Nhà nước Qatar hiện nay đang là tâm điểm của cơn bão ngoại giao khi vừa bị nhiều nước láng giềng cắt đứt quan hệ.
Vậy các bạn biết gì về đất nước này, ngoài chuyện Qatar sẽ đăng cai tổ chức World Cup năm 2022?
Cảnh thủ đô Doha của Qatar
Sau đây là năm điều có thể bạn chưa biết.
Nam giới 'áp đảo' phụ nữ
Có dân số khoảng 2,5 triệu dân, Qatar chỉ có chưa đầy 700.000 phụ nữ.
Sự chênh lệch này được cho là do bùng nổ dân số ở Qatar. Đất nước này do người lao động nhập cư, đa phần là đàn ông trẻ tuổi, xây dựng.
Nhiều người đổ đến Qatar tìm việc làm. Trong vài năm qua, dân số nước này tăng vọt từ chưa đầy 700,000 năm 2003 lên khoảng 2.5 triệu năm 2016.
Đất nước Qatar do lao động nhập cư xây dựng
Chủ đầu tư lớn nhất của London?
Qatar đã mua nhiều khu bất động sản tiếng tăm ở London, trong đó có tòa nhà cao nhất London the Shard, cửa hàng Harrods nổi tiếng, khu địa ốc Chelsea Barracks và Làng Olympic, cũng như có cổ phần ở khu kinh doanh lớn Canary Wharf.
Ông Ali Shareef al-Emadi, Bộ trưởng Tài chính Qatar, cho hay hồi tháng Ba ông ước tính nước này có "hơn 35 đến 40 tỷ USD tiền đầu tư vào Anh".
Chưa dừng ở đó, ông Emadi nói Qatar có kế hoạch đầu tư tiếp 5 tỷ USD vào nước Anh trong vòng ba đến năm năm nữa, trong đó có cả bất động sản.
Qatar rất yêu hội họa
Qatar được biết đến là một nước truyền thống, nhưng trong vài năm qua, nước này đã mở cuộc triển lãm gây tranh cãi của họa sĩ đương đại Damien Hirst năm 2013.
Cũng trong năm đó, bà Sheikha al-Mayassa bint Hamad bin Khalifa al-Thani, chị gái của Tiểu vương, và người đứng đầu Cục Bảo tàng Qatar, đứng đầu danh sách 100 người quyền lực nhất của tạp chí Art Review.
Một con gấu bông lớn
Tình yêu hội họa của Qatar đã tràn từ các bảo tàng sang những không gian công cộng.
Ai từng đến Sân bay quốc tế Hamad của Doha không thể không thấy chú gấu vàng cao hơn 7m ngồi ngay giữa sân bay.
Chiếc đèn hình con gấu này được đúc bằng đồng và nặng gần 20 tấn, do nghệ sĩ người Thụy Sĩ Urs Fischer thiết kế cách đây hơn mười năm.
Qatar có GDP bình quân đầu người đứng thứ hai thế giới
Làm sao một nước nhỏ như vậy có kinh phí chi trả cho các dự án lớn? Nhờ nguồn dầu khí dồi dào, cũng như các khoản đầu tư khôn ngoan, Qatar có GDP bình quân đầu người đứng thứ hai thế giới .
Năm 2016, thu nhập bình quân của Qatar là 129.700 USD, cao hơn nước đứng thứ ba là Luxembourg tới là 20.000 USD, theo số liệu World Factbook của CIA.
Tuy nhiên, sự giàu có của Qatar chỉ tập trung vào một số ít. Cựu tiểu vương Qatar, ngài Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani, được cho là có tài sản khoảng 2.4 tỷ USD. Còn nhiều người lao động nhập cư cho hay hồi năm 2015 họ chỉ có thu nhập 350 USD một tháng.
***
Máy bay Qatar bị cấm vào không phận Ai Cập và Saudi
Các máy bay của Qatar bị cấm vào không phận Ai Cập và Ả rập Saudi, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao ngày càng gia tăng ở Vùng Vịnh đe dọa sự gián đoạn hàng không với quy mô lớn.
Một số quốc gia đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc quốc gia này ủng hộ chủ nghĩa cực đoan trong khu vực.
Các đường hàng không, đường bộ và đường biển đến Qatar đã bị Ả rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập và Bahrain đình chỉ.
Ảnh màn hình của FlightRadar24 sáng thứ Ba 06/06/2017 cho thấy các máy bay dân dụng của Qatar chỉ còn một tuyến hẹp để ra vào lãnh thổ của họ sau khi bị Ả rập Saudi đóng không phận.
Qatar bác cáo buộc họ ủng hộ các chiến binh IS và cho biết động thái này "không có căn cứ".
Bộ ngoại giao Sudan đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải giữa các bên "nhằm đạt được sự yên bình và hòa hợp".
Sự chia rẽ lớn giữa các quốc gia Vùng Vịnh hùng mạnh, những nước đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa các quốc gia vùng Vịnh với nước láng giềng Iran.
Hãng hàng không quốc gia Qatar có thể bị ảnh hưởng nặng nề
Qatar tuy nhỏ nhưng lại là nơi có căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất khu vực.
Bộ Chỉ huy CENTCOM và các đơn vị của Hoa Kỳ đóng tại căn cứ Al Udeid, Qatar từ nhiều năm qua.
Ai đã làm gì?
Bahrain, Ả rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất phối hợp cùng nhau cắt quan hệ ngoại giao, đình chỉ tất cả các đường hàng không, đường bộ và đường biển đến Qatar, bán đảo nhỏ bé nhưng có trữ lượng dầu lửa lớn.
Các quốc gia nêu trên cho tất cả các du khách và công dân Qatar thời hạn hai tuần để rời khỏi lãnh thổ của họ.
Ba nước này cũng cấm người dân nước họ du hành tới Qatar.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ để rời khỏi nước họ.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao có thể làm gián đoạn việc nhập khẩu thực phẩm của Qatar
Ả rập Saudi tiến thêm một bước bằng cách đóng cửa văn phòng địa phương của Al Jazeera, đài truyền hình có ảnh hưởng của Qatar.
Tuy nhiên, Ả rập Saudi nói rằng họ vẫn sẽ cho phép người dân Qatar tham gia cuộc hành hương Hajj hàng năm tới Mecca.
Ai Cập, Yemen và chính phủ miền đông Libya sau đó cũng có hành động tương tự.
Gián đoạn hàng không
Các phi cơ của Hoa Kỳ đóng tại căn cứ Al Udeid, Qatar từ nhiều năm qua
Cơ quan quản lý hàng không dân dụng của Ả rập Saudi cấm các máy bay của Qatar hạ cánh hoặc quá cảnh tại các sân bay cũng như vào không phận của nước này.
Ai Cập cũng đóng không phận đối với các chuyến bay khởi hành từ Qatar, và cho biết tất cả các chuyến bay giữa hai nước bị đình chỉ từ 04:00 GMT hôm 6/6 "cho đến khi có thông báo mới".
Các hãng hàng không từ nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, gồm Gulf Air, Etihad Airways và Emirates nói họ có kế hoạch hủy chuyến bay đến và đi từ thủ đô Doha của Qatar bắt đầu từ sáng 6/6.
Những hãng hàng không giá rẻ như Fly Dubai và Air Arabia cũng hủy bỏ các tuyến bay đến Doha.
***
Donald Trump 'ủng hộ cô lập Qatar'
Tổng thống Donald Trump đọc diễn văn ở Riyadh, Ả Rập Saudi hôm 21/5
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng ngoại giao sau khi nhiều nước Ả Rập cắt đứt quan hệ với Qatar.
Đăng một loạt tin trên Twitter, ông Trump dường như ủng hộ việc cô lập Qatar.
Ông Trump viết trên Twitter rằng ông "vui mừng" khi chuyến thăm Ả Rập Saudi gần đây "đang có kết quả".
"Họ nói sẽ cứng rắn với việc cấp tiền cho cực đoan, và tất cả đều chỉ vào Qatar. Có lẽ đây sẽ bắt đầu để chấm dứt khủng bố."
Ông Trump nói khi thăm Ả Rập Saudi mới đây, ông được cho hay Qatar đang tài trợ "ý thức hệ cực đoan".
Diễn văn của ông Trump tại thủ đô của Ả Rập Saudi, lên án Iran và thúc giục các nước Hồi giáo chống cực đoan, được xem là khuyến khích các nước vùng Vịnh chống lại Qatar.
Cùng trong tuần ông Trump thăm Ả Rập Saudi, các nước gồm Ai Cập, Ả Rập Saudi, Bahrain và UAE đã chặn các trang tin của Qatar gồm cả al-Jazeera.
Thứ Hai tuần này, Ả Rập Saudi, Bahrain, và UAE ra lệnh cho công dân Qatar phải ra đi trong vòng hai tuần.
Các nước này cũng cắt đứt mọi tuyến đường giao thông với Qatar.
Kuwait đã đề nghị làm trung gian đàm phán, còn Qatar nói họ sẽ hoan nghênh đối thoại.
Ả Rập Saudi và Bahrain đã rút giấy phép hàng không Qatar Airways, ra lệnh các văn phòng phải đóng cửa trong 48 tiếng.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.