Diễn viên lồng tiếng người Nhật Bản Yūko Nagashima hơi lo lắng khi cô lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò lồng tiếng cho nhân vật của Carrie Bradshaw trong loạt phim ăn khách của Mỹ Sex and the City (được giới thiệu ở Việt Nam với tựa đề Chuyện ấy là chuyện nhỏ).
Sau hết thì tình dục không phải là điều mà phụ nữ Nhật Bản nói một cách công khai, dễ dàng như Carrie và đám bạn gái vẫn bàn tán trong bất cứ bữa ăn điểm tâm giữa buổi nào.
"Tôi tự hỏi không biết phải làm thế nào cho phù hợp với khán giả Nhật Bản vốn kín đáo, bảo thủ hơn," Nagashima nói với The Wall Street Journal.
"Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng Sex and the City đụng chạm đến những vấn đề chung mà phụ nữ lo lắng, như tình yêu, tình dục, các anh bồ, nghề nghiệp… Toàn là những mối quan tâm chung của mọi phụ nữ, bất kể họ ở đâu, và tôi nghĩ đó là lý do tại sao bộ phim cũng thu hút phụ nữ Nhật."
Nagashima sẽ tiếp tục lồng tiếng cho Carrie trong suốt series, cũng như hai bộ phim tiếp theo. Và Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất bên ngoài nước Mỹ khao khát đón nhận từng tập phim của Sex and the City.
Từ mùa thứ hai trên HBO ở Mỹ, năm 1999, chương trình bắt đầu được phát sóng đến một lượng lớn khán giả nhiệt tình ở các nước Úc, Ireland, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản, và ở các nước khác nữa, tất cả đều hào hứng đón nhận những cuộc phiêu lưu táo bạo ở thành phố New York của Carrie và những người bạn độc thân của cô: Charlotte lãng mạn, Miranda thực tế và Samantha quyến rũ.
Cynthia Nixon, bìa phải, nay đang thách thức thống đốc New York Andrew Cuomo trong vị trí ứng viên tranh chức thống đốc của đảng Dân chủ
Nay, khi mà Sex and the City kỷ niệm 20 năm ra mắt, loạt phim này vẫn có sức hút mạnh mẽ trên toàn cầu và tiếp tục được phát sóng lại và phát trực tuyến, và kèm theo đó là dấu ấn lên toàn bộ các ngành công nghiệp - loạt phim được gắn với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng như giày Manolo Blahnik, bánh ngọt cupcake Magnolia Bakery và nhiều nhãn hiệu khác.
Tuy nhiên, sự thành công của phim gây ngạc nhiên đặc biệt tại các nước châu Á và Trung Đông vốn bảo thủ, nơi nó đã được đón chào, được bắt chước và bị cấm đoán - nhưng chưa bao giờ bị khán giả thờ ơ.
Cảm giác tự do, phóng khoáng trong Sex and the City khiến phụ nữ Nhật Bản đặc biệt thích thú kể từ khi phim lần đầu được giới thiệu ở thị trường này, hồi 1999. Loạt phim khiến phụ nữ Nhật cảm thấy việc nói lớn từ 'tình dục', mà trong tiếng Nhật là sekkuki, là chuyện bình thường, chẳng có gì phải ngại ngùng, tờ Japan Times tường thuật.
"Tại Nhật, đây là điều hết sức mạnh mẽ, bởi những phụ nữ trẻ đã tìm thấy tiếng nói của mình, trở nên dám đòi hỏi hơn trong các mối quan hệ," Veronica Chambers, tác giả cuốn Kickboxing Geishas: How Modern Japanese Women Are Changing Their Nation (tạm dịch: Câu chuyện Kỹ nữ: Những phụ nữ Nhật Bản hiện đại đang thay đổi đất nước họ như thế nào), nói với tôi về cuốn sách mà tôi viết, Sex and the City và Chúng ta.
Khía cạnh cổ tích của bốn người phụ nữ đi tìm kiếm những chàng hoàng tử quyến rũ của mình tạo sức cộng hưởng lớn, bà nói, và phong cách phóng khoáng, tự do của họ đối với thời trang vào thời điểm mà phong trào Harajuku của Nhật đang tiên phong trong việc tạo ra những thay đổi triệt để thì cũng vậy.
Bánh ngọt cupcake và sự chỉ trích
Những xu hướng khác từ loạt phim cũng nhanh chóng lan ra các thị trường Á châu mà phim được trình chiếu.
Sex and the City tạo sức hấp dẫn trên toàn Châu Á, nhất là ở Nhật Bản, nơi các thảo luận thẳng thắn về tình dục vẫn là điều cấm kỵ
Magnolia Bakery, chuỗi cửa hàng bánh ngọt có trụ sở chính tại New York đã tạo được cơn sốt ăn bánh cupcake ở Nhật Bản và Nam Hàn cùng một số quốc gia khác ở Trung Đông nhờ vào việc xuất hiện trên Sex and the City hồi 2000. Tính đến năm ngoái, Nam Hàn đem lại tới 70% doanh thu bán bánh cupcake của hãng.
Thậm chí đến cuối thập niên 2000, khi hai tập phim Sex and the City trình làng, những nữ người hùng táo tợn và độc lập trong phim vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trực tiếp lên các phụ nữ Nhật.
"Những phẩm chất này dường như tạo dấu ấn mạnh đối với giới chị em ở Nhật, những người vẫn bị áp lực phải thể hiện mình như những con búp bê nhu mì, mong manh, sẵn lòng gập mình nhã nhặn (và nhường ghế một cách đầy duyên dáng) trước người đàn ông mà một ngày nào đó sẽ khiến cô cảm thấy 'vinh dự' bằng một cuộc hôn nhân," Trenton Truitt viết trên tờ Japan Today.
"Việc liên tục bị cha mẹ và xã hội gây áp lực phải có được một tấm chồng khiến họ bị ám ảnh bởi nỗi xấu hổ là mình sẽ trở thành một 'make-inu' (chó thua cuộc) khiến các phụ nữ Nhật Bản liên hệ tới những trắc trở tình duyên có trong phim. Họ muốn đi tìm người đàn ông của riêng mình, điều có vẻ như khó xảy ra ở Tokyo hơn nhiều so với ở Manhattan."
Tại Nhật, Sex and the City vẫn là một trong những sản phẩm gắn bó chặt chẽ với giới chị em, giống như ở Mỹ.
"Chối bỏ Sex and the City thì giống như khi nói rằng bạn không có một đôi giày cao gót hoặc chiếc váy đen bó sát, gọn gàng," Kaori Shoji viết lời bình luận hồi 2008 về phim Sex and the City trên The Japan Times.
"Giống như là việc thừa nhận bạn sống nhiều năm độc thân. Ngay lập tức, bạn bị coi là kém phần phụ nữ (theo định nghĩa của thời hiện đại), là người không có cảm xúc, không thú vị, kỳ quặc và chả có ai muốn ngó ngàng tới."
Tại một số quốc gia, trong đó có Singapore, phiên bản phim Mỹ bị cấm. Khi loạt phim bắt đầu được phát sóng toàn thế giới hồi 1999, hòn đảo thủ cưụ này đã không chiếu phim cho đến tận năm 2004.
Nhu cầu cao, và do một số thay đổi trong luật báo chí, khiến phiên bản được gọt tỉa chút ít bắt đầu được phát sóng vào khoảng thời gian mà loạt cuối của phim được chiếu tại Mỹ, với các cảnh tình dục và những từ nói đệm suồng sã bị cắt bỏ. Tuy nhiên, nó vẫn là bước vượt rào, khi trong phim vẫn còn một số cảnh vui đùa và quan hệ đồng tính. HBO thì giảm bớt nội dung tình dục trong các quảng cáo ở Singapore và dùng dòng khẩu hiệu, "Tình yêu luôn đáng cho ta chờ đợi."
Bộ phim vẫn là điều cấm kỵ ở một số nơi, thậm chí cả trong những năm sau đó.
Trong phim Sex and the City 2, ra hồi 2010, các nhân vật có kỳ nghỉ ở Abu Dhabi và các nhà sản xuất đã hy vọng là có thể quay phim ở Dubai gần đó, thủ đô của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Thế nhưng ngay cả giới chức Dubai cũng từ chối cấp phép cho họ sau khi xem kịch bản, trong đó có cảnh ngòi nổ tình dục Samantha ném bao cao su vào đám đàn ông ở một khu chợ và một câu thoại khá suồng sã về nói về một người có thể sẽ trở thành người tình của mình. Họ cuối cùng đã quay sang chọn Morocco.
Bộ phim chưa bao giờ được chiếu ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, dẫu cho các quan chức nói rằng đó là bởi hãng phân phối chưa bao giờ nộp đơn xin chiếu. Nhiều khả năng là họ không nộp đơn bởi e rằng phim sẽ bị kiểm duyệt, cắt bỏ nhiều đoạn.
Ode to Joy, với sự diễn xuất của Jiang Xin (thứ hai từ bên trái sang), đã khiến chủ đề độc thân ở Trung cộng được nhìn nhận từ một khía cạnh khác trước
Gần đây hơn, Trung cộng có một phiên bản phóng tác của riêng mình, dựa trên Sex and the City, vở kịch có tên là Ode to Joy (Khải hoàn ca).
Vở kịch nói về năm người phụ nữ thành phố cùng đời sống tình cảm của họ, đương đầu với những vấn đề cấm kỵ trong tình dục; một nhân vật đã khiến bạn trai đau buồn khi thừa nhận rằng cô không còn trinh.
Tất nhiên, điều đó nghe quá đỗi là bình thường nếu xét theo tiêu chuẩn của Sex and the City phiên bản Mỹ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ format phim đã cho phép các câu chuyện nặng tính văn hóa về phụ nữ được nói ra một cách thành thật.
Và nếu như điều cấm kỵ là chuyện trinh tiết của người phụ nữ, thì ngay cả một cô Samantha cũng phải vỗ tay tán dương họ.
Jennifer Keishin Armstrong
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.