Tuesday, July 9, 2013

40 năm cuộc tình Mỹ - Việt

image
Ông Miller và bà Như đã có 40 năm chung sống
Tháng này 40 năm trước, một chàng trai Mỹ kết hôn cùng một cô gái Việt. Bốn mươi năm sau, họ được báo New York Times chọn đăng trong mục 'Making it last' - 'Giữ sao cho bền' dành cho những cặp vợ chồng đã có từ 25 năm chung sống trở lên. Nguyễn Hùng của BBC đã trao đổi điện thư với cặp đôi Tom Miller và Trần Tương Như và có bài viết sau trong đó sử dụng một số thông tin từ bài trên báo New York Times. Hình ảnh trong bài do ông Miller cung cấp.

Ngày 3/7 năm 1973, cô dâu Trần Tương Như 'lên xe hoa' cùng chú rể Tom Miller. Thực tế là họ đã có đám cưới đơn giản tại nhà một người bạn trên đoạn phố 110 cắt Broadway.
"Chúng tôi không mời ai cả, và khi chúng tôi tới nơi [nhà người bạn], cha cố nói rằng chúng tôi cần thêm một nhân chứng nữa," bà Như kể lại
"Tôi gọi một người bạn và hỏi xem cô có bỏ ra 20 phút không và cô nói có, nhưng chỉ 20 phút thôi vì cô đang giặt đồ và không muốn quần áo đang để trong máy sấy khô bị trộm mất."
Ông Miller nói hai người gặp nhau chớp nhoáng lần đầu tiên hồi năm 1970 khi bà Như xin vào làm việc tại bệnh viện phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em mà ông và bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình có tiếng Arthur Barsky lập ra.
Ông Miller nói đó là công việc đòi hỏi người được tuyển phải tới những nơi chiến sự hay bị đánh bom để gom trẻ em mang về bệnh viện và không phù hợp với bà Như, người sống hầu hết thời thơ ấu ở nước ngoài.
Bà Như đã theo mẹ ra nước ngoài từ khi mới năm tuổi và học nội trú ở Pháp, Anh và Hoa Kỳ trong khi mẹ của bà theo học ở Oxford và sau đó là Columbia.
Cha bà qua đời khi bà còn trong bụng mẹ. Bà Như nói mối tình của cha mẹ giống chuyện tình Romeo và Juliet vì "họ yêu nhau say đắm nhưng hai gia đình là kẻ thủ không đội trời chung" ở cố đô Huế.
"Đây có thể coi là cuộc chiến Việt Nam thu nhỏ," bà Như nói.
Gia đình cha bà thuộc dòng dõi quý tộc và ông nội là một thượng thư của Vua Bảo Đại.
Trong khi đó cả 12 anh chị em của mẹ bà đều theo Việt Minh. Gia đình đã từ người con gái mà họ coi là "phản bội" gia đình vì làm dâu gia đình phong kiến.
Bà Như nói một trong những người em của mẹ bà đáng ra đã cưới bà Nguyễn Thị Bình nhưng do hoàn cảnh nên không thể về với nhau.
Trong khi đó đám cưới của chính bà và ông Miller diễn ra chỉ vài tháng sau khi hai người gặp nhau.
"Mẹ tôi đoán rằng tôi sẽ kết hôn trong năm 1973.
"Tôi nói với mẹ rằng ngay cả tôi gặp đúng người thì tôi cũng sẽ không cưới để chứng minh rằng bà sai.
"Đúng hôm đó Tom rung chuông và báo rằng tôi được tuyển vào làm việc cho Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc."
Đó cũng là lần đầu tiên ông Tom, khi đó đang là chuyên gia tư vấn của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, gặp lại bà Như kể từ lần đầu gặp mặt hồi năm 1970.
"Có rất nhiều phụ nữ xinh đẹp.
"Điều hấp dẫn tôi ở Như là sự độc lập và thông minh.
"Cô bất cần, sắc sảo và hấp dẫn. Nhưng vẻ đẹp của cô cũng hấp dẫn."
Còn bà Như nói: "Người ta biết làm gì nếu có thanh niên lạ mặt đẹp trai tới gõ cửa? Anh ấy vừa đẹp trai, vừa dễ mến nhưng đúng thời điểm là điều quan trọng nhất.
"Mọi chuyện xảy ra và ta chẳng có cách nào dừng lại được.
"Thế là tất cả những gì tôi nói với mẹ về chuyện không kết hôn bị ném qua cửa sổ.
"Một tháng sau đó chúng tôi đã cưới và phải công nhận là mẹ chưa bao giờ nói với tôi rằng 'mẹ đã bảo mà."

Không 'khoe' quan hệ

image
Ông Miller và bà Như cưới nhau chỉ sau một tháng làm quen
Bà Như nói mẹ bà là người phụ nữ mạnh mẽ và hồi đầu những năm 1950 đã quyết định mang bà, khi đó mới bốn tuổi, sang Châu Âu để được học Oxford, trường mà gia sư của bà, Dom Romain, nói là 'tốt nhất thế giới'.
Lúc đầu bà Như được mẹ gửi cho học nội trú ở trường Couvent des Oiseaux tại Pháp và sau đó chuyển sang Anh học tại St. Leonard's on Sea.
"Đó là những năm đầy niềm vui," bà Như nói.
Bà cũng kể mẹ bà, Lê Thị Bạch Lan, có thể là người Việt Nam đầu tiên tới học Oxford.
Bà Như nói mẹ bà đã trả lời phỏng vấn BBC từ khi Đài mới thành lập hồi những năm 1952-1953 và bà thường đi nghỉ cùng đại gia đình BBC với các phát thanh viên trong đó có Trần Văn Minh.
Khi mẹ sang New York học trường Columbia, cô con gái, khi đó 10 tuổi, vào học trường Dalton.
Ông Miller nói gia đình bà Như không giàu có nhưng họ có những người bạn tốt giúp đỡ và nhờ vậy mẹ bà và bà có thể theo đuổi việc học hành.
Bản thân bà Như trở lại Việt Nam hồi năm 1972 sau khi tốt nghiệp Berkeley và làm cho đài truyền hình NBC, dạy tiếng Anh và nhân viên xã hội cho tới khi cưới ông Miller hồi năm 1973.
"Một thiếu nữ tử tế Việt Nam đi với người nước ngoài khi đó là tối kỵ.
"Dù tôi lớn lên ở nước ngoài, tôi vẫn ý thức được sự thành kiến đó.
"Để tránh làm phật lòng người Việt Nam, chúng tôi hiếm khi đi tới những nơi công cộng cùng nhau.
"Chúng tôi đi taxi riêng tới mọi nơi và không bao giờ khoe khoang quan hệ của mình.
"Gia đình tôi và mọi người khi đó đều đau khổ khi thấy phụ nữ cưới người nước ngoài."
Ông Miller nói khi ông có dịp gặp gỡ và có những chuyến đi cùng bà Như, ông thấy được sự thông minh, độc lập, thông hiểu chính trị và cùng chia sẻ lo ngại về chiến tranh của bà.
Ông nói khi cầu hôn bà ở Phan Rang, nơi bà đang tìm hiểu văn hóa Chàm trong quá trình học cao học, bà Như nói "Nhưng mình đã biết gì mấy về nhau đâu."
"Tôi nói 'Anh không nghĩ ra cách gì để tìm hiểu nhau tốt hơn là cưới."

Về lại Hoa Kỳ

image
Ảnh gia đình Như - Miller mới chụp gần đây tại tư gia ở Berkeley, California. Đứng (từ trái sang) Toby, Nathalie, Teddy. Nằm (từ trái sang) Gabby, bà Như với cháu đầu Xavi và ông Miller
Sau đám cưới đơn giản ở New York, ông Miller có được việc làm ở California và hai ông bà quyết định tới đó sống cùng người anh trai cùng vợ và ba con của họ.
Ông Miller cũng thuyết phục bố mẹ bán nhà ở Chicago để mua nhà mới ở California đủ rộng cho cả đại gia đình.
Sang năm 1974, năm ông Miller được giải thưởng của American Jaycees cho các hoạt động nhân đạo ở Việt Nam, nhà Như - Miller nhận một bé trai từ Việt Nam làm con nuôi và sinh con thứ hai vào năm 1979, năm bà Như nói cả mẹ và bố dượng của bà đã qua đời.
"Hai em gái đang tuổi thiếu niên cần có nơi nương tựa và tới sống cùng chúng tôi," bà Như nói.
"Mẹ anh Tom nói bà sẽ không dành những năm tuổi già để trông trẻ nhưng bà giúp đỡ nhiều."
Ông Miller cũng nói bố mẹ ông đã không quản ngại trong việc giúp việc nhà và khi vợ chồng anh trai ông chia tay, ba cô con gái vẫn ở trong ngôi nhà chung để học hết trung học.
Và đại gia đình ngày càng lớn thêm.
"Sau chiến tranh, gia đình chú tôi - cả thảy 15 người - bắt đầu tới Bay Area (California) và chúng tôi còn bảo trợ cho rất nhiều người khác sang và giúp họ tái định cư," bà Như nói.
Khi được hỏi bà làm sao cáng đáng đươc bốn người con của gia đình, cộng thêm ba con gái của anh rể và hai em nhỏ của chính mình, bà Như nói:
"Chúng tôi luôn đồng ý với nhau về cách nuôi dạy trẻ, nhưng tôi kiên quyết hơn.
"Cuối cùng tôi thấy tiếc là không có thêm con, vì [nuôi dạy và chơi với chúng] rất vui.
"Chúng rất thú vị và biết mua vui cho nhau, bảo vệ nhau và đều rất công bằng.
"Chúng luôn muốn mọi thứ phải bình đẳng."

Liên quan đầu tiên

image
Ông Miller nói ông đã chứng kiến cảnh cây cối chết rụi khắp nơi vì chất da cam mà Hoa Kỳ rải xuống
Cả hai ông bà đều tiếp tục làm việc khi đã có hai con đầu tiên cho tới khi ông Miller nói bà Như chứng kiến cảnh cậu con thứ hai, lúc đó bốn tuổi, ngồi bên cửa sổ ngóng mẹ về.
Sau này, khi các con đã lớn, bà Như đi làm trở lại và từng làm thư ký báo chí cho ông Jerry Brown khi ông là thị trưởng Oakland (hiện ông là Thống đốc California).
Ông Miller trở lại hành nghề luật sư, chính nghề đã khiến ông có những liên quan đầu tiên tới Việt Nam.
"Liên hệ của tôi với Việt Nam bắt đầu khi tôi còn học luật ở Stanford và thực tập tại văn phòng chuyên gia tư vấn luật của Bộ Ngoại giao.
"Chúng tôi được đề nghị viết công văn cho Quốc hội giải thích khía cạnh luật quốc tế khi có cáo buộc tàu của Bắc Việt Nam tấn công tàu Hoa Kỳ ở hải phận quốc tế.
"Giải thích luật này đã trở thành cơ sở cho sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ.
"Dĩ nhiên là sau này chúng tôi mới biết mình không được cung cấp những dữ liệu chính xác và đó là sự cố được Nhà Trắng phịa ra nhắm lấy cớ thuyết phục Quốc hội ủng hộ cuộc chiến.
"Tôi luôn cảm thấy rất khổ sở về chuyện này."
Ông Miller nói ông có những chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam để giúp giảm nhẹ nỗi đau chiến tranh sau khi đọc về những thương vong trong chiến trận từ phía thường dân mà chính quyền thường tìm cách ém đi.
Sau khi tìm gặp bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình có tiếng Arthur Barsky, người chủ trì dự án chữa trị cho những thiếu nữ Hiroshima bị bỏng do bom hạt nhân, ông Miller đã bỏ nghề luật và sang Việt Nam cùng vị bác sỹ.
So sánh Sài Gòn của năm 1973 và 40 năm sau, ông Miller nói:
"Sài Gòn hồi năm 1973 là căn cứ cho các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và điều này được phản ánh ở nhiều phương diện.
"Thay đổi lớn nhất tôi nhận thấy khi trở lại Việt Nam sau chiến tranh là sự bình yên ở nông thôn.
"Khi bay qua vùng nông thôn trong thời chiến, tôi đã thấy cảnh cây cối chết rụi ngút tầm mắt do chất da cam mà Hoa Kỳ trải xuống và cũng không có vùng an toàn bên ngoài các thành phố lớn - rất giống với Afghanistan ngày nay.
"Được trải nghiệm hòa bình thực sự là cảm giác tuyệt vời bất chấp các vấn đề đang tồn tại."

'Trải nghiệm hòa bình'

Ông Miller nói gia đình bên nội và bên ngoại của bà Như không có liên hệ gì với nhau trong hơn 40 năm cho tới khi ông gặp được người chú bên ngoại của bà Như hồi năm 1986 trong chuyến đi tới Hà Nội.
Khi đó ông được bộ trưởng y tế mời sang để phát triển chương trình trao đổi bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình giữa hai nước.
Khoảng một năm sau, bà Như, vốn đang là cây viết của báo San Jose Mercury News, tới Hà Nội và gặp gia đình bên ngoại lần đầu tiên.
"Đó là sự đoàn tụ tuyệt vời cho tất cả chúng tôi và kể từ đó tới nay các con của chúng tôi và chúng tôi đã nhiều lần gặp họ hàng ở Hà Nội," ông Miller nói.
"Dĩ nhiên cả hai bên gia đình đều chịu đau khổ vì cuộc chiến và sau khi chiến tranh kết thúc, một số người trong gia đình bên nội [của bà Như] bị đưa đi cải tạo.
"Cuộc sống ở Việt Nam sau các cuộc chiến chống Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Campuchia rất khó khăn.
"Mẹ bà Như cũng qua đời trong chiến tranh hồi năm 1973 và tôi và bà lãnh trách nhiệm nuôi nấng hai em gái cùng mẹ khác cha của vợ tôi."

Cùng nhau hợp tác

image
Ông Miller cũng đang có dự án khuyến khích các dự án xây dựng xanh và du lịch bền vững ở Việt Nam
Khi được hỏi điều gì đã khiến hai ông bà đến với nhau và sống bên nhau trong 40 năm qua, ông Miller nói:
"Điều gắn kết chúng tôi là lo ngại chung về tác hại của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở những nơi khác nữa.
"Chúng tôi đã có những hành động độc lập về chuyện này cũng như cùng hợp tác với nhau trong những dự án." Không hề có sự buồn chán. Chúng tôi thích thú bên nhau và không e ngại gì cả.
Hai ông bà đã tham gia giúp các trẻ em "mồ côi" Việt Nam trong 'Chiến dịch Không vận Trẻ mồ côi' của Hoa Kỳ hồi năm 1975.
Sau khi phát hiện ra nhiều trẻ trong số này không phải mồ côi mà có gia đình ở Việt Nam, ông Miller đã kiện Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger, người thông qua chiến dịch.
Tuy nhiên vụ kiện đã không thành và hai ông bà tiếp tục trợ giúp cá nhân cho các gia đình Việt Nam và các trẻ em ở Hoa Kỳ được đoàn tụ.
Hai ông bà cũng trợ giúp trong việc làm phim về một trong số các trẻ em và bộ phim 'Daugher From Da Nang' - 'Con gái Đà Nẵng' đoạt giải phim tài liệu tại Liên hoan Phim Sundance và được đề cử giải Oscar.
Gần đây hai ông bà cũng giúp Al Jazeera làm một phim tương tự về một phóng viên của Al Jazeera, cô Cath Turner, vốn cũng là một trong các trẻ thuộc 'Chiến dịch Không vận Trẻ mồ côi'.
Ông bà Miller nói họ đã trở lại Việt Nam sống trong bốn năm hồi năm 2004 để không phải sống tại Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống George W. Bush.
Các con của hai ông bà cũng có dịp tới Hà Nội trong các dự án khác nhau trong thời gian này và học tiếng Việt.
"40 năm qua đi trong nháy mắt.
"Chúng tôi luôn bận bịu. Có nhiều cuộc khủng hoảng để giải quyết và thế là 40 năm đã qua.
Trong bài phỏng vấn trên New York Times, bà Như nói thêm:
"Chúng tôi hiếm khi bất đồng. Ông ấy là người luôn tránh đụng độ.
"Người ta chẳng thể lý sự với những người không đôi co.
"Điều đó cũng dạy tôi phải tự kiềm chế; trên thế giới đã có quá nhiều đau khổ rồi và mình không nên nối dài nó về gia đình mình nữa.
"Đôi khi ông ấy hay đọc báo to và làm tôi khó chịu nhưng sau 40 năm tôi cũng quen rồi."
Còn ông Miller nói: "Ngày nào cũng thú vị cả. Thật thú vị khi cùng nhau làm các dự án. Chúng tôi đoàn kết chống lại chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng cùng chia sẻ mọi thứ: những đứa con tuyệt vời và những đứa cháu xinh đẹp.
"Không hề có sự buồn chán. Chúng tôi thích thú bên nhau và không e ngại gì cả," ông nói.


 image



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.