Wednesday, July 13, 2011

Nổ & Đào hoa

image


Từ ngàn xưa và cho tới ngày hôm nay, phe đờn ông con giai vốn được bàn dân thiên hạ gọi là phái khỏe. Mà họ khỏe thực. Vừa bước vào tuổi mới lớn, các cơ bắp liền nổi lên cuồn cuộn, đúng với vóc dáng vai u thịt bắp. Họ ăn không biết no, như các cụ ta đã bảo :

- Nam thực như hổ, nữ thực như miu, có nghĩa là đàn ông con giai ăn như hùm, còn đờn bà con gái thì ăn như mèo.

Cũng vì cái sức khỏe trời cho ấy, mà cánh đờn ông con giai thường phải cáng đáng những công việc nặng nhọc, đòi buộc phải mạnh mẽ và dũng cảm. Cũng vì cái sức khỏe trời cho ấy, mà cánh đờn ông con giai thường là chỗ dựa cho phe đờn bà con gái, vốn được bàn dân thiên hạ gọi là phái yếu. Bởi vì có yếu thì mới cần dựa, chứ khỏe thì cần quái gì mà phải dựa với dẫm.

Có một bà vào lứa tuổi sồn sồn đã tâm sự vụn “mí” gã như sau :
- Những ngày nghỉ cuối tuần, mình mong anh ấy ở nhà để mình tìm thấy một bờ vai tựa đầu, thế mà anh ấy cứ đi biền biệt, ăn nhậu và bài bạc với đám bè bạn chiến hữu, mãi tới sáng thứ hai mới thò mặt về, thử hỏi còn nhờ cậy được cái chi ?

Hơn thế nữa, phe đờn ông con giai còn là mục tiêu cho quí bà quí cô phô bày vẻ đẹp của mình. Chả lẽ ngồi trang điểm suốt cả mấy tiếng đồng hồ, để rồi cuối cùng thở dài ngao ngán :

- Chỉ mình tôi nhìn tôi trong gương thôi ư ?
Mấy hôm nay đọc báo, gã đã ghi lại một câu “ranh ngôn” như thế này :
- Thượng đế chẳng phải là một Đấng hoàn hảo, mười phân vẹn mười,  bởi vì người ta đã phải lập ra biết bao nhiêu mỹ viện nhằm tu sửa phần nào tác phẩm do Ngài tạo nên và quí bà quí cô cũng đã tốn biết bao nhiêu tiền bạc, thời giờ và công sức để hoàn thiện cái vẻ đẹp và Ngài đã phú ban cho.

Chính vì luôn nghĩ mình là phải khỏe, nắm ưu thế và giữ một vai trò quan trọng, mà có tới 99% cánh đời ông con giai đều mắc phải chứng bệnh “sĩ” và chứng bệnh “nổ”. Vậy thế nào là bệnh “sĩ” và thế nào là bệnh “nổ” ?



image

Trước khi đi sâu vào hai chứng bệnh này, gã xin kể lại câu chuyện về “con chó đá” :
Tại làng kia có một gia đình gồm hai bố con. Ông bố thì chí thú làm ăn và luôn hòa nhã vui vẻ với mọi người. Còn cậu con giai thì chuyên cần học hành, dùi mài kinh sử, mơ ước có một ngày ra giúp dân giúp nước. Ai nấy đều kính nể và quí mến gia đình này.
Ngày nọ, ông bố đi ngang qua ngôi đình làng thì tượng con chó bằng đá trước cổng bỗng đứng lên và vẫy đuôi chào. Ông bố bèn hỏi :

- Tại sao vậy ?
Con chó đá trả lời :
- Vì gia đình ông ăn ở tốt lành với bà con lối xóm, nên thiên đình đã quyết định khoa thi này con ông sẽ đỗ trạng nguyên.

Thế nhưng, cũng kể từ ngày hay tin ấy, hai bố con đã thay đổi hẳn nếp sống và cách cư xử của mình. Ông bố thì hà hiếp dân chúng và lúc nào miệng cũng la lối :
- Ta là bố quan lớn.

Còn cậu con giai thì sinh ra rượu chè, cờ bạc và hút sách. Trong cơn say, cậu con giai luôn mồm lảm nhảm :

- Ta là trạng nguyên khóa này. Ta là trạng nguyên...
Rồi cũng một ngày nọ, ông bố lại đi ngang qua ngôi đình làng, lần này thì con chó đá đứng yên bất động vì nó chỉ là một pho tượng. Ngạc nhiên, ông bố bèn hỏi :
- Tại sao vậy ?

Con chó đá bèn trả lời bằng một giọng thiểu não :
- Vì bố con ông ăn ở thất đức, nên thiên đình đã quyết định gạch tên con ông trong kỳ thi này.

Và quả thực trong cuộc thi năm ấy, cậu con trai đã rớt cái ạch và trượt vỏ chuối te tua.

Riêng phần mình, gã nhận thấy hai bố con gia đình này quả là đại biểu xứng đáng cho những kẻ mắc chứng bệnh sĩ và nổ mãn tính, như tục ngữ đã bảo :
- Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.

Gã không phải là một nhà ngôn ngữ học, nên đành phải ngồi mở sách vở ra mà tra cứu và tìm hiểu. Theo “Tự điển Việt Nam” của Lê văn Đức, thì :

- Sĩ là người học trò và từ đó cũng ám chỉ là người tài giỏi. Còn diện là cái bản mặt, chẳng hạn như khi nói : bạch diện thư sinh. Và như thế, sĩ diện là thể diện của người học trò, đồng thời cũng ám chỉ danh dự bên ngoài của một con người.

Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đã biết trong xã hội Việt Nam thời xưa, kẻ sĩ được mọi người kính nể và trọng vọng. Chẳng thế mà Nguyễn công Trứ đã ca tụng :
Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên.
 

Hai câu trên được diễn dịch như sau :
Tước có năm bậc là công hầu bá tử nam thì sĩ đều được liệt vào trong đó. Dân có bốn nghề là sĩ nông công thương thì sĩ được đứng hàng đầu.
Tuy nhiên, con nhà bình dân nghèo túng, đôi lúc cũng đã mỉa mai nhạo cười :


Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông,
Nhất nông nhì sĩ.

Hay như :
Ai ơi chớ lấy học trò,
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.


Giữ lấy cái sĩ diện, cái danh dự của mình là điều tốt, bởi vì nếu không còn sĩ diện, nếu không còn danh dự thì thà rằng chết quách đi cho rồi.

Tuy nhiên, nếu nó đi tới chỗ thái quá thì sẽ trở thành chứng “sĩ diện hão” hay gọi một cách vắn tắt là “bệnh sĩ”.

Bệnh sĩ là một chứng ung thư não, hay nói cách khác, trong óc có những khối u. Một nữ ký giả trên báo Phụ nữ Chủ nhật đã đưa ra những phát hiện” lâm sàng” của chứng bệnh này như sau :

- Có những ông chẳng có vai trò gì cả, thế mà cũng cứ tưởng tượng ra một vai trò rất rõ rệt, rất quan trọng cho mình. Có những ông rất giỏi khâu nịnh nọt và luồn cúi cấp trên, nhưng đối với cấp dưới thì vẫn oai, vẫn oách như thường. Có những ông ở cơ quan thì sợ từ cô thư ký trở lên, nhưng về nhà thì luôn hét ra lửa đối với vợ con. Ngược lai, có những ông ở nhà thì rất ư là sợ vợ, nhưng ra đường hoặc đến chỗ đông người thì cứ phải chứng tỏ mình là...gia trưởng, là lãnh đạo!!!

Tú xương cũng đã diễn tả về tác phong của những ông này như   sau :
Vuốt râu nịnh vợ con bu nó,
Quắc mắt khinh đời cá bộ anh.

Sách “Cổ học tinh hoa” có kể lại mẩu chuyện về “vợ chồng người nước Tề” như sau :
Người nước Tề có hai vợ, vợ cả và vợ lẽ. Ngày ngày chồng cứ sáng ra đi, tối đến mới về, mà hôm nào về cũng no say phè phỡn. Hai vợ thường hỏi :
- Đi ăn với ai, mà đi luôn thế ?
Anh ta nói :
- Ta đi ăn toàn với những bậc giàu có, sang trọng cả.

Một hôm, vợ cả bảo vợ lẻ :
- Chồng ta chơi bời toàn với nhưng bậc giàu sang, mà sao không thấy một người giàu sang nào đến chơi nhà nhỉ ? Ta thử dò xem chồng ta đi những đâu và chơi với những ai ?

Hôm sau, vợ cả dậy sớm, lẻn đi theo chồng. Đi cùng làng này, xóm khác, chẳng thấy một người nào đứng lại nói chuyện với chồng mình cả. Khi đi đến phía đông ngoài thành, thấy có đám cất mả, người ta đang tế lễ ăn uống, thì đánh thoáng một cái, đã thấy chồng lật đật lại đấy, xin những cơm thừa canh cặn, ăn lấy ăn để. Ăn xong lại ngong ngóng đi chỗ khác…

Bấy giờ chị ta mới rõ cái cách chồng ngày ngày no say là thế, tủi thẹn vô cùng, ngậm ngùi trở về, kể chuyện cho vợ bé nghe, rồi than rằng :

- Chồng là người trông cậy suốt đời, ai ngờ chị em mình lại gặp phải một người chồng đê mạt quá đến như thế!

Nói đoạn, hai người ngồi trông nhau ở giữa sân sụt sùi khóc. Ngay lúc ấy, anh chồng ngất ngưởng ở đâu về, vẫn ra bộ làm kiêu với hai vợ như những hôm trước.

Ôi! Đem con mắt tinh đời mà coi, thì ngày nay những kẻ cầu công danh phú quí hồ dễ không mấy kẻ mà ở nhà vợ cả vợ lẽ không thẹn không tủi, không ngấm ngầm khóc với nhau như hai vợ người nước Tề này!

Kết thúc câu chuyện, tác giả đã đưa ra một lời bàn như sau :
Lấy đức, lấy tài, lấy học thức, đường đường chính chính mà được công danh phú quí thì còn gì bằng. Nhưng nịnh nọt, luồn cúi, làm những việc đê hạ, mất cả phẩm giá con người, để chen chúc vào đám công danh, để cầu lấy chút phú quí, thì tưởng không còn gì đáng khinh hơn.

Thế mà đến lúc được công danh phú quí, lại còn vác mặt làm cao, ra dáng hách dịch, thiên hạ người ta biết ra, thì còn ai cho vào đâu nữa. Tưởng rằng khuất một người để đè nén muôn nghìn người, nhưng dù người ta có e lệ bề ngoài, trong bụng người ta cũng không sao trọng được.

Thày Mạnh Tử đặt ra câu chuyện người nước Tề này, thật là phơi bày được cái xấu xa của những kẻ quen thói cầu công danh phú quí “hôn dạ khất ai, kiêu nhân bạch nhật”, đêm khuya van lạy, ban ngày vênh váo khinh người vào những thời buổi mạt tục vậy.

Tuy nhiên nếu bệnh sĩ, một chứng ung thư não, có bướu trong óc, như vừa trình bày, được phát triển tới thời kỳ di căn, Và nếu nó di căn ra tới mồm tới miệng, thì biến chứng và trở thành bệnh nổ.

image

Bệnh nổ nơi phe đờn ông con giai thường dễ nhận thấy hơn cả nơi bàn tiệc. Bởi vì lúc bấy giờ, rượu là như một chất kích thích, làm cho miệng họ ngứa, khiến mồm họ văng ra đủ thứ ngôn từ đao to búa lớn. Chả thế mà các cụ đã bảo :
- Rượu vào lời ra.
Tệ hơn nữa, những thứ ngôn từ đao to búa lớn này lại chẳng êm tai chút nào :
- Tửu nhập tâm, như hổ nhập lâm. Có nghĩa là rượu một khi đã thấm vào lục phủ ngũ tạng, thì  như cọp dữ giữa rừng.

- Tủu nhập tâm, như cẩu cuồng tọa thị. Có nghĩa là rượu một khi đã thấm vào tâm can tì phế, thì như chó điên cắn càn ngoài chợ.
Cũng nữ ký giả kia trên báo Phụ nữ Chủ nhật đã đưa ra những phát hiện lâm sàng như sau :

“Không có gì cũng nổ, mà có một chút xíu thì nổ đến văng cả miểng, nhất là khi họ nhậu lai rai với nhau...Chuyện đông tây kim cổ, từ  vi mô đến vĩ mô, lãnh vực nào mấy ông cũng có vẻ thông thạo, uyên bác cả. Càng nổ lại càng hăng.

Gặp dân tay mơ không có kinh nghiệm, thì rất dễ là nạn nhân của mấy ông.
Càng nổ nhiều lại càng tỏ rõ những lỗ hổng về kiến thức. Người ta nói “thùng rỗng kêu to” mà. Nếu chỉ dừng lại ở bàn nhậu, thì sự nổ ấy chẳng tác hại nhiều lắm.

image

Nhưng có ông lại nổ cả trong công việc nước, thế mới khổ. Có ông  với một chút chức quyền và một chút chuyên môn lại cứ hay khoái “sáng kiến, tối kiến”, can thiệp thô bạo vào những lãnh vực chuyên môn khác mà ông chẳng thạo, “ý kiến ý cò” chỉ đạo tham mưu, thể nghiệm thể nghiếc, bắt người khác phải vắt chân lên cổ mà chạy, chẳng cần biết thiệt hại do mình gây ra như thế nào. Mà có biết đi nữa thì cũng “lý gio lý trấu”, tại-bởi-vì khách quan này nọ, cùng lắm là...rút kinh nghiệm cho lần sau.”

Quả là :
Đã dốt thì lại hay nói chữ!!!Đúng như vị nữ ký giả kia đã nhận xét : chứng bệnh nổ không phải chỉ xuất hiện nơi bàn tiệc. Trái lại, theo gã nghĩ chứng bệnh ấy luôn liên tục phát triển ở mọi nơi và trong mọi lúc ngay giữa lòng cuộc đời.

Hồi còn bé, lúc đang học nội trú, thằng bạn đã đưa tặng cho gã tấm “cạc vi dít” của bố nó. Trong tấm cạc này, gã đọc thấy như sau :
- Ông Nguyễn văn Mỗ.
  Nhân viên Phủ Tổng thống.
Mắt gã mở tròn xoe đầy khinh ngạc. Và tự đáy lòng, gã quả tình đã “khẩu phục tâm phụ” ông bố kia...quá chời, đâu phải như bố mình, suốt đời chân lấm tay bùn, làm bạn với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, dân nhà nông chính hiệu con nai vàng.

Gã đem câu chuyện này kể lại với một vị đờn anh. Vì đờn anh này bèn ôm bụng cười sằng sặc, rồi ngoác miệng ra mà phán :
- Ố là là. Ố là là. Có chi mà ghê gớm vậy. Ông ta đích thị chỉ là một nhân viên tắm ngựa cho tổng thống mà thôi.

Số là thời bấy giờ, Tổng thống Ngô đình Diệm hình như thích cưỡi ngựa thì phải. Ấy vậy cho nên người ta mới nuôi ngựa trong dinh Độc lập. Chính mắt gã đã nhìn thấy những con ngựa vừa cao, vừa to lại vừa khỏe...vào những buổi chiều thứ năm, khi đi dạo ngang qua hàng rào của dinh.

Té ra ông bố kia chỉ là kẻ phụ trách quét chuồng ngựa trong dinh Độc lập, nhưng trên tấm cạc và trong đời thường vẫn hãnh diện vì mình là nhân viên phủ tổng thống. Ai không biết cội nguồn, gốc gác thì chỉ có nước phục sát đất mà thôi.

Riêng đối với ông bố kia, bằng đó cũng đã đủ để ông rất lấy làm hãnh diện. Ông có thể huýt sáo và nghêu ngao :
- Hãy ngước mặt nhìn đời...
Rồi coi trời bằng vung với nửa con mắt.
Nếu gã không lầm, thì chứng bệnh nổ hiện đang chiếu cố và tấn công mạnh mẽ phe đờn ông con giai, mang nhãn hiệu trình tòa là…Việt kiều.

Đúc kết từ những cuộc điều tra âm thầm, cũng như những cuộc thăm dò dư luận công khai, gã đã rút ra một kinh nghiệm sống sượng như sau :
- Thiên hạ càng mù tịt về dĩ vãng của mình, thì mình lại càng dễ nổ...mà đã nổ, thì phải nổ lớn, nổ vô tư, nổ hung hăng con bọ sít cho đáng đồng tiền bát gạo.

Sau khi đã luồn lách và mánh mung chui ra khỏi cái quê hương rách nát tả tơi, khó thương này và được định cư ở đất nước thứ hai, hay thứ ba chi đó, tức là đã hết cơn bĩ cực tới thời thái lai, thì cánh đờn ông liền nổ ngay lập tức, chẳng “oong đơ” trì hoãn chi hết.

Ngày xưa mình chỉ là anh binh nhì “đơ giem cùi bắp”, thì bây giờ phải  vỗ ngực tự xưng là sĩ quan Biệt động, sĩ quan Nhảy dù...Toàn là những binh chủng thứ dữ không à. Đã khoe thì phải kheo cho đến nơi đến chốn, chứ ai lại thèm bảo mình là địa phương quân , là nghĩa quân hay là lính ma lính kiểng.

Ngày xưa mình chỉ là anh lao công bệnh viện, chuyên môn đi hốt và đốt  những bông gạc, rác rưởi nhà thương, thì bây giờ phải tự phong lên làm bác sĩ cho nó oai và cho nó oách. Ai rỗi hơi đâu mà đi sưu tra lý lịch của mình. Chỉ hơi sượng sùng một tí khi đụng mặt những thằng bạn thân thuở nào mà thôi.

Sau khi định cư được vài năm và cuộc sống tương đối đã có phần ổn định, thì bèn làm mọi cách để quên đi cái gốc gác “annammít” của mình. Ra đường,  nếu gặp đồng hương đồng hao, thì luôn mồm luôn  miệng :
- Hai...Bai...
Còn gặp dân Mẽo chính gốc Huê kỳ, dân Ăng lê chính tông nước Anh hay dân Phú lãng sa chính hiệu Pháp quốc, thì liền cúi xuống lí nhí bảo mình :
- Tôi là người Nhật.
Hay :
- Tôi là người Đại hàn...
Rõ thật :
- Nhận vơ lấy vợ thằng Nhân,
  Nó cho bát bún, nó vần cả đêm!
Thì ra :
- Thấy người sang, bắt quàng làm họ.
Xin tạm quên đi cái gốc gác, cội nguồn :
- Tôi là người Việt Nam.

Khi trở về quê hương và thăm lại những người thân quen, thì bệnh nổ lại càng tăng thêm phần trầm trọng của nó. Bởi vì người bên ni làm sao biết được kẻ bên nớ “làm nghề nghiệp gì cùng mê tính xấu nào ?”

Trước hết là nổ trong cung cách tiêu xài. Có những người ở bên nớ vừa ăn lương thất nghiệp và vừa tìm việc làm chui ở nhà để kiếm thêm tí tiền còm. Có những người ở bên nớ phải đi vay mượn khả dĩ dằn túi một mớ. Với xấp đô la trong tay,  thì suốt những ngày ở Việt Nam, họ mặc sức tiêu xài, mua sắm như muốn chứng tỏ với mọi người thân quen rằng :

- Ta rất thành công ở bên nớ và tiền bạc chỉ là chuyện nhỏ.
Mai mốt có phải kéo cày để trả nợ, thì...hạ hồi phân giải. Còn bây giờ phải chơi trội cái đã.

Tiếp đến là nổ trong lời nói. Mới đi được mấy năm, chẳng biết ở bên nớ học được mấy tiếng Ăng lê, hay chỉ toàn nói với thiên hạ bằng tay, “English by hand”, thế mà về Việt Nam, mở mồm mở miệng ra toàn những “pao” với “mai” :
- Con cá này nặng mấy pao ?
- Từ đây lên thành phố là bao nhiêu mai nhỉ ?
Thật tội nghiệp cho đám bà con nhà quê cứ ngẩn tò te, chẳng biết pao với mai là cái đí gì sốt.

Ngoài ra là nổ trong việc ăn uống. Thứ gì của đất nước cũng bị chê là thiếu tiêu chuẩn, thiếu chất lượng, không đảm bảo vệ sinh. Cho con uống sữa thì phải là thứ sữa nhập từ bên nớ. Khi uống bia, nếu là dân Việt kiều Úc, thì phải chọn bia Foster, theo đúng phong cách Úc.

Ngày xưa, khi ở Việt Nam thì đớp thịt chó như điên, còn bây giờ nếu ai lỡ mời thịt chó thì chối nguây nguẩy  :
- Em chả...Em chả...
Rồi lại còn cao giọng mà lên lớp :
- Ăn thịt chó là...dân man di mọi rợ.
Nhiều lúc nghe qua, gã cũng nóng gáy muốn chửi thầm trong bụng cho một chặp :
- Tiên sư anh nhé. Anh cũng “Mít đặc”, mà tôi cũng “Mít đặc”. Chửa chi mà anh đã quay lại khinh bỉ chính cái nôi đã nuôi anh khôn lớn.

Sau cùng  là nổ trong việc phét lác. Ở bên nớ, đi hầu bàn hay rửa bát cho thiên hạ, thì về bên ni bèn tự xưng là chủ nhà hàng. Ở bên nớ, đi quét dọn thư viện, thì về bên ni bèn tự phong là quản thủ thư viện. Con cái mới học được một tí chữ, thì đã vội khoe đứa nào cũng giỏi, đứa nào cũng nhất...coi thiên hạ chẳng có ký lô nào sốt. Rồi còn trăm ngàn sự lỉnh kỉnh khác nữa.

Để kết luận, gã xin ghi lại một mẩu chuyện nữa, cũng trích từ sách “Cổ học tinh hoa”. Chuyện rằng :
Án Tử làm tướng nước Tề, một hôm đi việc quan. Có tên đánh xe theo hầu.
Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cây dù, tay cầm dây cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc.

Lúc chồng về nhà, nàng xin bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi :
- Tại làm sao ?
Nàng nói :
- Án tử người gầy thấp, bé nhỏ làm đến tướng nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông vẫn khiêm nhường như chưa bằng ai. Chớ như chàng cao lớn đẫy đà, chỉ mới làm được một tên đánh xe tầm thường hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng nữa. Nên thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi.

Từ hôm ấy, tên đánh xe bỏ được cái bộ vênh váo, chừa được cái tính nông nổi. Án tử thấy thế, lấy làm lạ bèn hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại. Án tử bèn cất cho làm đại phu.

Lời bàn của câu chuyện trên cũng đáng cho gã suy gẫm :
Tên đánh xe của Án tử thực là sang vì vợ, nhờ được người vợ giỏi, biết lấy cái địa vị hèn hạ, cái dáng bộ ngông nghênh của chồng làm xấu hổ, mà sửa được tâm tính chồng và thành được thân danh cho chồng.

Tiếc thay, ở đời bây giờ có biết bao nhiêu kẻ chỉ là đầy tớ người ta, mà đã vênh váo lên mặt, nghênh ngang tự đắc như tên đánh xe, mà lại không có được những người vợ như người vợ tên đánh xe để khuyên răn chồng, làm cho chồng biết tự sỉ mà phấn chí tu tỉnh cho ra người.

Trước khi chia tay, một lần nữa gã bèn long trọng kêu gọi phe đờn bà con gái hãy vùng lên kể tội cánh đờn ông con giai.

Bài kể tội xin cứ vô tư gửi về cho cụ chủ nhiệm. Và khi thấy nó xuất hiện trên báo, thì chắc chắn là...có thưởng đấy nhé.
Thời buổi...khuyến mãi mờ.

ĐÀO HOA

image

Tôi vẫn thừơng lên tiếng phản đối  cụ chủ nhiệm đã thiên vị, để Gã Siêu múa bút tấn công bới móc nói xấu phe kẹp tóc hơi nhiều, đã thế cái mặt « gã » còn câng câng ra cái điều thách thức...

- Cụ phải để cho con vài trang kể tội  đàn ông thì mới công bằng.
Cụ giẫy nẩy như  bỏng nứơc sôi :
- Đâu có đựơc, bộ cô em không biết rằng năm nay là năm Tỵ à? Qua đâu có dám dại dột cõng rắn cắn gà nhà, để cô em vạch áo đàn ông cho qúy bà xem lưng !

Coi bộ năn nỉ không xuôi, tôi bèn thay đổi chiến thuật, đe « nghỉ chơi » với Mục vụ. Lời hăm dọa xem chừng hiệu nghiệm, có sợ «rứơc voi về dầy mả tổ» hay không, thì cụ cũng phải dành cho con vài tấc giấy để phục hồi bình đẳng, bình quyền lại cho phái yếu !

«Tội lớn nhất của đàn ông là yêu đàn bà nhiều qúa, nếu yêu bớt đi thì sẽ tránh được bao nhiêu tội khác ...», tôi không đồng ý, nên đổi lại thứ tự «yêu nhiều bà qúa, nếu yêu một bà thì sẽõtránh được nhiều tội khác .. »

Nếu chỉ có người đàn ông mới nhìn thấy nét đẹp của đàn bà, thì  chỉ có đàn bà mới nhận ra đâu là tật xấu nơi ngừơi đàn ông !

Qủa thật không sai, vì một trong «tứ đại mỹ nhân» của lịch sử Trung Quốc, Dương qúy Phi, với  hơn bảy mươi kí lô, dĩ nhiên nàng không thể được xếp loại mình dây, trường túc,vóc hạc, thân gầy, xác ve, miệng chu, mỏ dẩu... như minh tinh màn bạc hoặc các top model thời đại bây giờ, thế mà Đường Minh Hòang u mê, lú mề, để giặc đuổi, bỏ thành chạy te tua. Cô nàng Monica Lewinsky chỉ vớiù cặp môi tề tề trông đến mất vệ sinh, mà làm Tông Tông Clinton súyt nữa thì  đầu ly dị với cổ, thân tàn ma dại ! Gần đây nhất, nhân vật thứ ba của Pháp, Roland Dumas cũng mới  trộ khám vào tù bóc lịch cũng chỉ vì chiều ý ngừơi tình, bà cũng chẳng có sắc đẹp siêu đình đổ quán gì cho cam. Còn đương kim Thái Tử Anh Quốc đã thờ ơ  bỏ bê cô vợ trẻ đẹp như Tiên Nga giáng trần, đeo đuổi theo bà già «có nhan sắc của người đàn ông không đẹp giai mấy!», đến đây thì  tôi phải công nhận là các ông có «hoa mắt» khác đàn bà chúng tôi thật!

Tội của đàn ông đếm ra thì  rất nhiều như : lười, bẩn, hay quên, bê bối, độc đoán, rượu chè, cờ bạc, hút sách, vui đâu chầu đấy...nhưng cái tội khó tha thứ nhất nơi người đàn ông muôn đời vẫn là cái tội lắm bà, cái     tật ...mê gái ! Hay nói văn huê hơn thì  gọi là những anh chàng Don Juan, Casanova, nghĩa là có máu Đào Hoa ! Nhất là những ông có nhiều dịp phải chường mặt, chường mũi ra trứơc đám đông, phải giao tế với nhiều tầng lớp xã hội, thì máu đào hoa lại càng đậm đặc!

Để chỉ lòng tham vô đáy của đàn ông, các cụ ông đã phải vuốt râu gật gù công nhận:
- Sông bao nhiêu nước chẳng vừa
  Trai bao nhiêu vợ cũng chưa vừa lòng

Tại sao vậy cà ?
Vì , đàn ông là:
- “Loài» bạc tình nhất trong các lòai biết hứa hẹn và cũng là «loài » «có mới nới cũ » nhất trong các loài biết thề thốt!
- «Loài» tương cận với con «Lừa»: bạn có thấy con “Lừa” nào nói thật chưa?
- Chiếc thùng rỗng đáy: vì không có đáy, bạn có tống thứ nào vô cũng chẳng bao giờ đầy, có điều là với cái thùng bạn có thể vá viu lại, hoặc vứt đi thay cái mới, nhưng đàn ông lại không đơn giản như vậy.

- Cái gậy ông ăn mày : bạ đâu chọc đấy
- Kameleon : tắc kè đổi theo mầu bất cứ chỗ nào chú ta đứng, ít bà nào có thể vừa làm chủ cả thể xác lẫn trái tim của người đàn ông.

Các ông vẫn ao ước có được ngườiø vợ hiền thục, đảm đang, biết chiều chồng và hy sinh cho con, không se sua đua đòi, dễ nghe, dễ bảo, và chung thủy, nhưng các ông vẫn khát khao dáng dấp một người tình nóng bỏng, hấp dẫn, duyên dáng, õng ẹo và biết… nũng nịu để tô hồng cuộc đời. Ở trong nhà thì  các ông chủ trương ‘cái nết đánh chết cái đẹp’ nhưng khi ra khỏi nhà thì  lại đòi hỏi « cái đẹp đè bẹp cái nết » !

image

- Mây lang thang: bạn đãù thấy áng mây nào dừng yên lại một  chỗ chưa ? hay chỉ tự do bay mãi không ngừng trên bầu trời cao thẳm, tư tình cùng trăng gíó và đùa cợt với muôn vì sao ?

- Căn nhà trống: vì trống tuếch, trống toác nên ngọn gió nào lúa vô cũng chịu!
- Cái ống cống: bất cứ thứ nước nào chẩy vào cũng  sẵn sàng tiếp thu!  vv  và vv.
Chuyện xưa kể lại rằng tại xứ Ba Tư, có một bạo chúa nọ, hoang đàng và trác táng, mặc dù cả ngàn cung nữ và các nô lệ ngày đêm phục dịch, nhưng vẫn không sao làm cho Vua hài lòng, người đàn bà nào không mua vui được cho nhà Vua thì sẽ bị chém đầu. Một hôm, có người con gái tuyệt vời xinh đẹp đến xin được hầu hạ nhà vua, hằøng đêm nàng dâng lên Vua những câu chuyện cực kỳ lý thú cùng với lối kể thật duyên dáng, sau mỗi đêm, nhà Vua bằng lòng để ngươi con gái ấy sống thêm một ngày nữa, rồi những ngày kế tiếp. Càng nghe,Vua càng thích thú, say sưa, mê man, và như bị thu hút bởi sự quyến rũ huyền hoặc nơi người con gái, Vua bỏ ăn, quên ngủ chỉ để nghe cô kể chuyện, cho đến đêm thứ một ngàn lẻ một thì nàng cảm hóa được vị bạo chúa kia, và nhà Vua bãi bõ lệnh giết nàng. Người con gái ấy đã tiết kiệm được một ngàn lẻ một  cái đầu của những cô gái vô tội.

Hết duyên, hết tình, bởi vậy các ông cũng đừng trách là tại sao:
- Đàn bà cứ có nói không
  Hễ muốn lấy chồng, lại bảo đi tu
Hoặc bị các nàng ỡm ờ trả lời như cô bạn tôi :
- Nhà em ở đâu ?
- Dạ, nhà em ở gần cái chùa ạ!
- Thế cái chùa ở đâu? 
- Dạ thưa, cái chùa ở cạnh nhà em.
Các vị Vua như Càn Long hoặc Đường Minh Hòang bên Tầu, nổi tiếng là có lắm cung tần, mỹ nữ, mỗi Đấng có không dưới vài ngàn bà.

Bên Nam ta,Vua Long Đĩnh, còn gọi là Ngọa Triều, đã biết đàn bà lúc còn rất « nhí «   đú đởn rượu chè cả trăm thứ linh dược hun đúc cơ thể, no say, cũng vì  ăn chơi trác táng quá độ, nên vị Vua này không chịu đi mà cũng chẳng thèm đứng, chỉ biết nằm và  đến khi chết cũng là...chết nằm.

Thái Tông Hoàng Đế, băng hà khi mới tròn hai mươi tuổi, trong lúc Vị «con Giời » này đang tòm tèm vớùi người đẹp Thị Lộ, nàng hầu của quan cận thần Nguyễn Trãi, Thiên Tử bèn chết dẫy đành đạch không kịp trăn trối, còn dòng họ nhà Nguyễn Trãi thì bị tru di tam tộc.

Trong thời bình, các Thiên Tử được no hơi, ấm cật và rửng mỡ,  những ông Giời con này chỉ lo ăn chơi ngao du sơn thủy, đi săn bắn và săn… đàn bà, lo sưu tầm một ngàn lẻ một thú vui  và món nhậu, ngòai các món sơn hào hải vị của hòang gia, phải kể đến những món ăn chơi như : Dơi hấp mật gấu, vựơn lắc đầu, hoặc «chuột sa chĩnh sâm», tức là bảy đời nhà chuột bị ép phải ngốn toàn là sâm, mà phải là loại sâm đặc biệt qúy hiếm, đến anh chuột đời thứ bẩy, vị « con Giời» chỉ việc há họng, bấu đuôi anh chuột một phát, bị đau, anh chỉ kịp thét lên được tiếng «chít » rồi đâm đầu chui tọt vào miệng Thiên Tử. Các món qủy quái này làm như vẫn chưa đủ hấp dẫn đáp ứng nhu cầu «chuộng của lạ» của qúy ông Giời con, nên các tay đầu bếp bèn bịa thêm những món oái oăm, mới nghe qua đã phát ớn lạnh nổi lông gà như : hổ mang nhồi sọ khỉ, mãng xà hầm óc diều hâu...cộng thêm anh «cửu xà lung linh tửu», rượu mật rắn...Thiên Tử tha hồ say sưa, chỉ còn thiếu món «xương rồng» là chưa có tên trong danh sách ẩm thực của hoàng cung mà thôi ! Chẳng hiểu ăn vào có được tăng tuổi thọ hoặc bổ thận, bổ tì  ở chỗ nào - chứ cả như tôi, nếu có được « get one, free one» cho không, biếu không chắc cũng chẳng dám rớùù - thế mà đại đa số các ông « con Giời» này đã «bổ ngửa» toi mạng lúc còn rất trẻ.

Ngày nay các ông Vua dầu hỏa Á Rập, mỗi lần di chuyển là vác theo phải trên hai mươi bà vợ, to, bé, lớùn, nhỏ, mập, gầy đủ cỡ để hầu hạ Vua. Ông Vua nước láng giềng tí hon Brunei đã treo gíá mua người đẹp một đêm với 50,000 Đô la Mỹ, tức là hơn một trăm năm lương của một công chức bên Việt Nam, những cuộc sống vương gỉa ăn chơi phung phí trên sự đau khổ và nghèo đói của dân gian, và luật đa thê tại các xứ Cà Ry Nị vẫn còn tồn tại, đàn ông Hồi Giáo được quyền cươi đến bốn bà vợ, trong khi đàn bà nơi xứ này bị  coi thường rẻ rúng hơn cả con lừa.

Tại các nước dân chủ lập hiến, sau khi sắc lệnh độc thê được ban hành, mỗi khi đệ nhất phu nhân bước chân ra khỏi cửa, ngoài  « body guard » canh theo sát nút, Tông Tông  còn phái  thêm các thám tử ngầm theo dõi rất cẩn mật, không phải để bảo vệ  bất trắc xảy ra cho phu nhân, nhưng là cốt để canh chừng bà vợ dở chứng trở về bất tử thì  còn biết lối ra hiệu cho các cô bồ nhí chuồn êm bằng cửa hậu.

Trước 75 , khi có lệnh cấm trại một trăm phần trăm, thì  các ông sĩ quan bay bướm hào hoa trong thời chiến của nền đệ nhị Cộng Hòa miền Nam ta được lợi dụng bay nhẩy trốn bà xã, vì «chẳng ai xấu xí và vô duyên như  vợ mình để lén đi xây tổø tò vò với đào, nhiều khi vắng nhà liền tù tì  cả tháng, thỉnh thoảng mới lò mò tạt về thật lẹ thì  cũng lại rón chân cò chuồn êm rất nhanh. Đôi khi, những bà vợ, mò lên tận tiền đồn thăm chồng, bắt gặp những vật lạ mà ông chồng chưa kịp phi tang, mặc dù các ông đã lau mép kỹ lưỡng, nhưng ác thay, nếu lửa và khói không thể nào che được mắt phàm nhân, thì mấy ông có bồ nhí cũng không thể nào đậy nổi những con mắt ‘lục lăng’ của các bà vợ ! Sau màn la lối đập phá mỏi chân tay, y ỷ khóc lóc trong nhà không xong thì  các bà sẽ vác ghế ra ngồi đầu hè mà bù lu, bù loa kể lể thảm thiết làm y như  bắt vạ hàng xóm phải lo canh...xác ông chồng hộ bà, và phải lo đi đánh ghen hội đồng dùm bà. Tôi nhớ hồi còn học lớp đệ tam, có một tên chuyên môn phá phách và nổi tiếng nham nhở ưa chọc gái, bố hắn là sĩ quan một sao. Hôm thầy gọi lên trả bài, không thuộc, hắn ta ấp úng :

- Tại vì  tối hôm qua, em phải chở má em đi đánh ghen !

Cả lớp cười ồ!
Kế cạnh nhà tôi, có ông gìa gân «mât nết », gọi là già Ba Chi vì  ông chôm cả ba chị em, chẳng hiểu ông có ‘ruyên’ ngầm ở chỗ nào, hay là ông có tí của mà « mía ngọt ông đánh cả cụm ». Hồi bà vợ lớn đi sanh, cô em kế lên giúp chị rồi chẳng biết vì  lý do nào, mà sau đó, cô em khăn gói qủa mướp đến ở chung. Và đến khi cả hai bà chị dẫn nhau đi vào nhà thương Từ Dũ thì  cô em út lên trông cháu, cũng bị ông «thuổng » nốt !  Ông hãnh diện tự khen mình là người đàng hòang nên chẳng bỏ rơi bà nào ráo trọi, làm như  biết thân, biết phận «anh em ta, cùng mẹ cha », nên chẳng bà nào ghen tương lườm ngúyt bà nào, cả ba bà đều có cửa tiệm làm ăn buôn bán đề huề, và coi bộ các «cao dân » - các «anh  em ghẻ» cũng thân thiện với nhau ra phết!

Không hiểu một đứa con có máu đào hoa và một đứa chẳng có cái hoa, đứa nào làm các cho ông bô, bà bô phải lo lắng hơn ? Tôi có thằng em bà con ở Quận Cam, ngày hắn mới giựt được mảnh bằng Bác Sĩ, bà dì  hãnh diện lắm, bà vênh váo treo gía ngọc cho cậu ấm «con gái nào bố chết táng vào hàm rồng mới lấy được thằng Lãõm ! ». Với cái « mác » bác sĩ to như  cái mẹt, cùng với vóc dáng cao ráo đẹp trai như  tài tử xi nê, cậu lại chịu khó chải chuốt, mặc veston cao cổ, đeo kính râm, trông rất bảnh trai, ăn đứt anh chàng Lê Minh của điện ảnh Hồng Kông. Các nữ độc gỉa thân yêu của Mục Vụ, có thể đâm đơn gửi về tòa sọan, chúng tôi sẽ chuyển liền tút xuỵt !

Khi cậu bắt đầu tròm trèm bốn chục và công ăn việc làm đã vững chắc, thì  dì  bắt đầu dòm ngó gia đình các bà bạn có con gái mà dì  gọi là gia phong lễ giáo, cu cậu tế nhị viện cớ  bận việc, chưa nghĩ tới việc lập gia đình.  Chả là thời còn sinh viên, cậu có đem mấy cô nghệ sĩ về ra mắt dì  dượng, cô nào cũng xinh xắn, nhí nhảnh lẫn… đỏng đảnh, sợ cậu qúy tử của mình bị  yêu ma đào mỏ hoậc bị mọc sừng tua tủa, dì  viện cớ vin theo tướng học nói các cô không phải là hiền mẫu, có lẽ vì chưa đến thời kỳ yêu đậm hoặc chưa đến giờ ‘đói vợ’, nên từ đó hắn im bặt, chẳng nhắc tới cô nào nữa. Vì có cái mã « gentleman », mấy cô em, mấy bà chị họ lợi dụng bắt hắn làm ‘escort boy’ hoặc làm tài xế trong những cuộc hội hè tiệc tùng, đôi khi còn bắt hắn phải làm vú em, dắt lũ cháu đi piscine hoặc đi xinê, đi sở thú. Thấy thế, dì  phàn nàn :
- Nó khó lấy vợ là tại tụi mày, bố ai dám nhào vô.

Dượng tôi chép miệng trách thằng con khó tính :
- Già kén kẹn hom, lấy phải cô vợ còm mới trắng mắt ra, kén mãi, thế nào rồi mày cũng vớ phải con mụ gìa cóc đế ! vừa già vừa xấu xí vô duyên cho mà xem !

Hắn vẫn chẳng rục rịch gì, đám bạn cùng lứa đã ký bản án tử hình gần hếát, có những anh chàng  đã cưới lên cưới xuống cả mấy đời vợ.

Bạn bè trêu chọc :
- Hay là mày mê nhằm vợ người  hở mày? Cho ông chồng một liều thuốc chuột là xong chứ gì ?
Hoặc :
-  Mày là bác sĩ mắt, tai, mũi, họng, chứ có phải là bác sĩ sản khoa đâu mà ngán đàn bà?

Hắn vẫn không đính chính, chỉ lẳng lặng mỉm cười, dì  thở dài, lo lắng ra mặt, sợ cậu ấm bị nhiễm chứng bệnh thời đại, chân mười  giờ mười, đi hai hàng, nghĩa là mê cả đàn ông lẫn đàn bà, yêu cả nam lẫn nữ. Quýnh quáng, bà so sánh liều :
- Đẹp trai không bằng chai mặt, giá như thằng cu Tửng  vậy mà hay hơn!

Chẳng là anh  cu Tửng về Việt Nam  mới có tám lần, mà đã vác sang được ba bà vợ.
Những năm gần đây có lan tràn chiến dịch «go home» của những  anh Việt Kiều kén vợ, khát vợ, mồ côi vợ, bị vợ chê hoặc trốn vợ… về nước ưu tiên là øtìm « một tấm », vì  ở hải ngoại các ông được xếp vào hàng thứ ba sau.. con KiKi, «ta về ta tắm ao ta, nhưng ao ta không cho ta tắm!», cu Tửng cũng được xếp trong liste này.

Quen miệng gọi là cu Tửng vì biết hắn hồi còn bé, hắn vừa lùn, vừa đẹt, vừa quắt lại vừa còi, làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, nhưng khi phải đối diện với đàn bà con gái thì  hắn câm như thóc, thế mà sau khi nghe thầy bói tán    tụng  :

- Giời ơi !, số gì mà làm khổ đàn bà đến thế này, đã yêu hai bà rồi mà lại còn có mấy bà khác thương thầm nữa! Đào hoa qúa là đào hoa!
- Dạ, có cô nào đâu ạ?
- Thì đã nói là yêu thầm mà lỵ !

Quả lời bói mò của ông thầy thật linh thiêng,  anh ta mò về Việt Nam, chẳng hiểu duyên cớ ra răng, mà hắn tán được hai cô, có lần cả hai cô đột nhập vào phòng hắn không hò hẹn, bốn con mắt sắc như dao cạo chạm nhau như muốn lột da mặt nhau ra, hắn đứng yên như trời trồng, cà lăm không ú ớ nên lời, cô ả lên cơn mệt tim thở phì phò như người sắp hết hơi, đỡ được cô này lên, thì  cô kia lên cơn suyễn nghẹt thở, hắn bèn chạy lại ôm cô kia, cứ thế hai cô thay phiên nhau làm nũng, cô nào cũng chờ cô kia bỏ hắn để chiếm trọn vẹn trái tim, nhưng coi bộ cả hai nàng đều có tính cả nể, nặng nợ duyên tình, nên chẳng ai dám phụ rẫy hắn cho đến ngày xuất ngoại.

Về Việt Nam, các chàng ViKi được thể tha hồ rủ nhau ăn nhậu và ăn vụng vung vít, đấng nào lỡ nhấp nhó món này thì nên cẩn thận, chùi mõm cho sạch, chớù coi thường khinh «địch» mà bị biến thành Thái Giám bất đắc dĩ  thì  khốn! Vì các bà có thể dễ dàng nhắm mắt làm ngơ để các ông ăn hối lộ, ăn gian, ăn tham hoặc ăn quỵt... nhưng mà ăn vụng thì  khó lòng tha thứ.

Trong buổi Đại Nhạc Hội gây qũy xây nhà thờ tại miền bò vàng «Tếch Xịt », nữ ca sĩ Khánh Ly đã cảnh giác các ông băm nhăm :
- Bên này, dao thớt rẻ, đàn bà chúng tôi lại học thêm được nghề...mài dao, « phập » một phát là ...xong!”

“Có tiền, có tật !” Các ông có tiền thì chắc chắn là có mèo, có vợ bé. Vua Đường Minh Hoàng có tới ba ngàn cung phi, nhưng chưa thấy sử sách ghi lại bà Quận Chúa nào có ba ngàn ông chồng?

Câu chuyện vui kể lại rằng, sau khi chết, dưới âm ty Diêm Vương ra lệnh cho những anh chàng Đào Huê nào khi còn sống đã dê cô em vợ thì  đứng xếp vào cột ghi số một, anh nào mèo nhè vợ bạn thì  xếp vào cột số hai. Thấy có anh chàng lớ ngớ mãi  mà không chịu đứng vào hàng nào cả, lấy làm lạ, Diêm Vương bèn hỏi :


image

- Cái  anh kia, tại sao lại không chịu xếp hàng, chẳng lẽ ta bắt lầm nhà ngươi  chăng?
Chàng ta run run trả lời  :
- Dạ thưa Ngài, tôi không biết phải đứng vào đâu, vì khi còn sống, tôi đã lỡ dê cô em vợ và trót lấy luôn cả vợ bạn nữa.
Diêm Vương vuốt râu mỉm cười
- Thế thì mày lên đây, ngồi chung với tao!

Khi nào các tinh cầu còn quay thì tật Đào Hoa của đàn ông còn dài và còn nhiều, thay lời  kết tôi xin cống hiến qúy ông bài vè lục bát, chứng tỏ nói có sách, mách có chứng hẳn hòi :

Trên trời có bẩy tê tê.
Có ông mười  vợ không chê vợ nào.
Vợ cả thì  đẹp như sao.
Vợ hai chín nhũn như đào chín cây.
Vợ ba khéo vá, khéo may.
Vợ tư dệt cửi ở ngay trong nhà.
Vợ năm thì  đi buôn hồng,
Buôn phải hồng nhũn, một  đồng ba đôi.
Vợ sáu thì  đi buôn nồi,
Buôn phải nồi thủng, một nồi ba vung.
Vợ bảy thì lủng bủng, lùng bùng.
Vợ tám đánh vỡ cả vung lẫn nồi.
Vợ chín thì nấu cháo bồi,
Chồng ăn chẳng được, bị đôi trận đòn
Vợ mười có vú mà lại không con.

Đang viết dở dang thì  chuông điện thoại của cụ chủ nhiệm réo làm tôi quên mất tiêu, không biết bà nào hay lủng bủng, bà nào bị chồøng «oánh » tơi bời hoa lá, và bà nào có con mà lại không có vú . Ấy chỉ mới có mười bà mà coi bộ đã vất vả như thế, thì   “mụ“ đến độ nào!

Nếu kiếp sau có bị Tây Vương  Mẫu đầy xuống trần gian, tôi chỉ xin được làm Hoàng Minh Đế!
Lời bàn của Gã siêu
Rất hoan nghênh sự góp mặt của Bà Chằng, nhưng chỉ xin “chõ mồm” vào một vài điểm nho nhỏ trong bài viết để được gọi là “đóng cửa dạy” nhau.

Trước hết, Bà Chằng vốn là phe kẹp tóc, thế mà lại tự dành lấy cho mình quyền phê phán phe ta, chấm cô này đẹp, cô kia xấu...,Bởi vì cái đẹp thì rất ư là chủ quan, như một câu ranh ngôn đã bảo : đẹp chính là con cóc cái dưới mắt con cóc đực. Dù có nặng tới bảy mươi ký lô, thì đối với Đường mình hoàng, Dương quí phi lúc nào cũng rất...tuyệt vời.

Tiếp đến, sau một hồi “rũa” đờn ông te tua, thế mà cuối cùng Bà Chằng lại muốn kiếp sau mình được làm Hoàng minh đế, nghĩa là được làm đờn ông. Và hơn thế nữa, một thứ đờn ông cao cấp, có những hơn ba ngàn bà vợ. Như vậy, đờn ông quả là có giá và hình như luôn nắm thế…thượng phong. Hóa ra gậy bà lại đập lưng bà mà thôi.

Chuyện phiếm của Bà chằng



Chuyện Những Người Đẻ Gần Kho Đạn

image

Tôi có người bạn trước kia phục vụ trong ngành Quân Cụ, chuyên lo về xe cộ, súng ống, đạn dược. Anh có cái tài biến chiếc “Rép” nhà binh thành xe “Rép” dân sự dễ dàng. Cách thức biến hóa ra sao thì quả tình tôi bù trất. Anh là một con người đặc biệt, chỉ lo để ý đến xe cộ nhiều hơn là ghé mắt vào mấy cái thứ gây ra tiếng nổ chết người như đạn, mìn v v... Do đó, tuy hàng ngày phải chạm mặt với chúng nhưng anh không hề bị tiếng nổ của đạn ảnh hưởng đến tâm tính. Tôi phục anh lắm. Sống gần với đạn dược, nghe đạn nổ mỗi ngày mà anh không hề “Nổ”.

Tại sao tôi nói tiếng nổ của đạn ảnh hưởng đến tính tình con người ? Cũng dễ hiểu thôi, tiếng nổ mỗi ngày thấm dần vào da, thịt, máu, lên tới óc, vô trung khu thần kinh gây ra căn bệnh “nổ”. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng mà ! Đó là chứng bệnh của “Những Người Đẻ Gần Các Kho Đạn”. Đạn nổ thì làm chết người nhưng mấy anh chàng nổ chẳng làm “chết” ai cả. (Thật ra cũng có một vài trường hợp các người đẹp vì tin lời các chàng “nổ” mà “chết” cả một đời. Khi nhận biết ra chàng đã “nổ” để “tán” mình thì lúc ấy ván không phải đã đóng thuyền mà là đóng “thùng” rồi !).

Đạn thì có nhiều loại. Đạn súng lục, súng trường, súng tiểu liên, súng đại liên. Còn đạn đại bác thì cũng có đủ loại như 105 ly, 155 ly, 175 ly hay loại 130 ly của Liên Sô bắn xa 27 cây số v v...Mỗi loại gây ra tiếng nổ lớn nhỏ khác nhau và tác hại cũng khác nhau. Con người “nổ” cũng theo quy luật như thế. Người nổ ít, kẻ nổ nhiều, hay dở tùy trình độ.

Nổ cũng là một hình thức nói phét, chỉ khác nhau về cường độ và hoàn cảnh. Người nói phét và người nổ có chung một điểm là nói những điều không có, những điều nằm trong trí tưởng tượng của họ nhiều hơn là sự thật, và làm “vui tai” người nghe không ít. Nói phét thì không cần ngòi nổ, còn muốn cho đạn nổ thì phải có “kích hỏa” hay ngòi nổ mới làm cho đạn phát nổ.

Người nổ cũng giống như đạn nổ, nghĩa là phải có “ngòi nổ”. Ngòi nổ có thể là một người đẹp đang đứng trước mặt, có thể là trong một bữa tiệc, có thể là sau một chuyến đi xa trở về, cũng có thể là một chuyến về thăm lại quê hương v v... Cường độ nổ của người nổ được một nhà văn có tí máu khôi hài mô tả như sau:

”Trong một phút có 60 giây thì anh ta nổ hết 59 giây, bạn chỉ có duy nhất một giây để gật gù cái đầu của bạn thôi chứ không thể xen vào câu chuyện với ý kiến ý cò gì hết.”

Nếu tiếng nổ của đạn lớn hay nhỏ tùy theo loại đạn thì người nổ cũng đa dạng không kém. Người có học và vô học, cách nổ và đề tài nổ khác nhau.
Bây giờ ta thử điểm qua một số các “thể loại” nổ xem sao. Những dạng “nổ’ này, ta thường bắt gặp trong đời sống hàng ngày. Cũng như nói phét, bàn về nổ thì những anh cán ngố Việt Cộng vẫn là vô địch thế giới (nổ theo kiểu khẩu hiệu “chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch bách chiến bách thắng muôn năm) dán khắp hang cùng ngõ hẻm vậy). Sau ngày Việt Cộng cưỡng chiếm được miền Nam, cái đau khổ của phe ta khi vào tù là phải nghe chúng “Nổ”. Những tiếng nổ chát chúa, kéo dài ngày này sang ngày khác, nổ liên hồi kỳ trận tựa hồ như mỗi tên cán ngố đều có gắn cục pin dưới đít và công tắc luôn luôn ở vị trí “on”. Bất cứ buổi lên lớp nào trước mấy chàng cải tạo đau khổ của phe ta, trăm tên cán ngố đều “nổ” một giọng điệu như nhau:

“Ta đã đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ thì sá gì ba cái chuyện làm kinh tế. Kể từ ngày dựng nước và bảo vệ nước, đây là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử nước ta. Dân tộc ta thông minh, cần cù, tài nguyên= thiên nhiên dồi dào, tiền rừng bạc bể, nhất định trong kế hoạch bản lề 5 năm tới, nước ta sẽ vươn lên trở thành một trong những nước có nền công kỹ nghệ hàng đầu của thế giới”.

Tức cười một điều là, cán ngố thì nổ như thế, trong khi đó bà Nguyễn Thị Bình lại kêu gọi thế giới hãy viện trợ cho Việt Nam một triệu cái cuốc. Con trâu đi trước, cày cuốc theo sau thì Cộng Sản Việt Nam sẽ làm cho thế giới kinh ngạc là phải. Và cho đến bây giờ, sau hơn 30 năm, thế giới vẫn còn tiếp tục kinh ngạc vì sự chậm tiến và nghèo đói của quốc gia này. Nổ như thế là kiểu nổ của Hoàng Trung Thông:

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Hay của văn nô Tố Hữu:

“Chân dép lốp bước lên tàu vũ trụ”

Ghê quá ! Quý vị thử hình dung một tên Việt Cộng mang dép lốp (tức là dép râu, loại dép làm bằng vỏ bánh xe hơi phế thải) bước lên phi thuyền của thiên hạ bay (ké) vào vũ trụ thì cái sự nổ đó kỳ quái và trâng tráo như thế nào. Việt Cộng “nổ” là do bản chất, do cái chủ nghĩa “nổ” Mác-Lênin dạy dỗ những con người Cộng sản lúc nào cũng phải biết nổ và nổ.
Còn phe ta “nổ” là do đẻ ra và lớn lên gần các kho đạn bị đặc công Việt Cộng phá hoại. Ngoại trừ mấy anh chàng nổ với các người đẹp để bắt tí ái tình còm hay kiếm vợ, còn phần lớn ‘nổ” chỉ để chứng tỏ ta đây là siêu việt siêu quần, là cũng hết xẩy con cào cào như ai. Cũng có một số người nổ vì bắt chước theo chủ nghĩa A.Q của văn hào Lỗ Tấn (A.Q chính truyện) bằng sự thắng trận tưởng tượng hay tự cho rằng trước kia ta cũng xuất thân từ dòng dõi trâm anh, thế phiệt.

Lúc chưa mất nước, tôi có một người quen ở trong quân đội. Cấp bậc anh ta là Hạ Sĩ thôi nhưng khi ra khỏi nhà đến thăm người yêu thì anh ta đeo lon Trung Úy. Nhờ cái sự “nổ” từ Hạ Sĩ lên Trung Úy này mà anh cưới được nàng. Đây là chuyện có thật chứ tôi không hề phịa. Tôi còn nhớ, lúc tôi mới ra trường Võ Bị, mang lon Thiếu úy, chỉ huy Trung đội, đi hành quân ở Phước Tuy, tôi thường đội cái nón vải trên có gắn một hoa mai (bọn tôi gọi là lon phụ đề Việt ngữ vì lon TQLC là những vạch trắng, phần lớn dân chúng ở vùng quê không rành). Một tên đệ tử của tôi tên là Hường, lợi dụng lúc tôi ngủ trưa, hắn lén lấy cái nón của tôi đội đi ra chợ Bà Rịa “dợt le” với mấy cô thợ may. Tôi không hề biết chuyện ấy cho đến một hôm tôi nghe lính tráng trong đơn vị tôi nói về tên Hường với cái danh xưng là “Hường Nổ” :

Cái thằng Hường đó “nổ” dễ sợ. Nó dám lấy cái nón có gắn một bông mai của Thiếu Úy đội ra chợ và tự xưng là thiếu úy để “tán” mấy cô thợ may.
Tôi hỏi tên đệ tử của tôi: - Cậu có lấy cái nón của tôi đội ra chợ tán đào đấy à ?

Hắn cười trừ, thú nhận: - Dạ, em mượn đi dợt le một tí mà.
- Thảo nào, hôm qua có một cô đến đây hỏi tôi có biết thiếu úy Hường không, té ra là cậu.
Hắn tâm tình với tôi: - Thiếu úy à, coi bộ nàng “chịu” em rồi đó. Em rất cám ơn cái nón của thiếu úy.
- Sao cậu không cám ơn tôi mà lại cám ơn cái nón ?
- Có cái nón ấy em mới “nổ” được chứ.
- Thế cậu đẻ gần gần kho đạn Long Bình hay Cát Lái ?
- Quê em ở Bình Dương mà.
- Ở trên đó có kho đạn nào không mà sao cậu “nổ” quá vậy ?
Tên đệ tử của tôi hiểu ra, có vẻ mắc cỡ và lỉnh đi chỗ khác.

Những năm sống trong các trại tù Cộng Sản, tôi cũng đã từng chung đụng và phải nghe những cây súng đại liên nổ dữ dội. Họ nổ về những ngày tháng cũ trong quân ngũ của họ với những hành động xuất quỷ nhập thần, những chiến công hiển hách, những màn ăn chơi vung vít khắp các chốn xa hoa, về cái sự tiêu xài tiền bạc như nước của họ, về những giai nhân tuyệt sắc mà họ quen biết v.v...Một khẩu “đại bác” gốc giáo chức biệt phái, từng nằm bên cạnh tôi, nổ về cái vụ ra ứng cử dân biểu của anh ta :
- Hồi tôi ra ứng cử dân biểu, tôi cho học trò của tôi đi khắp các tỉnh miền Nam dán bích chương cổ động cho tôi. Tốn khá nhiều tiền mà rốt cuộc cũng không có cơ hội để sử dụng mảnh bằng cử nhân luật của tôi trong tòa nhà lập pháp đó.
- Anh ứng cử đơn vị nào?
- Quận Tân Bình, Gia Định
- Ủa, quận tân Bình mà sao cho học trò đi khắp nước cổ động làm chi ?
- Trời đất, phải cổ động khắp nước, người ta mới biết mà bầu cho mình chứ.

Nổ thì nổ như thế nhưng đề cập đến ước mơ thì mơ ước của anh ta rất giản dị. Tôi nói với anh: - Anh có một quá khứ “vàng son” quá, ngày xưa tôi không theo nổi cái gót chân của anh. Thế bây giờ anh có ước mơ gì nào ?

Câu trả lời của anh rất trần tục và tầm thường: - Tôi mơ ước sao bây giờ có mấy củ khoai mì hay vài trái bắp ăn cho no bụng thôi.

- Anh có bị bệnh tâm thần không ? Đã mơ ước thì tại sao anh không mơ ước được trở lại những ngày tháng cũ ấy cho sướng cái thân mà lại đi ước củ khoai, trái bắp ?

Anh hơi “quê”, thộn cái mặt ra và chống chế: - Bố khỉ, bụng đang đói mà lại ở trong tù thì mơ ước cao sang là không thực tế chút nào.

- Nhưng mà cái mơ ước thực tế đó của anh cũng vẫn không thể thực hiện được mà.

Anh “xì nẹc” thấy rõ: - Ông đếch thèm nói chuyện với mày nữa.

Còn phe ta mà sang đây từ hồi 75, nếu có đẻ gần kho đạn thì tôi chắc rằng cái sự “nổ” ấy cũng kinh hãi không kém. Chuyện nổ đó chỉ cần nghe qua vài câu là người ta biết ngay. Nổ như vậy được mô tả là nổ có license. Cái license là cái giấy chứng nhận hành nghề mà, không có nó là không được đâu nhá. Chẳng hạn một người tự nhận mình là kỹ sư điện, tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Theo lời anh nói, anh đã từng là kỹ sư trưởng trong một hãng Mỹ, dưới quyền anh có tới 4, 5 tên kỹ sư mũi lõ, mắt xanh, lương anh 150 đô la/giờ chứ không phải ít. Vậy mà anh cóc cần, “quit” job ngay để hành nghề tự do, sửa điện cho “phe ta” với giá phải chăng chứ không “chặt đẹp” như mấy tên chuyên viên bản xứ. Tìm cho ra được một người như anh trên cõi đời ô trược này đâu phải dễ ! Tuy nhiên, khi đi hành nghề sửa điện thì anh ta đưa ra cái danh thiếp trên đó có ghi cái “license number” đàng hoàng. Và thiên hạ bảo tôi rằng đó là một dạng nổ có license.

Nổ thì phải xẹt lửa, xẹt khói và xẹt hơi dù có license hay không. Lửa, khói, hơi xẹt ra từ người “nổ” khiến cho đời “bỗng dưng vui”. Phải vui và hãnh diện vì phe ta có được một ngòi nổ rất đáng đồng tiền bát gạo.

Và đây là một “cây bút” đẻ gần kho đạn. Anh ta viết xong một bài gửi đăng báo. Bài viết của anh không phải là truyện ngắn, tùy bút, khảo cứu hay tham luận chính trị gì cả mà là một bài về “thế thái nhân tình”. Anh gọi phone đến một người bạn hỏi ý kiến về bài viết của anh.

- Sao, anh thấy bài viết của tôi thế nào ?

- Rất tuyệt !

- Đó, anh thấy “văn tài” của tôi chưa ? Văn tôi là văn “bác học”, văn
“éloquent”, văn Tự Lực Văn Đoàn mà. Anh nên ca tụng tôi một phát đi.

Cái kho đạn này có lẽ quên một điều cơ bản là khi một tác phẩm, một bài văn...đã phổ biến thì những gì anh viết xuống không còn thuộc về anh nữa mà thuộc về độc giả. Tự khen mình hay bắt người khác khen mình, người ta gọi đó là “tự phát, tự nổ” theo cái kiểu “tự biên tự diễn”. Tuy nhiên, không thể trách anh được vì đó là chuyện thường tình. Và cũng vì cái thường tình muôn thủa ấy nên người xưa đã nói “tự kỷ văn chương, tha nhân lão bà” mà ca dao ta diễn nôm câu nói trên như sau:

Xưa nay vẫn thói thường tình
Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.

Còn những “Việt kiều” về thăm quê hương mà tôi có dịp gặp trước khi sang xứ này, không có ai trong số họ nói rằng đang hưởng “oen phe”, làm thợ trong các hãng xưởng hay buôn bán...mà ai ai cũng nhận mình là kỹ sư, bác sĩ, tệ lắm cũng là chuyên viên kỹ thuật v.v... Những năm 87, 88 có thể coi là thời kỳ mở đầu những chuyến về thăm quê nhà của Việt kiều. Việt Cộng tiếp đãi họ rất trọng thể, nhất là các kho đạn tự xưng là bác sĩ, kỹ sư với hy vọng những vị này sẽ giúp đỡ tiền bạc, máy móc v.v... Tôi được nghe kể một chuyện như sau:

Một Việt kiều nhân chuyến về thăm quê nhà, ghé lại bệnh viện Phú Nhuận, tự xưng là bác sĩ và ngỏ ý muốn tham quan bệnh viện. Giám đốc bệnh viện cũng muốn nhân dịp này nhờ anh ta giúp cho một số trang bị dụng cụ y khoa. Anh được săn đón, tiếp đãi như một thượng khách. Anh được hướng dẫn đi thăm một vòng bệnh viện, lúc tiếp xúc với cán sự phụ trách phòng mổ của bệnh viện, anh ta đã lộ nguyên hình cái sự “đẻ gần kho đạn” của anh qua mẩu đối thọai dưới đây giữa anh và nhân viên phụ trách điều hành phòng mổ.

     - Thưa bác sĩ, bệnh viện mới xây cất nên phòng mổ cần trang bị một hệ thống đèn mổ không có bóng.

     - Cô nói cái gì lạ vậy ? Cô xin trang bị đèn mà lại đòi đèn không có bóng là làm sao ?

Nhân viên phòng mổ có vẻ ngạc nhiên và nhận ra rằng anh ta không phải “dân trong nghề” nên giải thích:

      - Đèn không có bóng là đèn không hắt bóng, tức là không in cái bóng của của dụng cụ, bàn tay hay cái đầu của bác sĩ che tối chỗ mổ trên người bệnh nhân, chứ không phải là cái bóng đèn.

Anh ta làm thinh. Sau đó, nhân viên phụ trách còn tiếp tục giải thích công dụng của hệ thống đèn phòng mổ là có thể khuếch tán hay hội tụ ánh sáng cũng như điều khiển chiếu ánh sáng xa, gần hoặc rọi vào nơi nào mà bác sĩ cần phải mổ. Anh ta bị nghe “giảng” nên xì nẹc và “hố” ngay tức khắc, cho thấy mình cũng là bác sĩ nhưng là bác sĩ chữa xe hơi:

      - Cô không cần phải giải thích nữa. Tôi sửa xe hơi tôi biết. Nó giống như bóng đèn xe hơi chứ có khác cái gì đâu.

Sau buổi tham quan đó, anh “một đi không trở lại”, không “léo hánh” đến bệnh viện ấy nữa. Và cũng kể từ đó, Việt Cộng chỉ thị cho các cơ quan địa phương những quy định tiếp xúc với Việt kiều chặt chẽ hơn để khỏi bị lầm.

Trở lại chuyện bên xứ Mỹ này, một hôm tôi được mời “đi họ” cho lễ vu quy của con gái một người bạn. Bên họ đàng trai có một anh chàng mà tôi tin đến 99,99% anh ta đẻ gần kho đạn Long Bình. Anh “nổ” ghê quá, nổ liên thanh, nổ liên tu bất tận, nổ không ngừng nghỉ, không hề mệt mỏi, từ chuyện văn học đến chuyện chính trị của nước Mỹ và trên thế giới, không cần biết những người chung quanh có lắng nghe anh nói không. Anh chỉ muốn chứng tỏ cái sự rất “uyên bác”, rất “trên thông thiên văn, dưới thuộc địa lý” của anh mà thôi. Anh nói một câu, kể ra thì cũng “chí lý”:

Tôi nghĩ, chúng ta cần phải tiếp xúc, phải nói chuyện để học hỏi những điều hay, điều lạ. Muốn thế, chúng ta phải nói chuyện với các luật sư, bác sĩ, các dân biểu, thượng nghị sĩ hay thị trưởng, thống đốc... thì kiến thức của chúng ta mới mở rộng chứ còn nói chuyện với những người “homeless” thì học hỏi được cái gì ?

Tôi không nói rằng anh nói không đúng nhưng với điều kiện nào để anh có nhiều cơ hội tiếp xúc, nói chuyện với các tầng lớp trên trong khi anh chỉ là một người bán trái cây ven đường ? Và chính anh là “nhân vật” gợi hứng cho tôi viết cái phiếm này. Tôi cám ơn anh lắm lắm.

Tôi vẫn nghĩ rằng, trong một chừng mực nào đó, những “người đẻ gần kho đạn” là những người hạnh phúc nhất (mặc dù hạnh phúc chỉ là một danh từ trừu tượng và mang một ý nghĩa rất tương đối). Tại sao tôi nói họ hạnh phúc ? Bởi vì khi họ nói ra những điều mà họ chỉ tưởng tượng như vậy thôi, nghĩa là những điều chưa từng có hay chưa từng xảy ra trong đời họ, tức là họ sống trong cái thế giới của sự tưởng tượng. Đó là cái thế giới riêng của chính họ, (một thế giới “ảo” nhưng cứ nổ đi nổ lại nhiều lần, thét rồi họ tưởng đó là sự thật) và họ sẽ không cần biết đến cái thế giới chung quanh họ nữa. Như thế, tôi có thể kết luận rằng những người “đẻ gần kho đạn” là những người hạnh phúc nhất trên trần gian này. Chư vị có đồng ý như vậy không ?

Huỳnh Văn Phú

 
 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.