Tâm trí của chúng ta có rất nhiều chiến thuật mưu mẹo để né tránh sự phê bình, nhưng có một số cách để tránh các cái bẫy đó, nhà tâm lý học Robert Nash và Naomi Winstone nói.
Có một điều gây tò mò về con người. Tất cả chúng ta đều có xu hướng bằng cách này hay cách khác vươn tới đạt tới thành tựu - ta muốn chạy nhanh hơn, sáng tạo hơn, thắng nhiều giải thưởng hơn, chữa được nhiều bệnh hơn, kiếm nhiều tiền hơn.
Nhưng có một điều: Nếu bạn muốn giúp ai đó đạt tới thành tích cá nhân cao hơn bằng cách chỉ cho họ thấy họ đang làm thế nào và có thể cải thiện ở chỗ nào, nếu bạn muốn dành cho người khác những lời khuyên khôn ngoan ấm áp, những lời phê bình có tính xây dựng, hay "phản hồi 360 độ", thì hãy nghĩ lại. Hầu hết con người chúng ta không ai thích nghe đâu.
Cái tôi mong manh của ta chịu trách nhiệm một phần về phản ứng này. Tất cả chúng ta đều luôn muốn đạt được những gì mình mong đợi, và vì thế bị phê bình - hay thậm chí chỉ là cảm giác rồi có khi sắp bị chỉ trích - cũng có thể trở thành đe dọa khủng khiếp đến lòng tự trọng, thậm chí đe dọa cả cảm giác tích cực về bản sắc riêng.
Vì lý do này, thay vì chào đón sự phê bình với tâm thế cởi mở, phản ứng đầu tiên của ta thường là 'bật lại' ngay lập tức không suy nghĩ. Phản xạ như vậy nhằm mục đích khiến ta cảm thấy dễ chịu hơn về bản thân và, khá nghịch lý, chúng lại làm lộ ra một điểm không mấy dễ chịu về sự bất an của ta, đó là sự khiếm khuyết trong nhân cách và thái độ ứng xử khiến người khác thấy khó chịu.
Nhưng sau nhiều thập niên tìm hiểu, các lý thuyết tâm lý và nghiên cứu cho thấy con người có vô số các 'bí kíp' để loại bỏ điều này và có thái độ tích cực khi đối mặt với sự chỉ trích.
Tốt nhất là lờ đi
Nghệ thuật của việc làm chệch hướng lời phê bình đòi hỏi ta phải giỏi kỹ thuật tự lừa dối và biết cách chú ý có chọn lọc. Rất nhiều người sẽ chủ tâm tìm kiếm lời khen, ví dụ, bằng cách giả vờ ngây thơ hỏi xin ý kiến từ những đồng minh ủng hộ mình, và chỉ hỏi về những việc mà họ biết bản thân làm xuất sắc.
Nhưng có lẽ kỹ năng làm chệch hướng đơn giản nhất là tránh né không thèm nghe bất cứ phản hồi nào hết.
Chúng ta quan sát thấy phản ứng "bịt tai" trong hệ thống giáo dục, khi sinh viên đôi lúc không chú ý hoặc xem lại lời khuyên mà họ được nhận sau khi trả bài luận.
Và trong giới chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ta thấy có những người làm đủ mọi cách để tránh né việc đến khám bác sĩ gia đình, thay vì chịu chút rủi ro phải nghe lời khuyên cần giảm cân hay bỏ thuốc lá, hoặc phải đem những sự thật không hay ho mà họ không mong muốn về nhà.
Nghiên cứu tâm lý tiết lộ nhiều hơn về xu hướng phớt lờ không lành mạnh này.
Trong một nghiên cứu, sinh viên được cho xem một phim giáo dục giả về một loại bệnh nghiêm trọng có tên "TAA Deficiency" (Thiếu TAA). Trong thực tế, bệnh thiếu TAA hoàn toàn là giả, nhưng các sinh viên không được cho biết thông tin này; thay vào đó họ được hỏi liệu họ có muốn được cung cấp một mẫu phẩm bằng cách lấy gạc chùi lên má rồi đưa gạc đi xét nghiệm nguy cơ có thể mắc phải loại bệnh này hay không.
Một nửa số sinh viên được cho biết nếu họ mắc chứng thiếu TAA, cách điều trị sẽ là cần phải uống thuốc trong hai tuần. Với nhóm này, 52% sinh viên đồng ý xét nghiệm. Nửa sinh viên còn lại được cho biết cách điều trị sẽ là phải dùng thuốc suốt cả đời. Trong nhóm này, chỉ có 21% đồng ý cho lấy mẫu xét nghiệm.
Những phát hiện này cho thấy mẫu số chung xảy ra trong nhiều nghiên cứu khác cả trong và ngoài ngành y. Đó là mọi người đặc biệt cưỡng lại việc phải nghe phản hồi khi họ tin nó sẽ buộc họ phải làm điều gì khó khăn hay khó chịu.
Vấn đề không phải là tôi, mà là bạn...
Mặc dù tốt nhất là cứ giả đò phớt lờ đi, nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể phớt lờ hoặc né tránh sự chỉ trích hoàn toàn.
Trong rất nhiều trường hợp, thay vào đó ta cần phải tìm cách khác để bảo vệ bản thân khỏi sự tổn thương cái tôi.
Một trong những công cụ sẵn có trong bộ đồ nghề tự lừa dối của bản thân là sự đánh lạc hướng: đẩy sự chú ý ra xa khỏi lỗi lầm của mình.
Ví dụ, khi ta nghe nói rằng ta đã thể hiện kém hơn người khác, phản ứng thông thường nhất là chỉ ra những điểm yếu kém của người đó và né tránh lỗi của bản thân. "Cô ấy có thể đạt được thành công hơn tôi," bạn tranh luận, "nhưng tôi có nhiều bạn bè hơn, và là người có nhân cách hơn."
Không có gì lạ về việc con người ta thích phóng đại những tính chất đáng ngưỡng mộ của bản thân lên và phóng đại cả lỗi lầm của đối thủ, dĩ nhiên, nhưng nghiên cứu cho thấy ta chỉ làm vậy khi biết rằng đối thủ đã thể hiện tốt hơn mình.
Và mặc dù nghe điều này có vẻ khó chịu, đây lại có thể là cách vô cùng hữu hiệu để duy trì và xác nhận lại sự tự tôn tích cực của ta khi phải đối mặt với sai lầm.
Phản ứng
Có lẽ người thích hợp nhất mà ta muốn làm mất uy tín khi ta phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề chính là người đã nêu ra lời chỉ trích đó.
Như các học giả Douglas Stone và Sheila Heen từ Đại học Havard tinh tế quan sát trong quyển sách của họ "Cảm ơn vì lời phản hồi" (Thanks for the Feedback), "khi chúng ta đưa ra lời bình luận, ta sẽ để ý tới chuyện người nhận không vui vẻ gì khi đón nhận nó.
Còn khi chúng ta đón nhận lời chỉ trích, ta lại để ý rằng người đưa ra lời phê bình không giỏi chút nào trong việc phê bình."
Với tâm lý này, khi một bình luận mang tính phê phán vừa cho một người trong số chúng ta biết rằng nghiên cứu của ta lẽ ra đã có thể "tốt hơn nếu có thêm nhiều nỗ lực", ngay lập tức ta bị hút vào việc để ý ngay đến lỗi sai chính tả của lời phê, và phỏng đoán rằng họ chỉ là những kẻ không đủ năng lực. Ai lại đi tin vào lời phán xét của người thậm chí không thể đánh vần đúng chứ?
Phản ứng theo kiểu này sẽ không đẩy ta về phía cải thiện bài nghiên cứu, tất nhiên là vậy, nhưng nó đương nhiên là dễ chịu hơn nhiều và có thể xóa mờ đi sự đau đớn.
Tuy nhiên, làm giảm uy tín người đưa ra lời phê đôi khi cũng không đủ, và bước kế tiếp có thể là chủ động đổ lỗi cho họ đã gây ra sai lầm của mình. Trong thực tế, cách ta đổ lỗi cho người phê bình đôi khi có thể làm lộ tẩy những định kiến nhạt nhẽo nhất trong bản thân ta.
Trong một nghiên cứu do Đại học Waterloo ở Canada tiến hành, sinh viên phải báo cáo lại các kết quả học tập họ đạt được trong nhiều khóa học, và đánh giá chất lượng của giáo viên đã cho họ thang điểm đó.
Kết quả cho thấy những sinh viên có kết quả kém thường tìm cách làm giảm nhẹ sự mất mặt bằng cách đổ lỗi cho giảng viên: họ càng được ít điểm thì họ càng đánh giá kết quả giảng dạy là kém chất lượng. Nhưng quan trọng là, khác với những bạn cùng lớp đạt điểm cao, những sinh viên thể hiện kém lại đặc biệt rất hay phê bình giáo viên nữ.
Trong việc tìm cách làm giảm uy tín cá nhân giảng viên, những sinh viên này có lẽ phát hiện ra thái độ kỳ thị giới tính có thể là một công cụ hiệu quả trong việc đổ lỗi.
Vỏ bọc cảm xúc
Có vẻ là thậm chí ngay cả với lời phê bình hữu ích nhất có thể lật tẩy mặt xấu nhất của ta. Nhưng liệu có phản ứng phòng vệ nào với những lời phê bình không thể tránh, hay liệu ta có thể tránh được việc này?
Ta thường tìm cách chuẩn bị tốt hơn để đạt được mục tiêu, mà rốt cuộc thì thì lời phê bình cũng là một trong những tác động mạnh nhất giúp ta phát triển, nhưng ta chỉ có thể hưởng lợi từ những lời khuyên mà ta chịu lắng nghe.
Rắc rối là có vẻ như không có phương án nào dễ chịu: Không đạt mục tiêu khiến ta cảm thấy tồi tệ, nhưng nghe lời chỉ trích giúp ta đạt tới những mục tiêu đó cũng tồi tệ không kém.
Nếu ta quá sợ phải tổn thương sự tự tôn của mình, vậy thì có lẽ giải pháp cho tình trạng khó xử này là tự suy nghĩ vì sao ban đầu ta cảm thấy tích cực về bản thân.
Thêm vào đó, nghiên cứu cũng cho thấy mọi người thường cởi mở hơn khi nhận kết quả chẩn đoán y khoa - như khi được xét nghiệm với căn bệnh thiếu TAA - nếu ban đầu họ nghĩ về tình huống tích cực mà họ trân trọng nhất ở bản thân, và nhớ lại những dịp quá khứ khi họ chứng tỏ trong tình huống đó.
Kết quả nghiên cứu này phù hợp với bức tranh rộng lớn hơn và có lẽ dễ đoán hơn rằng, người có sự tự tin cao hơn thường dễ dàng đón nhận lời phê bình từ người khác hơn những đồng nghiệp ít được trấn an hơn họ.
Vì thế nếu ta muốn trở nên dễ đón nhận những tin không vui hơn, có lẽ ta nên bỏ được một chút vỏ bọc cảm xúc qua một bên thì hơn, bởi điều đó có thể giúp giữ nguyên được sự tự tin tích cực cho dù tin ta phải đón nhận là lành hay dữ.
Trong thực tế, có lẽ một phần khác của vấn đề là ngay từ đầu ta đã cho phép bản thân ứng xử với lời phê bình như một thứ không mong muốn. Các nhà tâm lý học nói rằng người ta có thể dễ dàng tự lừa bản thân khi nghĩ họ đang vui vẻ tận hưởng một nhiệm vụ không hay ho gì, chỉ khi nào họ tin và chủ động chọn làm điều đó.
Liệu cách tương tự có ứng dụng được với lời phê bình? Liệu ta có thể thuyết phục bản thân chấp nhận lời khuyên chỉ đơn giản bằng cách tin rằng ta chọn đón nhận những phê bình đó?
Một số người ủng hộ cho ý tưởng này đến từ các nghiên cứu của Hoa Kỳ, mà trong đó người tham dự đoán số năm mà nhiều sự kiện lịch sử đã xảy ra.
Họ càng có câu trả lời chính xác thì càng thắng được nhiều tiền. Mỗi người tham dự sau đó trả lời cùng các câu hỏi trên thêm một lần thứ hai, nhưng là sau khi họ nhận được lời bình về những câu trả lời mà người khác đã đưa ra.
Đôi khi những phản hồi là miễn phí, đôi lúc các phản hồi sẽ làm họ tốn vài đô la từ số tiền họ thắng nếu họ đồng ý nhận lời phê. Không ngạc nhiên gì, mọi người có xu hướng chọn lời khuyên miễn phí hơn là lời khuyên có tính tiền.
Nhưng những người tham dự có vẻ như chịu mang theo lời phản hồi lên sàn đấu - bằng cách chuyển những kết quả đoán của họ theo hướng xem người khác nghĩ gì - khi họ phải trả tiền cho lời khuyên đó.
Nói cách khác, kết quả này cho thấy mọi người có cảm giác mạnh mẽ là phải hành động theo lời khuyên khi họ cảm thấy họ đã đầu tư nguồn lực để nhận lời khuyên đó.
Nếu ta chủ động đầu tư và tìm kiếm để có được những lời phê bình chân thành, và nếu ta tăng cường sự tích cực của bản thân trong việc dự đoán cảm xúc đó tệ tới mức nào, ta có thể đã sẵn sàng nghe và chấp nhận lời khuyên mà ta cần nhất.
Có lẽ thậm chí còn có nhiều cách để tự huấn luyện ta nhận ra những phản ứng không suy nghĩ của chính mình khi nào xảy ra, vì thế ta có thể tránh kết luận bất kỳ ai khác là sai, trừ bản thân mình.
Và cho dù ta có dùng cách đề phòng tinh thần nào chăng nữa, gặt hái lợi ích của những lời phê bình đầy thách thức luôn luôn là việc rất khó.
Khoa học có thể cho ta lời khuyên làm sao để làm việc này tốt hơn, nhưng cuối cùng, ta mới là người có tự do đón nhận hay từ bỏ đời khuyên đó.
Robert Nash
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.