 2016 về cách thức xác lập và thực thi các hợp đồng để xử lí các xung đột lợi ích.
Chi tiêu công cho bộ máy ở Việt Nam tăng đều và chất lượng công việc cũng có nhiều vấn đề
Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ đang khởi động các đề án trình Hội nghị Trung ương 6 thảo luận vào tháng 10/2017, trong đó có Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập với việc thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.
Bài học kinh nghiệm thành công về việc bỏ chế độ bao cấp sổ gạo, tem phiếu cho thấy những điều tưởng như phi lý, nhưng lại cần thiết: 'hành động tập thể lại cần thiết để xóa bỏ sự chi phối của hành động tập thể'
Mong lần 'đổi mới' này có được những đột phá nếu không chúng ta sẽ không thoát khỏi 'vũng lầy' về nhận thức và hành động.
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.