Chế Linh, một giọng ca rất mùi của miền Nam Việt Nam trong thời chiến tranh, vừa có chuyến trở về hát trên quê hương sau 30 năm xa cách.
Nhưng chuyến lưu diễn của anh gặp nhiều trắc trở vì về đến nơi mới vỡ lẽ có chỗ anh được hát, chỗ không. Anh muốn gặp gỡ báo chí để tâm tình cũng bị cấm. Sau hai đêm diễn ở Hà Nội với bầu sô thay đổi, buổi hát ở Sài Gòn bị huỷ vào giờ chót.
Ca sĩ trong và ngoài nước hát cho khán giả ở hai bên bờ Thái Bình Dương bây giờ lẽ ra phải là chuyện thường tình.
Gần hai chục năm trước chuyện này đã gây ồn ào khi Thanh Lan được qua Mỹ hát làm bùng lên làn sóng biểu tình phản đối vì cho rằng đó là kế hoạch tuyên truyền của Hà Nội khiến mấy sô bị huỷ. Cuối cùng cô lên truyền hình rưng rưng rơi lệ và quyết định xin ở lại Mỹ.
Thế là Thanh Lan được hoan nghênh.
Với quan hệ Mỹ-Việt phát triển, ca sĩ trong ngoài nước đi ra đi vào cũng tăng theo nhịp trao đổi thương mại giữa hai quốc gia.
Nhiều diva Việt Nam đã xuất hiện trên sân khấu hải ngoại trong hơn thập niên qua: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Quang Dũng, rồi Phương Thanh, Quang Linh, Ngọc Lễ, Phương Thảo, Mỹ Tâm, Đức Tuấn và nhiều giọng ca khác.
Qua Mỹ hát, ca sĩ trong nước kết hôn với Việt kiều đã có Lam Trường, Quang Dũng, Thu Phương, Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Hà, Trần Thu Hà.
Ngược lại, nghệ sĩ về Việt Nam hát cũng nhiều: Hương Lan, Phi Nhung, Tuấn Vũ, Giao Linh, Thanh Tuyền, Lệ Thu, Sơn Tuyền, Tuấn Ngọc, Trịnh Nam Sơn, Mạnh Đình, Quang Lê, Ý Lan, Minh Tuyết…
Nhạc sĩ Phạm Duy trở về sống tuổi già và đã có chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Nhưng phần lớn gia tài âm nhạc của ông vẫn chưa được mở ra cho hát. Duy Quang, Đức Huy, Ái Vân, Elvis Phương đã mua được nhà với sổ đỏ, sổ hồng trong tay.
Nhộn nhịp hoạt động văn nghệ
Ca sĩ trong nước sang Mỹ hát nay chẳng còn bị biểu tình. Ngoại trừ Mr. Đàm hai năm trước ra vẻ thách đố cộng đồng thì không tránh khỏi.
Từ hải ngoại về nay tuy dễ hơn nhưng còn khó khăn về quan điểm và phải đối đầu với một rừng luật, chưa kể lệnh miệng của quan chức nhà nước.
Cuối tháng 10 vừa qua Chế Linh về Hà Nội hát. Giữa tháng 11, San Jose đón Mỹ Linh, Quang Dũng qua tham gia văn nghệ cùng nhiều ca sĩ hải ngoại.
Chương trình “Hát cho tình yêu 8” hôm 13-11 ở Center for the Performing Arts kín khán giả, hơn 2 nghìn. Đông quá làm MC Nguyễn Ngọc Ngạn ngạc nhiên: Kinh tế xuống. Việc làm không có. Nhà chưa bán được. Sao khán giả San Jose đi coi văn nghệ đông thế này?
Tất cả là vì tên tuổi ca sĩ.
Nhiều ca sỹ trong nước ra nước ngoài biểu diễn
Người thích Khánh Hà, Ý Lan, kẻ mê Tuấn Ngọc, Nguyên Khang. Có khán giả muốn xem Quang Dũng, Mỹ Linh. Có người thích nghe Ngọc Anh, Diễm Liên, Thanh Hà. Chín danh ca cho một chương trình, cộng thêm MC Nguyễn Ngọc Ngạn nữa là đủ 10 văn nghệ sĩ nổi danh.
Khán giả đi đông cũng vì chiều Chủ Nhật. Tổ chức vào thứ Bảy coi chừng ế chỏng vì tiệm neo vẫn mở, lại hay có cưới xin, hội hè đình đám. Giá vé từ 25 đến 150 đô, bằng sô Chế Linh trong nước với giá tương đương từ 500 nghìn đến 3 triệu đồng.
Văn nghệ có nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn và Kỳ Duyên làm MC thì vui giống như sô ca nhạc hài Saturday Night Live (SNL) trên kênh NBC vào mỗi khuya thứ Bảy.
Hôm nay Kỳ Duyên vắng mặt. Cô bận dẫn chương trình cho sô “Chế Linh: 30 năm hội ngộ” trong nước. Không có Kỳ Duyên bên cạnh, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cũng chọc cười khán giả tới bến.
Ca sĩ hát hay hay không tùy sở thích khán giả. Tôi chú ý đến giọng ca từ trong nước vì nghe CD nhiều nhưng ít có dịp coi trên sân khấu. Sự kiện ban tổ chức để Quang Dũng, Mỹ Linh xuất hiện vào phần cuối chương trình cho thấy hai giọng ca từ phương xa được nhiều người yêu thích.
Quang Dũng đi đôi với dòng nhạc Diệu Hương. Hôm nay anh chỉ hát “Phiến đá sầu”, ngoài ra là “Mắt biếc” của Ngô Thụy Miên, “Khi người yêu tôi khóc” của Trần Thiện Thanh, “Yêu là chết ở trong lòng một ít” của Phạm Duy thể hiện được làn hơi phong phú qua những bài hát đa dạng, tuy đôi khi kéo dài làn hơn không cần thiết.
“Hạ trắng” của Trịnh Công Sơn theo phong cách mới, nhanh và dồn dập có lẽ không hợp với ý nhạc sĩ sáng tác.
Cũng như Mỹ Linh với “Ru ta ngậm ngùi” không được khoan thai mà thường uốn mình, chùn gối lấy hơi “hét” lên. Có lẽ tôi đã quen nghe Khánh Ly trình bày nhạc Trịnh một cách thong dong, thả chữ nhẹ nhàng dù nốt nhạc có cao vời vợi.
Mỹ Linh trong áo dài trắng điểm những đóa sen hồng hát “Lá đổ muôn chiều” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh. “Một mình” của Thanh Tùng là bài tủ với ban nhạc khi đó chỉ còn tiếng dương cầm và vĩ cầm đệm theo nghe thấm từng lời ca.
Còn nhiều vấn đề
Theo nhận xét riêng, xuyên suốt chương trình tiếng trống và bass thường quá lớn át hẳn giọng hát. Hay vì một số ca sĩ nay đã yếu giọng nên cần tiếng trống để che đi?
MC Nguyễn Ngọc Ngạn có giải thích dí dỏm rằng: “Nhạc thính phòng là nhạc dành cho những người thính tai”. Quả thật ban nhạc quá đông, 8 nhạc công, trổi lên nghe tiếng thùng thùng nhiều hơn, ít khi làm nổi bật tiếng dương cầm của Hoàng Thi Thi hay tiếng vĩ cầm, tiếng sáo và giọng hát là những nét chính của nhạc thính phòng.
Mỹ Linh hát hai bài tiếng Anh. Bài thứ nhất là “One moment in time” mà tháng trước cô đã trình bày trong một chương trình văn nghệ cũng ở San Jose .
Hoạt động ca nhạc vẫn còn nhiều vấn đề
Hát xong bài này, khi Mỹ Linh sửa soạn một bài nữa cũng của Whitney Houston thì MC Nguyễn Ngọc Ngạn bước ra, đề nghị cô hát “Mùa thu không trở lại” của Phạm Duy có được không? Cô nói vì muốn cám ơn khán giả nên cô hát thêm một ca khúc tiếng Anh của ca sĩ Mỹ nổi tiếng này. Hát song Mỹ Linh phát biểu: “I’m like a bird. I’m free” – Tôi như một con chim. Tôi được tự do.
Nghe Mỹ Linh hát nhạc Whitney Houston tôi thắc mắc không biết có vi phạm tác quyền không? Có thể MC đã nhận ra chuyện này phạm luật nên đã đề nghị cô hát nhạc Việt chăng?
Không chỉ nhạc Mỹ, tôi cũng tự hỏi ngay cả đối với nhạc sĩ Việt có ca khúc được hát ở San Jose hôm nay, hay trong bất cứ một chương trình ca nhạc thương mại nào, ban tổ chức có trả tiền tác quyền cho họ không? Ở Mỹ không nên đùa với tác quyền vì có thể bị kiện ra toà.
Trong nước mấy tuần qua cũng ồn ào chuyện tác quyền và sô của Chế Linh bị huỷ. Nhạc sĩ Phó Ðức Phương của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc nói vì chưa trả tiền tác quyền trong sô trước ở Hà Nội, khoảng 90 triệu đồng. Sở Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đưa lí do “chưa phù hợp với tình hình thành phố hiện nay” nên sô bị huỷ.
Chi thu tài chánh, trả thuế, trả tiền bản quyền trước đây còn nói không hiểu, nay đã vào guồng rồi thì người tổ chức dù ở Mỹ hay ở Việt Nam cứ theo luật sở tại mà thực hành. Quyết định về sô Chế Linh “chưa phù hợp” là mơ hồ, như những chuyện nhà nước hay cho là “nhạy cảm”.
Cũng chuyện tác quyền, trong buổi văn nghệ ở San Jose hôm 13/11 người soát vé không cho tôi mang máy chụp hình vào rạp và giải thích đó là yêu cầu của người tổ chức vì chương trình có copyright - bảo vệ tác quyền. Tôi đã phản đối. Trước giờ đi coi văn nghệ ở đây không có chuyện cấm đem máy vào rạp.
Cấm. Nhưng khán giả dùng I-Phone chụp hình ca sĩ trên sân khấu. Có người mang cả I-Pad ra quay.
Nếu ban tổ chức muốn cấm thì cần ghi rõ trên tờ quảng cáo, trên vé và áp dụng đồng đều. Sô Vân Sơn đã có lần làm thế.
Bầu sô không nên ra lệnh miệng để tuỳ tiện áp dụng. Như kiểu Việt Nam .
Bùi Văn Phú
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.