Những bản đàn của Thẩm Oánh để kỷ niệm Hội chợ Hà Nội 1941
Từ 1948 đến 1950 nhạc sĩ Thẩm Oánh làm tạp chí Việt Nhạc là "cơ quan truyền bá và cổ động nền âm nhạc Việt Nam."
Ở đó có một số bạn đồng nghiệp giúp đỡ, song mục lục tạp chí chủ yếu là của Thẩm Oánh nghĩ ra. Tạp chí này đăng tên các tác phẩm sẽ phát thanh trên Đài Phát Thanh Hà Nội, có thông tin về sinh hoạt âm nhạc và có một số bài viết giải thích về âm nhạc Việt và phương tây. Thẩm Oánh cũng sọan ra một chuyện nhiều kỳ với đầu đề Nhạc Thời Gian. Ít lâu trước khi ông qua đời ngày 1 tháng 1 1996 chuyện này được in thành tiểu thuyết (Falls Church, Virginia: Minh Văn, 1995).
Nhạc Thời Gian là một chuyện tình có hai nhân vật chính là Mai và Cầm. Mai học và chơi đàn dương cầm. Du học bên Pháp về Hà Nội, Cầm chơi đàn vĩ cầm và soạn được tác phẩm cổ điển tây phương. Chuyện tình này cũng tựa vào chuyện đời của Thẩm Oánh và vợ của ông là Tô Anh Đào (hai người lấy nhau ngày 10 tháng 12 1948). Tất nhiên rất nhiều chi tiết không phản ánh đời thật của hai người này, nhưng có rất nhiều đoạn tỏ ra lý tưởng của cặp vợ chồng này về sự phát triển của một nền âm nhạc mới Việt Nam.
Thẩm Oánh và Tô Anh Đào
Hai nhân vật này rất chú ý đến vị trí của nhạc nghiêm túc ở Hà Nội. Hai người ghét cái thái độ "xướng ca vô loại" của phe cũ. Cầm cũng kêu ca rằng "nghệ thuật ở cái nước Đại Cồ Việt này chỉ là một trò chơi giải trí, cho khoái mắt, khoái tai chốc lát mà thôi." Họ tìm lý tưởng của họ trong "âm thanh thuần túy và toàn mỹ trong nguồn cổ nhạc Tây phương." Cầm và Mai muốn âm nhạc Việt được có giá trị cao sang hơn, như vị trí quốc tế của nhạc cổ điển tây phương.
Mục đích của công trình quốc gia chủ nghĩa này là tạo điều kiện cho nền nhạc Việt được coi như ngang hàng với tinh hoa của nhạc quốc tế. Nhưng Cầm và Mai cũng muốn nâng lên và cải tiến đời sống tinh thần của đồng bào họ. Một quan niệm như thế cũng phù hợp với thẩm mỹ của nền nhạc truyền thống Việt Nam. Cảm xúc và cảm tình có vai trò rất quan trọng trong nhạc cổ truyền.
Khi còn trẻ, Thẩm Oánh và Tô Anh Đào đều học nhạc Việt cổ truyền. Nhưng với thế hệ trẻ lúc bấy giờ nhạc cổ bị hạn chế và không phản ánh cảm xúc của người hiện đại cho đủ. Thẩm Oánh mô tả tác phẩm Bản nhạc không lời số 4 của nhạc sĩ Cầm với một bão tố diễn cảm như sau:
Bản đàn lướt đi từng hơi một, thầm thì to nhỏ như người ngồi kể lể tâm sự u buồn… Cung mạch uyển chuyển nhịp điệu dễ dàng như lời kể chuyện của người tốt giọng có duyên. Tới đoạn giữa nhạc diễn tả nối bâng khuâng mong nhớ, điểm qua vài nết buồn dìu dịu và đến đoạn kết thì ngân vang lên, say đắm, sáng lạn và rực rớ như cương quyết ca khúc khải hoàn.
Nhạc tưởng tượng này rất là đa cảm! Trong nhạc cổ truyền, các nghệ sĩ theo một làn điệu bày tỏ một cảm xúc. Các hơi, các điệu với cách rung và luyến láy cũng biểu tỏ cảm xúc sâu xa với một người sành sỏi về nhạc cổ. Song nhạc tây thực sự là nhạc muôn điệu, và đàn dương cầm cũng là cung đàn muôn điệu có khả năng hòa âm, chơi to và nhỏ, cao và trầm.
Giai đoạn khởi đầu của nền âm nhạc mới Việt Nam hiện giờ được biết bằng tên gọi "nhạc tiền chiến." Âm nhạc ở Việt Nam được cải cách muộn hơn các loại nghệ thuật khác như hội họa, văn chương và kiến trúc. Trong những năm 1920, 1930, nhờ sự đô thị hóa, kỹ nghệ hoá ở nước mình, người Việt bắt đầu đón luồng âm nhạc xa lạ và mới mẻ của phương tây. Nhạc tây được coi trọng bởi cách ký âm, nghệ thuật hòa âm và phối âm, và bởi các nghệ sĩ được rèn luyện theo một hệ thống trọn vẹn và chuyên nghiệp. Còn nhạc tây có sức sáng tạo nữa và sự đổi mới rất được hoan nghênh. Vì các lý do ấy nhạc tây được coi như sang trọng hơn, lịch sự hơn âm nhạc bản xứ. Đứng trước hệ thống nhạc ngoài thì nhiều người Việt nghĩ là phải xây lại nền nhạc của mình.
Để có một nền âm nhạc thì nhất thiết phải xây dựng cơ sở. Không chỉ phải đào tạo các nghệ sĩ biểu diễn, các nhạc sĩ sáng tác mà lại cũng phải làm nên một môi trường âm nhạc - phải có một nền giáo dục, các cơ quan tổ chức, một quần chúng đủ trình độ hiểu biết và thưởng thức nền âm nhạc mới ấy. Thẩm Oánh là một người có đóng góp lớn cho cơ sở của nền tân nhạc này. Trong đoạn thời gian tiền chiến ông sáng tác rất nhiều tác phẩm. Ông cũng tổ chức các buổi hòa nhạc và các lớp dạy âm nhạc.
Thẩm Ngọc Oánh (tên đầy đủ) được sinh năm 1916. Dù là phật tử ông từng học ở trường École Puginier của dòng Lasan Đạo Thiên Chúa. Các trường dòng nhấn mạnh việc học nhạc để được tham gia lễ. Ông được các cha đặt tên Joseph và hát ở hợp xướng của nhà thờ. Được giáo dục như thế thì chắc Thẩm Oánh được một trình độ nhạc tây khá vững chắc và từ độ năm 1934 ông dạy nhạc tại các ngôi trường ở Hà Nội. Ông cũng đăng vài bài trên tờ báo Đông Phương năm 1936 giải thích phương pháp làm các "bài hát ta điệu tây" (phổ lời Việt cho các bài ca phổ thông Pháp).
Vài năm sau Thẩm Oánh và một số thanh niên bắt đâu mày mò nghĩ đến việc tự soạn các nhạc phẩm theo phương pháp phương tây. Lúc bấy giờ nhạc mới của người Việt chưa có chỗ đứng trong đời sống văn hóa Việt Nam. Các nhạc sĩ tương lai đó nghe nhạc tây phương và tự đánh giá mình còn kém. Nền âm nhạc mới rất cần đến một phòng thí nghiệm để nâng đỡ một loại nghệ thuật phù hợp với thính giả người Việt.
Phòng thí nghiệm ấy với Thẩm Oánh và bạn bè của ông là phong trào "Salon" đang thịnh hành ở các thành phố Việt Nam. Salon nghĩa đơn giản là phòng khách. Vài thế kỷ trước ở Pháp các đàn bà cao quý mở ra nhà của mình để tạo điều kiện cho giới trí thức được trao đổi với nhau một cách rất tình cảm. Mặc dù phong trào có nữ tính ít hay nhiều, cái điều kiện quan trọng của phòng salon là phải làm nên một không khí lịch sự và sang trọng. Những người tụ họp ở các buổi salon hay bàn bạc về văn chương và văn hóa.
Khi diễn thuyết về nguồn của tân nhạc trong những năm sau, Thẩm Oánh hay nhớ lại vai trò quan trọng của phong trào Salon ở Hà Nội lúc bấy giờ. Đó là quãng thời gian phôi thai của ban nhạc Myosotis. Dương Thiệu Tước là bạn thân của Thẩm Oánh cũng cộng tác không ngừng trong việc này. Ông viết rằng nhờ các salon thì ban nhạc này "có thể thi thố tài năng trước một số thính giả mộ điệu thân mật." Ông nhắc "Từng nửa tháng một, phái nam nữ cấp tiến ưa chủ trương mời khách để phiêm luận văn chương bình luận thi ca hoặc hòa nhạc."
Theo ông thì họ chọn tên Myosotis vì ý nghĩa tiếng Anh của hoa myosotis (lưu ly) là "forget-me-not" tức "đừng quên ta." Người trong ban nhạc "đã có một cao vọng là sau khi trình diễn thính già sẽ không quên họ vì lối trình bày cẩn thận, chắc chắn của họ."
Ban Myosotis tự coi mình là một ban nhạc tài tử. Chữ tài tử rất đúng ở đây - họ làm nhạc để tự trao dồi cho mình, để thử sức và tìm hiểu về một loại nghệ thuật mới và để hiểu biết khả năng đón nhận nghệ thuật của một số khán giả đồng cảm với mình. Nhạc này được phát triển trong khung cảnh mật thiết và đầy tình cảm.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nhấn mạnh vai trò riêng của một Salon ở biệt thư 164 phố Huế là nhà của Tô Anh Đào. Tô Anh Đào sinh năm 1920 lúc bấy giờ đang học đàn dương cầm với bà Yvonne Périé ở Institute Musical de Hanoi (Viện Âm Nhạc Hà Nội). Bà Périé là con gái nuôi của Albert Poincignon - người đã từng thành lập Conservatoire Français d'Extrême-Orient (Nhạc Viện Pháp Đông Dương) trong những năm cuối thập niên 1920.
Lớn lên Tô Anh Đào từng học đàn tranh, nhưng khi lên 8 tuổi bố của bà mua một đàn dương cầm và bà bắt đầu học nhạc cổ điển tây phương. Theo Dương Thiệu Tước thì Tô Anh Đào khi đó mới 17 tuổi có đúng tiêu chuẩn "chủ" salon là "người, không những có học thức, mà lại quen rộng, biết nhiều; nhất là tính tình khả ái, gây được nhiều thiện cảm đối với Văn nghệ sĩ, mới mong được họ năng lui tới."
Tô Anh Đào đã kể cho tôi nghe rằng ban nhạc Myosotis của Salon gồm:
Thẩm Oánh, đàn mandolin và hát
cô Thục, đàn ghi ta và hát
Phan Thị Thanh, hát
cô Phụng, hát
Tô Anh Đào, dương cầm
Dương Thiệu Tước, đàn ghi ta espagnole và hạ uy di
Vũ Khánh, vĩ cầm
Nguyễn Trần Dư - vĩ cầm
Đoàn Văn An, vĩ cầm
Phòng Salon là môi trường có nữ tính, vậy cũng có sự tham gia một số thanh thiếu nữ. Những người trong ban nhạc có xu hướng nhạc cổ điển tây phương. Vũ Khánh và Trần Dư từng học vĩ cầm với bà Sylvie Durand (chắc Đoàn Văn An cũng học với bà là vợ của nhà ngôn ngữ học Maurice Durand). Dương Thiệu Tước cũng được học dương cầm với bà Périé, rồi khi lên 16 chuyển học đàn ghi ta kiểu cổ điển. Dù Thẩm Oánh đã chơi đàn mandolin trong ban Myosotis, nhưng trình độ chơi của ông không được khá mấy. Tài năng của Thẩm Oánh là xướng âm pháp, vậy chắc ông hát cũng hay.
Từ trái: NS Nguyễn Túc, NS Hoàng Trọng, NS Nhật Bằng, x, Bà Nhật Bằng (Tường Huệ), Danh ca Minh Trang (Bà Dương Thiệu Tước), ÔB NS Thẩm Oánh, x, Danh ca Châu Hà, NS Văn Phụng
Jason Gibbs
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.