Sunday, April 30, 2017

Jazz kết nối những người trẻ Mỹ - Việt

image

Nhóm nhạc Jazz mang tên Annandale Jazz Ambassadors (AJA) đang có chuyến lưu diễn tại Việt Nam. Buổi diễn đầu tiên của nhóm là tại Nhà thờ Cha Tam, nơi từng ghi dấu lễ cầu nguyện cuối cùng của Vị Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa, cùng bào đệ của ông.

Gần 42 năm đi qua, buổi hòa nhạc Jazz tại Nhà thờ Cha Tam của nhóm nhạc AJA đến từ Mỹ này làm người ta nhớ lại những dàn kèn đồng của quân nhân Mỹ từng lưu diễn từ thành phố đến nông thôn ở miền Nam Việt Nam. Chiến tranh đi qua, giờ đây, Jazz trở lại Sài Gòn với không khí náo nhiệt, tươi trẻ.

image

Bà Kim Hạnh, điều phối viên chuyến lưu diễn này, tin rằng Jazz sẽ là cầu nối giới trẻ Mỹ - Việt:

“Chúng tôi chỉ đi với tư cách như trao đổi văn hóa với các trường và các em thôi chứ không có đến một văn phòng chính phủ Việt Nam chính thức. Vì chúng tôi đi chỉ là phục vụ và giao lưu. Cho nên, hy vọng sự tốt đẹp của chuyến đi này là việc phục vụ cộng đồng và yêu mến âm nhạc cho giới trẻ và lưu truyền, giống như quảng bá văn hóa của nước Mỹ cũng như trao đổi văn hóa với Việt Nam, giúp cho hai bên hiểu nhau hơn và các em, đặc biệt các em Việt Nam sẽ có động cơ để học nhạc. Còn các em Mỹ thì có động cơ là đến đây để học thêm, học hỏi thêm về văn hóa của người Việt Nam. Đối tượng mà ban nhạc này nhắm đến là phục vụ khán giả trẻ tuổi, với một ước mơ là sẽ giúp cho các em có khả năng tiếp cận với một cái nền âm nhạc mới, và khuyến khích các em học âm nhạc”.

image

Lâu nay ở Sài Gòn, Jazz thường được biết đến là dòng nhạc dành cho thế hệ trưởng thành ở miền Nam trước năm 1975. Những nhóm Jazz quốc tế đến biểu diễn ở Sài Gòn hầu hết đều là những người ngoài tuổi 20. Còn lần này, Jazz do chính những người trẻ đến từ Mỹ biểu diễn, tất cả đều dưới tuổi 19. Và bất ngờ không kém là khán giả đến thưởng thức, đa phần cũng là những người trẻ tuổi, am tường Anh ngữ.

Cô sinh viên Nguyễn Xuân Khánh Vy chia sẻ rằng Jazz từ những bạn trẻ này truyền tải khiến cô thú vị:

“Theo như em biết Jazz là một thể loại hơi khó nghe, nhưng khi em nghe các bạn nhỏ chơi thì em cảm thấy rất là thích. Cảm thấy có cái cổ điển và cũng rất là lãng mạn nữa, và em thấy buổi hòa nhạc khá là hay”.

image

Sự hứng thú của cô sinh viên năm ba này lại là sự ngạc nhiên của bà Mùi khi lần đầu bà được thưởng thức chính người Mỹ chơi Jazz:

“Cũng vui lắm … được hài lòng (cười)… ở Việt Nam ít có diễn giống vậy. Còn Mỹ qua đây diễn cho mình coi được (cười)”.

Cô sinh viên Mai Lan nói rằng đây cũng là lần đầu cô được thưởng thức Jazz:

“Thật sự là lần đầu tiên em nghe nhạc Jazz luôn nên nó rất là lạ và rất là phiêu nữa. Có những bài mà mình không hề biết nhưng mà nghe rất dễ lọt tai. Và em chắc chắn là sau chương trình này em sẽ tham gia nhiều cái nhạc Jazz nữa”.

Một người khách tham dự tên Huyền chia sẻ cảm xúc của lần đầu nghe chính dân Mỹ chơi Jazz:

“Được nghe một buổi hòa nhạc Jazz trực tiếp như vậy thì cảm xúc của Huyền là cảm thấy rất là thích thú và hồi hộp, cảm giác khi mà nghe nhạc trực tiếp như thế, nghe các bạn trình diễn như vậy thì mình thấy sự kết hợp và cảm giác là mình tận hưởng, được sống trong âm nhạc rất là thích cái niềm vui sướng, rất gần và rất thật với mình. Cảm giác rất là thích và dạt dào”.

image

Những người trẻ chơi Jazz này từng lưu diễn quốc tế, và đây là lần đầu tiên họ diễn trên sân khấu của Sài Gòn, nơi mà thế hệ cha anh của họ hơn bốn thập niên trước từng mang Jazz đến miền Nam để chia sẻ cùng cộng đồng.

Giờ đây, với cầu nối âm nhạc, những người trẻ từ bên kia bờ Thái Bình Dương đang kết nối giới trẻ Sài Gòn bằng âm nhạc không biên giới.

Bà Kim Hạnh kể rằng với những bạn trẻ này, quá khứ chiến tranh của Việt Nam là cái gì đó đã xếp lại:

“Ồ, tâm trạng của họ rất là phấn khởi và rất là hãnh diện và cũng là rất là vui. Tại vì đây là lần đầu tiên họ đến một đất nước mà trước đây có lịch sử chiến tranh với Mỹ. Họ là Mỹ và họ đến Việt Nam thấy ở Việt Nam rất là hòa bình, rất là đẹp, người dân rất là thân thiện, đồ ăn thì rất là ngon”.

image 

Jazz vừa là ban nhạc tập thể vừa có những khoảng trống cho từng cá nhân ứng tác. Trong buổi biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa Mỹ tại Sài Gòn vào tối 11 tháng 4, Jazz trở thành một thứ âm nhạc gắn kết cộng đồng, bất chấp màu da, bất chấp ràng buộc, hay sự khác biệt của thể chế chính trị. Sự phấn khích của người tham dự và niềm hào hứng của toàn ban nhạc một lần nữa cho thấy Jazz đang viết nên những giai điệu nồng ấm, kết nối những người trẻ Mỹ - Việt hôm nay.

Nguồn gốc bí ẩn của nhạc jazz
Nhạc jazz: vì sao có người yêu kẻ ghét?

image 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.