Wednesday, July 20, 2011

"Cha truyền con nối"

image
Khuôn mặt bơ sữa của hai Hoàng tử Đỏ
Nguyễn Thanh Nghị 35t mang kính ( con trai TT Nguyễn TấnDũng )
Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng

Cái lạnh giá chết trâu chết bò từ Phương Bắc tràn về không làm cho câu chuyện về Đại Hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng CSVN bớt nóng.
Từ Đại Hội tới Đại Hội, thành công lại tiếp tục thành công. Những cụm từ mà khi chưa tổ chức người ta đã sử dụng và biết chắc chắn rằng nó sẽ được nói ra khi Đại Hội kết thúc.

Trong cuộc họp báo đầu tiên ngay sau khi kết thúc Đại Hội (ngày 19/1), tân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, nói với các phóng viên trong nước và quốc tế rằng Đại Hội đã thành công rực rỡ. Có một vài trục trặc nhỏ nhưng không đáng kể.

Ông Trọng không nhắc đến cụ thể sự trục trặc đó là cái gì nhưng có thể hiểu một trong số đó là danh sách đề cử mà Trung Ương Đảng CSVN khóa X trình Đại Hội đã có 7 trường hợp không được bầu.
Trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp của Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm cùng với một số vị bộ trưởng khác.

image
Hoàng tử Đỏ Nguyễn Xuân Anh 35 t
Phó CT UBND TP Đà Nẳng là con trai
cựu Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi

Bí mật thông tin

Người dân không được biết các thông tin và câu chuyện nội bộ của Đại Hội. Các nhà báo theo dõi cũng vô cùng ít thông tin về các cuộc họp bên trong.
Vì thế thông tin ông Trọng đưa ra về việc danh sách Trung Ương trình đã bị Đại Hội thay đổi làm cho người nghe cảm thấy vui vui và có những ý nghĩ lạc quan về không khí dân chủ của Đại Hội.
Nhiều người còn nghĩ đến một tương lai dân chủ hơn ngoài xã hội. Nhiều đại biểu có học thức, có chính kiến riêng và việc họ làm không phải hoàn toàn theo ý kiến chỉ đạo trước.

Tuy nhiên, chuyện những người không trúng cử rồi sẽ qua đi. Nhiều vị sẽ nghỉ hưu và sẽ không còn ảnh hưởng gì đến nền chính trị Việt Nam trong tương lai.
Nhưng điều sẽ còn lại và quyết định việc đưa con thuyền Việt Nam đến bến bờ nào là danh sách của những người tái cử và những người trúng cử.
Đại Hội đã bầu được 200 người vào Ban Chấp Hành Trung Ương.
200 con người được gọi là hiền tài của đất nước ấy là những ai? Già trẻ ra sao? Họ đến từ những nơi nào? Đại diện cho thành phần xã hội nào?
Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thì đại diện của họ trong Trung Ương là những ai? Có bao nhiêu người xuất thân từ lao động?...
Và nhiều câu hỏi nữa mà người dân Việt Nam với dân số gần 90 triệu người rất muốn biết nhưng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để biết.

Câu hỏi không có trả lời
Ngay như Bộ Trưởng Xây Dựng Nguyễn Hồng Quân cũng không hề biết được người vừa trúng cử ủy viên dự khuyết ngồi cạnh mình, ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk là ai thì nói gì đến các đại biểu khác hay dân thường ngoài xã hội?
Ông Trần Sỹ Thanh, sinh năm 1972, là Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk.

image
Hoàng tử Đỏ Nông Quốc Tuấn năm nay 48 tuổi
con trai cựu TBT Nông Đức Mạnh

Trước khi được bầu giữ chức Phó Bí Thư cuối năm 2010 vừa rồi, ông làm Phó Tổng Giám Đốc Kho Bạc Nhà Nước Việt Nam và luân chuyển vào giữ chức Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Đắk Lắk, một địa bàn kinh tế chính trị giàu có quan trọng ở Tây Nguyên.
Ông là cháu ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng Chính Phủ, người vừa tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa và nghe đồn sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ Tịch Quốc Hội vào tháng 7 tới.
Trường hợp ông Trần Sỹ Thanh có thể ít người biết đến nhưng ba trường hợp nổi bật khác cũng trúng vào Trung ương lần này, hay ba ‘hoàng tử đỏ” khác, thì khá là nổi tiếng.

Đó là ông Nông Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, con trai Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam khoá IX và X Nông Đức Mạnh.
Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại Học Kiến Trúc Thành Phố Hồ Chí Minh, con trai đương kim Ủy Viên Bộ Chính Trị, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Trường hợp thứ ba là ông Nguyễn Xuân Anh, Bí Thư Quận Ủy Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, con trai Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kiểm tra Trung Ương khoá 10 Nguyễn Văn Chi.

Không thể phủ nhận là trong số các ủy viên trung ương lần này cũng có nhiều người là con cái cán bộ lão thành -- những người được coi như khai quốc công thần, hy sinh cả cuộc đời mình cho cách mạng Việt Nam; nhưng dường như sự thành đạt của họ trên chính trường khó có thể nhận thấy sự can thiệp dìu dắt của cha họ.

Thậm chí nhiều người yêu mến còn cho rằng họ phải rất vất vả để vượt qua cái bóng của cha mình như Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, con trai cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Tướng Thanh đã hy sinh vài chục năm nay, khi ông Vịnh còn là trẻ con.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh là con trai cố Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch nhưng nhiều người thậm chí còn không biết họ là cha con.

Đứng sau Phạm Bình Minh trong danh sách trung ương có Trần Bình Minh, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam.
Ông Minh nổi tiếng là một nhà báo tài năng, hoạt ngôn và rất thông minh chứ ít được biết đến như con trai nguyên Tổng Giám Đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm, người đã treo cờ tổ quốc ở Nhà Hát Lớn Hà Nội trong ngày 19/8/1945.
Hay một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y Tế.
Bà Tiến bắt đầu nổi tiếng khi được nhắc đến là Viện Trưởng Viện Pasteur Thành Phố Hồ Chí Minh khi dịch cúm gia cầm xảy ra ở Việt Nam cách đây vài năm chứ ít được biết đến với tư cách cháu ngoại cố Tổng Bí Thư Hà Huy Tập.
Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa gia đình trị?
Còn bao nhiêu ‘hạt giống đỏ’ trong Trung Ương lần này? Bao nhiêu người là con cán bố lão thành, những người sẽ tiếp nối sự nghiệp cách mạng của cha ông mình ở Việt Nam?

Và bao nhiêu người là con cán bộ đương chức?
Nếu như trường hợp của ông Vịnh, bà Tiến và hai ông Minh không có gì để bàn luận nhiều thì trường hợp của ông Tuấn, ông Nghị và ông Xuân Anh đã được dân chúng râm ran bàn luận trước khi đại hội diễn ra.
Trước đó vài tháng ở Bắc Hàn, con trai út của nhà lãnh đạo Kim Yong-il là Kim Jong-un, 27 tuổi, được phong hàm đại tướng, mở đường cho một sự nối ngôi của gia đình độc tài họ Kim này.

image
Hoàng tử Đỏ Trần Bình Minh gắn bó nhiều năm với ngành truyền hình

Liệu có sự liên tưởng nào giữa hai đất nước có cùng hệ tư tưởng cộng sản Marxism - Leninism này không?
Ông Nông Quốc Tuấn thuộc thế hệ 6X.
Về tuổi tác ông không hẳn là trẻ nhưng chưa chứng minh được bản thân trong khi bị chỉ trích là bất tài, năng lực thuộc loại yếu.
Ông không có học hành đến nơi đến chốn mà bắt đầu bằng việc đi xuất khẩu lao động ở Đức.

Sau khi cha của ông chuyển công tác từ tỉnh miền núi Bắc Thái về Hà Nội và thăng tiến nhanh ở thủ đô, ông Tuấn gia nhập cơ quan Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, nơi cung cấp cán bộ cho Đảng.
Ông nhanh chóng được đề bạt đến chức bí thư trung ương Đoàn, một cấp hàm tương đương thứ trưởng.

Sau một hồi luân chuyển lòng vòng, nay ông là người đứng đầu một tỉnh phía bắc và có tên trong Trung Ương Ủy Viên.
Khác với ông Tuấn, hai ông Xuân Anh và ông Nghị thuộc thế hệ 7X. Họ còn rất trẻ và được học hành tử tế.
Họ được chuẩn bị để tiếp tục có vị trí cao hơn trong Đảng Cộng Sản vào nhiệm kỳ tới.

Điều này đã được nhiều doanh nhân ở Sài Gòn nhận định rằng, về mặt hình thức, Việt Nam vẫn tuyên bố đi theo chủ nghĩa cộng sản để tiến tới chủ nghĩa xã hội, một xã hội công hữu về tư liệu sản xuất.
Nhưng thực tế thì một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đang hành động theo cách ngược lại, là tư hữu hoá mọi thứ có thể cho gia đình mình.
Họ sẽ đưa đất nước theo hướng được điều hành bởi một nhóm gia đình quyền lực về kinh tế và chính trị, trong đó việc đưa con trai mình vào trung ương lần này càng khẳng đình rõ quan điểm cho rằng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa đất nước theo hướng đó và gia đình ông là một trong những gia đình điều hành đất nước Đông Nam Á này.

Nếu như ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, Phó Chủ Tịch Trung Quốc cho rằng đất nước nên được điều hành bởi con cái của những nhà cách mạng tiền bối thì ở Việt Nam, quan điểm này đang bắt đầu có cơ sở.
Trước khi đại hội 11 diễn ra, Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh cho rằng chỉ Đảng Cộng Sản là người lãnh đạo thành công nhiều cuộc chiến tranh cho nên chỉ có Đảng Cộng Sản mới có quyền lãnh đạo đất nước.
Nhưng việc con cái các nhà lãnh đạo được chuẩn bị để tiến tới điều hành đất nước sẽ đưa đất nước này đi về đâu?


Hồng Quân
viết cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội


Hai cảm thức thơ Việt qua hai sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa
Inrasara
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Việt Nam

Sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa vào cuối năm 2007 là một sự kiện chính trị xã hội qua hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở Sài Gòn, Hà Nội với những vụ bắt bớ, giam cầm tác động mạnh đến tâm thức người Việt trên khắp thế giới, qua đó tạo nên một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn chương Việt.
2007
Khi ấy, ở trong nước, nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu lên thống thiết: "Tôi yêu Tổ quốc tôi mà tôi bị bắt":

Có nơi đâu trên thế giới này
như Việt Nam hôm nay
Yêu nước là tội ác
biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước” bắt?...
Các anh hùng dân tộc ơi!
Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi!
nếu sống lại, các Ngài sẽ bị bắt!...

Tiếng kêu như nghẹn lại ở cuống họng. Bởi bài thơ kia đăng lên và được link ở tận đẩu đâu, chứ không phải ở trong nước. Ngay tại đất nước Việt Nam, tất cả im ắng. Im ắng và vắng lặng, đến nhà thơ nữ đất Tây Nguyên riết róng đặt câu hỏi. Một câu hỏi lớn, câu hỏi không cần dấu chấm hỏi:

tin tức trong ngày tiền phong online tuổi trẻ online thanh niên online vtv1 vtv3 bản tin sáng bản tin trưa bản tin tối bản tin cuối ngày bản tin vừa mới cập nhật không có gì không có gì…
sao lại không có gì không có gì không có gì
sao lại không có gì không có gì không có gì
(Đinh Thị Như Thúy, "trận cảm cúm và sự im lặng [không phải của bầy cừu]")

Không có gì! Bởi "Ở nơi ấy, hảo hảo hảo", như tên một bài thơ Inrasara. Bài thơ của nhà thơ nữ đất Tây Nguyên này cũng đã phải tìm đến các website tiếng Việt ở nước ngoài để giãi bày nỗi niềm.
Riêng trang mạng Tienve.org, chưa trọn tháng, từ ngày 5-12-2007 đến 2-1-2008, 59 lượt với 64 bài thơ của các khuôn mặt đã hay chưa thành danh cấp tập xuất hiện, tạo nên một phong trào sáng tác tự nguyện chưa từng có về một chủ đề liên quan trực tiếp đến sự kiện chính trị xã hội.
Từ các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đến các cây bút sáng tác ngoại biên; từ nhà thơ trong nước cho đến hải ngoại. Có nhà thơ xuất hiện hơn hai lượt. Cá biệt, Nguyễn Đăng Thường: 10 bài qua 8 lượt đăng.
Lạ, đại đa số các sáng tác này là của nhà thơ. Họ đã không bàng quan. Họ hành động, bằng lên tiếng, biểu tình và nhất là - viết. Qua nhiều phong cách và thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Có thể cổ điển đầy lôi cuốn như Trần Mạnh Hảo, đôi lúc hiện đại với nhiều ẩn dụ đẹp như Nguyễn Bình Phương:
đảo ở xa hơn những giấc mơ
không thấy đảo, trái tim họ vẫn đập theo nhịp đảo
(Nguyễn Bình Phương, "Đảo")

Còn lại, tất cả đều thể hiện qua cảm thức và bút pháp hậu hiện đại. Thứ bút pháp tương thích hơn cả, với đề tài này trong hoàn cảnh trớ trêu này, một trớ trêu có thể xếp vào hàng vô địch. Có thi sĩ trích nguyên văn của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, cắt, thay đổi vài chữ để giễu nhại như Lê Vĩnh Tài, tạo nên hiệu quả nghệ thuật đặc biệt:
Ông Lê Dũng năm 2007: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"
Ông Lê ... năm 2027: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đảo Phú Quốc"
Ông Lê ... năm 2047: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền thành phố Sài Gòn"
(Lê Vĩnh Tài, "Khi nào bà muốn - xin hãy đến!")
P.K. có cách làm khác. Cũng trích "diễn văn" ấy: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, nhưng bài thơ tạo ấn tượng ở chính tiêu đề của nó: "Chỉ thiếu mỗi can đảm". Thế thôi, cũng đã nói lên được nhiều.

Nguyễn Quốc Chánh làm khác nữa. Đưa các hình ảnh thời sự mang tính báo động, còn ngôn từ của bài thơ "Hoàng & trường sa [hành] đương thời" chỉ như một chú thích cho các hình ảnh trên. Hiệu quả cũng không kém. Tất cả đều cùng giọng giễu nhại cay đắng. Bắt chước kiểu nói của Mayakovsky, Nguyễn Đức Tùng mỉa mai chua chát: Tốt lắm!

Hai tâm thế và tâm thức sáng tạo khác biệt ấy - qua một sự kiện chung kết nối bởi tình cảm chung - tưởng sẽ là cơ hội đưa văn nghệ sĩ xích lại gần nhau, thế nhưng nhìn ở bề sâu, nó như đang đào sâu thêm cái hố phân cách ngoại vi/ trung tâm của văn học Việt Nam đương đại.
Vẫn còn là chưa đủ. Còn chưa đủ với mười bài thơ bằng đủ giọng cười đau khóc hận khác nhau của Nguyễn Đăng Thường. Nguyễn Viện thì bày ra trò chơi "Game":

1. Quốc hội Việt Nam người Tàu hay người Việt?

2. Chính phủ Việt Nam người Tàu hay người Việt?

3. Báo chí và Truyền hình Việt Nam quan tâm đến cái gì nhất:
A- Bóng đá?
B- Sexy show Hoàng Thùy Linh, Yến Vi?
C- Tàu chiếm Hoàng Sa & Trường Sa?

4. Bao nhiêu người có câu trả lời giống bạn?
Đó là những trớ trêu. Trớ trêu, không phải ở hành động xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc, không phải ở nỗi im lặng đáng sợ của mọi phương tiện thông tin đại chúng chính thống, càng không ở sự không hay không biết của Hội Nhà văn Việt Nam, mà trớ trêu chính là ở khi một số ít ỏi văn nghệ sĩ dũng cảm tỏ thái độ bằng xuống đường, lên tiếng… thì hành động và tiếng nói kia bị hăm dọa, bị cản trở, bị đè bẹp bởi chính người đồng bào ruột thịt của mình. Tất cả tiếng thơ về sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa thời kì này - bằng nhiều giọng điệu khác nhau - đồng loạt phản ứng lại nỗi trớ trêu ấy.
Nhưng dù sự biến có trớ trêu tới đâu và sự mỉa mai sâu cay thế nào đi nữa thì vẫn không thể "giải quyết vấn đề", nếu thi sĩ sống mà đánh mất hi vọng. Giữa không khí nửa sôi sục nửa vắng lặng kia, Trần Tiến Dũng đã đã biết dưỡng nuôi niềm hi vọng, Hi vọng cùng, qua, với khuôn mặt và ánh mắt của ba cô gái ngồi chấp tay [cầu nguyện, sẵn sàng và tin tưởng] với sau lưng là nhân viên phận an ninh đứng chống nạnh canh chừng ("Vết cắt", Tienve.org).
2011

Một số nhà thơ đã lấy cảm hứng từ vấn đề chủ quyền Biển Đông
Bốn mươi tháng đi qua, sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa tái diễn. Kì này hành động ở phía Trung Quốc ngang nhiên và bạo ngược hơn đẩy sự kiện vào thế bấp bênh mang chứa nhiều nguy cơ bùng nổ hơn. Nhà nước Việt Nam - nói như PK - đã "can đảm" hơn. Can đảm và cứng rắn hơn. Nhà văn nhà thơ Việt trong nước cũng đã rục rịch lên tiếng. Lên tiếng, vì được phép tỏ thái độ, những thái độ nhìn trước ngó sau đầy dè chừng. Báo Văn nghệ Thành phố, website của Hội Nhà văn Việt Nam và trang mạng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh thỉnh thoảng xuất hiện vài bài thơ văn nhắc đến vụ Trường Sa - Hoàng Sa. Nhưng tất cả vẫn không tạo nên sự kiện, bởi Trường Sa - Hoàng Sa đã không [đáng?] trở thành "chuyên đề", như Tienve.org đã làm.

Ở ngoại biên, website của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dù có mở chuyên đề "Thơ trên biển nóng" cập nhật các sáng tác mới nhất về sự kiện này, nhưng nó vẫn cứ không tạo nổi sự kiện.
Tình yêu nước thì thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Khi tình ấy được thể hiện bằng phương tiện nghệ thuật, nó phải có… nghệ thuật. Nghĩa là độc đáo. Nhưng thái độ của các nhà thơ chính thống vẫn cứ chừng mực và đúng mực, bút pháp vẫn còn dừng lại ở cổ điển với hậu lãng mạn.

Cả Nguyễn Việt Chiến qua "Tổ quốc nhìn từ biển” vẫn cứ chung chung, chưa "bám sát thực tế cuộc sống":

Nếu tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Các sáng tác trên Tienve.org thì khác hẳn: Phản kháng với phản biện đồng thời ở tư tưởng, vừa đấu nguy cơ ngoại xâm vừa chống cơ chế độc đoán ở hành động, còn tình cảm thì quyết liệt tới cùng bên cạnh nghệ thuật đầy tính khai phá… là các yếu tố cơ bản tạo nên tác phẩm có sức lôi cuốn.
Tienve.org năm xưa khác là thế. Sự kiện Trường Sa - Hoàng sa kì hai, Tienve.org càng khác. Khác ở cách hành xử. Gần như tất cả dồn qua không gian "Đối thoại" với chuyên đề "Chủ quyền lãnh thổ". Ở đó tùy bút, bài báo, hay thậm chí là đoản văn ngắn đốp chát lại kẻ thù, hoặc phản biện với mọi bàng quan cùng bao biện các loại, thay cho thơ văn. Những đối đáp không úp mở hay "ẩn dụ" mà thẳng thừng và trực diện.

Hầu như đại đa số văn nghệ sĩ ngoại vi đã tự nguyện rời phòng văn để trở thành người làm báo. Tại đó website, blog, facebook,.. là thứ vũ khí lợi hại. Thế nhưng dù gì thì gì bản thân họ là kẻ sáng tạo, họ không thể bỏ quên văn chương. Ngoài tên tuổi đã từng xuất hiện ở sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa kì đầu, đã có thêm vài khuôn mặt mới nhập cuộc: Nguyễn Thị Thanh Bình, Lưu Mêlan, NNguong, Chiêu Anh Nguyễn, Đoàn Minh Châu... Thái độ họ thẳng thừng và dứt khoát không kém.

Bài thơ "Đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước" của Chiêu Anh Nguyễn là rất điển hình. Bài thơ sáng tác và đăng trên Tienve.org ngày 8-5-2011, trước bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai xuất hiện (Lethieunhon.com) đúng một tháng rưỡi (23-6-2011). Cùng là người nữ đầy nhạy cảm, tuổi đời ngang nhau, thơ đang ở thời kì chín tới, viết về cùng một sự kiện gây chấn động xã hội, nhưng hai tâm thức khác nhau sinh ra hai bài thơ hoàn toàn khác nhau.
Trong khi Nguyễn Phan Quế Mai xa xôi diệu vợi với tiếng sóng dội vào ghềnh đá, bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Bài thơ cũng biết chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước, cũng tin chắc chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng. Nhưng nó chỉ dừng ở đó: xa xăm, mơ hồ và chung chung. Thì Chiêu Anh Nguyễn cận cảnh, cụ thể đến từng chi tiết. Cũng chung một khí phách, cũng hừng hực lòng yêu nước, nhà thơ này đã biết xuống đường, đã đau lòng và khốn đốn trước những hàng rào chắn, xe công an, dùi cui, hiệu trưởng doạ nạt sinh viên, bạn bè tôi bị bao vây nhà, hạch hỏi bắt bớ, mời uống trà, theo dõi hành hung…

Cuối cùng điều đáng nói nhất là đằng sau bài thơ kia, hiển lộ tinh thần phản kháng của một nghệ sĩ mang đủ đầy trách nhiệm của một con người yêu tự do trọn vẹn. Đó là điều các sáng tác chính thống hoàn toàn thiếu.
Hai tâm thế và tâm thức sáng tạo khác biệt ấy - qua một sự kiện chung kết nối bởi tình cảm chung - tưởng sẽ là cơ hội đưa văn nghệ sĩ xích lại gần nhau, thế nhưng nhìn ở bề sâu, nó như đang đào sâu thêm cái hố phân cách ngoại vi/ trung tâm của văn học Việt Nam đương đại.

Bài viết thể hiện cách hành văn và quan điểm riêng của tác giả, một nhà thơ đang sống ở Sài Gòn.


Trung Tá Công An Thú Nhận: Anh Điếu Cày Bị ‘Mất Tay’; Điếu Cày là anh cả, là người sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do...

SAIGON -- Nhà viết blog nổi tiếng Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã bị mất tay, theo lời một trung tá công an nói với chị Dương Thị Tân.

Bản tin đăng từ trang của các nhà viết blog như Tạ Phong Tần và Doc Co Huynh, kèm theo lá Đơn Khiếu Nại của chị Dương Thị Tân, trong đơn đặt vấn đề về trường hợïp mất tay của nhà hoạt động Điếu Cày.
Lập tức, vài giờ sau khi tin này phổ biến, một số nhà hoạt động khác đã có các bài viết trên trang Dân Làm Báo (danlambaovn.blogspot.com) về cuộc đời anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, và chất vấn CSVN, một chế độ hung bạo với những người yêu nước.

Như thế, sau hơn 39 tháng giam giữ trong đó có 9 tháng "mất tích" không ai biết, ông Trung Tá Đặng Hồng Điệp thông báo với chị Dương Thị Tân rằng anh Điếu Cày đã bị mất tay...
Đơn khiếu nại ngày 17/7/2011 của bà Dương Thị Tân (đại diện đương nhiên hợp pháp của gia đình ông Nguyễn Văn Hải) gởi đến Cơ quan An ninh điều tra CA thành phố Sài Gòn có chi tiết mới đặc biệt:
“Ngày 05/7/2011, “Trung tá Đặng Hồng Điệp sau khi nghe yêu cầu từ phía tôi (tức bà Tân) đã nói rằng “ông Hải bị mất tay”. Bà Tân đặt câu hỏi: “Vậy thì ông Hải mất tay ở đâu và trong trường hợp nào gia đình tôi phải được thông báo cụ thể bằng văn bản”...”

Dưới đây là trích nội dung đơn khiếu nại đề ngày 17-7-2011 của công dân Dương thị Tân:
“...Tôi tên là:  Dương Thị Tân, Sinh năm: 1958.
CMND số : 0 2 3 4 1 3 2 5 2
Cấp tại : CATP.HCM
Địa chỉ : 57/31 Phạm Ngọc Thạch Phường 6, Quận 3.

Là người đại diện đương nhiên hợp pháp của các con tôi, cũng là con của ông Nguyễn Văn Hải.
Diễn biến sự việc :
-  Theo thông báo số : 927/TB/ANĐT ngày 21/10/2010 của ANĐT – CÔNG AN TP.HCM thì ông Nguyễn Văn Hải tiếp tục bị bắt tạm giam sau khi ông Hải đã chấp hành xong hình phạt tù với thời gian 30 tháng tù giam với tội danh mặc định “Trốn thuế”.  Kể từ ngày bị bắt giam 19 tháng 4 năm 2008.
-  Theo quy định về thời hạn để tạm giam để điều tra tại điều 120-BLTTHS đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, kể cả tội phạm về an ninh quốc gia mà ông Hải đang bị “quy chụp” thì thời gian tối thiểu đến tối đa của mỗi lần gia hạn tạm giam lần lượt là hai tháng, ba tháng và bốn tháng. Tuy nhiên cho đến nay ông Hải đã bị tạm giam chín tháng.
-  Như vậy, xét về thời gian tạm giam lần đầu và cả thời gian gia hạn tạm giam lần thứ nhất ở mức cao nhất cũng đã hết mà gia đình chúng tôi vẫn hoàn toàn không biết tình trạng pháp lý và sức khỏe của ông Hải là như thế nào. Sự “biệt tăm,biệt tích” của ông Hải đã làm cho gia đình tôi lo lắng, bất an về an toàn tính mạng, sức khỏe ông...(...)
...Căn cứ trong BLTTHS: bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo tố tụng hình sự theo điều 31; căn cứ theo khoản d, khoản e diều 34 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT. Tôi chính thức khiếu nại và yêu cầu Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ Quan ANĐT phải có văn bản trả lời cho tôi những vấn đề sau:

Vì luật sư của gia đình theo như Cơ quan ANĐT thì chưa được chấp nhận nên không có làm việc, trả lời hoặc cung cấp… gì cho Luật sư trong giai đoạn điều tra. Do vậy hãy thông báo tình trạng pháp lý, sức khỏe của ông Hải cho gia đình tôi được biết.
Cho phép, hay không cho phép hoặc hạn chế sự thăm gặp, tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết bình thường và bình đẳng như những phạm nhân khác theo quy định của Bộ Công an và Chính phủ Việt Nam.
Buổi tiếp dân ngày 5 tháng 7 năm 2011. Trung tá Đặng Hồng Điệp sau khi nghe yêu cầu từ phía tôi đã nói rằng “ông Hải bị mất tay”. Vậy thì ông Hải mất tay ở đâu và trong trường hợp nào gia đình tôi phải được thông báo cụ thể bằng văn bản.
Phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự nếu có căn cứ cho rằng ông Hải không phạm tội, kiến nghị và hủy các quyết định đã ban hành đồng thời trả tự do cho ông Nguyễn Văn Hải...”(hết trích)

Nhà báo tự do Vũ Đông Hà viết trên Dân Làm Báo bài nhan đề “Người tự viết bản án của mình” đã kể về anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, trích như sau:
“...Anh vào nhà tù nhỏ với nụ cười khí phách. Anh em ở lại nhà tù lớn vẫn lo lắng cho nhau, vẫn cùng nhau vững tiến trong sự nhớ thương và cảm kích về người anh lớn.
Những anh em, bạn bè ấy là các thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Người anh lớn đó là Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải. Bản án của anh đã được anh tự viết bằng trái tim, trí óc và hành động để cuối cùng nó có được một cái tên, một tội danh: Yêu Nước.
Bản án tự viết bắt đầu tại địa đầu của tổ quốc khi anh đứng nhìn dòng thác Bản Giốc đã không còn là máu thịt của tổ tiên. Người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải đã từng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ sự toàn vẹn của tổ quốc quay về và trở thành Blogger Điếu Cày. Nơi anh ở nhiều con chim líu lo ghé đậu cùng anh hát khúc tự do. Trong tự do xác định thái độ sống của mình, anh và các bạn đã cất tiếng, đã bước xuống  đường và tự viết bản án cho những người tù yêu nước trong tương lai...(...)
...Ngày hôm nay anh Điếu Cày đã bị giam giữ trái phép 9 tháng sau khi anh đã mãn hạn tù. Hôm nay lại có tin anh bị mất một cánh tay. Tin dữ chỉ mong là tin không thật, không có. Không thể nào được!
Bác Điếu ơi, nhớ lắm nụ cười hiền nhưng đầy tự tin của bác. Nhớ lắm những ngày bác cùng anh em ngạo nghễ phản đối Bắc triều. Bác đang ở trong tù, thể xác bác có thể bị đọa đày, hủy diệt, nhưng tinh thần của bác chắc chắn vẫn nguyên vẹn. Vì bác là bác Điếu!. Ở ngoài này, trong cái nhà tù lớn, cả nước đang bừng bừng uất hận vì họa xâm lăng leo thang, vì lòng yêu nước bị đạp vào mặt. Những tuần qua, con đường mang tên Yêu Nước đang réo gọi người người xuống đường. Những ngày qua, vẫn còn đó và luôn còn đó những gót chân của lớp lớp người tiếp tục tiến bước, cho dù họ có phải vừa đi vừa phải tự viết cho mình một bản án như anh đã tự viết năm nào: bản án dành cho những công dân Việt Nam yêu nước.”

Toàn văn đăng ở: danlambaovn.blogspot.com.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.