Tuesday, July 9, 2013

Đưa phong bì là hối lộ hay cảm ơn?

image


Đưa phong bì là một việc đã trở nên quen thuộc tại Việt Nam. Khảo sát mang tên Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức công bố tháng 11 năm 2012 do Ngân hàng thế giới và Thanh tra chính phủ thực hiện cho thấy 76% người dân phải trả tiền ngoài quy định hoặc quà biếu cho dịch vụ y tế là do tự nguyện so với 21% là do bị gợi ‎ý.
Nhiều người cho rằng tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh dùng tới phong bì, với mong muốn được điều trị sớm hơn hay được bác sĩ y tá đối xử tốt hơn.

image
Con số người sử dụng phong bì trong dịch vụ y tế tăng gấp đôi trong ba năm, theo số liệu từ nghiên cứu Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2010 của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế.
Tình trạng này khiến 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội phát động phong trào “Qui tắc ứng xử nâng cao Y đức” trong bệnh viện, mà một phần của nó là “Nói không với phong bì” trong ngành y tế.
Đồng thời một dự án mang tên "Nói không với phong bì trong dịch vụ y tế", cũng đã được tặng giải thưởng Chương trình Sáng kiến chống tham nhũng Việt Nam, VACI 2011, do Ngân hàng thế giới và Thanh tra chính phủ tổ chức.

Tuy nhiên việc đưa và nhận phong bì như thế này lại thường được giải thích là để cảm ơn y bác sĩ và được cho rằng đó là văn hóa của người Việt và với nhiều người dân tại Việt Nam phân biệt làn ranh giới giữa đâu là hối lộ và đâu là thể hiện sự biết ơn vẫn là một điều không dễ.

image
Và ngăn chặn tham nhũng là một việc không dễ "vì tham nhũng liên quan tới tiền bạc, con người và quyền lực và nó không phải là chuyện có thể làm trong một đêm" theo đánh giá của chuyên gia cao cấp về quản trị nhà nước của Ngân hàng thế giới, ông Soren Davidsen.
"Chúng tôi biết rằng quà cáp là một phần quan trọng của văn hóa. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng văn hóa không phải là bất biến mà nó rất năng động. Một vài nước ở Đông Á như Singapore, Nam Hàn và Nhật Bản cũng có văn hóa tham nhũng nhưng họ đã tìm ra cách rất có hiệu quả để ngăn chặn tham nhũng.
"Do vậy mặc dù thường có quan niệm văn hóa là một phần của tham nhũng nhưng chúng tôi cho rằng đó là cách nhìn không đúng và chúng ta có thể cùng với người dân, chính phủ và các doanh nghiệp thay đổi văn hóa đó," ông Davidsen nói.

image

Hà Mi

Người VN 'bi quan hơn về tham nhũng'

image
Cảnh sát là lĩnh vực bị xem là chịu tác động nhiều nhất bởi tham nhũng, trong khi người dân Việt Nam năm 2013 bi quan hơn về tham nhũng, theo một khảo sát mới.
Được công bố hôm 9/7, Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu của tổ chức Transparency International là khảo sát lớn nhất thế giới, tiến hành với 114,000 người ở 107 quốc gia.
Tại Việt Nam, khảo sát được nói là thực hiện với 1000 người ở 15 tỉnh thành cuối năm 2012.
Đa số người Việt được hỏi cho rằng tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, và hiệu quả chống tham nhũng của chính phủ giảm sút.
Chưa đầy một phần tư số người được hỏi cho rằng nỗ lực của chính phủ có hiệu quả.

Các đối tượng tham nhũng

image
Cảnh sát, y tế và dịch vụ đất đai là những lĩnh vực có mức độ tham nhũng cao nhất, trong khi truyền thông, các tổ chức tôn giáo và tổ chức phi chính phủ được cho là ít tham nhũng nhất.
37% người được hỏi nói ngành cảnh sát và quản lý đất đai là “cực kỳ tham nhũng”, cao nhất trong khảo sát.

image
Tiếp theo là dịch vụ y tế (26% người nói cực kỳ tham nhũng), cán bộ hành chính công (21%), tư pháp (19%), giáo dục (15%), doanh nghiệp (10%), đảng chính trị (8%), quân đội (8%), quốc hội (7%), truyền thông (5%), tổ chức phi chính phủ (5%), và tổ chức tôn giáo (3%).
Gần một phần ba số người được hỏi đã phải đưa hối lộ trong năm qua. Lý do phổ biến nhất của việc đưa hối lộ là để giải quyết công việc nhanh hơn, trong khi số người đưa hối lộ vì đó “là cách duy nhất để được phục vụ” cũng tăng lên

Khi được hỏi lần gần đây nhất bạn đưa hối lộ cho cảnh sát là lĩnh vực nào, 90% người nói đó là cảnh sát giao thông, 8% nói là công an hộ khẩu/phường, 1% công an kinh tế.

Bi quan

image
Trong 15 tỉnh được khảo sát, nhìn nhận tiêu cực nhất về tham nhũng thuộc về người dân Lạng Sơn (69%), Hà Nội (53%), Đà Nẵng (43%) và thành phố Hồ Chí Minh (35%).
36% số người được hỏi cho rằng Chính phủ hoàn toàn hoặc phần lớn bị “chi phối bởi một số nhóm lợi ích”.
Chưa đầy một phần tư số người được hỏi (24%) cho rằng những nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ là có hiệu quả.
Ngược lại, 38% cho rằng những nỗ lực đó không hiệu quả hoặc rất không hiệu quả. 39% nhận định những nỗ lực này không rõ hiệu quả hay không hiệu quả (bình thường).
Ngoài ra, khi so sánh với các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á, nhận thức của người dân Việt Nam cũng có vẻ trở nên bi quan hơn theo thời gian.

Trong vùng, năm 2010, người dân Việt Nam có một cái nhìn khá tích cực về những nỗ lực của Chính phủ, chỉ đứng sau Campuchia về tỉ lệ phần trăm những người cho rằng những nỗ lực đó là có hiệu quả. Năm 2013, Việt Nam lại là nước có tỷ lệ người dân được hỏi đánh giá những nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ có hiệu quả hoặc rất hiệu quả gần thấp nhất (24%), chỉ trên Indonesia (16%).
Ở các nước khác, tỷ lệ này đều cao hơn như Campuchia (57%), Malaysia (31%), Philippines (41%) và Thái Lan (25%).
60% số người được hỏi ở Việt Nam tin rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Cư dân nông thôn có quan điểm tích cực nhất với 65% số người được hỏi đồng ý hoặc rất đồng ý rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt so với chỉ 47% ở cư dân đô thị.
Tuy nhiên, khi so sánh những con số này với các nước được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á, những người được hỏi ở Việt Nam lại là những người bi quan nhất về khả năng có thể tạo ra thay đổi của mình.

image
Tính trung bình, 76% số người được hỏi ở Đông Nam Á tin rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt, trong đó người dân Malaysia là những người lạc quan nhất (87% tin rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt).
Ngay ở Thái Lan, nơi đứng thứ 2 về số người có nhìn nhận bi quan, cũng có tới 71% số người được hỏi tin rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt.
Transparency International so sánh kết quả khảo sát tại 5 thành phố Việt Nam 2010 và 2013 thì thấy rằng năm 2013 số người tán thành ít hơn hẳn khi được hỏi liệu người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Sự bi quan ngày càng tăng (về việc người dân bình thường không thể tạo ra sự khác biệt trong phòng, chống tham nhũng) cũng có nghĩa là ý thức tự nguyện của người dân về việc trực tiếp tham gia đấu tranh chống tham nhũng cũng hạn chế.
Trong khi 60% số người được hỏi sẵn sàng ký vào một bản kiến nghị yêu cầu Chính phủ phải nỗ lực nhiều hơn để phòng, chống tham nhũng, thì chỉ chưa đầy một nửa cho biết sẵn sàng tham gia vào bất kỳ hoạt động phòng, chống tham nhũng nào khác.

Không sẵn sàng

image
Bệnh viện Việt Nam: y tế bị than phiền về tham nhũng nhiều nhất
Tỷ lệ người Việt Nam được hỏi sẵn sàng tham gia đấu tranh chống tham nhũng dưới mọi hình thức hành động đều thấp hơn mức trung bình của các nước Đông Nam Á. Trong mỗi trường hợp, ý thức tự nguyện của người dân Việt Nam tham gia vào các hành động chống tham nhũng đều đứng thấp nhất hoặc gần thấp nhất (sau Indonesia).

Về lý do tại sao người dân Việt Nam miễn cưỡng tố cáo tham nhũng, hơn một nửa số người được hỏi cho biết đó là vì việc tố cáo của họ “chẳng thay đổi được gì”.
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, số người Việt Nam coi đây là lý do chính để không tố cáo tham nhũng cao hơn khá nhiều so với bất kỳ nước nào khác.
Lý do phổ biến thứ hai mà những người Việt Nam được hỏi đưa ra là họ “sợ gánh chịu hậu quả”.
Theo khảo sát, người dân Việt Nam “có thể và cần phải tham gia tích cực hơn vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng”.

Các tác giả ghi nhận trong khu vực, người Việt Nam ít có khả năng từ chối nhất khi bị đòi hỏi phải đưa hối lộ.

image
Tuy nhiên, khảo sát nói, thực tế là hơn ba phần tư số người từng từ chối đưa hối lộ không phải chịu hậu quả bất lợi gì hoặc có gặp phải một số vấn đề nhưng vẫn có thể được phục vụ.
Vì vậy, họ khuyến nghị người dân Việt Nam có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng bằng cách kiên quyết chấm dứt đưa và từ chối đưa hối lộ.


image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.