Sông Mekong chảy qua sáu nước, nhiều vùng khí hậu khác nhau, nhưng được cho rằng nơi cội nguồn về mặt địa lý cũng như linh hồn sông đều nằm ở vùng thượng nguồn, cao nguyên Tây Tạng.
Linh hồn dòng sông
Sông Mekong, một trong những dòng sông dài nhất thế giới, đem lại thực phẩm, nước dùng và sự sống cho khoảng 60 triệu người dân ở sáu quốc gia khác nhau. Trong hầu hết chiều dài sông, dòng nước chảy qua các vùng khí hậu nhiệt đới, qua những nơi như Việt Nam hay Thái Lan.
Sông Mekong bắt nguồn chính xác là từ đâu, đây vẫn là điều gây tranh cãi từ bấy lâu nay. Người Tây Tạng rằng linh hồn sông nằm ở nơi mà họ gọi là "Dza Chu" (dòng sông của những tảng đá), chảy ra từ các hồ Zaxiqiwa thần bí ở cao nguyên Tây Tạng rất cao và rất khô, nằm ở một vùng hẻo lánh của tỉnh Thanh Hải thuộc Trung Cộng.
Cuộc tìm kiếm
Người Tây Tạng biết rằng nơi bắt nguồn 'thật sự' về mặt địa lý của sông Mekong nằm xa hơn nữa, trên các băng sơn ở những ngọn núi nhô lên trên cao nguyên. Trong nhiều năm, các nhà thám hiểm đã tìm cách xác định chính xác cội nguồn dòng sông. Hồi đầu Thế kỷ 19, các nhà thám hiểm người Pháp tuyên bố đã tìm ra. Một người Pháp khác, Michael Peissel, nói đã phát hiện ra một điểm khác vào khoảng giữa thập niên 1990, cũng là lúc các nhóm người Nhật nỗ lực đi tìm. Năm 1999, các nhóm Trung Cộng xác được nguồn gốc con sông ở nơi còn cao hơn nữa, ở Núi Cát Phủ (Jifu Mountain).
Kết quả mới nhất được các nhà thám hiểm Pieter Neele và Luciano Lepre đưa ra là vào năm 2014. Họ mô tả về một nơi bắt nguồn mới: một dòng suối chảy ra từ một băng sơn ở độ cao 5.374 mét, trên một ngọn núi vô danh ngay bên cạnh Núi Cát Phủ.
Thế nhưng với người Tây Tạng thì cội nguồn linh hồn dòng sông mới là điều đáng kể.
Ánh sáng trên thảo nguyên
Hành trình 270km tới nơi thượng nguồn dòng sông, tính từ sân bay gần nhất, sân bay Ngọc Thụ (Yushu) ở tỉnh Thanh Hải, chúng tôi chạy trên độ cao hiếm khi xuống dưới 4.000 mét, và có những lúc lên tới 4.900 mét. Dọc đường đi, quang cảnh xung quanh trông như một bảng màu rực rỡ, với những ngọn núi cao nhất và những khung trời xanh nhất. Những áng mây trên cao, những bóng râm đổ xuống, và ánh mặt trời toả sáng nơi nơi.
Những đàn bò lông Tây Tạng hiền lành ngó nhìn, và những ngôi nhà của dân du mục rải rác đó đây, một số căng lều, và một số những căn nhà chỉ được trát bùn đơn giản, hiện lên từng cụm cách nhau chừng vài km trên đường chúng tôi đi.
Đoạn cuối con đường
Ta chỉ có thể đi được trên tuyến đường này bằng chiếc xe tối thiểu phải là xe hai cầu loại khoẻ. Tất nhiên là bạn có thể đi bằng ngựa, nhưng sẽ mất nhiều ngày mới tới nơi. Sau vài giờ lái xe, con đường rải nhựa kết thúc, và chúng tôi bắt đầu dấn bước vào một hành trình chậm chạp trên con đường gập ghềnh, gồ ghề đầy bụi đất.
Nguồn nước có ý nghĩa sống còn
Sau vài giờ trên đường, ở một thị trấn có tên gọi là Zachey thuộc huyện Zadoi, chúng tôi đi ngang của một nữ sư Tây Tạng đang rảo bước ngay gần dòng Mekong (mà ở Trung Cộng người ta gọi là sông Lan Thương).
Sonanwangmo, 46 tuổi, lớn lên trong một gia đình du mục có sáu con, chuyên nuôi bò lông Tây Tạng, và đi tu từ lúc mới 13 tuổi.
"Tôi yêu nơi này," bà nói với tôi. "Chúng tôi uống nước dòng sông, và tất nhiên là cả đàn bò. Dòng sông rất quan trọng bởi nó chảy quanh một nửa thế giới."
Nơi trong lành nhất
"Bò lông Tây Tạng đem đến cho chúng tôi mọi thứ. Chúng tôi sống được là nhờ chúng. Và chúng cần dòng sông này, một dòng sông vô cùng sạch sẽ. Nếu không có nước sông, chúng tôi không thể sống được," Yinzo, 68 tuổi, người lớn lên ở các rặng núi gần Dza Chu, nói.
Nơi con sông bắt nguồn
Sau hai ngày di chuyển, chúng tôi tới các khu hồ Zaxiqiwa. Những hồ nước xanh ngắt hiện lên từ khu đầm lầy, bao quanh là những triền đất ẩm ướt, những trảng cỏ và thảm hoa dại trải dài. Ở độ cao này, bầu không khí rất mỏng còn thế giới xung quanh thì tịch mịch. Ta có thể nghe thấy tiếng đại bàng vỗ cánh trên đầu. Xa xa thấp thoáng bóng những căn lều có treo cờ phướn nơi chân trời. Để tới đó, ta phải đi bộ bởi nền đất quá mềm lún, không thể chạy xe.
Đất lành
Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ năm được cho là đã đặt tên cho những cái hồ này là "cội nguồn của các dòng sông" khi Ngài tới đây trong chuyến đi kéo dài chín tháng bắt đầu từ Lhasa, để gặp Hoàng đế Trung Hoa tại Bắc Kinh. Người Tây Tạng sùng kính "Người Vĩ đại thứ năm", bởi Ngài được coi là vị lãnh đạo cả về tinh thần lẫn thế tục đầy quyền uy, người đã thống nhất được Tây Tạng trong thời Ngài trị vì, hồi Thế kỷ thứ 17, sau khi nơi này rơi vào cuộc xung đột kéo dài nhiều năm. Việc Ngài đi qua đây và để thời gian ngồi thiền tại những hồ nước này khiến nơi đây trở nên đặc biệt thiêng liêng, là miền đất lành.
Mẹ sông
Hồ nước này là một địa điểm hành hương. Người Tây Tạng và cả những người khác tới đây tỏ lòng thành kính. Họ tin rằng nước nơi đây có thể chữa lành mọi bệnh tật. Người dân địa phương nói ngay cả trong những ngày đông khắc nghiệt nhất, khi mặt đất đông cứng phủ đầy tuyết trắng thì nước hồ cũng không đóng băng. Một người du mục Tây Tạng gọi nơi đây là "mẹ của sông Mekong" và nói với tôi rằng "chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ mẹ và những đứa con của mẹ ở cuối dòng sông".
Huyền bí
Khi hoàng hôn buông xuống, mặt đất ánh lên sắc vàng. Chúng tôi hoàn toàn cô đơn nơi đây. Những đám mây bay trên những đỉnh núi phía chân trời, đổ bóng xuống những trảng cỏ. Khi nhắm mặt lại, tôi không hề nghe thấy bất kỳ âm thanh gì ngoài những tiếng chim kêu lác đác, hay tiếng sóng nước vỗ bờ. Thế giới thực tại dường như đã trôi đi rất xa. Nếu như có khoảnh khắc nào có thể coi là khi thời gian ngưng đọng, thì đó chính là lúc này, nơi chúng tôi đang có mặt.
Christine McNab
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.