Khi chúng ta căng thẳng, não bộ có những thay đổi vật lý khiến ta khó bỏ qua được những hiểm nguy có thể xảy ra
Một số quyết định quan trọng nhất mà bạn đưa ra trong đời sẽ xảy ra khi bạn cảm thấy căng thẳng và lo lắng.
Từ những vấn đề từ sức khỏe cho đến quyết định tài chính và sự nghiệp, chúng ta thường phải cân nhắc những thông tin có được trong những điều kiện căng thẳng.
Chẳng hạn như những người sắp làm cha làm mẹ cần phải đưa ra một loạt những quyết định quan trọng trong thời kỳ mang thai và sinh nở - khi mà nhiều người cảm thấy hồi hộp lo lắng.
Liệu chúng ta có sẽ trở nên sắc bén hơn hay u mê hơn khi xử lý và vận dụng những thông tin trong những tình huống như thế?
Lính cứu hỏa
Tôi và một đồng nghiệp, Neil Garrett, hiện làm việc tại Viện Khoa học Thần kinh Princeton, New Jersey, đã thử bước ra khỏi không gian an toàn trong phòng thí nghiệm để đến các sở cứu hỏa ở Colorado tìm hiểu xem trí não hoạt động như thế nào dưới áp lực căng thẳng.
Ngày làm việc của lính cứu hỏa có một chút linh động. Một số ngày thì tương đối thoải mái: họ dành thời gian rửa xe, lau chùi thiết bị, nấu ăn và đọc sách. Những ngày khác có thể bận tối mắt tối mũi với nhiều ca đe dọa đến tính mạng phải xử lý; họ vào những căn nhà đang cháy để cứu những người bị mắc kẹt và hỗ trợ cấp cứu.
Những thăng trầm như thế chính là bối cảnh hoàn hảo để thí nghiệm về khả năng của con người sử dụng thông tin thay đổi như thế nào khi họ cảm thấy bị áp lực.
Chúng tôi nhận thấy rằng những mối đe dọa được cảm nhận đã kích hoạt một phản ứng căng thẳng, giúp cho lính cứu hỏa xử lý thông tin tốt hơn - tuy nhiên với điều kiện đó là tin xấu.
Đây là cách mà chúng tôi đi đến kết quả này: chúng tôi yêu cầu các lính cứu hỏa đánh giá khả năng trải nghiệm 40 sự kiện bất hạnh khác nhau trong cuộc đời, chẳng hạn như bị dính vào một vụ tai nạn xe hay trở thành nạn nhân của một vụ lường gạt thẻ ngân hàng.
Chúng tôi đưa cho họ hoặc là tin tốt (chúng tôi nói với họ rằng khả năng xảy ra những trường hợp này là thấp hơn họ nghĩ) hoặc là tin xấu (khả năng cao hơn) và yêu cầu họ đưa ra đánh giá mới.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người thường có xu hướng rất lạc quan - họ sẽ bỏ qua những tin xấu và nghĩ đến tin tốt.
Đó là những gì đã xảy ra khi mà các lính cứu hỏa đang thư giãn; nhưng khi họ căng thẳng thì một kiểu hành vi khác lại xuất hiện.
Trong những điều kiện này, họ trở nên cực kỳ cảnh giác đối với những bất cứ tin xấu nào mà chúng tôi đưa ra, ngay cả khi những tin xấu đó không liên quan gì đến công việc của họ (chẳng hạn như khi họ biết rằng khả năng bị lường gạt thẻ ngân hàng là cao hơn họ nghĩ) và thay đổi quan niệm của họ nhằm ứng phó với tình hình.
Ngược lại, áp lực lại không hề thay đổi cách họ phản ứng với tin tốt (chẳng hạn như khi họ biết rằng khả năng bị lường gạt thẻ ngân hàng là thấp hơn họ nghĩ).
Dấu vết của sự tiến hóa
Quay trở lại phòng thí nghiệm, chúng tôi quan sát thấy cách ứng xử tương tự ở những sinh viên đại học được yêu cầu họ phải có một bài nói chuyện bất ngờ trước công chúng và sẽ được một ban giám khảo đánh giá, ghi âm lại và đăng lên mạng.
Chắc chắn rằng nồng độ cortisol trong cơ thể họ sẽ tăng vọt, tim họ sẽ đập nhanh và họ đột nhiên trở nên xử lý những thông tin không liên quan nhưng mang tính cảnh giác cao về tỷ lệ bệnh tật hay bạo lực một cách tốt hơn.
Khi bạn trải qua những tình huống căng thẳng, cho dù là cá nhân (chờ đợi được chẩn đoán y khoa) hay công cộng (hỗn loạn chính trị), thay đổi sinh lý sẽ được kích hoạt khiến bạn sẽ chấp nhận bất kỳ dạng cảnh báo nào và trở nên chú tâm vào điều bất trắc có thể.
Một nghiên cứu sử dụng hình ảnh quét não để xem hoạt động thần kinh của những người bị căng thẳng cho thấy sự 'chuyển chế độ' này có liên quan đến sự tăng cường đột ngột các tín hiệu thần kinh vốn quan trọng trong việc học hỏi (được gọi là dung sai dự đoán), cụ thể là khi phản ứng lại những dấu hiệu nguy hiểm không mong đợi (chẳng hạn như trên mặt thể hiện sự sợ hãi).
Những bản năng thần kinh như thế có lẽ đã giúp nhân loại sinh tồn trong thuở sơ khai. Khi tổ tiên chúng ta nhận thấy mình sống trong một môi trường đầy thú đói thì họ sẽ được lợi từ khả năng nhận biết những nguy hiểm được tăng cường để có thể tránh thú dữ ăn thịt.
Tuy nhiên, trong môi trường an toàn thì sẽ phí phạm nếu lúc nào cũng cảnh giác cao độ. "Không biết gì hết" ở một mức độ nhất định có thể giúp cho đầu óc chúng ta an lạc.
Do đó một sự 'chuyển chế độ' vốn tự động làm tăng hay giảm khả năng xử lý các cảnh báo của bạn để phản ứng lại những thay đổi trong môi trường xung quanh có thể hữu ích.
Thật vậy, những người bị chứng trầm cảm hay lo lắng lâm sàng dường như không thể thoát khỏi trạng thái mà họ tiếp nhận toàn là những thông tin tiêu cực xung quanh họ.
Dễ lan truyền
Điều quan trọng là nhận ra rằng sự căng thẳng di chuyển nhanh chóng từ người này sang người khác. Nếu như đồng nghiệp của bạn bị căng thẳng thì nhiều khả bạn sẽ căng thẳng lên và bản thân cũng cảm thấy áp lực. Não bộ của chúng ta được cấu tạo để nhanh chóng truyền cảm xúc sang người khác bởi vì chúng thường truyền đạt những thông tin quan trọng.
Bà Wendy Berry Mendes, giáo sư về cảm xúc tại Đại học California ở San Francisco, và các đồng sự nhận thấy rằng khi các em bé được bế trong tay những bà mẹ mà vừa phải trải qua một sự kiện xã hội căng thẳng, nhịp tim của các em cũng tăng mạnh.
Thông điệp truyền từ trái tim đập mạnh của người mẹ đến đứa bé là thông điệp về sự nguy hiểm - và do đó, đứa bé sẽ tránh tiếp xúc với người lạ.
Thậm chí bạn không cần phải ở chung phòng với ai đó để cho tình cảm của họ ảnh hưởng hành vi của bạn.
Các nghiên cứu cho thấy nếu bạn thấy những dòng cập nhật tích cực trên mạng xã hội, chẳng hạn như hình ảnh một buổi hoàng hôn rực đỏ, thì nhiều khả năng chính bạn sẽ đăng lên những thông điệp lạc quan.
Nếu bạn thấy có những bài đăng tiêu cực, chẳng hạn như lời cằn nhằn về việc phải xếp hàng dài ở một tiệm cà phê thì đến lượt bạn sẽ đăng lên những dòng trạng thái tiêu cực hơn.
Bằng một số cách nào đó, một số người trong chúng ta sống như thể chúng ta đang gặp nguy hiểm thật sự, tương tự như các lính cứu hỏa trong tư thế sẵn sàng, lúc nào cũng sẵn sàng dập tắt ngọn lửa của những email hay tin nhắn đòi hỏi đủ thứ, và phản hồi lại những tin báo và dòng cập nhật trên mạng xã hội.
Liên tục xem điện thoại là có liên quan đến áp lực, theo một khảo sát do Hiệp hội Tâm lý Mỹ thực hiện.
Phóng đại mối nguy
Nói cách khác, một phản ứng sinh lý được lập trình từ trước, mà quá trình tiến hóa đã tạo cho chúng ta để chúng ta có thể tránh những con thú đói ăn thịt, giờ đây được kích hoạt bởi một dòng đăng trên mạng xã hội.
Những thông tin trên mạng xã hội, theo một nghiên cứu, sẽ làm tăng nhịp tim bạn, khiến bạn đổ mồ hôi và làm giãn nở đồng tử của bạn hơn là phần lớn những hoạt động hàng ngày.
Việc áp lực làm tăng khả năng chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn vào những thông điệp báo động, cùng với việc nó lan nhanh như sóng thần, có thể tạo ra mối lo sợ tập thể mà không phải lúc nào cũng có cơ sở.
Đó là do sau một sự kiện đáng sợ, ví dụ như một vụ tấn công khủng bố hay bạo loạn chính trị, sau đó sẽ luôn có một làn sóng những thông tin báo động trên truyền thông chính thống và trên mạng xã hội mà các cá nhân sẽ tiếp thu rất chăm chú, nhưng điều đó có thể thổi phồng những nguy cơ thật sự.
Và do đó một kiểu hành vi đáng tin sẽ xuất hiện sau các cuộc tấn công khủng bố và thị trường tài chính sụp đổ - căng thẳng được kích hoạt, sau đó lan từ người này đến người khác - vốn tạm thời làm tăng khả năng mọi người sẽ tiếp nhận những thông tin xấu và những thông tin xấu này lại càng làm căng thẳng gia tăng.
Chính vì vậy, các chuyến đi bị hủy bỏ, ngay cả khi có một vụ khủng bố xảy ra ở một nơi chứ không phải trên toàn thế giới; chứng khoán bị bán tháo, ngay cả khi giữ lại mới là điều tốt nhất; và các chiến dịch chính trị lan truyền nỗi sợ hãi thu hút thêm nhiều người ủng hộ, ngay cả khi nó không có cơ sở trên thực tế.
Tuy nhiên, tin tốt là những tình cảm tích cực, như hy vọng chẳng hạn, cũng dễ lây lan, và có sức mạnh trong việc lôi kéo con người hành động để tìm giải pháp.
Nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa trạng thái tình cảm của con người và cách họ xử lý thông tin có thể giúp chúng ta định hình thông điệp của mình một cách hiệu quả hơn và trở thành những tác nhân tạo ra thay đổi.
Tali SharotAeon
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.