Hy vọng những gì đang xảy ra sẽ không dẫn tới cấp độ hết sức nghiêm trọng như trong quá khứ, nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy một cuộc chiến tranh thương mại đã từng là một 'ngòi nổ' dẫn tới Đại chiến thế giới lần thứ II, một học giả trong giới nghiên cứu kinh tế từ Hoa Kỳ nói vào trung tuần tháng Bảy.
Những gì mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang làm với cuộc chiến thương mại 'đi ngược hoàn toàn' với những gì mà môn kinh tế học được giảng dạy ở các Đại học tại Mỹ, Giáo sư Trần Hữu Dũng, từng có nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Wright State University, Dayton, tiểu bang Ohio nói .
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã liên tục tuyên bố nâng các mức thuế xuất vào hàng hóa, sản phẩm của Trung cộng nhập vào Mỹ với trị giá lên đến hàng trăm tỷ đô-la
Cuộc chiến thương mại này là khó lường, mà một trong các vấn đề lớn là không ai biết được hết quy mô thiệt hại cho nền kinh tế thế giới mà nó gây ra, trong khi việc có dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo của Mỹ dường như không có một 'kế hoạch' được điều nghiên rõ ràng, trong khi Ban cố vấn kinh tế và nội bộ Đảng Cộng hòa dường như cũng có ảnh hưởng hoặc khả năng tác động, kiểm soát hạn chế với Tổng thống.
Hôm 13/7/2018, bên lề một Hội thảo tư tại Warsaw, Ba Lan, Giáo sư Trần Hữu Dũng nói:
"Cuộc chiến tranh thương mại này đối với những người học kinh tế thì nó đi ngược lại hoàn toàn đi ngược lại kinh tế. Những gì mà chúng tôi dạy sinh viên là đừng làm, nên tránh làm từ trước đến nay lại là những gì mà ông Trump đang làm. Đối với những người đã nghiên cứu kinh tế, thì những chuyện này là những chuyện rất phản khoa học, phản lý thuyết.
Tùy hứng, không thể tốt
"Thành ra rất là đáng lo, hình như ông Trump ông làm tùy hứng, và nếu ông có một nghiên cứu nào để biện luận cho chiến tranh của ông thì cũng còn tin được, nhưng không có một cái nào, tùy hứng, ông muốn làm gì thì ông làm, đó là một chuyện đối với những người nghiên cứu là rất đáng lo ngại.
"Lo ngại vì nó không những thiệt hại cho kinh tế bây giờ mà nó còn đem vào một sự không chắc chắn về tương lai, cái đó ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư ngoại quốc này kia. Nếu cuộc chiến tranh mà biết trước được thế nào, thì còn dự đoán, đầu tư được, nhưng chiến tranh này không biết nó sẽ thế nào, đó là một điều rất có hại cho thương mại quốc tế."
Theo nhà nghiên cứu kinh tế này, cuộc chiến thương mại và cách thức nó được mở ra sẽ 'không thể nào tốt' cho nước Mỹ và cả cho nền kinh tế thế giới nói chung.
Trả lời câu hỏi nếu cuộc chiến này có những yếu tố được cho là bất hợp lý hoặc tiêu cực như vậy, thì giới chuyên môn, nghiên cứu, hoạch định chính sách ở Mỹ có thể và nên làm gì, Giáo sư Trần Hữu Dũng đáp:
"Đối với chúng tôi, những người bạn bè quen biết, chúng tôi cũng 'bứt tai, bứt tóc', không biết phải nói thế nào nữa, vì không biết ông Trump sẽ làm thế nào, ông có vẻ bốc đồng, ông muốn làm ngày hôm nay thế nào, sáng chiều hôm nay thế nào, ông muốn làm gì thì làm, mà không có một căn cứ, một kế hoạch nào lâu dài hết, mà bên kia họ trả đũa thế nào, thì ông sẽ làm thế nào - hoàn toàn không biết.
"Tức là bầu không khí hiện nay là một sự lo lắng tuyệt đối trong giới kinh tế, những người theo dõi kinh tế lâu nay rất lo lắng, không biết thế nào, nhưng rút cuộc là không thể nào tốt được đối với nước Mỹ, đối với những nước khác tôi không theo dõi, nhưng nói về kinh tế thế giới nói chung thì không thể nào mà tốt được."
Trung cộng rất khôn ngoan
Việt Nam và chiến tranh thương mại Trung Mỹ
Bình luận về cách thức mà Trung cộng đang đối phó, 'trả đũa' lại nước Mỹ, Giáo sư Trần Hữu Dũng nói:
"Tôi thấy họ rất khôn ngoan tại vì trả đũa chẳng hạn, họ nhắm vào chính trị Mỹ, họ biết ở tiểu bang Wisconsin kỹ nghệ chính là sản xuất xe máy, thì họ đánh vào đó để dân chúng phản đối. Hay tiểu bang Kentucky chẳng hạn thì sản xuất bông, họ đánh thuế bông, để dân chúng Kentucky phản đối.
"Thì đó là một sự trả đũa khôn ngoan mà những người học kinh tế biết chuyện đó từ lâu rồi, những người ở nước ngoài cũng biết rất rõ tình trạng nước Mỹ, nhược điểm của Mỹ ở đâu, chẳng hạn ở Florida người dân trồng cam, trồng trái cây, đánh thuế vào đó thì Florida bị thiệt hại như thế nào, họ biết cái đó ảnh hưởng với Quốc hội, đối với Mỹ thế nào.
"Họ đánh thuế trả đũa Mỹ nhắm vào áp lực chính trị và Quốc hội, chứ bây giờ đối với ông Trump thì ông không nghĩ đến chuyện đó. Tôi nghĩ đó là một sự trả đũa khôn ngoan, nhưng rút cục không có ai lợi, đó là vấn đề thuế nhập khẩu (Tariff) mà không có cách nào lợi hết.
Gần đây tại Việt Nam, theo dư luận, có một số dòng ý kiến được cho là tỏ ra 'vui mừng' trước cuộc chiến này và cho rằng bất luận nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump mà 'làm được gì' để 'tấn công' Trung cộng, dù là về kinh tế, hay thương mại, thì cũng là chuyện 'đáng mừng', 'có lợi' cho Việt Nam.
Khi được đề nghị bình luận về thái độ và quan điểm này, tính lợi hại thực chất của cuộc chiến ra sao với Việt Nam, nhà kinh tế học từ Mỹ nói:
"Tôi nghĩ là khó lắm, tại vì nó di truyền, không phải là nói nước riêng nước này nước kia làm riêng một công nghệ, mà tất cả cái này dính với cái kia, thành ra muốn nghiên cứu kỹ như vậy, kinh tế người ta gọi là nghiên cứu tổng bộ chứ không phải là nói chuyện về riêng một sản phẩm này, một sản phẩm kia, chuyện này dính với chuyện kia, chuyện kia dính với chuyện nọ.
"Thành ra tôi không biết, tôi nghĩ là Việt Nam sẽ thiệt hại, nhưng thiệt hại bậc nào, có nhiều hơn nước khác hay không là một vấn đề phải nghiên cứu kỹ, chứ không phải nói khơi khơi như vậy được. Tôi nghĩ là khi này nói khơi khơi nhiều quá, mà phải nghiên cứu thật kỹ, mà chuyện này nghiên cứu rất là khó, vấn đề là khi đem tất cả những liên kết trong thế giới lại, cũng như sản phẩm này, sản phẩm kia chẳng hạn, thì rất khó làm.
Chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu mà không chỉ dừng ở những bên trực tiếp liên quan, theo Giáo sư Trần Hữu Dũng
"Nhưng phải làm như vậy để biết được rốt cuộc, để tiên đoán nước Việt Nam sẽ thế nào, tôi chắc chắn rằng sẽ thiệt hại, nhưng nếu thiệt hại ít hơn nước khác thì tương đối mình [Việt Nam] khá hơn, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả thế giới đều thiệt hại bởi cuộc chiến tranh thương mại này."
Thiệt hại cụ thể?
Bình luận về tính thiệt hại cụ thể ra sao trong tình huống và kịch bản Trung cộng, nước láng giềng của Việt Nam, trong quá trình đối phó chiến tranh thương mại với Mỹ, có thể đưa hàng hóa hay sản phẩm vào Việt Nam, hoặc chuyển đổi xuất xứ hàng hóa theo cách thức 'dán nhãn' sản phẩm của nước này tại thị trường Việt Nam, Giáo sư Trần Hữu Dũng nói:
"Chắc chắn sẽ như vậy, nhưng rồi Mỹ sẽ tìm cách chặn con đường đó, như Trung cộng đem thép họ sản xuất vào Việt Nam, thì Mỹ biết được sẽ chặn chuyện đó. Rồi Trung cộng sẽ tìm cách khác, rồi đi vòng vòng... hậu quả sẽ rất khó khăn phức tạp. Chặn chuyện này sẽ ra chuyện khác, chặn sản phẩm này, ra sản phẩm khác, thành ra chiến tranh thương mại sẽ rất là khó mà ngay những cơ quan nghiên cứu kinh tế cao cấp cũng thấy rất khó làm, rất khó tiên đoán, cần những mô hình định lượng rất rắc rối, chứ không phải là [đơn giản] như vậy.
"Thành ra những chuyện ông Trump nói sáng ra ông nghĩ chuyện này, chuyện này, không phải là như vậy, mà có những hậu quả không thể tiên đoán được."
Cũng có ý kiến cho rằng, bản thân Mỹ khi bị Trung cộng phản công, trả đũa, cũng có thể phải tìm thị trường thay thế cho sản phẩm và hàng hóa của mình, và họ có thể đưa các sản phẩm đó vào Việt Nam, điều được cho là có thể bất lợi, tổn hại cho thị trường nội địa và sức sản xuất nội địa của Việt Nam, tương tự như với hàng hóa, sản phẩm của Trung cộng, trả lời câu hỏi Việt Nam nên đối phó thế nào, nhà kinh tế học từ Mỹ nói:
"Thực tình ra, tôi có thể làm một mô hình để chứng tỏ bất cứ điều gì, tôi chỉ cần thay đổi một số thông số là nó có thể ra kết quả âm hay dương, chuyện đó dễ dàng vô cùng, bởi vì tất cả những chương trình kinh tế đều dính đến nhau hết, nhưng cũng khó nói lắm, tôi chưa thấy một nghiên cứu nào có thể tin được, bởi vì càng ngày nó càng có nhiều chuyện rắc rối xảy ra, chứ không phải chuyện riêng giữa Mỹ và Trung cộng, mà giữa Mỹ và châu Âu, rồi giữa châu Âu và Trung cộng... nó liên kết với nhau và rất là khó."
Ý tưởng của ai?
Tổng thống Donald Trump và một số cố vấn kinh tế và thành viên nội các trong lĩnh vực kinh tế, thương mại
Khi được hỏi ý tưởng về cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra là ý tưởng riêng của Tổng thống Donald Trump, hay là xuất phát từ một ban cố vấn, 'quân sư' nào đó, Giáo sư Trần Hữu Dũng bình luận:
"Lúc trước, đầu tiên khi ông Trump lên [làm Tổng thống], thì cố vấn kinh tế của ông là Gary Cohn, là một người theo thuyết toàn cầu, trọng tự do, nhưng chỉ vài tháng thì ông 'bị đuổi', hoặc 'từ chức', nên bây giờ ê-kíp của ông Trump có hai người chính là ông Larry Kudlow, là người thường thường viết báo này kia, nhưng từ hồi nào trong giới kinh tế không tin ông vì ông viết toàn sai, ông Larry Kudlow tiên đoán toàn những chuyện sai.
"Một ông nữa là ông Peter Navarro, cũng là cố vấn kinh tế, nhưng ông Kudlow và ông Navarro không thích hợp nhau, ông Peter Navarro cũng là Giáo sư kinh tế, nhưng không uy tín cho lắm, viết một hai bài gì đó. Thì chính ông Peter Navarro đó theo chính sách, lập trường cứng rắn với Trung cộng. Còn một vài ông nữa, như là ông Steven Mnuchin của Bộ Ngân khố, hay ông Wilbur Ross của Bộ Thương mại chẳng hạn, thì ông Wilbur Ross cũng già tám mấy tuổi rồi, nên tôi không thấy có một nhà kinh tế uy tín nào mà cố vấn cho ông Trump. Tôi rất là lo ngại như vậy."
Trước câu hỏi từ nhánh Lập pháp hay Quốc hội Mỹ có phản ứng, tiếng nói, hay can thiệp, tham vấn, ảnh hưởng gì hay không với Tổng thống Trump và quyết định khởi xướng cuộc chiến tranh thương mại, Giáo sư Trần Hữu Dũng nói:
"Bây giờ đó là một sự thất vọng lớn đối với những người quan sát chính trường Mỹ, có thể nói thẳng ra là sự 'hèn yếu' của Đảng Cộng hòa, bây giờ họ sợ ông Trump lắm, nên không có tiếng nói, không có một ai dám can đảm.
"Hai người, lãnh đạo Hạ Viện là ông Paul Ryan và lãnh đạo Thượng Viện là ông Mitchell, ông Ryan, lúc trước khi còn tranh cử, thì thỉnh thoảng cũng có những câu phê bình ông Trump, nhưng sau này cũng 'nhát', cũng 'sợ', bây giờ ông từ chức, không tái cử nữa. Michell cũng vậy, thành ra không có tiếng nói nào nặng ký.
Giáo sư Trần Hữu Dũng (phải) nhắc lại kinh nghiệm lịch sử thông qua cuộc chiến tranh thương mại Smoot-Hawley được cho là 'có liên quan' đến ngòi nổ của Thế chiến II
"Một ông nữa cũng sắp từ chức là ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ của Thượng Viện Mỹ, định trình ra một Dự luật để đòi hỏi khi ông Trump đưa ra các biện pháp đánh thuế (Tariff), thì Dự luật đó chính phe Cộng Hòa cũng không chịu biểu quyết. Do đó vấn đề là một sự thất vọng lớn của chính quyền Mỹ - là sự 'hèn yếu' của Đảng Cộng Hòa.
"Họ sợ những người ủng hộ Trump cuồng nhiệt, không chỉ nói về thương mại không mà còn về chính trị Mỹ, đó là một sự lo ngại. Bây giờ họ rất là sợ ông Trump..."
Trong lịch sử, các cuộc chiến tranh thương mại đã từng xảy ra, nhưng cuộc chiến nào được cho là cũng có hồi kết, mà trong đó có thể có kịch bản các bên sau cùng nhún nhường, xuống thang, thỏa hiệp hay thỏa thuận lại với nhau, khi được đề nghị đưa ra dự đoán về kết cục của cuộc chiến thương mại lần này, nhà kinh tế học nói:
"Cuộc chiến tranh thương mại nổi tiếng nhất trong lịch sử kinh tế là Smoot-Hawley của những năm 1930, nhìn vào nó, nhiều người nói rằng chính Smoot-Hawley đã đưa đến Thế chiến thứ II.
"Tôi không dám tiên đoán như vậy, nhưng hậu quả có thể đưa đến một trường hợp như thế.
"Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II là hậu quả những thất bại của Smoot-Hawley, tôi mong mỏi là cuộc chiến tranh thương mại này không dẫn đến mức đó, nhưng đó là kinh nghiệm đã xảy ra trong quá khứ," nhà kinh tế học đến từ Mỹ nói Tiếng Việt.
Quốc Phương
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.