Monday, July 15, 2013

Môi trường Trung Quốc vô phương cứu vãn?

image
(Petrotimes) - Đứng đầu thế giới về ô nhiễm môi trường, Trung Quốc đang càng lúc càng vẫy vùng trong bất lực khi tìm cách xử lý hậu quả khủng khiếp của vô vàn tác động mà “công cuộc” tàn phá môi trường gây ra sau hàng chục năm phát triển bất chấp quy hoạch bền vững. Vấn đề môi trường, dù đã trở thành nghị sự Quốc hội cũng như hiện diện trong ý thức ở tầng lớp lãnh đạo cao nhất, vẫn chắc chắn không thể được giải quyết đến nơi đến chốn. Tại sao?

Chết bởi chính mình!
Theo tờ Global Times (4/6/2013), Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc vừa công bố báo cáo cho biết, trong năm 2012, hơn 1/2 nguồn nước ngọt nước này (khảo sát tại 198 điểm ở 4.229 thành phố) đã bị ô nhiễm trầm trọng trong đó có 5 trong 10 lưu vực sông lớn nhất và 25 trong 60 con hồ… Và trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Trung Quốc chiếm đến 16 thành phố! Ô nhiễm không khí đang nằm vị trí thứ tư các nguyên nhân gây chết người (với trung bình 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm). Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ vỏn vẹn 1% trong 560 triệu cư dân đô thị Trung Quốc là được hít thở không khí trong lành theo chuẩn EU… Tổn thất kinh tế do môi trường lên đến khoảng 230 tỉ USD vào năm 2010 (1,54 ngàn tỉ tệ), chiếm 3,5% GDP, gấp bốn so với năm 2004 (New York Times 29/3/2013).

image
Rubbish floats on a river crossing the city of Hefei, east China's Anhui province.
Tháng 1/2013, mức độ ô nhiễm không khí tại thành phố Bắc Kinh do Tòa Đại sứ Mỹ đo được đã cao gấp 35 lần mức cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Wall Street Journal (14/4/2013) cho biết, nhiều gia đình nước ngoài định cư dài hạn ở Trung Quốc để làm ăn nay buộc phải rời bỏ nước này vì chịu hết nổi tình trạng ô nhiễm, trong khi các trường tiểu học quốc tế tại Bắc Kinh phải dựng… lồng kính che sân chơi để tránh khói bụi mịt trời!

Ngày 10/6/2013, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) “tiếp tục bày tỏ lo ngại” trước tình trạng nguồn thực phẩm bị nhiễm độc ngày càng trầm trọng khắp Trung Quốc, đặc biệt sau vụ gạo nhiễm chất gây ung thư cadmium tại nhiều địa phương trong đó có Hồ Nam và Quảng Đông (ngày 16/5/2013, Cơ quan Quản lý thực dược phẩm thành phố Quảng Châu cho biết, có đến 44,4% gạo tại địa phương mình nhiễm cadmium).


image
Người dân chống chọi với bụi khói ở Bắc Kinh (năm 2013)
Đầu năm 2012, không khí khắp nhiều vùng Trung Quốc đã như đặc quánh lại bởi khói bụi bao phủ trên diện tích hơn 1 triệu km2 (Tân Hoa Xã 5/6/2013). Tháng 2/2013, Bộ Môi trường Trung Quốc đã phải đề cập đến hiện tượng “những ngôi làng ung thư” trong bản kế hoạch 5 năm. Đây là lần duy nhất mà một cơ quan cấp bộ tại Trung Quốc thừa nhận vấn đề chua xót này kể từ khi nó được giới nghiên cứu xã hội ghi nhận lần đầu tiên từ năm… 1998 (The Guardian 4/6/2013). Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Trung Quốc đã tăng 80% trong 30 năm qua – ở thành phố, thủ phạm là không khí; và ở vùng quê, thủ phạm là nguồn nước.

image
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang gây phẫn nộ dư luận khắp Trung Quốc. Ngày 4/5 rồi tiếp đó ngày 16/5/2013, hàng ngàn người Côn Minh đã biểu tình rầm rộ phản đối dự án xây một nhà máy lọc dầu. Gần như cùng thời điểm, hàng ngàn người tại khu Tùng Giang (Thượng Hải) cũng xuống đường phản đối dự án xây một nhà máy pin. Tháng 10/2012, loạt biểu tình liên quan môi trường kéo dài một tuần cũng đã làm tê liệt thành phố cảng Ninh Ba (Chiết Giang). Đó là vài trong hàng ngàn cuộc biểu tình nổ ra gần như mỗi năm liên quan vấn đề môi trường với đủ mọi cấp độ phản ứng.

image
Theo Dương Triều Phi, Phó chủ tịch Hội khoa học môi trường Trung Quốc, số vụ biểu tình liên quan môi trường đã tăng 120% từ năm 2010-2011. Trong buổi tường trình trước Quốc hội, họ Dương nói rằng, số “sự cố quần chúng” liên quan môi trường tăng trung bình 29%/năm từ 1996-2011, đặc biệt xuất phát từ các vụ ô nhiễm hóa chất độc hại và kim loại nặng…

image
Trong một vụ gần đây (theo Tân Hoa Xã 29/5/2013), cộng đồng cư dân tại phía Đông tỉnh Chiết Giang đã yêu cầu viên chức lãnh đạo môi trường địa phương tại Ôn Châu phải đích thân đến thăm cũng như xin lỗi một cảnh sát viên, bởi người này phải nhập viện do uống nước ô nhiễm từ một con sông khi nhảy xuống cứu một cô gái tự tử. Chỉ vài phút lặn ngụp trong con sông đen ngòm nhầy nhụa, viên cảnh sát sau đó bị ho dữ dội, ói mửa và mắt sưng đỏ vù. Bác sĩ khẳng định viên cảnh sát bị nhiễm khuẩn nặng. Dòng sông trên là một trong 680 con sông tử thần được chính quyền Ôn Châu đưa vào danh sách cảnh báo…

image
Toàn cảnh, có thể nói rằng chưa bao giờ vấn đề môi trường Trung Quốc trở nên trầm trọng nhức nhối như hiện nay. Trung Quốc đang trượt dài không phanh đến cái huyệt mộ khổng lồ sâu hoắm mà chính họ đã miệt mài tự đào hàng chục năm qua. Năm 2011, hai tác giả Peter W. Navrro và Greg Autry đã tung ra quyển sách best-seller toàn cầu: Death by China (Chết dưới tay Trung Quốc). Bây giờ hẳn người ta đang chờ một quyển gần tương tự nhưng nội dung của nó không nói đến sự hủy diệt thế giới của Trung Quốc mà là sự tiêu diệt Trung Quốc của chính bàn tay Trung Quốc! Ngày đó chắc chắn sẽ đến, mà thậm chí không còn xa, nếu xem vấn nạn môi trường thật sự là những quả bom nổ chậm, như cách nói của báo chí và thậm chí giới lãnh đạo nước này!

Tại sao Trung Quốc không bao giờ có thể tháo ngòi nổ của quả bom môi trường?

Theo dõi vấn đề môi trường Trung Quốc, có thể rút ra vài nguyên nhân chính khiến môi trường nước này tan nát như hiện nay: ý thức thấp kém của cộng đồng; sự ham muốn làm giàu bằng mọi giá của nhiều tầng lớp người dân; sự thiếu quy hoạch căn bản trong kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn; tình trạng tham nhũng của giới chức bảo vệ môi trường; tư duy duy ý chí xem trọng thành tích phát triển ngắn hạn hơn là an sinh xã hội dài hạn – hay nói cách khác là cái sự bám rễ của thói xấu hám danh hám lợi từng in đậm và cày những luống rất sâu trong lịch sử văn hóa Trung Quốc… Thử xem một trường hợp tiêu biểu được kể trong phóng sự đăng trên báo chính thống nước này: tờ Global Times (11/4/2013). Sự việc được kể đã gói gọn và chứa đựng hầu hết những yếu tố và nguyên nhân của nguồn gốc vấn đề. Nó cũng cho thấy cái não trạng của đám giới chức chính quyền địa phương, thành phần “thủ phạm” không kể không nhắc khi nói đến vấn nạn ô nhiễm môi trường Trung Quốc…


image
Ngày 9/4/2013, công nhân bắt đầu tháo dỡ Nhà máy Hóa chất Kiến Tân tại huyện Thương thuộc tỉnh Hà Bắc. Tháng 9/2011, Kiến Tân đã đóng cửa sau khi xảy ra vụ rò rỉ hóa chất ra môi trường khiến cả dòng sông bị nhiễm đỏ lòm. Thế mà khi xem phóng sự của Đài Truyền hình CCTV ngày 3/4/2013 về vụ việc, Chánh Sở Môi trường địa phương Đặng Liên Quân nói rằng: “Đúng là nước sông có đỏ nhưng không phải tại ô nhiễm. Khi cho nhúm đậu đỏ vào, nước cũng ngả màu đỏ vậy mà”. Phát biểu của “Đặng đậu đỏ” đã khiến đương sự rớt ghế và khiến báo chí chú ý nhiều hơn đến ngôi làng nhỏ Tiểu Chu Trang. Hóa ra sự việc nghiêm trọng hơn người ta tưởng.

image
Các công nhân môi trường Thượng Hải đang thu dọn xác lợn chết bị thả trôi sông
Hàng chục năm nay, dân Tiểu Chu Trang đã sống khổ sống sở với bi kịch tống chất thải ra môi trường cộng đồng của Kiến Tân, kể từ khi nhà máy này có mặt tại địa phương năm 1988. Ngày này qua ngày khác, Tiểu Chu Trang mỗi lúc mỗi ô nhiễm nặng nề, đến mức toàn bộ giếng đào trong làng đều bị đục ngầu. Trong số gần 800 dân làng, 24 người đã chết bởi ung thư và 6 người đang ôm bệnh. Suốt nhiều thập niên ròng rã, bao nhiêu đơn kêu cứu đều bặt tăm hơi. Tình hình ngày càng tệ hại đến mức nước sông trở nên nóng hực, bốc khói và sủi bọt hóa chất sùng sục. Chẳng sinh vật nào có thể sống trong môi trường như vậy. Người dân nghèo bắt đầu thiếu nước sinh hoạt một cách trầm trọng…

image
Khi sự việc được đánh động (sau phát biểu gây sốc của “Đặng đậu đỏ”), giới chức môi trường tỉnh bắt đầu kéo nhau về, lấy mẫu thử nghiệm tại 9 địa điểm quanh làng. Mẫu thử từ một cái giếng cho thấy nồng độ aniline cao gấp 70 lần so với chuẩn nước ăn uống sinh hoạt. Tờ báo địa phương Yến Triệu đô thị (Yanzhao Metropolitan News), trong ấn bản cuối tháng 3/2013, cho biết, sau khi uống nước lấy từ một giếng đào sâu đến 30m, khoảng 700 con gà đã lăn quay ra chết như vừa uống phải thuốc độc… Với một vùng ô nhiễm khủng khiếp trong suốt thời gian dài như Tiểu Chu Trang, cần bao nhiêu tiền và mất bao nhiêu thời gian để giúp nó có thể trong sạch lại? Liệu có phương pháp khoa học hiện đại nào có thể xử lý được tình trạng ô nhiễm của ngôi làng này, có giải pháp khả dĩ nào có thể “lọc” trong lại được những cái giếng và con sông đen ngòm lợn cợn chất thải? Thật ra mà nói thì những nơi như Tiểu Chu Trang đã hoàn toàn là vùng đất chết, chẳng tiền của và tài thánh nào có thể mang lại sự sống cho chúng. Khắp Trung Quốc, có bao nhiêu Tiểu Chu Trang? Cái sự vô phương cứu vãn của Tiểu Chu Trang cũng là cái sự vô phương và bất lực trước việc cứu vãn môi trường của toàn Trung Quốc!

image
Thử xem thêm một ví dụ (dẫn lại từ Reuters 31/3/2013). Khi Tập đoàn Khoáng sản Tử Kim (Zijin Mining Group) dọa dời trụ sở khỏi Thượng Hàng để đến Hạ Môn cách đó 270km, tay bí thư địa phương đã lập tức đến gặp Chủ tịch Tập đoàn Trần Cảnh Hà và nói rằng: “Nếu muốn đi, ông cũng phải dời cả ngọn núi ở đây đến Hạ Môn!”. Với giới chức địa phương, Tập đoàn Tử Kim – nhà sản xuất vàng lớn nhất Trung Quốc và là nhà khai thác đồng lớn thứ hai nước này – là nguồn doanh lợi không thể mất được. Là một trong những tập đoàn nhà nước lớn nhất Trung Quốc, với các dự án khai thác khoáng sản tại 20 tỉnh nước này và 7 quốc gia, Tập đoàn Tử Kim cũng là nơi mang nhiều tai tiếng liên quan tàn phá môi trường.

image
Chỉ riêng tại Thượng Hàng, một dòng chất thải khổng lồ 9.100m3 từ mỏ vàng của Tử Kim đã chảy vào một con đập và tràn vào con sông địa phương, làm chết khoảng 4 triệu con cá. Mất đến 9 ngày Tử Kim mới thừa nhận vụ việc. Tuy nhiên, Tử Kim cũng là công ty chiếm đến 70% nguồn thu của Thượng Hàng, mang lại công ăn việc làm cho dân địa phương. Nhờ Tử Kim, chính quyền Thượng Hàng mới có tiền xây xa lộ nối với phần còn lại của tỉnh Phúc Kiến. Mất Tử Kim, Thượng Hàng không chỉ thất thu ngân sách mà còn thiệt hại về chỉ tiêu phát triển! Cần nói thêm, ở thời điểm xảy ra vụ việc (năm 2010), trưởng ban cố vấn của Tử Kim là Lâm Thủy Thanh, vốn là cựu viên chức chính quyền Thượng Hàng! Còn nữa, cổ đông lớn nhất của Tử Kim lại là cơ quan quản lý bất động sản của chính quyền Thượng Hàng…

image
Một phần của câu chuyện trên cho thấy thêm một lý do khiến Trung Quốc không thể cứu được môi trường của họ: cơ chế phát triển theo mô hình thành tích. Với một nước quen với lối sống thành tích và chỉ tiêu (đến mức trở thành một “hệ thống” của “sống và làm việc”), việc đi lệch khỏi suy nghĩ này là bất khả thi; và nó cho thấy việc chấn chỉnh môi trường Trung Quốc luôn là một điều bất khả (có chăng chỉ là những xử lý nhất thời). Tinh thần thành tích chiếm ngự suy nghĩ và đầu óc của họ đến mức họ không thể từ bỏ bất cứ phương tiện gì để đạt mục đích “phát triển”. Họ tạo ra một mô hình phát triển chụp giật bất chấp hậu quả, một mô hình què quặt rất “thuần chất” “made in China”. Họ tạo ra một mô hình bị lỗi ngay từ căn bản. Họ “phát triển” cái sai đến mức nó đã trở thành hệ thống của những cái sai. Trừ phi đập nát cái hệ thống lỗi lầm để xây dựng lại, một cách có lý trí hơn, nhân bản hơn, Trung Quốc không thể chấn chỉnh được sự hỗn loạn của khổ nạn môi trường. Vấn đề bây giờ là dường như đã quá muộn cho một công cuộc sửa đổi như vậy!

image



Mạnh Kim


image

Vì sao nảy sinh bạo lực trong xã hội?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.