Nằm khuất nẻo đâu đó ở Nội Mông, Trung Cộng là một con hồ chứa đầy hoá chất độc hại và khủng khiếp không khác gì địa ngục, 'con đẻ' của cơn khát điện thoại thông minh, những món đồ công nghệ hấp dẫn, và thậm chí cả công nghệ xanh, theo tìm hiểu của Tim Maughan.
Từ chỗ tôi đứng nhìn ra, tổ hợp sản xuất gang thép và đất hiếm Bao Cương đồ sộ như một thành phố, sừng sững chắn ngang chân trời, ống khói và tháp làm mát trải dài như vô tận, tua tủa lên bầu trời xám xịt, nham nhở. Chắn giữa tôi với khu tổ hợp ấy là một con hồ nhân tạo đen kịt, lệt sệt đầy bùn độc hại.
Hàng chục ống xả phun ra những dòng nước sền sệt, đen sì, toàn là chất thải từ các nhà máy hóa lọc đặt quanh hồ. Mùi lưu huỳnh và tiếng gầm rú từ các ống xả đặc quánh, bóp nghẹt các giác quan. Tôi thấy mình như đang lọt thỏm giữa địa ngục trần gian.
Chào mừng bạn đến với Bao Đầu, thành phố công nghiệp lớn nhất Nội Mông!
Tôi tới đây với một nhóm các kiến trúc sư và nhà thiết kế được gọi là “Nhóm điều tra những góc khuất”, và đây là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình ba tuần lễ lần theo dây chuyền cung ứng toàn cầu, nhằm lần ra đường đi của các thứ hàng hoá được xuất từ Trung Cộng tới các cửa hàng bán lẻ, tới từng hộ gia đình qua các ngả vận chuyển hàng hóa, nhà máy khác nhau.
Có lẽ bạn chưa từng nghe nói tới Bao Đầu? Nhưng chính các hầm mỏ, nhà máy ở đây đã khiến cuộc sống hiện đại của chúng ta được như ngày nay.
Đó là một trong những nơi cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới. Những nguyên tố đất hiếm này hiện diện ở tất cả mọi thứ, từ nam châm trong tuabin gió và động cơ ổ điện, cho đến các bảng mạch điện thoại thông minh và TV màn hình phẳng.
Năm 2009, Trung Cộng xuất ra 95% sản lượng đất hiếm trên toàn cầu. Ước tính, các mỏ ở khu quận Bạch Vân Ngạc Bác Khoáng Khu nằm về phía bắc của Bao Đầu nắm tới 70% trữ lượng đất hiếm toàn cầu. Nhưng, như chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây, cái giá phải trả là gì?
Nhân tố thành công
Đất hiếm đóng vai trò then chốt trong sự biến chuyển và bùng nổ phát triển của kinh tế Trung Cộng, khiến thế giới phải choáng váng trong trong những thập niên qua.
Khi tới Bao Đầu, ta thấy rất rõ tác động lớn lao của quá trình biến chuyển. Là trung tâm của “thời đào vàng” thế kỷ 21, Bao Đầu giống như thị trấn vùng biên.
Năm 1950, trước thời khai thác đất hiếm bùng nổ, thành phố chỉ có 97.000 dân. Ngày nay, con số này đã lên hơn hai triệu rưỡi.
Lý do duy nhất cho cho dòng người cuồn cuộn đổ về: khoáng sản.
Kết quả là Bao Đầu mắc kẹt giữa một bên là tân thế giới đầy ắp những cơ hội đến từ nhu cầu về đất hiếm của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, và một bên là những ký ức nhạt nhòa của thời Cộng Sản hiện diện trên những con phố có từ thời Soviet.
Các tấm biển quảng cáo cỡ lớn đăng các nhãn hiệu đắt tiền của Mỹ dựng bên các áp phích tuyên truyền cho thời cách mạng. Những gương mặt vô cảm của các siêu mẫu phương Tây nhìn chòng chọc xuống các bức tượng Mao Chủ tịch.
Khi màn đêm buông xuống, ánh đèn màu rực rỡ và các tấm kính nhuộm màu bằng đất hiếm dăng dăng trên phố lớn khiến cả thành phố như trong một cảnh quay trong bộ phim Tron.
Ở các ngõ phố nhỏ thì đông kịt những công nhân từ các nhà máy tuyển quặng say khướt, nôn ọe tràn ra từ các quán nhậu.
Địa ngục về môi trường
Chưa cần vào tới hồ chứa chất thải độc hại nói trên, tác hại mà ngành công nghiệp đất hiếm gây ra cho môi trường thành phố đã hiển hiện một cách rõ ràng, khủng khiếp.
Có những lúc ta không thể nhận biết được đâu là nơi kết thúc của tòa cấu trúc khổng lồ của tổ hợp tuyển quặng Bao Cương, đâu là nơi bắt đầu vào thành phố.
Những đường ống khổng lồ trồi lên từ mặt đất, chạy dọc theo đường phố, lối đi bộ, rồi cả được chống vòng lên không trung để băng qua đường như những cây cầu.
Đường phố ở đây khá rộng, chuyên phục vụ dòng xe tải diesel khổng lồ chở than nối đuôi nhau không dứt, át vía mọi loại xe cộ khác.
Khi mưa, dòng xe không ngưng nghỉ này cày nát mặt đường, khiến dòng nước ngập trên đường quyện vào bụi mỏ trở nên đen ngòm.
Chúng nối đuôi nhau thành hàng dằng dặc để rẽ vào một trong nhiều nhà máy nhiệt điện ở Bao Đầu, nằm sát cạnh những tòa nhà căn hộ mới xây.
Nhìn đâu ta cũng thấy giữa những khối nhà đang xây dở và những khu đậu xe nhiều tầng được vội vã dựng lên là một rừng tháp tuyển quặng lửa cháy phừng phừng và cột điện kéo tới vô tận. Bầu không khí thì lúc nào cũng nồng nặc mùi lưu huỳnh.
Những cảnh tượng công nghiệp như thế này hầu như đã bị lãng quên tại phương Tây. Đã từng có thời Detroit của Mỹ hay Sheffield của Anh trông giống thế, đặc bầu không khí giống thế.
Nhà máy lặng câm
Một trong các chuyến thăm đầu tiên của chúng tôi là tới một nhà máy xử lý quặng cerium, một trong những loại đất hiếm có nhiều nhất.
Cerium ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm dân dụng, từ việc nhuộm màu kính cho đến bộ trung hoà khí thải trong xe hơi.
Người hướng dẫn chúng tôi giải thích rằng họ chủ yếu sản xuất oxide cerium, dùng để đánh bóng màn hình cảm ứng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Khi lang thang qua các nhà xưởng lớn như garage chứa máy bay, chúng tôi nhận ra có điều gì đó khang khác.
Trong mê cung của đường ống, bể chứa, máy ly tâm không có lấy một bóng người.
Thực tế là chả có hoạt động gì cả. Ngoài tiếng chúng tôi vọng qua các nhà kho lớn, toàn bộ là yên tĩnh. Rõ là không có hoạt động gì.
Khi được hỏi, người hướng dẫn cho biết nhà máy phải đóng cửa để bảo trì - nhưng chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ điều đó hết: không có đội bảo dưỡng, cũng chẳng có gì được sửa chữa hoặc lau chùi.
Nhưng khi bị hỏi vặn, người hướng dẫn trở nên nghi ngờ, tại sao chúng tôi hỏi lắm thế, và trở nên im bặt. Đó là điều thường thấy ở Bao Đầu – từ chối trả lời hoặc chỉ nói theo nội dung đã chuẩn bị.
Khi chúng tôi rời đi, một thành viên trong đoàn, người đã đến thăm đây từ trước, đưa ra một lời giải thích hợp lý: có thể giới chức quản lý công nghiệp địa phương đã cố tình kiểm soát nguồn cung đất hiếm như oxide cerium nhằm để giữ giá đất hiếm cao?
Chúng tôi không chắc cái nhà máy đã thăm là một ví dụ như thế. Tuy nhiên, đó không phải là chuyện chưa từng xảy ra.
Chẳng hạn hồi 2012, Tân Hoa Xã loan tin một nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất Trung Cộng đã tạm dừng hoạt động để ngăn chặn đà giảm giá.
Một trong những sản phẩm xuất khẩu chính khác của Bao Đầu là neodymium, một loại đất hiếm dùng cho nhiều ứng dụng.
Chất này được dùng để nhuộm thủy tinh, đặc biệt dùng trong công nghệ laser, nhưng có lẽ quan trọng nhất là sản xuất các nam châm cực mạnh nhưng có trọng lượng siêu nhẹ.
Nam châm Neodymium được sử dụng trong các mặt hàng điện tử tiêu dùng như tai nghe, micro dùng cho điện thoại di động, hay ổ cứng máy tính.
Với những sản phẩm công nghiệp cỡ lớn, nó có mặt trong các thiết bị lớn cần từ trường cực mạnh, như tua-bin điện gió và động cơ điện của xe ô tô điện thế hệ mới. Chúng tôi được một người hướng dẫn có vẻ cởi mở hơn đưa đi thăm nhà máy nam châm neodymium. Chúng tôi thậm chí còn được táy máy với mấy cục nam châm.
Nhưng một lần nữa, khi hỏi những câu vượt quá các ứng dụng và sản xuất nam châm mà liên quan đến vấn đề môi trường, các câu trả lời lại loanh quanh, và chúng tôi nhanh chóng bị "tống khứ".
Đất hiếm không hiếm
Điều trớ trêu về neodymium và cerium là chúng được gọi là “đất hiếm” trong lúc thực ra chúng khá phổ biến.
Neodymium cũng có nhiều như đồng hoặc niken và phân bố đều khắp nơi trên bề mặt trái đất.
Trung Cộng sản xuất 90% neodymium thị trường toàn cầu, nhưng chỉ chiếm 30% trữ lượng.
Điều khiến cho neodymium và cerium khan hiếm, qua đó đem lại lợi nhuận cao chính là quá trình cực kỳ nguy hiểm và độc hại để trích xuất chúng từ quặng và tinh luyện thành các nguyên liệu có thể sử dụng.
Ví dụ, cerium được trích xuất bằng phương pháp nghiền hỗn hợp khoáng và hòa tan trong axid sulfuric và acid nitric, và quy trình này cần phải thực hiện trên quy mô công nghiệp khổng lồ, dẫn đến việc thải ra một lượng lớn sản phẩm phụ là chất thải độc hại.
Có thể thấy rằng sự thống trị của Trung Cộng trong thị trường đất hiếm không phải do lợi thế tài nguyên mà chính là sự hy sinh về mặt môi trường, điều mà các quốc gia khác cố tránh.
Không có nơi nào cho thấy rõ ràng hơn về sự hy sinh môi trường của Trung Cộng bằng ở bờ hồ độc hại Bao Đầu.
Đắp một cái đập ngăn sông, cho nước tràn ngập vào nơi từng là đất canh tác trước đó, rốt cuộc chỉ tạo ra một ao chứa chất thải: một nơi để xả những phụ phẩm độc hại.
Chỉ mất 20 phút lái xe từ trung tâm thành phố tới hồ là ta thấy khối các công trình công nghiệp đồ sộ lấn át vùng nông thôn bị bỏ hoang hóa.
Các báo cáo trước đây đều khẳng định hồ được quân đội bảo vệ, nhưng chúng tôi không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ điều đó.
Chúng tôi có qua một cái lán, chắc từng là trạm gác nhưng giờ thì bỏ hoang, ai đó vội vàng bỏ đi, còn để lại giường, bếp, và cả những vỏ gói mì ăn liền.
Chúng tôi đến bờ và nhìn sang bên kia hồ. Dù đã xem một vài bức ảnh trước khi tới Nội Mông, nhưng tôi không chuẩn bị tinh thần cho những hình ảnh này.
Đó là một môi trường thật sự xa lạ, kinh hoàng và khủng khiếp.
Ý nghĩ rằng nó do con người tạo ra làm tôi hoảng sợ và suy sụp tinh thần. Tôi nhận ra rằng đây chính là sản phẩm phụ không chỉ của các thiết bị điện tử tiêu dùng đang nằm trong túi tôi, mà còn là của công nghệ xanh như tua-bin gió và ô tô điện, những thứ mà phương Tây vẫn tự hài lòng.
Khá bối rối, tôi chụp vài bức ảnh và quay lại vài video clip bằng chiếc Iphone được đánh bóng bằng đất hiếm cerium.
Liam Young trong “nhóm điều tra các góc khuất” đã thu thập một số mẫu thải và mang về Anh để phân tích. "Đất sét từ hồ có mức phóng xạ gấp ba lần so với đất trong khu vực," ông sau này nói với tôi.
"Chúng tôi dùng đất sét nhiễm xạ này để nặn một loạt những bình gốm kiểu thời nhà Minh," Young nói, "mỗi chiếc bình sẽ thể hiện tỷ lệ chất thải độc hại xả ra từ hoạt động sản xuất đất hiếm được cung ứng cho mỗi ngành công nghiệp khác nhau."
Việc này nhằm minh họa tác động của hàng tiêu dùng lên môi trường, thậm chí khi ảnh hưởng môi trường đó là vô hình và cách ta hàng ngàn dặm.
Sau khi tự mình nhìn thấy những ảnh hưởng môi trường của việc khai thác đất hiếm, tôi chẳng thể giữ nguyên quan điểm về những tiện ích sử dụng hàng ngày nữa.
Gần đây, khi Apple công bố đồng hồ thông minh, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: chúng ta đã từng sản xuất đồng hồ bằng khoáng sản khai thác từ trái đất và đối xử với chúng như những đồ gia bảo quý giá; và giờ đây, chúng ta lại dùng những khoáng sản quý hiếm hơn, mà lại muốn nâng cấp hàng năm.
Các công ty công nghệ cứ liên tục hối thúc chúng ta nâng cấp: mua máy tính bảng hoặc điện thoại mới nhất. Nhưng tôi không thể quên rằng tất cả bắt đầu ở một nơi như Bao Đầu, nơi có một hồ nước độc hại khủng khiếp trải dài đến tận chân trời.
Tim Maughan
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.